TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH

TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH


HỌ ĐẠO CÁI QUAO KÍNH CHÚC QUÝ CHA, QUÝ TU SĨ NAM NỮ VÀ ANH CHỊ EM GIÁO DÂN ...MỘT MÙA GIÁNG SINH TRÀN ĐẦY TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA CHÚA!

Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Chương Trình Tang lễ Đức Cha Giacôbê


THÔNG BÁO
V/v: Chương Trình Tang lễ Đức Cha Giacôbê
Văn phòng TGM Vĩnh Long xin thông báo đến Qúy Cha, Quý Bề Trên các Dòng Tu và anh chị em giáo dân trong Giáo Phận Vĩnh Long:

1. Nghi thức Tẩn liệm : lúc 16g30, ngày 31/01/2013.
2. Thánh lễ An Táng : lúc 10g, ngày 04/02/2013.
3. Các giờ Thánh lễ trong những ngày quàn tại Nhà Thờ Chánh Toà:
Sáng : 5g30.
Trưa : 10g.
Chiều : 14g và 17g30.
Tối : 20g30.
Các Đoàn từ các Hạt xin đăng ký trước cho Ban Tổ chức: ĐT: 0703.824186
4. Phân chia ngày kính viếng Đức Cha Giacôbê, theo Hạt trong Tỉnh;
- Thứ năm : Họ Chánh Toà và các họ Vùng Vĩnh Long.
- Thứ Sáu : Các Hạt thuộc Tỉnh Bến tre.
- Thứ Bảy: Các Hạt thuộc Tỉnh Trà Vinh.
- Chúa Nhật : Các Hạt thuộc Tỉnh Vĩnh Long và Hạt Sađéc.
- Thứ Hai : Tất cả các Hạt trong Giáo Phận Vĩnh long.
5. Băng rôn treo tại các Nhà Thờ trong Giáo Phận Vĩnh Long:
“Thương nhớ và cầu nguyện cho
Đức Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu”.

6. Các Họ Đạo dâng Thánh lễ và Cầu lễ suốt Tuần Cửu nhật: 
kể từ ngày 31/01/2013 đến ngày 08/02/2013.





CÁO PHÓ của Tòa Giám Mục Vĩnh Long


    TOÀ GIÁM MỤC VĨNH LONG
             103 đường 3 tháng 2
            Vĩnh Long, Việt Nam
“Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25)
CÁO PHÓ
Tòa Giám Mục Vĩnh Long
 trân trọng báo tin:

ĐỨC CHA GIACÔBÊ NGUYỄN VĂN MẦU
Nguyên Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long
1914 - 2013

Khẩu Hiệu
Amor et Labor (yêu thương và lao khổ)



Sinh ngày 21 tháng 01 năm 1914 tại Bà Rịa vũng Tàu
Nhập chủng viện Thánh Giuse năm 12 tuổi (1926)
Thụ phong linh mục ngày 21 tháng 09 năm 1940
Sau khi thụ phong linh mục Ngài dấn thân vào việc mục vụ giáo xứ cùng khắp Giáo Phận Sàigòn, lúc đó bao trùm cả Đàlạt, Xuân lộc, Mỹ Tho và Vĩnh Long:

- Lương Hòa Thượng (1940),
- Bến Gỗ (1943),
- Cái Thia, Cái Sao, Cái Bèo, Mỹ Lợi (cho đến 1947),
- Côn Đảo (1948),
- Bảo Lộc (1949),
- Đơn Dương, Cầu Đất, Lạc Lâm, Bắc Hội (1950),
- Vũng Tàu (1953),
- Chợ Quán (1960). Trong thời gian đó, ngài còn làm bề trên nhà phước Chợ Quán và làm Giáo sư Đại Chủng viện.
 - Từ năm 1966, Cha làm Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Giuse cho đến ngày 12/9/1968, được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Giáo phận Vĩnh Long.
Ngài được tấn phong bởi Đức Khâm Sứ Angelo Palmas với hai vị phụ phong là Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình và Đức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện, tại Vương cung thánh đường Saigon.
Nhận Giáo Phận Vĩnh Long ngày 19 tháng 09 năm 1968
Ngày 03 tháng 07 năm 2001, Đức Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu được toà Thánh chấp thuận cho nghỉ hưu vào tuổi 87, sau 33 năm làm Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long. Ngài trao Giáo Phận lại  cho người kế vị là Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân.
Đã an nghỉ trong Chúa
lúc 03 giờ sáng, Thứ Năm, ngày 31 tháng 1 năm 2013.
Hưởng thọ 99 tuổi, với 73 năm Linh mục và 45 năm Giám mục.
-      Linh cửu Đức Cha Giacôbê được quàn tại Nhà thờ Chính Toà Vĩnh Long,
-    Nghi thức tẩn liệm vào lúc 16 giờ 30, Thứ Năm ngày 31.1.2013
- Thánh lễ An táng sẽ được cử hành vào lúc 10 giờ 00, sáng Thứ Hai 04.02.2013,
Ngài sẽ an nghỉ nơi phần mộ tại khuôn viên nhà thờ Chính Toà Vĩnh Long.
Xin hiệp ý cầu nguyện cho Linh hồn Đức Cha Giacôbê.
R.I.P

Lưu ý trong Giáo Phận Vĩnh Long:
Xin Quý Cha nhắc nhở giáo dân và dâng lễ 01 tuần cầu nguyện cho linh hồn Đức cha Giacôbê,
Mỗi Họ Đạo cầu lễ một tuần để cầu nguyện cho linh hồn Đức Cha Giacôbê
Xin quý Cha giúp in thông báo và cáo phó cho các Cha không có email. Cám ơn quý Cha.

Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

HÌNH ẢNH LỄ PHONG CHỨC PHÓ TẾ

Xin bà con xa gần cầu nguyện và cảm tạ hồng ân Thiên Chúa thương ban cho Giáo Phận.
















Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

Thánh Lễ Phong Chức Phó Tế Tại Nhà Thờ Chánh Tòa Vĩnh Long



5h30 sáng hôm nay (25. 01. 2013) nhân dịp lễ kính THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI tại nhà thờ Chánh Tòa Vĩnh Long, Đức cha Tôma Nguyễn Văn Tân, Giám mục Giáo Phận, đã chủ sự Thánh lễ phong chức phó tế cho 12 thầy Đại Chủng Sinh thuộc 3 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre.
Hiệp dâng Thánh lễ với Đức cha có cha Phêrô Huỳnh Văn Hai đặc trách Chủng Sinh Giáo Phận, Kiêm phó Giám Đốc ĐCV Cái Răng Cần Thơ, với gần 50 linh mục trong và ngoài giáo phận, quý tu sĩ nam nữ, quý thân nhân, ân nhân, bạn hữu và đông đảo cộng đoàn dân Chúa.
Trong lời chào đầu Lễ, Đức cha Tôma mời gọi cộng đoàn tạ ơn Chúa vì Ngài đã luôn thương ban cho Hội Thánh những anh em có lòng quảng đại đáp lại tiếng Chúa kêu gọi. Ngài cũng nhấn mạnh rằng Chúa kêu gọi và tuyển chọn không phải vì khả năng tự nhiên hay vì lòng đạo đức tự nhiên của con người nhưng là tiếng gọi phát xuất từ tình yêu hoàn toàn nhưng không của Ngài. Vì thế, Đức Cha mời gọi cộng đoàn phụng vụ, xin Thiên Chúa chúc lành thánh hóa và đổ đầy ân phúc cho các tiến chức.
Nghi thức truyền chức phó tế và linh mục được diễn ra sau phần công bố Tin Mừng. Nghi thức gồm 3 phần: Tuyển chọn, Phong chức và Diễn nghĩa.
Nghi thức tuyển chọn
Khởi đầu nghi thức là việc tuyển chọn các ứng viên lên chức Phó tế. Qua đó, chúng ta thấy việc tiến lên chức thánh không chỉ do thiện ý của từng cá nhân, nhưng trước hết do Chúa kêu gọi qua việc tuyển chọn của Giám mục. Kế đến, Cha Đặc Trách Chủng Sinh  xướng tên các ứng viên phó tế:
1. Thầy Phaolô Phan Thanh Duy (Họ đạo Cái Mơn - Bến Tre)
2. Thầy Carôlô Nguyễn Văn Đồng (Họ đạo Rạch Vồn - Trà Vinh)
3. Thầy Giuse Trần Tử Hiếu (Họ đạo Cái Nhum - Bến Tre)
4. Thầy Đamianô Lê Đình Khôi (Họ đạo Cái Nhum - Bến Tre)
5. Thầy Micae Bảo Long (Họ đạo Cái Mơn - Bến Tre)
6. Thầy Gioan Lasan Lê Vĩnh Lộc (Họ đạo Cù Lao Dài - Vĩnh Long)
7. Thầy Phaolô Phạm Thanh Sơn (Họ đạo Cái Nhum - Bến Tre)
8. Thầy Phêrô Nguyễn Minh Thái (Họ đạo Cầu Ngang Trà Vinh)
9. Thầy Philipphê Nguyễn Minh Thới (Họ đạo Nhơn Phú - Vĩnh Long)
10. Thầy Lôrensô Nguyễn Văn Thứ (Họ đạo Bãi Xan - Trà Vinh)
11.Thầy Giacôbê Nguyễn Quốc Vinh (Họ Đức Hòa - Vĩnh Long)
12. Thầy Micae Võ Thành Triệu (Họ Cái Đôi - Trà vinh)
Sau đó, cha Phêrô đặc trách Chủng Sinh đại diện thỉnh cầu Đức Giám Mục truyền chức phó tế cho các ứng viên đó. Đức Giám Mục sẽ thẩm vấn xem các ứng viên này có được coi là xứng đáng để lãnh chức phó tế hay không. Sau lời thẩm vấn, Đức Giám Mục đồng ý lời thỉnh cầu của cha đặc trách. Cộng đoàn phụng vụ hân hoan đáp lời "Tạ ơn Chúa" .
Thánh lễ phong chứ
Sau lời huấn dụ của Đức Giám Mục, các tiến chức phó tế tiến ra trước mặt của ngài để công khai nói lên quyết tâm của mình trước những nhiệm vụ sắp được trao phó. Sau đó, cả cộng đoàn cùng hát kinh cầu các Thánh để nài xin các thánh chuyển cầu cho các ứng viên chức thánh, trong sứ mạng sắp được trao phó.
Sau kinh cầu các Thánh, 12 ứng viên phó tế lần lượt tiến đến, quỳ trước mặt Đức Giám Mục. Ngài sẽ thinh lặng đặt tay trên từng ứng viên. Sau đó, ngài đọc lời nguyện phong chức để nài xin Thiên Chúa ban ơn Thánh Thần trên mỗi ứng viên, hầu giúp họ chu toàn sứ mạng mà Chúa trao phó qua Hội Thánh.
Nghi thức diễn nghĩa
Sau lời nguyện phong chức, các tân phó tế mang dây vai chéo và nhận sách Phúc âm từ tay Giám mục. "Việc mang dây vai chéo và nhận sách Phúc âm, điều này diễn tả vai trò phục vụ Lời Chúa và Bàn thánh của các tân Phó tế. Từ nay, các tân Phó tế sẽ thi hành thừa tác vụ trong Giáo hội dưới sự điều hành của Giám mục, trợ giúp hàng Linh mục và hết lòng phục vụ dân Chúa." Khi trao sách Phúc Âm, Đức Cha cũng dặn dò các tân chức phó tế: "Con hãy nhận lấy Phúc âm Đức Kitô mà con đã trở thành người rao giảng, và con hãy biết là phải tin điều con đọc, dạy điều con tin và thi hành điều con dạy."
Nghi thức phong chức phó tế kết thúc với việc Đức Giám Mục chủ phong trao hôn bình an.
Những chủng sinh tiến chức hôm nay là lớp K9 Đại Chủng Viện liên giáo phận Thánh Quí - Cái Răng , Cần Thơ. Sau khi lãnh nhận chức thánh Phó Tế, các thầy sẽ trở về các giáo xứ, tiếp tục việc phục vụ họ đạo cho đến qua Tết Nguyên Đán lại tiếp tục học ở ĐCV nửa năm cuối cùng để hoàn thành khóa học.
Sau thánh lễ các Tân Phó tế cùng với gia đình, thân nhân chia sẻ niềm vui trong bữa ăn thân mật tại nhà cơm họ đạo Chánh Tòa.
Thánh lễ phong chức đã xong, nhưng không thể quên được số rất đông các Phó tế trẻ đang hăm hở bước vào cách đồng truyền giáo của giáo phận. Tạ ơn Chúa đã cho giáo phận Vĩnh Long 12 phó tế trẻ và có đầy nhiệt huyết trên cánh đồng truyền giáo của Chúa. Các Tân phó tế của chúng ta sẽ là những linh mục trong Năm Đức Tin, và chúng ta có quyền hy vọng rồi đây trong các môi trường tông đồ khác nhau, các thầy sẽ là những chứng nhân của thời đại khi thi hành sứ vụ phục vụ của mình.

LỜI CẦU XIN ...



Lạy Chúa xin gửi con vào thôn xóm,
đem an hòa cho những ai bất thuận,
đem thanh bình cho kẻ sống âu lo,
đem ủi an cho người đang sầu khổ,
đem niềm vui cho những ai bất hạnh,
đem vận may cho người gặp rủi ro.

Lạy Chúa, xin cứ dùng con làm tất cả,
cho mọi người được hạnh phúc an vui,
còn phần con, xin gửi hết nơi Ngài,
là Thiên Chúa, là tình yêu, là lẻ sống.
Ngài cho con tất cả niềm hy vọng,
để tin yêu và vui sống trọn đời.

Thư Gửi Các Bà Mẹ Của Các Linh Mục ...


Thư Gửi Các Bà Mẹ Của Các Linh Mục, Chủng Sinh và Tất Cả Những Người Liên Hệ Trong Ơn Gọi Làm Mẹ Thiêng Liêng.




"Causa nostrae Letitiae - Đức Bà làm cho chúng con vui mừng"
Với lòng biết ơn sâu xa, Dân Kitô giáo đã luôn luôn tôn kính Đức Trinh Nữ Maria, chiêm ngắm Mẹ như nguyên lý mọi niềm vui đích thực của chúng ta.
Thật vậy, khi đón nhận Ngôi Lời Vĩnh Cửu trong lòng khiết trinh vô nhiễm, Đức Maria rất thánh đã sinh ra Đức Giêsu Kitô, Linh mục Thượng phẩm đời đời, Đấng Cứu độ duy nhất của thế giới. Trong Ngài, chính Thiên Chúa đã đến gặp gỡ con người, đã nâng họ lên từ thân phận tội lỗi và đã ban cho họ sự sống đời đời, nghĩa là sự sống của chính Ngài. Bởi đó, khi hiến mình vâng theo thánh ý của Thiên Chúa, Đức Maria đã tham dự một cách độc nhất vô song vào nhiệm cục cứu độ. Bằng cách đó, Đức Maria trở thành Mẹ Thiên Chúa, Cửa Thiên Đàng, và là Đấng làm cho chúng ta được vui mừng.
Trong ý nghĩa đó, toàn thể Giáo Hội chiêm ngưỡng các bà mẹ của các linh mục và chủng sinh với lòng cảm mến và biết ơn sâu xa. Được vinh dự lãnh nhận sứ vụ cao quý làm mẹ, họ đã khởi đầu cho tiến trình đào tạo ơn gọi. Vì thế với niềm vui tận đáy lòng, tôi thân ái ngỏ lời với họ.
Quả thật, những người con mà các bà đã sinh thành dưỡng dục, được chính Chúa Kitô tuyển chọn từ đời đời, để trở thành "những người bạn yêu dấu" của Ngài. Như vậy, những người con đó trở nên công cụ sống động, rất cần thiết cho sự Hiện Diện của Ngài giữa thế gian. Nhờ bí tích Truyền chức, đời sống của các linh mục được Chúa Giêsu chiếm hữu và được chìm sâu trong Ngài, để nhờ họ, chính Chúa Giêsu ngự đến và hoạt động giữa loài người.

Mầu nhiệm này thật lớn lao, khiến cho linh mục còn được gọi là "alter Christus" - "Chúa Kitô khác". Thật vậy, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, thân phận con người nghèo khó được nâng lên kết hiệp một cách mới mẻ và sâu xa hơn với Ngôi Vị của Chúa Giêsu, để giờ đây linh mục trở thành nơi gặp gỡ với Con Thiên Chúa nhập thể, chịu chết và sống lại vì chúng ta. Quả thế, khi linh mục giảng dạy đức tin của Hội Thánh là chính Chúa Kitô nói với dân của Ngài qua con người linh mục; khi linh mục cử hành các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, là chính Chúa Kitô nhờ thừa tác vụ linh mục mà hoạt động cứu chuộc nhân loại và biểu lộ sự hiện diện thực sự của Ngài giữa thế gian.
Thông thường, ơn gọi linh mục xuất phát từ gia đình, trong tình yêu của cha mẹ và trong môi trường giáo dục đức tin đầu tiên. Chính trong mảnh đất màu mỡ ấy, việc sẵn sàng đón nhận và vâng theo thánh ý Thiên Chúa mới có thể bén rễ và hút được dưỡng chất cần thiết. Đồng thời, mỗi ơn gọi đều thể hiện một nét đặc sắc không thể giảm thiểu, tiêu biểu cho đặc tính của mỗi gia đình nơi ơn gọi được nảy sinh, nó vượt khỏi mọi suy tính của loài người và luôn mời gọi tất cả phải canh tân.
Trong đặc tính mới mẻ này, Chúa Kitô hoạt động trong cuộc đời những người Ngài đã kêu gọi và tuyển chọn, tất cả mọi người trong gia đình - cả những người thân cận - đều có ảnh hưởng, nhưng cách đặc biệt hơn là sự góp phần bởi chính đời sống của người mẹ. Thực vậy, những sự an ủi thiêng liêng riêng biệt và không ai có thể làm được, chỉ có thể đến từ một người mẹ đã cưu mang trong lòng mình người con mà giờ đây trở thành thừa tác viên của Chúa Kitô. Quả thật, người mẹ không thể vui mừng hơn, khi nhìn thấy cuộc đời của con mình, không những được hoàn thiện, mà còn được đong đầy bằng tình thân ái thiêng liêng đặc biệt, bao hàm và biến đổi họ hướng về cuộc sống vĩnh cửu.
Nếu tư cách của người có ơn gọi và chức thánh thường phát sinh một "khoảng cách" không mong đợi, thì tôn trọng đời sống của người con, một cách huyền nhiệm vẫn là điều căn bản hơn những sự phân cách tự nhiên khác. Kinh nghiệm thực tế hơn hai ngàn năm của Hội Thánh dạy rằng người mẹ đón nhận người con linh mục trong cách thế hoàn toàn mới và bất ngờ, nhiều khi họ được mời gọi phải ý thức rằng hoa trái của lòng dạ mình, bởi thánh ý Thiên Chúa, là một "người cha" sinh thành và chăm sóc đời sống thiêng liêng của vô vàn vô số anh chị em mình. Mỗi người mẹ của linh mục là "con của con mình" một cách huyền nhiệm. Thế nhưng, trong tư cách làm mẹ mới này, bà lại có thể đồng hành với con mình trong lời cầu nguyện và sự hy sinh, tuy âm thầm nhưng rất hiệu quả và vô cùng quý giá, cho sứ vụ linh mục của người con.
Tư cách "làm cha" mà các linh mục đã dâng hiến để cho toàn thể Dân thánh của Chúa được chúc phúc, thì các chủng sinh cũng phải được chuẩn bị, cần phải cầu nguyện không ngừng và hiến tế chính bản thân mình. Bởi vì sự tự do chấp nhận thánh ý Thiên Chúa sẽ làm cho họ được đổi mới và mạnh sức, và cũng bởi vì các linh mục sẽ không bao giờ mệt mỏi trong cuộc chiến hàng ngày của đức tin và luôn hiệp thông cách trọn vẹn đời sống của chính mình với hiến tế của Chúa Giêsu.
Những hoạt động trợ giúp đích thực như thế luôn cần thiết trong sinh hoạt của Hội Thánh, và ngày nay dường như còn khẩn thiết hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh Tây phương bị tục hóa, đang chờ đợi và đòi hỏi một sự loan báo căn bản và mới mẻ về Chúa Kitô. Vì thế, các bà mẹ của các linh mục và chủng sinh đại diện cho một "đạo binh" đặc biệt, từ đất thấp họ dâng lên trời cao những lời cầu nguyện và của lễ hiến dâng, và còn đông số hơn là những người mẹ từ trời cao hằng chuyển cầu cho mọi ơn lành của Chúa tuôn đổ xuống trên cuộc đời của những vị mục tử thánh thiêng.
Vì lý do này, với cả con tim tôi ước muốn được khích lệ và ngỏ lời cám ơn cách đặc biệt tới tất cả các bà mẹ của các linh mục, chủng sinh và - cùng với họ - tất cả những người nữ thánh hiến và giáo dân, theo lời kêu mời tôi đã ngỏ trong Năm Linh Mục, đã nhận lãnh ơn làm mẹ thiêng liêng đối với những người được kêu gọi tới thừa tác vụ linh mục, bằng cách hiến dâng chính đời sống, lời cầu nguyện, sự hy sinh đau khổ, sự mệt mỏi bệnh tật, cũng như mọi niềm vui nỗi buồn vì sự trung tín và việc thánh hóa nơi các thừa tác viên của Chúa. Đang khi trở nên như thế, họ được tham dự vào tước hiệu đặc biệt trong tư cách làm mẹ của Hội Thánh với mẫu gương và được thành toàn trong chức vị là Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria rất thánh.
Cuối cùng, một tâm tình cảm tạ đặc biệt xin dâng lên trời cao, nơi những bà mẹ đã được gọi ra khỏi cuộc sống đời này, giờ đây họ đang chiêm ngắm cách tròn đầy vinh quang của Đức Kitô linh mục thượng phẩm đời đời, trong Ngài các con của họ được tham dự vào sứ vụ linh mục, và họ chuyển cầu cách huyền nhiệm cho các người con linh mục của họ bằng một cách thế duy nhất và vô cùng hữu hiệu.
Cùng với những tâm tình cầu chúc cho một Năm Mới tràn đầy ân sủng và bình an, với cả con tim, tôi ưu ái gửi tới tất cả và từng người mẹ phúc lành trìu mến nhất, nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ của các linh mục ban cho các bà được ơn dành cho những người luôn gắn kết triệt để vào Đức Mẹ, người môn đệ hoàn hảo và là Con của Con mình.
Hồng Y Mauro Piacenza,
Tổng Trưởng Bộ Giáo Sĩ

Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

NHỚ LỜI CHÚA CHÚ NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN


... VÀ XEM TRƯỚC CHÚA NHẬT THỨ 3 THƯỜNG NIÊN NHÉ!


Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

ALLÔ…CHÚA !!!


ALLÔ…CHÚA !!!

1.  Đừng bấm số cách vội vàng; một chút thinh lặng có thể rất hạnh phúc; nó cắt đứt với những ồn ào bên ngoài.

2.  Nói chuyện với Thiên Chúa không phải là một sự độc thoại; đừng có nói không ngưng nghỉ; hãy chịu khó lắng nghe Người đang nói ở đầu dây bên kia.  Điều đó rất quan trọng.

3.  Nếu cuộc đàm thoại bị đứt, hãy kiểm tra xem có phải chính bạn đã cúp máy hay không.

4.  Đừng tập thói quen chỉ gọi Chúa trong trường hợp khẩn cấp.

5.  Đừng có phôn cho Chúa chỉ trong những thời gian khuyến mãi.  Những cuộc gọi cho dù là ngắn ngủi, lúc ban ngày cũng rất quý báu.

6.  Hãy lưu ý, những cuộc gọi cho Chúa đều miễn phí!  Đừng bỏ lỡ.

7.  Hãy nhớ gọi lại cho Chúa khi Người để lại tin nhắn trong máy của bạn.

Ghi chú : Nếu tuân thủ bảy chỉ dẫn trên mà vẫn khó liên lạc với Thiên Chúa, đừng quên rằng Thiên Chúa có ba đường dây để liên lạc: Đường dây Chúa Cha, đường dây Chúa Con và đường dây Chúa Thánh Thần.  Đường dây sau cùng này thường không bị kẹt.  Nó rất chất lượng.

Nếu máy của bạn vẫn không hoạt động, hãy nối nó vào cục sạc của bí tích hoà giải; nó sẽ hoạt động trở lại cách nhanh chóng.  Những thiết bị này được bảo hành trọn đời.

Các Số Điện Thoại Khẩn Cấp
Những số này cần thiết hơn số: 911
1- Khi bạn xao xuyến, lo âu, gọi số… Ga 14
2- Khi bạn phạm tội, gọi số… Tv 51
3- Bạn gặp nguy hiểm, gọi số… Tv 91
4- Mọi người thất vọng, gọi số… Tv 27
5- Cảm thấy Chúa ở xa bạn, gọi số… Tv 139
6- Đức Tin bạn cần khuyến khích, gọi số… Dt 11
7- Khi bạn cô đơn và sợ sệt, gọi số… Tv 23
8- Khi bạn thiếu tin tưởng, gọi số… Mt 8,23-27
9- Khi bị xúc phạm và chỉ trích, gọi số… 1 Cr 13
10- Bị giao động về Đạo Chúa (Tín lý), gọi số… 2 Cr 5,15-18
11- Khi bạn cảm thấy bị ruồng bỏ, gọi số… Rm 8,31-39
12- Bạn đang đi tìm Bình an, gọi số… Mt 11,25-30
13- Cảm thấy thế giới này hơn Chúa, gọi số… Tv 90
14- Bạn cần Chúa Kitô như là Bảo hiểm, gọi số… Rm 8,1-30
15- Khi bạn đi nghỉ ngơi vài ngày, gọi số… Tv 121
16- Khi bạn cầu nguyện cho chính mình, gọi số… Tv 87
17- Khi cần sự can đảm cho bổn phận, gọi số… Giosuê 1
18- Khi bạn quyết từ bỏ để theo Chúa, gọi số… Mc 10,17-31
19- Khi bạn chán nản, thất vọng, gọi số… Tv 27
20- Khi tiền gởi ngân hàng bị hết, gọi số… Tv 37
21- Thấy mọi người không mến mình, gọi số… Ga 15
22- Bạn đang mất hy vọng, gọi số… Tv 126
23- Bạn thấy thế giới nhỏ bé đối với bạn, gọi số… Tv 19
24- Bạn muốn có hoa trái Thánh Thần, gọi số… Gl 5,18-24
25- Bạn muốn đổi mới theo hình ảnh Chúa, gọi số… Cl 3,9-10
26- Khi bị bệnh bạn cần cầu nguyện, gọi số… 2 V 20,1-6
27- Bạn muốn sống hoà hợp, gọi số… Rm 12,3-8
28- Khi vui hoặc buồn, gọi số… 1 Tx 5,16-18
29- Khi bị cám dỗ, gọi số… 1 Pr 5,8-9
30- Khi bị thiếu thốn về ăn mặc, gọi số… Mt 6,25-34
31- Khi không biết cầu nguyện, gọi số… Mt 6,5-6
32- Khi sự chết xảy đến, gọi số… Ga 11,23-26
33- Khi cha mẹ thiếu tác phong, gọi số… 1 Tm 3,3-4
34- Khi ham mê cuả cải, gọi số… Mt 19,21-24
35- Khi vợ chồng bất hoà, lủng củng… Cl 3,18-19
36- Khi lười biếng làm việc, gọi số… Cn 6,6-11
37- Khi muốn ly dị ly thân, gọi số… Mt 19,4-6
38- Khi nóng giận, gọi ngay số… Gc 1,19-20
39- Khi bị uy hiếp, hành hạ, goị số… Mt 10,26-28
40- Giữ điều răn thứ sáu, gọi số… Mt 5,27-30
41- Khi không tự chủ được, gọi số… Tt 2,2-3
42- Khi khó tha thứ cho nhau, gọi số… Mt 18,21-22

***

1* TẤT CẢ CÁC SỐ TRÊN CÓ THỂ GỌI TRỰC TIẾP, KHÔNG CẦN QUA TỔNG ĐÀI.
2* TẤT CẢ CÁC ĐƯƠNG DÂY LÊN THIÊN ĐÀNG ĐỀU PHỤC VỤ 24 GIỜ MỖI NGÀY ĐỂ NUÔI DƯỠNG LÒNG TIN CỦA BẠN!
Chúc bạn tìm được điều mình muốn qua Thánh Kinh.

Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

SUY NIỆM CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN

HẾT RƯỢU 



Chúng ta đừng để mình ... (Hết tình yêu thương, hết niềm tin, hết lòng mến...)


Ngày hôm nay, đứng trước một thực trạng lớn của đời sống xã hội và trong đó có nhiều gia đình Kitô giáo, chúng ta thấy rõ rằng có vấn đề. Có vấn đề vì lẽ con người đã đánh mất đi sự hiện diện của Chúa trong gia đình của mình, không mời Chúa vào dự tiệc cưới của gia đình mình và đặc biệt là không nghe theo lời của Chúa.

Chúa mới là chủ của gia đình, Chúa mới là nguồn mạch tình yêu của gia đình nhưng con người đã khước từ Thiên Chúa.

Nhìn vào thực trạng của Giáo Hội và Xã Hội ngày nay thì quá sức đau lòng. Mỗi ngày, trên các phương tiện truyền thông, ta nhìn thấy nhan nhản nhiều vụ án giết người, cướp của mà giết người cướp của hết sức dã man. Không thể tưởng được sự ác nơi con người ngày hôm nay. Có thể chỉ vài chục ngàn đồng bạc mà con người có thể loại trừ nhau.

Vì sao vậy ? Vì lẽ họ đã khước từ Thiên Chúa trong đời của mình, trong nhà của mình, trong cung lòng của mình.

Những người hành xử như thế là những người hành xử theo kiểu của những người hết rượu trong đời mình. Họ đã hết rượu tình yêu và men nồng của Chúa để rồi họ không còn một chút tình người với anh chị em đồng loại của mình.

Cuộc lữ hành đức tin của chúng ta như con sóng, có những lúc cao lúc thấp và rồi chúng ta nhiều lúc cũng thấy thiếu rượu đức tin và lòng mến trong lòng chúng ta. Khi thiếu đó, chúng ta thấy cần có sự hiện diện của Chúa trong ngôi nhà của chúng ta.

Trong những phạm nhân đó chắc có lẽ cũng có số người Công Giáo trong đó. Có nhiều gia đình, nhiều người đến than thân trách phận với tôi và tôi từ từ khợi lại hình ảnh ban đầu của gia đình họ để mời gọi họ nhận ra lỗ hổng tự ban đầu. Sau khi gợi chuyện thì những người làm cha làm mẹ đã thấy được cái lỗi của họ là đã không để Chúa làm chủ gia đình mình và không mời Chúa vào nhà của mình.

Hôm nay, với phép lạ và hồng phúc của gia đình nhỏ bé ở Cana, chúng ta, một lần nữa hãy bắt chước gia đình Cana tổ chức tiệc cưới hôm nay mời Chúa đến nhà chúng ta và đặc biệt hãy vâng theo Thánh ý Chúa trong cuộc đời của chúng ta.
Xin Chúa tiếp tục thực hiện phép lạ ...để chúng ta đừng bao giờ HẾT RƯỢU!

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

Hôn Phối ở Tú San 03.01.2013

Hình ảnh này do Việt (TS) chụp và đăng trên Facebook của Việt. Xin Share ...
Xin hiệp ý cầu nguyện cho gia đình mới trong Họ Đạo. Xin Chúa chúc phúc cho tình yêu của họ.

























CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN C



Tiệc cưới.

Có nhiều người cho rằng: niềm vui không thể đi đôi với niềm tin. Chỉ có ăn chay hãm mình mới là sống đạo. Chỉ khi nào chấp nhận những hy sinh gian khổ thì mới có công phúc. Còn vui tươi hớn hở không phải là thái độ trọng kính đối với Thiên Chúa. Quan niệm sai lầm này khiến họ sống đạo một cách khô khan, nhăn nhó và phục vụ Chúa với nét mặt sầu thảm.
Thế nhưng, qua đoạn Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy hoàn toàn khác hẳn. Dấu chỉ tiệc cưới Cana cho hay Thiên Chúa muốn chúng ta sống vui tươi, hồn nhiên và trong sáng, bởi VÌ cái tin mà Ngài đem đến không phải là tin buồn, tin sầu, nhưng là một tin vui, tin mừng. Và nếu chúng ta thực sự sống niềm tin ấy, thì khuôn mặt chúng ta sẽ rạng lên nét vui mừng. Đúng như một câu danh ngôn đã bảo:
- Un saint triste, triste saint. Một ông thánh buồn, là một ông thánh đáng buồn vậy.
Dấu chỉ tiệc cưới Cana dạy cho chúng ta biết rằng để gặp gỡ Đức Kitô chúng ta không cần phải là người thoát tục, trở nên như các thiên thần, nhưng chỉ cần hiểu rõ và trở thành loài người hơn, sống trọn vẹn ơn gọi làm người của chúng ta theo gương Chúa Giêsu nhập thể.
Và để có thể thực hiện ơn gọi làm người, thì cần phải tập và sống các nhân đức nhân bản mỗi ngày. Càng biết sống sâu đậm các nhân đức tự nhiên ấy, chúng ta càng trở nên giống Chúa Giêsu làm người.
Đó là nền tảng vững chắc đầu tiên của ơn gọi Kitô hữu, bởi vì nếu thiếu các nhân đức nhân bản này, người tín hữu sẽ mất quân bình, dễ trở thành cuồng tín và lệch lạc. Trước khi trở thành người Kitô hữu, thì chúng ta phải là người, theo đúng ý nghĩa của nó.
Ngoài ra dấu chỉ của tiệc cưới Cana còn cho chúng ta biết rằng của cải trần gian và các tiện nghi vật chất chúng không có gì là xấu xa và nguy hại. Chúng chỉ xấu xa và nguy hại khi làm cho chúng ta đánh mất chất người, biến chúng ta trở thành ích kỷ độc ác và bất công.
Thật ra chỉ có con người là đáng chê trách, chứ không phải là của cải. Chính vì thế, thánh Phaolô đã khuyên nhủ mọi người phải biết sử dụng đúng đắn tất cả những ơn sủng Thiên Chúa ban cho. Kẻ ít người nhiều, ai cũng nhận được một số ơn sủng tuỳ theo sự khôn ngoan quan phòng của Thiên Chúa. Cần phải tận dụng tất cả các ơn sủng đó, để làm vinh danh Chúa và mưu ích cho tha nhân. Chính các ơn sủng này làm thành sự phong phú của cộng đoàn dân Chúa.
Tóm lại ý thức được những ơn Chúa ban, chúng ta hãy biết tận dụng để phục vụ Thiên Chúa trong anh em, theo mẫu gương của Đức Kitô.

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Giáo Phận Vĩnh Long 75 Năm Hồng Ân Kỷ Niệm, 75 Năm Tình Chúa Và Tình Người


HÌNH NÀY TỪ TRANG BÌA TỜ LỊCH CỦA GIÁO PHẬN

LỜI DẪN ĐẦU THÁNH LỄ

Hôm nay, toàn thể cộng đồng dân Chúa Giáo phận Vĩnh Long thân yêu của chúng ta hân hoan mừng kỷ niệm 75 năm năm ngày thành lập: 08.01.1938 - 08.01.2012. Đây là một cơ hội thật tốt để chúng ta, những người con, nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của người mẹ đáng kính của mình. Nhắc về lịch sử không có nghĩa là nhắc về một thời vang bóng để tiếc thương, một lúc thử thách để tủi buồn, mà là để nhắc nhở nhau về những ơn lành mà Chúa đã rộng ban cho Giáo phận thân yêu của mình. Và đó cũng là dịp để các thế hệ mai sau tự hào và góp phần thăng tiến giáo phận.
Tính đến thời điểm nầy, năm 2012, Giáo phận Vĩnh Long chúng ta có tên trong danh sách 26 Giáo phận của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Giáo phận Vĩnh Long chính thức được thành lập vào năm 1938, nhưng trước đó Giáo phận bắt đầu được phôi thai vào thế kỷ thứ 17. Trải qua khoảng thời gian khá dài với sự đóng góp rất nhiều công đức của tiền nhân, Giáo phận Vĩnh Long đã dần thành hình.
Ngày 08/01/1938 , Tòa Thánh ban sắc chỉ tách các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre và phần đất nằm ở tả ngạn sông Hậu, tức một phần của tỉnh Đồng Tháp sau này để lập thành giáo phận Vĩnh Long. Tân Giáo phận từ nay tách rời từ Giáo phận Sài Gòn và được trao cho Giám mục Phêrô Martinô Ngô Đình Thục, là Giám Mục tiên khởi, hiệu tòa Saesina, với khẩu hiệu Miles Christi (Chiến sĩ Chúa Kitô). Khi thành lập, Giáo phận gồm 47 linh mục Việt, 3 thừa sai, 24 chủng sinh, 61 tiểu chủng sinh, 45.318 giáo hữu và 1.780 tân tòng. Giáo phận chia làm 7 hạt, 35 Họ chánh, 106 Họ nhánh.
Ngày 24 tháng 11 năm 1960 , với Sắc chỉ Venerabilium Nostrorum của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII về việc thiết lập phẩm trật Giáo Hội tại Việt Nam, Giáo phận Tông tòa Vĩnh Long được nâng lên hàng Giáo phận Chính tòa, Đức cha Antôn Nguyễn Văn Thiện được chỉ định làm Giám mục Chính tòa Vĩnh Long với Khẩu Hiệu Opere et Veritate (Thực Hành và Chân Lý).
Ngày 19 tháng 09 năm 1968, Đức Giám Mục Giacôbê Nguyễn Văn Mầu nhận Giáo Phận Vĩnh Long, với Khẩu Hiệu Amor et Labor (yêu thương và lao khổ). Đây là vị Giám thứ ba của Giáo Phận Vĩnh Long. Lúc này Giáo Phận có khoảng 50.0000 giáo dân
Ngày 15 tháng 08 năm 1975 , Đức Giám Mục Raphae Nguyễn Văn Diệp được tấn phong Giám mục phó Giáo Phận Vĩnh Long với quyền kế vị với Khẩu Hiệu Vigilate et Orate ( Hãy Tỉnh Thức và Cầu Nguyện).
Ngày 3/7/2001 , Tòa Thánh chấp thuận cho Đức cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu nghỉ hưu và trao quyền coi sóc giáo phận cho Đức cha Tôma Nguyễn Văn Tân với Khẩu HiệuAmbulate In Dilectione (Đi trong tình mến).
Với sự tiếp nối  của Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân, một người con của quê hương Vĩnh Long. Ngài mang theo sứ mệnh dìu dắt con thuyền giáo phận ra khơi sau thời gian ẩn mình đầy sóng gió, với một tinh thần đầy nhiệt huyết "đi trong tình mến". Ra đi trong tình mến để khơi lại những điều tốt đẹp đã ngủ vùi theo năm tháng, ra đi trong tình mến để nhắc bảo nhau sống đức tin theo gương anh hùng tử đạo, ra đi trong tình mến để đưa con thuyền giáo phận ra khơi lướt sóng, và đã thu được những kết quả đáng trân trọng : hiện nay, nhiều nhà thờ, nhà nguyện được trùng tu xây dựng. Giáo phận có được 197.414 tín hữu công giáo, 169 linh mục giáo phận, 24 linh mục thuộc các dòng tu khác nhau, hơn 500 nữ tu thuộc hai dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum và cái Mơn, và nhiều nữ tu thuộc các dòng ngoài địa phận, đang phục vụ trong giáo phận Vĩnh Long. Đặc biệt là đang có nhiều chủng sinh trong chủng viện, và nhiều tu sinh trong các hội dòng, hứa hẹn cho một tương lai ngời sáng của giáo phận.
Vĩnh Long có được như hôm nay, đúng là nhờ tình thương của Chúa. Tình thương ấy biểu hiện bằng những cách thế diệu kỳ của Người, và tình thương đó cũng được thể hiện qua chính những tấm lòng, những hành động của những con người bằng xương bằng thịt, mà điều dễ dàng nhận thấy nhất, đó là ở giai đoạn nào cũng vậy, dù bình yên hay bão tố, con thuyền giáo phận vẫn luôn có sự chung tay góp sức của mọi thành phần dân Chúa. Từ những vị mục tử hiền lành, với lòng nhiệt tình tông đồ đáng kính, tới những người dân nghèo nàn chân chất kiên cường, và với cả những người có lòng yêu mến Vĩnh Long. Chính tinh thần gắn kết nồng nàn ấy, đã đưa con thuyền Giáo phận Vĩnh Long vượt qua mọi sóng gió và cập bến bình an.
Hôm nay, nhìn lại một chặng đường lịch sử đã qua, 75 năm tuổi đời là 75 năm tình Chúa dẫn đưa, là 75 năm tình người chan chứa.
Toàn thể gia đình Giáo phận Vĩnh Long xin dâng lời cảm tạ muôn ơn lành Chúa đã ban cho giáo phận
Xin tri ân người người đã và đang yêu mến chúng con.
Xin kính dâng lòng biết ơn sâu đậm đến với hai thánh Philipphê Minh, Giuse Trùm Lựu và các vị tử đạo trên mảnh đất Vĩnh Long thân yêu này.
Xin ghi nhớ công ơn các Tiền Nhân đã bất chấp gian khổ, tận tuỵ yêu mến phục vụ Giáo phận thân thương này qua các thời kỳ.
Xin khắc ghi những tấm lòng đang trăn trở vì sự vững bền và phát triển cho con thuyền giáo phận Vĩnh Long.
Và xin cảm ơn tất cả các giáo phận anh em, những người bạn chí thân chí tình của gia đình chúng tôi trong suốt 75 năm qua.
Kính thưa cộng đoàn !
Hôm nay chúng ta hoàn toàn có lý do để lập lại cách trang trọng lời hiệu triệu của Thánh tông đồ Phaolô : " Anh em hãy vui lên ! tôi xin lập lại rằng : Hãy vui lên !"
Hãy vui lên vì những ơn lành Chúa đã ban cho gia đình giáo phận chúng ta. Và chúng ta cũng có quyền tin rằng : với tất cả những gì chúng ta cố gắng trong năm Đức Tin này, cũng như trong cuộc hành trình cho ngày mai tươi sáng, Thiên Chúa nhân lành cũng sẽ tiếp tục ban ơn cho chúng ta.
Giờ đây, trong tâm tình biết ơn và tin tưởng, chúng ta, mỗi người con trong giáo phận, hãy cất lên lời tán tụng hồng ân Thiên Chúa, chào đón và tiến bước cùng với con thuyền Giáo Phận vĩnh Long trên hành trình tiến về ngày mai tươi sáng.