TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH

TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH


HỌ ĐẠO CÁI QUAO KÍNH CHÚC QUÝ CHA, QUÝ TU SĨ NAM NỮ VÀ ANH CHỊ EM GIÁO DÂN ...MỘT MÙA GIÁNG SINH TRÀN ĐẦY TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA CHÚA!

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Thông Báo Đại Lễ Tạ Ơn



Thông Báo Đại Lễ Tạ Ơn
62 Năm Mẹ Hiện Diện Cách Đặc Biệt Tại La Mã – Bến Tre

Đại Lễ kỷ niệm 62 năm ngày hình ảnh Mẹ hiện tỏ rõ nét nơi bức Linh Ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp đã phai mờ vì bị chôn vùi trong bùn nước được cử hành vào thứ Bảy ngày 06 tháng 10 năm 2012 tại Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Mã – Bến Tre. Đây là dịp để con cái của Mẹ từ khắp nơi trở về với Mẹ tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã yêu thương che chở cho những con người nghèo khó bé nhỏ nơi vùng quê thân yêu này. Đồng thời cũng là dịp để những người con nói lên tâm tình của mình với Mẹ Maria, người Mẹ luôn dõi mắt theo đoàn con để nâng đỡ và cứu giúp, vì Mẹ là Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Chương Trình
8,30 g   : Diễn nguyện và Thánh Ca
9,00 g   : Tập hát và Giờ Hành Hương kính ĐM HCG.
10,00 g : Chuẩn bị Thánh Lễ đồng tế
10,30 g : Thánh Lễ Đồng tế trọng thể tại lễ đài.
                Sau Thánh Lễ có Làm phép Ảnh và Chuỗi Mân Côi.
Khi đến trung tâm hành hương trong ngày mừng lễ này:
- Xe từ 25 chỗ trở xuống, xin chạy thẳng vào trung tâm hành hương
- Xe trên 25 chỗ, xin dừng tại ngã ba Sơn Đốc và đi xe ôm vào.
- Xin quý Cha mang lễ phục trắng
Xin mọi người hiệp ý cầu nguyện cho ngày lễ được mọi sự tốt đẹp theo ý Chúa.
Vài nét lịch sử bức Linh Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp La Mã – Bến Tre
Năm 1930, họ đạo Sơn Đốc -  Bàu Dơi, sau này, (năm 1949) được đổi tên thành họ đạo La Mã, đã được phúc đón nhận bức ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp về với đoàn con cái. Kể từ giờ ấy, Mẹ đã không ngừng hiện diện, đồng hành với con cái Mẹ bất kể lương giáo, suốt dòng lịch sử của 1 vùng quê nghèo đầy khói lửa chiến tranh, bom đạn, bách hại, lánh nạn, tản cư.
Vào đầu tháng 02.1950, có cuộc giao tranh và bách hại đạo xảy ra trong vùng khá khốc liệt và tàn bạo, dân chúng tản cư tán loạn. Ảnh Mẹ chịu chung số phận. Kể từ ngày ấy, bức ảnh Mẹ bị mất tích. Con cái Mẹ đã không biết Mẹ đi đâu, về đâu!!
Tri ân Thiên Chúa quan phòng, tạ ơn tình mẫu tử của Mẹ. Ngày 05.05.1950, ảnh Mẹ đã được tìm thấy và được vớt lên sau 3 tháng nằm im, chôn vùi trong lòng con rạch sình lầy. Bà Sáu Liềng, người phụ nữ chân quê, đôn hậu là người đầu tiên chạm đến khung ảnh Mẹ. Bức ảnh chỉ còn là khung gỗ lồng kiếng. Hình ảnh Mẹ đã phai mờ và giấy ảnh đã dính chặt vào kiếng. Nhưng vì lòng mến, ông trùm Hạt vẫn đem khung ảnh về nhà và đặt nơi trang trọng.
Ngày 07 tháng 10 năm 1950, chiến sự lại nổ ra nơi đây, ông trùm Hạt cùng người con út không kịp chạy trốn, phải núp dưới tủ thờ chờ cho qua cơn lửa đạn. Lúc im tiếng súng, căn nhà ông đã bị tan nát vì súng đạn, chỉ trừ nơi tủ thờ ông núp là còn nguyên vẹn. Cả gia đình nhìn lên ảnh Đức Mẹ để dâng lời tạ ơn, thì ôi lạ lùng biết bao, bức ảnh phai mờ trước kia, nay đã sáng rõ mọi nét tự lúc nào. Đức Mẹ đã chẳng những cứu hai cha con ông trong cơn nguy khốn, lại còn hiển linh trên bức ảnh phai mờ mà trước nay ông hằng tôn kính và hết niềm cậy tin.
Ngày 15 tháng 08 năm 1951, nhân dịp lễ Đức Mẹ Lên Trời, được trọng kính lần đầu tiên kể từ khi Đức Giáo Hoàng Piô XII công bố tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, với sự chuẩn y của ĐGM Giáo phận Vĩnh Long là Đức cha Phêrô Ngô Đình Thục, cha sở Họ đạo Cái Sơn - kiêm Họ đạo La Mã -  là cha Phêrô Dư, đã tổ chức cung nghinh ảnh Mẹ từ La Mã đến Họ đạo Cái Sơn.
Trong dịp này hàng ngàn người có mặt đã chứng kiến một sự kiện lạ lùng: Mũ Triều thiên trên đầu Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng hiện ra thật rõ ràng. Thêm điều lạ nữa là trước đó, khi bức ảnh được vớt lên, giấy ảnh gắn chặt vào kiếng, nhăn nhúm ố vàng và có nhiều lỗ thủng, bây giờ thì chân dung Mẹ hiện ra rất xinh đẹp, còn các lỗ thủng đã biến mất.
Từ đó, tin Đức Mẹ làm phép lạ đồn ra khắp nơi và người ta tuôn đến La Mã cầu xin Đức Mẹ ngày càng đông. Nhiều người đã tuyên bố mình đã được phép lạ tỏ tường.
Trước lòng cậy trông và sùng kính của dân chúng, Đức Giám Mục Vĩnh Long đã ban một tâm thư huấn dụ như sau:
"Dù Bề Trên chưa đoán định hư thật thế nào, Toà Ta không cấm bổn đạo đến viếng nhà thờ ấy, miễn là sẵn lòng vâng phục lý đoán Hội Thánh sẽ ra, sau khi đã truy cứu rõ ràng cẩn thận, và miễn là hằng nhớ mình đến viếng nơi thánh ấy cho được cầu nguyện và hãm mình, không phải đi du lịch, ăn chơi sung sướng. Cho nên Ta khuyên lơn ai đi đến nơi ấy- từ hàng Giáo sĩ cho đến bổn đạo thường - như không ăn chay được thì ít ra kiêng thịt và không dùng các thứ rượu
Nếu không thức được trót đêm cầu nguyện thì it là thức một giờ làm giờ thánh hay là lần hạt Mần Côi.
Nếu không thinh lặng được thì nói nhỏ tiếng, không nên ồ ạt, cợt giỡn vì là nơi thánh.
Nam nữ không nên trà trộn, nhất là nhựt một chiều rồi. Người nữ phải ăn mặc nết na kín đáo, không nên lòe loẹt son phấn.
Ta khuyên ai nấy đừng lợi dụng chốn thánh mà buôn bán kiếm lời hoặc phổ khuyến xin khất gì.
Muốn cho ai nấy dễ bề chịu các phép Bí Tích thì Ta ban cho các cha đã có quyền giải tội trong Địa phận mình cũng được giải tội ở La Mã.
Sau hết Ta ước ao cho những kẻ tưởng mình đã được ơn riêng Đức Mẹ ban ở La Mã, thì trình bày việc ấy cho Cha Bổn sở, tốt hơn là xin giấy chứng minh lương y trước khi đi La Mã và sau khi nghĩ mình được ơn riêng Đức Mẹ cho thuyên giảm bệnh tật rồi, gửi giấy má ấy đến tay cha Sở Lạ Mã.
Làm huấn lệnh này tại Vĩnh Lòng ngày 11 tháng 2 năm 1952 cũng là ngày Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức.
Ký tên
+ Phêrô Ngô Đình Thục
Giám Mục Vĩnh Long

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

Bàn Về Văn Hóa "Cảm Ơn" và "Xin Lỗi" Của Người Việt



Có lẽ khỏi phải nói, ai cũng đều biết rằng khi người khác làm giúp mình 1 điều gì đó, cần phải có lời "cảm ơn" và khi mình sai, hãy nói lời "xin lỗi". Đó đơn giản là văn hóa! Tuy nhiên, văn hóa "cảm ơn" và "xin lỗi" phổ biến của người Việt Nam chúng ta quả là có nhiều điều đáng phải ngẫm nghĩ.
Cám ơn và xin lỗi đôi khi trở thành một đề tài xã hội. Khoảng 2 năm trước đây, viết trên báo Tuổi Trẻ, một người Hàn Quốc đang làm việc tại Việt Nam "phàn nàn" rằng người Việt Nam ít nói xin lỗi. Tiếp theo đó là một thư khác của bạn đọc người Việt chỉ ra rằng chẳng những ít nói xin lỗi, mà người Việt còn ít nói cám ơn. Điều này có vẻ mâu thuẫn với truyền thống đạo lí của người Việt, vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo,ghi ơn tiền nhân. Nhưng có lẽ trong cuộc sống bề bộn của thời thực dụng kinh tế, không ít người Việt, trong đó có cả những quan chức, quên nói lời cám ơn. Và, sự thiếu sót này có thể ảnh hưởng đến quốc thể và gây ấn tượng không đẹp ở người nước ngoài về người Việt.
Câu chuyện mà tôi sắp kể sau đây còn cho thấy hình như trong một số quan chức, thể hiện sự tri ân vẫn còn khá khó khăn. Anh là một kĩ sư người Đức, do cơ duyên nào đó, lấy vợ Việt Nam và quê vợ ở một làng nghèo thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Có lẽ để làm một nghĩa cử đẹp cho quê vợ, anh về Đức quyên tiền, và đem số tiền đó về quê vợ xây một bệnh xá cho người dân nghèo. Người dân trong làng ai cũng nhớ anh ta trực tiếp chỉ huy việc xây dựng, rất quan tâm đến chất lượng đến nổi cẩn thận gõ từng viên gạch để đánh giá xem thật hay dỏm. Kết quả là một bệnh xá khang trang và có chất lượng cao. Đến ngày khai mạc, các quan chức trong làng đua nhau cám ơn Đảng và Nhà nước, nhưng không có đến một lời cám ơn chàng rể người Đức dù anh có mặt trong buổi lễ khánh thành bệnh xá.
Một câu chuyện "quên" cám ơn khác có liên quan đến Giáo sư Bùi Trọng Liễu, người vừa mới qua đời ở Paris. Gs Liễu là một người rất tâm huyết với nền giáo dục nước nhà, đóng góp hàng trăm bài viết để cải tiến giáo dục và chuẩn mực giáo sư. Gs Liễu cũng là một trong những người sáng lập ra Đại học dân lập Thăng Long, nay là Đại học Thăng Long. Sau 1 tuần Gs Liễu qua đời, tôi tò mò vào trang web của Đại học Thăng Long xem ban giám hiệu có lời nào về sự ra đi của Gs Liễu. Hoàn toàn không. Tôi rất ngạc nhiên. Nhưng nay thì tôi không còn ngạc nhiên nữa.

Câu chuyện bên Úc mà tôi thuật ở đây cho thấy người phương Tây có cách thể hiện sự tri ân một cách thiết thực. Viện nghiên cứu y khoa Garvan của chúng tôi có nhu cầu thành lập một phòng thí nghiệm mới chuyên về phân tích di truyền, và may mắn thay, chúng tôi được một "đại gia" trong ngành bảo hiểm tài trợ để trang bị phòng óc và các thiết bị quan trọng. Hội động quản lí của Viện quyết định lấy tên của nhà tài trợ đặt tên cho phòng thí nghiệm. Ngày khai mạc, chúng tôi mời nhà tài trợ, phu nhân và con của ông đến tham dự, phát biểu ý kiến, và cắt băng khánh thành. Tôi để ý thấy chẳng những phòng thí nghiệm mang tên ông, mà ngay cả trước phòng thí nghiệm còn có một bảng đồng khắc một đoạn văn ghi ơn ông đã hỗ trợ tài chính cho việc thành lập phòng thí nghiệm. Đó là một cách ghi ơn của người phương Tây.
Thật ra, trong xã hội Âu Mĩ, việc ghi nhận đóng góp của các nhà từ thiện được xem là một đặc điểm của văn minh. Ở các đại học, thỉnh thoảng các thương gia tài trợ cho một ghế giáo sư hay ghế chủ nhiệm một bộ môn khoa học, trường đại học thường lấy tên nhà tài trợ đặt cho chức danh giáo sư. Do đó, thỉnh thoảng chúng ta thấy một số giáo sư Âu Mĩ, chẳng hạn như ông bạn tôi kí tên là "Rebecca Cooper Professor of Medicine" để cho thấy người giữ chức danh giáo sư y khoa đó là do bà Rebecca Cooper tài trợ.
Ngay cả trong các hội nghị khoa học có sự tài trợ của các công ty dược, ban tổ chức còn gửi thư nhắc nhở các nghiên cứu sinh hay các nhà nghiên cứu trẻ đến quầy của các công ty dược để nói một tiếng cám ơn. Nếu không có tài trợ của các công ty đó, chắc gì các nghiên cứu sinh được đi dự hội nghị. Lời cám ơn ở đây rất quan trọng, vì đó không chỉ là một cách tri ân người hỗ trợ, mà còn là một cử chỉ bày tỏ rằng ở trên đời mọi người đều phải tùy thuộc nhau mà sống.

Có thời người Việt chúng ta có cảm nhận không đúng với người phương Tây. Hồi còn nhỏ, tôi thỉnh thoảng nghe người ta nói người phương Tây tuy bề ngoài tỏ ra lịch sự nhưng tâm thì họ vô đạo đức lắm, vô ơn lắm. Nhưng khi có dịp sống và làm việc chung với người Mĩ, Anh, Úc và Âu châu nói chung, tôi thấy quan điểm đó quá sai. Tôi thấy cám ơn và xin lỗi gần như là một nét văn hóa của người phương Tây. Ngày tôi mới sang Úc, tôi thấy hai chữ "thank you" (cám ơn) và "sorry" (xin lỗi) giống như là những chữ nằm lòng. Thật ra, ngay từ ngày mới vào học tiếng Anh, người ta dạy khi được hỏi "How are you today" (Hôm nay anh khỏe không), thì câu trả lời lúc nào cũng kèm theo hai chữ cám ơn -thank you. Phải có chữ cám ơn đằng sau. Đi chợ mua hàng, sau khi trả tiền, người bán hàng cũng "cám ơn", và mình (người mua hàng) cũng "cám ơn" lại. Bên Mĩ, họ còn lịch sự hơn nữa: cám ơn, và chúc ông/bà một ngày tốt đẹp.
Ở xã hội Âu Mĩ, trẻ em ngay từ lúc còn rất nhỏ đã được dạy phải có trách nhiệm xã hội, phải biết nói "cám ơn" và "xin lỗi", và nói thật lòng chứ không nói qua quít. Khi lớn lên, họ chẳng những trở thành những người rất lịch sự mà còn rất có đạo đức, có trách nhiệm với cộng đồng. Họ không bao giờ quay mặt với một tai nạn để cho nạn nhân nằm chết trên đường lộ như ở Việt Nam ta.
Ngược lại với Âu Mĩ, ở Việt Nam, tôi thấy hình như tần số của hai chữ "cám ơn" còn khá thấp. Dự nhiều hội nghị trong nước tôi ít thấy khi nào diễn giả cám ơn cộng sự hay nghiên cứu sinh, làm như tất cả slides và dữ liệu là tự họ sáng tạo ra vậy (một điều không thể)! Vào quán ăn, ăn uống xong và được nhân viên phục vụ, khách hàng chỉ việc tính tiền (hay cho thêm tiền "tip"), nhưng không hay ít nói lời cám ơn. Viết đến đây, tôi nhớ đến câu chuyện của Mahatma Gandhi rằng khi ông ăn trưa trong một quán ăn bình dân, sau khi trả tiền ông nói với người phục vụ lời nói cám ơn, và người phục vụ tâm sự: "Thưa ông, tôi sẽ nhớ ông mãi vì hơn 25 năm phục vụ ở đây, tôi chưa bao giờ nghe ai nói cám ơn".
Trong thời buổi hội nhập quốc tế, tôi thiết nghĩ chúng ta nên thực hành văn hóa cám ơn. Thật ra, văn hóa này chẳng xa lạ gì với người Việt Nam. Như nói trên, người Việt có câu "Ăn trái nhớ kẻ trồng cây" để ghi ơn những người đi trước đã tạo nên nền móng cho ngày nay. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời có nói một câu đơn giản mà nổi tiếng: sống trên đời cần phải có một tấm lòng, phải sống tử tế với nhau. Sống tử tế với nhau cũng có nghĩa là ghi nhận sự đóng góp và giúp đỡ của người khác. Cám ơn chẳng những tỏ lòng tri ân người mình thọ ơn mà còn là một cách tôn trọng nhân phẩm của người đó.
 Cảm ơn bài bình luận sâu sắc của Gs. Nguyễn Văn Tuấn
Nguồn Yume.vn

Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

GÌN GIỮ NÉT XƯA ...










Nhà Thờ cũ của Họ Đạo Cái Quao được xây dựng dưới thời của Cha Giuse Thiên 1915-1917 (Nhà thờ còn đến bây giờ). Anh em Qưới Chức và bà con giáo dân muốn giữ lại những kỷ niệm đã gắn liền với mình …
Chính vì thế, Họ Đạo cố gắng làm mới bên ngoài mà không mất đi hình ảnh xưa cũ. Công việc đang tiến hành được vài tháng. Hy vọng sẽ hoàn thành vào dịp khai mạc năm đức tin vào tháng 10 sắp tới đây của Giáo Hội. Một cách để củng cố lòng tin và nhớ lại truyền thống của những bậc tiền nhân trong họ đạo.

CHÚA GIÊSU VÀ MƯỜI ĐIỀU RĂN



CHÚA GIÊSU VÀ MƯỜI ĐIỀU RĂN

Jack Mahoney SJ

“Mười điều răn” là đoạn Kinh Thánh nổi tiếng nhất. Được trình bày trong Sách Thánh của người Do Thái rằng chính Thiên Chúa đã trực tiếp mạc khải cho họ, mười điều răn sau đó đã được Kitô giáo đồng hóa và chiếm một vị trí quan trọng trong suy tư luân lý Kitô giáo và quảng đại quần chúng trong nhiều thế kỷ[1]. Có hai bản mười điều răn trong Cựu Ước: bản cũ hơn được viết trong sách Xuất Hành chương 20, nằm trong bối cảnh lịch sử sơ thời của dân Do Thái; bản khác mới hơn ở sách Đệ Nhị Luật chương 5, được trình bày dưới hình thức nhắc lại lịch sử trong lời di ngôn của ông Môisen.

Độc giả ngày nay khi đọc Mười Điều Răn có thể nhầm lẫn nếu họ không nhận ra hai bản được đánh số khác nhau. Cách dễ nhất để nhận ra sự khác nhau này là bắt đầu từ phần cuối. Truyền thống Hy Lạp, phái Calvin, Cải Cách và các truyền thống Anh giáo theo bản cũ hơn, bản Xuất Hành (Xh 20, 2-17), kết thúc chỉ với một điều răn (câu 17), ngăn cấm ước muốn gia sản của người khác, gồm cả vợ của họ, và như vậy buộc phải làm tròn tổng số là mười bằng cách chia điều răn đầu tiên cấm thờ lạy thần thánh ngoại giáo thành hai, biến việc cấm thờ lạy ngẫu tượng thành điều răn thứ hai. Trái lại, Thánh Augustinô, các truyền thống Công giáo và Tin Lành Luther theo bản sau này trong sách Đệ Nhị Luật (Đnl 5, 6-21), kết thúc với hai điều cấm “ước muốn” khác nhau: trước hết là vợ hàng xóm và kế đến là tài sản của ông ta. Bản này mở đầu bằng một điều răn duy nhất cấm thờ thần ngoại lai cũng như các hình tượng tạc (của Thiên Chúa). Cách đánh số khác nhau này giải thích tại sao Giáo hội Công giáo Roma ngày nay gán những vấn đề luân lý tính dục vào điều răn thứ sáu, trong khi Anh giáo cho đó là điều răn thứ bảy. Tiện thể, điều này mở đầu cho việc nhìn nhận phẩm giá của người phụ nữ Do Thái, mặc dù vẫn còn dưới hình thức sơ khai là phân biệt người phụ nữ với tài sản của người chồng và cho người phụ nữ một giới răn riêng biệt. Điều này nói lên sự phát triển theo dòng lịch sử của Mười Điều Răn trong sách Xuất Hành và Đệ Nhị Luật.

Nội dung của Mười Điều Răn chia thành hai nhóm lệnh luân lý nền tảng và những bổn phận do Thiên Chúa quy định: nhóm đầu ngắn gọn dành riêng cho việc thờ phượng Thiên Chúa cách tuyệt đối, tôn kính Thánh Danh Thiên Chúa, giữ ngày Sabát, ngày của Chúa; nhóm thứ hai bao quát hơn nhằm đến những bổn phận phải tôn trọng những người thân cận, trước hết là cha mẹ già nua tuổi tác, cấm sát nhân, ngoại tình, bắt cóc (sau này được khái quát hóa là trộm cắp), vu khống, ước muốn và chiếm đoạt vợ và tài sản của người khác (trong sách Xuất Hành thì cả hai được gộp chung thành một). Những luật điều cá nhân được khai triển và áp dụng thay đổi tùy theo hiện trạng, trong phụng vụ ngày lễ và qua giáo huấn của các ngôn sứ[2]. Ngày nay, Mười Điều Răn được xem như những điều luật bảo vệ các giá trị cơ bản của con người, ít tính lịch sử và nhiều tính lý thuyết hơn như: những giá trị về tôn giáo, sự sống, hôn nhân, tự do, thanh danh và tài sản. Lúc đầu, Mười Điều Răn chẳng liên hệ gì đến nhân quyền – đây chỉ là một triển khai triết lý về sau này – nhưng cũng đã hình thành một nền tảng để biện luận cho một lý thuyết về nhân quyền[3].

Ban đầu, Mười Điều Răn không có thẩm quyền luân lý do bất kỳ một sức mạnh đạo đức nội tại nào, nhưng chỉ do ý muốn của Thiên Chúa như là một luật lệ, có Thiên Chúa đóng vai trò tác nhân chính trong “giao ước”, hay hòa ước, mà Ngài tự do ký kết với dân Do Thái mới, được thành lập sau khi chạy thoát khỏi Ai Cập. Về phía người Do Thái, bằng lời thề trọng thể, họ cam kết tuân giữ “những lời của giao ước, mười điều răn” (Xh 34, 28). Người ta chú giải rằng cam kết này được rập khuôn theo những hòa ước chính trị cổ xưa giữa các bậc đế vương và những quốc gia chư hầu: trước hết là lời mở đầu và bản liệt kê những ân huệ trong quá khứ (‘Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ…’ [Xh 20, 2]); tiếp đến là các điều kiện cơ bản (Mười Điều Răn); và kết thúc với lời chúc lành hay chúc dữ nếu tuân giữ hay vi phạm (Đnl 11), bản văn phải được gìn giữ cẩn thận trong thánh điện (hòm bia giao ước, Xh 25, 16). Tất cả mọi sự được tóm tắt trong Xh 19, 3-6:

Ông Môsê lên gặp Thiên Chúa. Từ trên núi, Đức Chúa gọi ông và phán: "Ngươi sẽ nói với nhà Giacóp, sẽ thông báo cho con cái Israel thế này: Các ngươi thấy Ta đã xử với Ai Cập thế nào, và đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng, mà đem đến với Ta. Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh. Đó là những lời ngươi sẽ nói với con cái Israel

Chúa Giêsu và Mười Điều Răn

Là người Do Thái đạo đức, Chúa Giêsu thông thạo Sách Thánh của người Do Thái (Cựu Ước), và các Kitô hữu sơ thời quan tâm sâu sắc đến những giáo huấn của Chúa Giêsu có liên quan thế nào với giáo huấn truyền thống của dân Do Thái, điều mà các đối thủ đã cáo buộc Ngài có ý miệt thị. Các Kitô hữu gốc Do Thái đặc biệt quan tâm đến điều này. Nhu cầu và sự quan tâm này thật sự có ý nghĩa đối với tác giả Tin Mừng Matthêô. Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu không bãi bỏ Mười Điều Răn của người Do Thái, Ngài nhấn mạnh đến sự vẹn toàn và thích đáng của chúng, cố gợi lên ý nghĩa thâm sâu của chúng và áp dụng cho các môn đệ của Ngài (Mt 5, 17-48). Hơn nữa, các Tin Mừng nhất lãm đều ghi lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và anh thanh niên giàu có muốn được sự sống đời đời, Ngài chỉ nói “Hãy tuân giữ các điều răn” (Mc 10, 17-22; Mt 19, 16-30; Lc 18, 18-30). Theo Thánh Marcô, Chúa Giêsu nêu lên những điều luật như cấm sát nhân, ngoại tình, trộm cắp, làm chứng gian, lừa đảo và thảo kính cha mẹ, nhưng nói thêm rằng anh thanh niên chỉ còn thiếu một việc là “đi theo” Chúa Giêsu. Bản văn sau này của Thánh Luca trung thành với bản văn của Thánh Marcô, nhưng bản của Thánh Matthêô kèm theo như một điều răn là “Hãy yêu tha nhân như chính mình”, và rồi có lẽ do ảnh hưởng của Bài giảng trên núi (Mt 5:48), Thánh Matthêô thêm rằng nếu anh thanh niên muốn nên “trọn lành” thì anh ta phải “theo” Chúa Giêsu (Mt 19, 19-21).

Mười Điều Răn mở màn cho giáo huấn của Chúa Giêsu trong một cuộc đối thoại khác giữa Ngài và một luật sĩ Do Thái được Thánh Marcô và Matthêô ghi lại. Được cho là có thẩm quyền tuyệt đối trên cả Mười Điều Răn cũng như vô số những điều luật chi tiết của người Do Thái, một câu hỏi trước đây được nêu lên giữa những người Do Thái và bây giờ được đặt ra cho Chúa Giêsu là: có sự ưu tiên nào trong số đó không, nếu có, “điều răn nào đứng đầu” theo như Thánh Marcô đã viết (Mc 12, 28), hoặc “điều răn trọng nhất” theo như Thánh Matthêô (Mt 22, 34)? Không dính dáng gì đến Mười Điều Răn, Chúa Giêsu trả lời chắc nịch rằng “giới răn đầu tiên và trọng nhất” là yêu Thiên Chúa hết mình (Mc 12, 30; Mt 22, 37-38; xem Đnl 6, 5). Và rồi theo Thánh Marcô, để phụ thêm vào như vẫn thường hay làm, Chúa Giêsu nói tiếp: “Điều răn thứ hai là: ‘Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”’ (Mc 12, 31), còn Thánh Matthêô thì ghi “Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”’ (Mt 22, 39).

Câu hỏi về điều răn trọng nhất trong lề luật Môisen đã bị loại bỏ trong Tin Mừng Thánh Luca được viết cho dân ngoại ở Roma. Song điều thú vị là Thánh Luca thấy câu trả lời của Chúa Giêsu rất giá trị nên đã ghi lại trong cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người luật sĩ (Lc 10, 25-28) đã hỏi Ngài: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?”. Câu hỏi này trùng khớp với lời của anh thanh niên sau này trong Tin Mừng Luca mà chúng ta thấy ở trên  (Lc 18, 18-30), khi Chúa Giêsu trả lời bằng cách trưng dẫn các điều răn và rồi khuyên anh đi theo Ngài; thế nhưng câu trả lời lần này lại khác. Chúa Giêsu hỏi người luật sĩ chính điều anh ta suy nghĩ trong lề luật Môisen, và cũng chính người luật sĩ trưng ra bổn phận phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình (Lc 10, 25-27), đó là đường dẫn đến sự sống đời đời, điều mà Chúa Giêsu rất tán thành. Trong các tác giả Tin Mừng, chỉ có Thánh Luca giới thiệu dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu như câu trả lời đáng ghi nhớ cho câu hỏi tiếp theo của người luật sĩ: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” (Lc 10, 28-37).

Yêu là câu hỏi hay câu trả lời?

Lệnh truyền phải yêu người thân cận như chính mình được tìm thấy trong Cựu Ước, sách Lêvi chương 19 câu 18, và như chúng ta thấy, Chúa Giêsu đã trích dẫn nó cùng với lệnh truyền phải yêu Chúa trong sách Đệ Nhị Luật chương 6 câu 5 để trả lời cho câu hỏi về điều răn trọng đại nhất của Lề Luật. Viviano chú thích rằng “sự kết hợp hai lệnh truyền này rõ ràng không được chứng thực trước thời Chúa Giêsu và như thế đánh dấu một bước tiến quan trọng về luân lý”[4]. Yêu Thiên Chúa dẫn đến yêu người thân cận vì họ cũng là người được Thiên Chúa yêu thương. Lại nữa, Chúa Giêsu nêu lên nhận xét rằng: “Tất cả Luật Môisen và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22, 40), một câu khẳng định chỉ có trong Tin Mừng Matthêô. Đối với các độc giả là Kitô hữu gốc Do Thái của Thánh Matthêô, “Đại Giới Răn” tổng hợp này tóm kết toàn bộ Lề Luật Môisen. Đồng thời nó cũng là tiêu đề theo truyền thống cho hai tiểu nhóm trong Mười Điều Răn: yêu Chúa là tiêu đề cho tiểu nhóm thứ nhất và yêu tha nhân là tiêu đề cho tiểu nhóm thứ hai.

Tuy nhiên, Đại Giới Răn kép đôi này ít nhất đặt ra hai câu hỏi: “như chính mình” có nghĩa là gì? Và giới răn yêu thương có thay thế cho Mười Điều Răn không?  Giới răn yêu thương người thân cận như chính mình thường được hiểu rằng ta phải yêu không ít hơn cái cách thức và mức độ mà chúng ta yêu chính mình – mà nhiều người còn hiểu vặn vẹo rằng như vậy Kinh Thánh gián tiếp biện minh cho việc yêu mình. Hoặc rõ hơn hết là ta nên nhìn giới răn yêu thương người thân cận như chính mình là tự xem người thân cận như chính ta, là một phần của chúng ta, là người đồng bào Do Thái như trong nguyên bản của sách Lêvi.

Sự cần thiết của việc yêu tha nhân đã được Tân Ước nhìn nhận, đặc biệt là trong các thư của Thánh Phaolô, nơi mà sự liên kết giữa giới răn yêu tha nhân và Mười Điều Răn bổ túc cho nhau. Trong một đoạn văn dồi dào ý nghĩa, Thánh Phaolô viết cho người Roma (Rm 13, 8-10):

Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật. Thật thế, các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy.

Trong thư gởi cho giáo đoàn Galát (Gl 5, 13-14), Thánh Phaolô cũng nhận xét tương tự: “Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. Vì tất cả Lề Luật được tóm kết [dịch sát nghĩa là “được nên trọn”] trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”.

Nói cách khác, giới răn yêu thương người thân cận không thay thế Mười Điều Răn. Nó chỉ tóm kết, giữ nguyên ý và giải thích mục đích của Mười Điều Răn: đây là những cách diễn tả tình yêu dành cho tha nhân. “Đạo đức học hoàn cảnh” (situation ethics) của Joseph Fletcher, một thời rất thịnh hành nhưng nay đã lỗi thời, đã giản lược tất cả luân lý vào việc thi hành “điều yêu thương”, mà lại không thể xác định được điều yêu thương gì phải được thi hành trong những hoàn cảnh khác nhau[5]. Điều Thánh Phaolô muốn nói ở đây là nếu ai biết cách nào để yêu thương tha nhân tốt nhất, thì đã đến rất gần với đòi hỏi không được làm hại họ, nhưng tôn trọng sự sống của họ, sự tự do, danh giá, hôn nhân và tài sản của họ; hay nói cách khác, như Chúa Giêsu đã nói với anh thanh niên: “Hãy giữ các giới răn”. Nói theo Thánh Tôma sau này là yêu thương tha nhân là muốn làm điều tốt đẹp cho họ[6]. Hoặc như Thánh Giacôbê đã diễn tả: “Anh em làm điều tốt, nếu anh em chu toàn luật Kinh Thánh đưa lên hàng đầu: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Gc 2, 8).

Giáo huấn luân lý của Chúa Giêsu không kết thúc với việc xác định Đại Giới Răn như là điều mà “trọn lề luật các các ngôn sứ” phải dựa vào (Mt 22, 40). Trong Tin Mừng Thánh Gioan, Ngài còn đi xa hơn khi ban cho các môn đệ một điều răn “mới”. Tại sao Ngài làm thế và điều đó có ý nghĩa gì? Đây sẽ là đề tài cho một bài khác.

chuyển ngữ
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

[1] Xem J. J. Stamm & M. E. Andrews, The Ten Commandments in Recent Research (London: SCM, 1967).
[2] Xem Xh 20-23; Đnl 12-26.
[3] Xem J. Mahoney, The Challenge of Human Rights. Origin, Development, and Significance (Oxford: Blackwell, 2007), 3-5.
[4] B. T. Viviano, The Gospel According to Matthew, New Jerome Biblical Commentary, 42:133.
[5] J. Fletcher, Situation ethics: the new morality (Philadelphia: Westminster Press, 1966).
[6] St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, I-II, 26, 4