TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH

TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH


HỌ ĐẠO CÁI QUAO KÍNH CHÚC QUÝ CHA, QUÝ TU SĨ NAM NỮ VÀ ANH CHỊ EM GIÁO DÂN ...MỘT MÙA GIÁNG SINH TRÀN ĐẦY TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA CHÚA!

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

LƯỠI LỬA VÀ ...LỬA LƯỠI

“Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi  họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một” (Cv2,1-3). Lưỡi lửa chính là hình ảnh để diễn tả Chúa Thánh Thần. Trong Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam, một trong những chủ đề Giáo Hội mời gọi con cái mình tìm hiểu và sống là Giáo Hội Hiệp Thông. Năm Thánh đã kết thúc, nhưng tinh thần Năm Thánh vẫn còn, cụ thể là Giáo Phận Cần Thơ đã đề ra chương trình 3 năm thăng tiến Giáo Phận dựa vào 3 chủ đề Giáo Hội Mầu Nhiệm-Hiệp Thông-Sứ Vụ. Một trong những chủ đề tôi quan tâm là sự Hiệp Thông. Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự Hiệp Thông là ngôn ngữ, lời nói của con người với nhau. Mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống với hình lưỡi lửa, tôi liên tưởng đến những cái lưỡi có lửa.


Thánh Phaolô đã viết: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết, người thì được Thần Khí ban cho lòng tin, kẻ thì được ơn nói tiên tri, kẻ thì được ơn nói tiếng lạ…” (1Cr12,4-10). Vì vậy ơn ngôn ngữ cũng là một trong những đặc sủng của Chúa Thánh Thần. Những người được “lưỡi lửa” để có thể nói theo tác động của Chúa Thánh Thần là những người sống theo Thần Khí. Ngược lại có những kẻ dùng miệng lưỡi của mình để gây chia rẽ, để hãm hại người khác, để nói những điều gây ảnh hưởng đến người khác… là những người có “ lửa nơi lưỡi”. Lửa ở đây đã được hiểu theo một nghĩa tiêu cực, là đốt cháy người khác, là thiêu hủy sự hiệp thông.

Có người dùng miệng lưỡi của mình để chúc tụng, ngợi khen, tôn vinh Chúa,
Có  người nói những lời làm cho bầu khí được nhẹ nhàng, thoải mái,
Có  người nói những lời bênh vực cho công ly, sự thật,
Có  người nói những lời làm cho kẻ đang bị “tấn công” được giải thoát,
Có người nói những lời làm cho kẻ đau buồn được an ủi.
Nhưng…
Có người dùng miệng lưỡi cuẩ mình để phê bình, chê bai, chỉ trích Giáo Hội,
Có người nói những lời làm cho bầu khí thêm nặng nề, khó chịu,
Có người nói những lời nịnh bợ, không tôn trọng sự thật,
Có người nói những lời để tấn công kẻ yếu thế,
Có người nói những lời làm cho kẻ đau khổ càng đau khổ thêm.

“Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Đó là về phương diện nhân bản. Chúng ta không chỉ đơn thuần là những con người nhân bản, mà còn là, và nhất là những con người tâm linh, những con người sống theo Thần Khí: “Nếu chúng ta sống theo Thần Khí thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” (Gl5,25), mà một trong những hoa trái của Thần Khí là “nhân hậu, từ tâm” (Gl5,22). Vì vậy, lưỡi của chúng ta không nên thốt lên những lời “ra lửa”, nhưng hãy nói những lời đem đến làn gió mát.

Nói như vậy không phải chúng ta giấu giếm hay làm ngơ trước sự dữ, nhưng sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần sẽ dạy chúng ta biết cách làm sao để vừa có thể xây dựng cho anh chị em mình, vừa không làm ảnh hưởng đến họ. Thực ra có những sự thật đâu cần thiết phải nói, nhưng có người vẫn nói và thêu dệt thêm cho có phần lâm li bi đát; có người vẫn nói để cho người khác thấy mình chịu nhiều đau khổ vì con người đó; có người vẫn nói để tìm được sự an ủi nơi người đời. Có những chuyện nếu làm thinh chịu đựng sẽ làm cho con người chúng ta thêm mạnh mẽ, sẽ làm cho người làm hại mình phải nể phục vì sự quảng đại của chúng ta. Và đó là sự kiên tâm trong Thánh Thần.

“Trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc mọi điều toàn thiện”(Cl3,14). Thánh Giacôbê có một nhận xét thật là chí ly: “Ai cho mình đạo đức mà không kiềm chế miệng lưỡi, là tự dối lòng mình” (Gc1,26). Kiềm chế miệng lưỡi để đem đến bầu khí hòa nhã, vui tươi. Kiềm chế miệng lưỡi để đem đến cuộc sống chan hòa hạnh phúc. Kiềm chế miệng lưỡi để tạo cơ hội cho những người lỡ lầm có cơ hội phục thiện. Và kiềm chế miệng lưỡi để đem đến sự hiệp thông. Nếu chúng ta biết sống theo Thần Khí, thì “lưỡi lửa” sẽ làm cho “lưỡi chúng ta bớt lửa” để tạo nên một vũ trụ hiệp nhất yêu thương trong Thánh Thần.
Jos. Thiện Duy