Cát bụi…
Trong nghi thức xức tro, chủ
tế đọc lời nguyện, có đoạn: “Xin dủ
thương nghe lời chúng con cầu nguyện và thánh hóa nắm tro mà chúng con sẽ xức
lên đầu để tỏ dấu nhìn nhận mình chỉ là
thân cát bụi và sẽ trở về cát bụi” (…).
Rồi sau đó, khi xức tro,
linh mục nói: “Ta là thân cát bụi, sẽ trở
về cát bụi”.
Thân phận con người là tro bụi, sẽ trở về bụi
tro, đó là niềm đau mà tiếng than thở của con người đã vang lên từ rất sớm ở
mọi nơi và mọi thời. Trăm năm còn có gì đâu, Chẳng qua một nấm cỏ khâu
xanh rì. (CONK).
Thân phận con người mỏng manh chóng qua thì ai
cũng thấy, nhưng đứng trước thân phận thật của mình như vậy, con
người có suy nghĩ và thái độ nào, thì “phản ứng” của con người khác
nhau. Nó đưa đến những nhân sinh quan có khi rất khác biệt, thậm chí đối lập
nhau.
Có một nhân sinh quan nổi bật đã đem lại cho
nhiều người niềm cảm hứng, đó là luồng tư tưởng không nhìn nhận con người nhỏ
bé. Theo đó, sức mạnh con người tiềm ẩn rất lớn lao, con người vươn lên và có thể thay thế Thiên Chúa. Khoa học tiến
bộ không ngừng khám phá, và một ngày nào đó, tuy có thể còn rất xa, nhưng sẽ đến,
con người có thể tự tìm ra “bí quyết” để con người bất tử.
Nghe qua, thật hấp dẫn… Thôi thì, chúc mừng cho
những người có niềm tin và chờ đợi ngày bất tử ấy ! Nhưng đáng tiếc, vấn đề con
người không chỉ là “cát bụi” của thân xác, nó còn có thứ cát bụi của tinh thần.
Bao nhiêu ước mơ tan rã theo mây khói. Hạnh phúc cuộc đời nhiều khi chỉ là ảo
ảnh. “Thiên thượng phù vân như bạch y, tu du hốt biến vi thiên cẩu” (Đỗ Phủ).
Có gì tồn tại mãi trong cuộc đời này. Thân xác còn sống đó mà “tâm hồn” đã hóa
ra cát bụi, thì sống cũng chẳng còn ý nghĩa gì. Nhiều người đã đi tìm cái chết vì
không còn lẽ sống. Đâu phải đợi “cái chết của thể xác” đến mới là “chết” đâu,
nhiều người “sống” mà như đã chết tự bao giờ. Từ “cát bụi” ở đây diễn tả một sự
hiện diện không còn ý nghĩa sống. Sự hiện hữu không gắn liền mạch sống với
Thiên Chúa. Đó là một thứ nền “văn minh cát bụi”, “nền văn minh sự chết” !
…được yêu thương.
“… nắm tro mà chúng con sẽ xức lên đầu để tỏ dấu nhìn nhận mình chỉ là thân cát
bụi và sẽ trở về cát bụi”.(Lời nguyện Lễ Tro).
“Nhìn nhận mình
chỉ là thân cát bụi” là thái độ khiêm
tốn của con người, khác với thái độ “kiêu căng” muốn thay thế Thiên Chúa hay
không cần có Thiên Chúa.
“Nhìn nhận mình là cát bụi” để hiểu vì sao “cát bụi này” lại trở nên tuyệt vời để
vào đời một kiếp rong chơi, quyền năng nào đã “hóa kiếp” nó và đưa
nó từ vô nghĩa để trở nên “nhân linh ư vạn vật” ?
“Nhìn nhận mình là cát bụi” để hiểu nguyên nhân nào “cát bụi này” lại trở nên
thật “tuyệt vời”, biết suy tư, có một sức sống kỳ diệu, tuyệt vời đến mức “nhân
linh ư vạn vật” đến thế, vậy mà một ngày nào đó bất chợt mất đi tất cả, trở về
“nguyên hình” cát bụi ?
Có “tất cả” là nhờ
được Chúa yêu thương…
Mất “tất cả” là vì xa
lìa tình yêu Thiên Chúa.
Trở về bên Chúa.
Khi xức tro, linh mục cũng có
thể nói một câu nói khác: “Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng”.
Đó là Hồng Ân của Tình Yêu
Thiên Chúa, và như thế, con người không kết thúc sự sống của mình trong vô
nghĩa !
“Ta là thân cát bụi, sẽ trở về cát bụi”. “Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng”.
Từ “cát bụi”, đến “sám
hối”, đến đón nhận “Lời Chúa”, là cuộc hành trình Đức
Tin đến bến bờ Cứu Rỗi.
Chính từ cát bụi, mà con
người nghiệm ra Tình Yêu Thiên Chúa dành cho con người lớn lao đến thế nào !
Nên khi nghĩ về thân phận,
người Công Giáo luôn nhìn về ánh sáng Đức Ki-tô, Ánh sáng Thập Giá và Phục
Sinh.
Nên dù mang thân cát bụi,
người có niềm tin vào Đức Ki-tô không oằn oại rên siết trong tuyệt vọng, nhưng
luôn vững niềm tin yêu vào Tình Yêu Thiên Chúa.
Thiên Chúa - Người Cha Nhân Hậu - Ðấng thấu suốt những gì
kín đáo - hiểu được sự yếu đuối của con người, hiểu được lòng thành tâm sám hối
và cố gắng vươn lên của con người, sẽ tha thứ, đỡ nâng và nhận con người về làm
con cái trong Nhà Cha, Vương Quốc Tình Yêu Vĩnh Hằng của Ngài. Amen.