TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH

TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH


HỌ ĐẠO CÁI QUAO KÍNH CHÚC QUÝ CHA, QUÝ TU SĨ NAM NỮ VÀ ANH CHỊ EM GIÁO DÂN ...MỘT MÙA GIÁNG SINH TRÀN ĐẦY TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA CHÚA!

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

HỎI ĐÁP KINH THÁNH

1- Các sách trong Kinh Thánh của Công Giáo và Tin Lành khác nhau thế nào?
Về phần Tân Ước, Công Giáo và Tin Lành có cùng số sách (27 cuốn). Sự khác biệt là ở Cựu Ước. Người Do Thái và Tin Lành chỉ có 39 cuốn trong khi Cựu Ước của Công Giáo có 46 cuốn. Bảy cuốn khác biệt này là Tobit, Judith, 1-2 Macabee, Khôn Ngoan (của Salomon), Sirach (Huấn Ca – Giảng Viên), và Baruch. Tổng quát, các cuốn này được bảo tồn bằng tiếng Hy Lạp, không thấy trong tiếng cổ Do Thái (Hebrew) hay Aramaic.
Bộ Kinh Thánh bằng tiếng Hy Lạp thường được gọi là bộ bẩy mươi (Septuagint), đó là bản dịch từ tiếng cổ Do Thái sang tiếng Hy Lạp bởi bẩy mươi giáo sĩ Do Thái vào trước khi Đức Kitô giáng sinh và được chấp nhận rộng rãi trong Hội Thánh thời tiên khởi.

Người Tin Lành nghi ngờ nguồn gốc của 7 cuốn này vì họ không thấy trong tiếng Hebrew hay Aramaic. Các thần học gia Công Giáo thường viện dẫn các cuốn này để minh chứng cho các học thuyết mà người Tin Lành khước từ. Thí dụ, trong 2 Maccabê 12:42-46, ông Judas Maccabeus và quân lính cầu xin cho các hành động tội lỗi của binh lính tử trận có thể được xoá bỏ nhờ sự sống lại của kẻ chết, đoạn này thường được dẫn giải để hỗ trợ cho vấn đề luyện ngục.
Ngày nay người Công Giáo và Tin Lành cùng nhau nghiên cứu Kinh Thánh và các cuốn này rất quan trọng để hiểu về Do Thái Giáo thời sơ khai (Do Thái Giáo bắt đầu sau thời kỳ lưu đầy ở Babylon 587 – 539 BC), và để hiểu Tân Ước.
2 – Còn những cuốn được gọi là ngụy thư (apocrypha) thì thế nào?
Chữ apocrypha để chỉ về những sách mà người Công Giáo cũng như Tin Lành không chấp nhận là Sách Thánh. Apocrypha gồm các sách của người Do Thái tỉ như Enoch, Jubilees, và IV Ezra. Chữ này còn bao gồm các phúc âm không được coi là chính điển (canon). Một số cuốn này được bảo quản từ xưa, nhất là cuốn Phúc Âm Nguyên Thuỷ của Giacôbê (The Protoevangelium of James) là cuốn rất quan trọng để hiểu về thái độ của tín hữu Kitô đối với thời thơ ấu của Đức Giêsu. Một số cuốn này đã bị mất và được tìm thấy trong thời đại ngày nay. Cuốn nổi tiếng là Phúc Âm của Phêrô là một tường thuật tưởng tượng về cuộc khổ nạn. Đặc biệt, trong cuối thập niên 1940, ở Nag Hammadi hoặc Chenoboskion ở Ai Cập người ta khám phá ra một tuyển tập (hầu hết là ngộ đạo thuyết – gnostic) rất phổ thông, nhưng không chính xác, được coi là các phúc âm của ngộ đạo thuyết. Trong các cuốn này có một cuốn nổi tiếng là Phúc Âm của Tôma.
3 – Có thể nào một ngày nào đó, các cuốn ngụy thư Tân Ước sẽ được công nhận là có giá trị hay không?
Để trả lời câu hỏi này phải giải đáp một vài câu hỏi sau: Làm thế nào để Giáo Hội công nhận một văn bản là Kinh Thánh? Trong Giáo Hội ấy có thẩm quyền nào để thi hành công việc này không? Dựa trên nguyên tắc gì?
Chính hiến pháp của nhiều giáo hội Tin Lành sẽ không thể đưa ra một nhận định có thẩm quyền để công nhận bộ Kinh Thánh mới. Giáo Hội Công Giáo có một thẩm quyền để hành động, nhưng quy tắc Công Giáo để công nhận Kinh Thánh thì sẽ cản trở điều đó. Trong Công Đồng Trent, quy tắc hướng dẫn việc nhìn nhận tính cách quy điển của Kinh Thánh là sự sử dụng lâu dài và được đọc rộng rãi trong giáo hội. Do đó, ngay cả một cuốn sách cổ được khám phá, tỉ như một lá thư chính thức của T. Phaolô, sự kiện rằng thư này không được đọc trong giáo hội sẽ cản trở việc được công nhận là chính điển.
4 – Các phúc âm ngụy thư này có giá trị như thế nào?
Nhiều khi các học giả dính dáng đến việc khám phá các văn bản đã mất hoặc phát hành các văn bản này thì lại thích những công bố giật gân. Những người nào không thích đọc bộ Kinh Thánh chính điển thì lại thích thú đọc những điều bóng gió rằng Đức Giêsu đã xuống khỏi thập giá, kết hôn với Mary Magdelene, và hai người chung sống hạnh phúc ở Ấn Độ!
Đây là những phê bình (của Cha Raymond E. Brown) về nguỵ thư: – không có cuốn nguỵ thư nào được khám phá gần đây cho chúng ta biết một chút gì về tiểu sử, dữ kiện lịch sử về cuộc đời Chúa Giêsu mà chúng ta chưa được biết. – những cuốn này giúp chúng ta biết về những suy nghĩ của các tín hữu Kitô thời thế kỷ thứ hai (và sau này) đối với Chúa Giêsu, về việc họ tưởng tượng ra các chi tiết cuộc đời của Chúa Giêsu để lấp đầy những gì mà các Phúc Âm chính điển còn thiếu, và họ đã biến Chúa Giêsu trở thành phát ngôn viên cho kiểu cách thần học của họ.
Như vậy các cuốn nguỵ thư này có giá trị ở điểm nó giúp chúng ta hiểu được các nhóm Kitô Hữu đa diện của thế kỷ thứ hai đến thứ tư. Chúng không có giá trị đem lại dữ kiện lịch sử về Kitô Giáo trước khi T. Phaolô và T. Phêrô từ trần trong thập niên 60.
5 – Tôi nghe rằng một số phúc âm ngụy thư có ảnh hưởng lớn trong tư duy của người Công Giáo. Điều đó có đúng không?
Phải phân biệt giữa hai nhóm, một nhóm là những cuốn được biết và được chép lại từ xưa, nhóm thứ hai là những cuốn của nhóm gnostic mới được tìm thấy. Trong nhóm đầu có cuốn Phúc Âm Nguyên Thuỷ của Giacôbê, có lẽ từ giữa thế kỷ thứ hai, mà nó được sao chép và được sử dụng trong giáo hội qua nhiều thế kỷ. Cuốn này có ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của Đức Maria đối với Kitô Hữu, vì nó tưởng tượng ra quá khứ của người trước khi được sứ thần Gabriel truyền tin. Từ cuốn đó có tên của cha mẹ Đức Maria, ông Gioankim và bà Anna. Từ đó còn có câu chuyện dâng Đức Maria vào đền thánh khi còn nhỏ – và trở thành một ngày lễ trong Giáo Hội Công Giáo và được biết bao hoạ sĩ đưa vào tác phẩm nghệ thuật trong các phòng triển lãm trên thế giới. Cũng từ cuốn đó có hình ảnh T. Giuse là một ông già tay cầm cành hoa huệ tây, vì cây gậy của người được nói rằng đã nở hoa như một dấu chỉ rằng người được kết hôn với Đức Maria.
6 – Với những người khởi sự đọc Kinh Thánh một cách nghiêm trọng, họ phải khởi sự từ đâu, từ sách Sáng Thế và đọc cho đến Khải Huyền hay sao? Hoặc họ phải chọn vài cuốn nào đó để khởi sự?
Câu trả lời tuỳ theo tính tình, kiến thức, và khả năng của người đọc. Có những người hăng say lúc đầu nhưng chán nản khi đọc đến phần phả hệ hoặc lề luật về tế lễ trong năm cuốn đầu, sau đó họ không bao giờ đọc tiếp.
Giả như một người có trình độ trung học hay đại học nhưng biết rất ít về Kinh Thánh, tốt nhất họ có thể chọn đọc theo ý thích và dễ hiểu hơn là đọc từng trang Kinh Thánh. Về Cựu Ước, họ có thể đọc từ Sáng Thế cho đến phần đầu của Xuất Hành, sau đó sang các phần Thẩm Phán, Samuel, và Các Vua để có ý niệm về nền quân chủ. Sau đó có thể từ đoạn cuối của Các Vua cho đến các phần Ezra và Nehemiah cho đến 1 Maccabees, để biết những gì xảy ra khi nền quân chủ xụp đổ và người Do Thái hồi hương sau thời lưu đầy. Sau đó đọc các đoạn từ sách Tiên Tri và Khôn Ngoan để biết về tư tưởng tôn giáo của người Do Thái qua các phát ngôn viên vĩ đại. Sách Thánh Vịnh, những lời cầu nguyện phong phú phát xuất từ các kinh nghiệm khác nhau trong đời sống, thì dễ hiểu và dễ cảm thông, dù không biết về quá trình của dân Israel.
Về Tân Ước, độc giả có thể bắt đầu với các Phúc Âm Máccô và Gioan, sau đó là Công Vụ Tông Đồ, một vài thư của Thánh Phaolô để biết tinh thần của Giáo Hội Tiên Khởi.
7 – Còn những ghi chú và dẫn giải để giúp độc giả thì sao?
Nói chung, rất tốt để đọc Kinh Thánh có những ghi chú để giải đáp những thắc mắc ngay tức thời vì mạch văn khó hiểu hay vì cần biết đến quá khứ.
Về dẫn giải, cần phân biệt tối thiểu bốn loại. Có những dẫn giải cho loại sách đơn giản (pamphlet-style) với nội dung trong một trang hay ở đầu trang và một dẫn giải ngắn gọn ở phía đối diện hay bên dưới. Loại này rất hữu ích và đầy đủ cho hầu hết loại độc giả. Với những ai muốn nghiên cứu, có loại dẫn giải dài (paperback-book) theo từng cuốn trong Kinh Thánh. Với các sinh viên nghiêm trọng, dĩ nhiên, có loại dẫn giải theo từng câu (verse-by-verse). Sau cùng còn loại dẫn giải trọn bộ Kinh Thánh (single-volume). Cách khởi sự tốt nhất là dẫn giải đơn giản.
8 – Đối với những ghi chú và dẫn giải, không phải rằng chúng ta chỉ có được ý niệm về Kinh Thánh thôi sao? Chúng ta có phải lệ thuộc vào các học giả để hiểu Kinh Thánh không?
Có những người nói rằng chỉ có các học giả mới biết được những mấu chốt của Kinh Thánh và nếu không muốn trở nên học giả thì không thể đọc Kinh Thánh. Điều này sai lầm. Vì có nhiều đoạn Kinh Thánh rất dễ hiểu và bổi bổ tâm linh mà không cần sự giúp đỡ của các học giả. Thiên Chúa có thể nói với người ta mà không cần sự cho phép của các học giả.
Tuy nhiên, khi độc giả có trình độ kiến thức ngoài đời thì khi đọc Kinh Thánh họ thường có những thắc mắc phát xuất từ sự giáo dục. Họ có chút ít kiến thức khoa học nên họ sẽ thắc mắc khi đọc Sáng Thế Ký, không biết là thế giới này thực sự được dựng nên trong sáu ngày, hoặc qua một tiến trình biến hoá lâu dài. Mặt trời có thực sự đứng một chỗ như được viết trong Joshua 10:13 không? Để trả lời những thắc mắc phát sinh từ giáo dục tổng quát, người ta cần một sự hiểu biết tương xứng về cách đọc Kinh Thánh. Có thể người ta không cần sự giúp đỡ của học giả để tìm thấy sự nuôi dưỡng tinh thần; nhưng họ có thể cần học giả để biết những câu trả lời cho những câu hỏi kiến thức, ngay cả ở mức độ phổ thông.
9 – Nói về dẫn giải Kinh Thánh, dường như nó có tính cách riêng tư. Tôi nghĩ rằng người Công Giáo không lấy làm hãnh diện về sự lệ thuộc vào những dẫn giải riêng tư, nhưng họ hãnh diện vì Giáo Hội nói cho họ biết Kinh Thánh có ý nghĩa gì?
Nhận xét này quá đơn giản hoá sự hiểu biết. Giáo Hội Công Giáo nhấn mạnh đến giá trị của truyền thống đức tin được minh chứng qua các thời đại. Lý do của sự nhấn mạnh này là vì sự tin tưởng rằng Chúa Giêsu, qua Thần Khí, vẫn tiếp tục dẫn dắt giáo hội và sẽ không để giáo hội sai lầm trầm trọng về học thuyết và luân lý. Bởi đó, Giáo Hội thường phản đối những dẫn giải riêng tư. Loại dẫn giải riêng tư mà Giáo Hội Công Giáo không tin tưởng gồm các học thuyết dựa trên những giải thích Kinh Thánh mà nó từ chối những gì đã được dậy trong kinh Tin Kính hoặc trong các công bố chính thức của giáo hội.
Đàng khác, Giáo Hội Công Giáo chưa bao giờ công bố những dẫn giải Kinh Thánh chính thức đối với các lãnh vực đã được những học giả thời nay dẫn giải. Thông thường, nhà chú giải tìm cách phân định điều mà tác giả nguyên thuỷ muốn chuyển đạt khi viết đoạn ấy, và người thời ấy phải hiểu gì khi đọc đoạn này. Nhà chú giải không tìm cách đưa ra một lập trường về học thuyết để bó buộc độc giả. Do đó, sự xung đột giữa sự dẫn giải riêng tư và học thuyết giáo hội dựa trên Kinh Thánh thì thực sự không xác đáng đối với loại chú giải vừa trình bầy.
10 – Có khi nào cha tìm thấy sự xung đột giữa những gì Công Giáo giảng dậy dựa trên Kinh Thánh và sự dẫn giải của cha về đoạn Kinh Thánh chưa?
Chưa. Và tôi trả lời như vậy không chỉ vì Giáo Hội Công Giáo không lưu tâm đến những tuyên bố về nghĩa đen của Kinh Thánh, nhưng vì các lý do sâu xa hơn. Trước hết, người ta phải rất thận trọng về những gì tạo thành học thuyết giáo hội. Có lúc người ta cho rằng bất cứ gì họ học trong lớp giáo lý đều là học thuyết của giáo hội; tuy nhiên có khi đó chỉ là sự pha trộn giữa học thuyết, ý kiến, và sự tin tưởng có tính cách đạo đức. Lãnh vực học thuyết của giáo hội thì rất hẹp.
Thứ hai, ngay cả khi có dính dáng đến học thuyết, với sự giúp đỡ của các học giả, giáo hội phân biệt học thuyết với những gì chỉ là một phương cách thuận tiện để phát biểu. Tỉ như, học thuyết giáo hội nói rằng Thiên Chúa dựng nên vũ trụ. Trong nhiều thế kỷ, nhiều người hiểu rằng Thiên Chúa dựng nên vũ trụ giống như được diễn tả trong các chương đầu của Sáng Thế Ký. Dưới ảnh hưởng của các học giả tân thời về Sáng Thế Ký, bây giờ Giáo Hội Công Giáo rất rõ ràng rằng, học thuyết về sự tạo dựng của Thiên Chúa không bao gồm kiểu cách Người tạo dựng. Do đó người ta được tự do cho rằng các chương đầu của Sáng Thế Ký thì không phải là một tường thuật có tính cách lịch sử và họ chấp nhận sự tiến hoá.
Thứ ba, tôi nhận thấy rằng nhiều khi có những điều rất hiển nhiên đối với học giả của thế kỷ này thì lại được coi là sai lầm bởi các học giả của thế kỷ kế tới. Tuy nhiên, ít khi có sự mâu thuẫn giữa các học giả vì họ biết những nghiên cứu của họ chỉ có giới hạn và họ tôn trọng học thuyết chân chính của giáo hội. Nếu có những xung đột, dù ẩn giấu dưới hình thức nào đi nữa, thường đó chỉ là sự giải thích giữa hai học giả. Thật may mắn, trong đời tôi và trong lãnh vực kinh thánh, không có sự căng thẳng giữa học giả và các người giảng dậy chính thức của giáo hội. Điều này không đúng trong lãnh vực thần học. (CÒN TIẾP)