11 – Lý do nào Cha cho là quan trọng nhất để đọc Kinh Thánh?
Tôi phải phân biệt giữa câu trả lời về thần học và câu trả lời thực tế. Về thần học, câu trả lời hiển nhiên rằng, Kinh Thánh là lời Chúa trong một phương cách độc đáo mà không giống với bất cứ sáng tác nào của con người. Người Công Giáo thường bị lên án là ít quý trọng Kinh Thánh; tuy vậy Công Đồng Vatican II khẳng định rằng giáo hội thì không cao hơn lời Chúa nhưng phải phục vụ lời ấy, và chúng ta phải kính trọng lời Chúa trong Kinh Thánh tương tự như chúng ta kính trọng Ngôi Lời hoá thể trong bí tích Thánh Thể.
Câu trả lời về thần học có thể xa vời với nhiều người, và sau đây là câu trả lời thực tế và cá biệt mà tôi thấy quan trọng nhất trong việc đọc Kinh Thánh. Là một Kitô Hữu, tôi tìm kiếm ý hướng của Chúa trong đời sống qua mọi hoàn cảnh mà tôi đối diện. Là một linh mục, tôi lưu tâm đến đường hướng của Thiên Chúa cho Hội Thánh. Kinh Thánh đem lại nhiều cảm nghiệm khác biệt của dân Chúa khi tìm kiếm thánh ý Chúa trong các hoàn cảnh đa dạng mà trong đó tôi cũng có thể khám phá ra một hoàn cảnh tương tự như của tôi hoặc của giáo hội. Trong các câu chuyện Kinh Thánh, người ta có đến hai ngàn năm tiếp xúc với Thiên Chúa trong những hoàn cảnh khác biệt, riêng tư hay tập thể. Một trong những xúc động của việc đọc Kinh Thánh và một trong những đặc tính hấp dẫn nhất của Kinh Thánh là người đọc “khám phá” ra những hoàn cảnh trong Kinh Thánh cũng tương tự như của chính mình. Những gì mà Thiên Chúa đòi hỏi sự đáp ứng trong quá khứ thì Người cũng đòi hỏi trong ngày nay.
12 – Định nghĩa Kinh Thánh là lời của Chúa thì không thật rõ ràng. Tôi có sai lầm khi nghĩ rằng “lời Chúa” có nghĩa khác nhau với những người khác nhau không?
Không, tôi không nghĩ bạn sai. Có sự mơ hồ trong việc sử dụng từ này. Tôi chỉ có thể nói với bạn về cách tôi hiểu và sử dụng từ này với ý thức rằng đây là chữ mà nhiều người có nghiên cứu Kinh Thánh cũng nói như vậy.
Khi phân tích câu “lời của Thiên Chúa” hãy để tôi bắt đầu với chữ “Thiên Chúa” trong sự diễn tả này. Điều muốn nói là công trình này xuất phát từ Thiên Chúa, hoặc có liên hệ đến Thiên Chúa trong một phương cách độc đáo. Thiên Chúa hướng dẫn loài người qua nhiều phương cách, thí dụ, qua giáo hội, qua sự giảng dậy chính thức, qua gia đình. Và, dĩ nhiên, Người cung cấp sự hướng dẫn không chỉ trong các tôn giáo thuộc Kitô Giáo, nhưng cả trong Do Thái Giáo, và trong các tôn giáo khác. Thiên Chúa không bao giờ im lặng đối với những ai có lòng thành thật muốn tìm kiếm Người. Nhưng trong truyền thống Kitô-Do Thái Giáo về Kinh Thánh, Thiên Chúa đã ban cho sự hướng dẫn độc đáo trong hình thức chữ viết, nó bao gồm những ghi chép về cách Người đối xử với dân Israel và Hội Thánh Tiên Khởi. Kinh Thánh là thư viện của Israel và thư viện của Hội Thánh Tiên Khởi để bảo tồn một kinh nghiệm căn bản mà nó có thể dùng như một hướng dẫn cho dân Chúa sau này.
Nếu trở về với chữ “lời” trong sự diễn tả, chúng ta đang công nhận yếu tố nhân bản trong Kinh Thánh. Người ta nói những lời lẽ và tạo âm thanh, và từng chữ trong Kinh Thánh được một người viết xuống. Một người nghĩ về các chữ Kinh Thánh, và những chữ đó phản ảnh ý nghĩa và cảm nghiệm của tác giả trong suốt cuộc đời mình. Do đó, nếu cho phép tôi quảng diễn, có một loại khía cạnh hoá thể (incarnate) đối với Kinh Thánh: Thiên Chúa truyền đạt sự hướng dẫn của Người trong và qua lời lẽ con người. Có lẽ khía cạnh của chữ “lời” trong diễn tả này gợi lên tính cách đa dạng của phương cách tiếp cận mà chữ “lời Chúa” mang ý nghĩa.
Phương cách giải thích theo nghĩa đen cho rằng Thiên Chúa đọc cho viết đến độ chính những chữ này xuất phát từ Thiên Chúa và con người chỉ việc viết xuống. Một hình thức tế nhị hơn phương cách trên là Thiên Chúa đọc vào tâm trí con người.
Khi người ta càng công nhận yếu tố sáng tác của con người và chọn lựa chữ viết, người ta càng nhận thấy có sự phối hợp giữa Thiên Chúa và con người trong Kinh Thánh.
Phương cách giải thích theo nghĩa đen ngụ ý rằng Kinh Thánh không có sai lầm và có tính cách toàn bộ, kể cả kiến thức về khoa học và lịch sử. Mọi tuyên bố trong Kinh Thánh phải đúng như chữ viết và đầy đủ.
Càng công nhận yếu tố con người trong Kinh Thánh, người ta càng nhìn nhận những giới hạn về kiến thức và, nhiều khi, những sai lầm.
13 – Cha muốn nói gì khi nói rằng Kinh Thánh như một thư viện?
Thường chúng ta nói về “Kinh Thánh” theo số ít như thể đó là một cuốn sách. Điều đó ám chỉ nguồn gốc từ Thiên Chúa. Tuy nhiên, Kinh Thánh là tổng hợp của khoảng 70 cuốn sách. Nhưng kiểu nói “thư viện” của tôi thì không chỉ liên quan đến số sách; điều quan trọng là phải biết rằng Kinh Thánh bao gồm các sách với nhiều thể loại văn chương, được viết vào những thời kỳ và nơi chốn khác nhau. Có lẽ các sách Cựu Ước đầu tiên được hình thành vào khoảng 800 hay 700 năm trước Đức Kitô; cuốn sau cùng của Tân Ước được viết xuống có lẽ vào đầu thế kỷ thứ hai. Đó là lý do người ta ước lượng một ngàn năm sáng tác. Trong giai đoạn này, các tác giả Kinh Thánh sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn khác nhau, và sẽ miêu tả các giai đoạn khác nhau về ý niệm thần học mà nó tạo thành điều kiện trong đó họ tường thuật về sự mặc khải của Thiên Chúa. Chúng ta không cho rằng tác giả con người nhìn thấy toàn thể vấn đề. Vấn đề được họ nhìn thấy thì được khuôn đúc bởi những gì sẽ giúp ích cho người cùng thời với họ. Khi cho rằng Thiên Chúa nói qua tác giả con người thì điều đó không làm mất đi những giới hạn, bởi vì Thiên Chúa luôn luôn đối xử với con người trong tình trạng và điều kiện của họ.
14 – Thay vì coi Kinh Thánh là một cuốn sách mà là một tổng hợp nhiều cuốn sách trong thư viện, điều đó đưa đến kết quả gì?
Ở đây, thuật ngữ có ảnh hưởng thực tế. Khi ai đó đến nói với tôi, “Kinh Thánh nói như thế này,” phản ứng đầu tiên của tôi là, “Sách nào trong Kinh Thánh?” Cùng một chủ đề, người ta có thể có những câu trả lời rất khác cho cùng một vấn đề.
Hơn nữa, khi coi Kinh Thánh là một thư viện, điều đó ảnh hưởng đến sự mong đợi của độc giả khi họ mở các trang của một tác giả nào đó. Trong một thư viện ngày nay, sách được xếp theo chủ đề: có phần về lịch sử, về tiểu sử, về tiểu thuyết, về kịch nghệ, về thơ văn, v.v… Nếu ai đó bước vào thư viện và hỏi mượn một cuốn sách, câu hỏi đầu tiên của người thủ thư là “Loại sách nào?” Đó cũng là câu hỏi rất quan trọng khi đọc Kinh Thánh.
Một số sai lầm trầm trọng về sự dẫn giải Kinh Thánh xuất phát từ những thừa nhận, không có gì bảo đảm, rằng mọi sách trong Kinh Thánh đều thuộc loại lịch sử. Ngày nay, các sách đều có bìa để cho độc giả biết loại sách gì, và theo dữ kiện đó độc giả tự động thay đổi sự mong đợi trong tâm trí. Không ai cầm một cuốn truyện Sherlock Holmes và hy vọng rằng sẽ biết được lịch sử chính xác của một nhân vật sống ở Luân Đôn vào cuối thế kỷ vừa qua.
Các sách trong Kinh Thánh không có bìa, và một công việc quan trọng của học giả là cung cấp phần giới thiệu từng cuốn sách để giúp nhận diện nó. Người ta mất thời giờ để đo họng của con cá để chứng minh tính cách lịch sử của cuốn Sách Tiên Tri Giôna. Phần dẫn nhập nói với độc giả rằng đây là một dụ ngôn, không phải sử ký, sẽ giúp họ khỏi hoang mang rất nhiều.
15 – Chúng ta không còn tin vào sự linh ứng của Kinh Thánh nữa hay sao?
Tôi tin có chứ. Và như tôi biết cho đến nay, hầu hết các học giả Kinh Thánh ôn hoà sẽ không từ chối thuật ngữ đó, miễn là sự ứng dụng của nó được hiểu một cách chính xác. Câu hỏi này thường được nêu lên sau khi tôi giải thích là có nhiều sách thuộc nhiều loại khác nhau trong Kinh Thánh, chính sự kiện đó ám chỉ rằng không có sự liên can rõ ràng của dữ kiện linh ứng. Thường được nghĩ rằng sự linh ứng làm cho mọi sự thành lịch sử. Không phải vậy; có thể có thơ văn, kịch nghệ, huyền thoại, giả tưởng, v.v… được linh ứng. Nếu Sách Giôna là một dụ ngôn và không phải lịch sử, thì sự linh ứng của Thiên Chúa làm cho nó trở nên một dụ ngôn được linh ứng. Sự thật mà nó truyền đạt về ý muốn của Thiên Chúa là hoán cải mọi quốc gia để nhận biết Danh Người và biết đến lối sống phù hợp luân lý mà nhờ đó sẽ đem lại hạnh phúc cho các quốc gia, đó là một chân lý mà chúng ta có thể chấp nhận là lời Chúa được linh ứng cho chúng ta. Sự linh ứng không có nghĩa chúng ta phải tin rằng một nhân vật lịch sử nào đó có tên là Giôna bị nuốt sống bởi con cá thật lớn. Chúng ta chỉ phải đối phó với dữ kiện đó chỉ khi nào Sách Giôna là lịch sử được linh ứng. Tương tự, nếu các chương đầu của Sáng Thế Ký không được xếp vào nhánh khoa học của thư viện, nhưng trong nhánh gọi là hiểu biết tôn giáo và truyền thuyết, chúng ta vẫn nhìn nhận sự tạo dựng vũ trụ của Thiên Chúa là một chân lý được linh ứng được truyền đạt qua các chương ấy. Tuy nhiên, chúng ta không chấp nhận sự diễn tả của Sáng Thế Ký như một tường thuật có tính cách khoa học về nguồn gốc của vũ trụ. Nó có thể là một tường thuật mà tác giả biết được từ những hình ảnh truyền thuyết của dân tộc ông và của các dân tộc khác và rồi ông ta dùng để truyền đạt chân lý mà ông ta thực sự quan tâm, rằng Thiên Chúa thì cao hơn tất cả và là người tạo nên vũ trụ. Như thế, không có sự mâu thuẫn giữa việc chấp nhận sự linh ứng và chấp nhận những khác biệt về thể loại văn chương, hay hình thức, hay nét đặc trưng trong Kinh Thánh.
16 – Khi dân chúng nghe nói rằng không phải mọi thứ nói với chúng ta trong Kinh Thánh thì đều đúng theo nghĩa đen, chắc chắn đó là một sự xúc phạm.
Tôi không chắc điều đó đúng đến mức nào, bởi vì càng ngày thành phần khán giả càng phức tạp hơn, tối thiểu trong các quốc gia tân tiến. Tôi không tin rằng nhờ sự giáo dục từ tiểu học đến trung học, người ta dần dà nhận thức được rằng nhiều phần của Kinh Thánh thì không phải là sự tường thuật theo nghĩa đen về dữ kiện lịch sử. Khi nói rằng điều đó được sự hỗ trợ của giáo hội, nó có xúc phạm người ta hay không có lẽ điều đó tuỳ thuộc vào cách nói.
Tôi không bao giờ nghĩ rằng điều đó hữu ích khi có ai đó đứng trên tòa giảng hay trong lớp và tuyên bố rằng sự kiện này nọ trong Kinh Thánh thì không bao giờ xảy ra. Về phương diện sư phạm, một chút kiến thức tiêu cực không thể giúp ích cho giáo dân về tinh thần, và tuyên bố một điều như vậy trong khung cảnh nhà thờ thì không giúp dân chúng hiểu biết về Thiên Chúa. Nhưng khi người dạy để ý đến cả hai mục đích của sách và mục đích của sự truyền đạt, tôi không nghĩ có sự xúc phạm khi giảng dạy từng cuốn trong Kinh Thánh theo thể loại văn chương thích hợp, lịch sử là lịch sử, dụ ngôn là dụ ngôn.
Để tôi đưa ra một áp dụng thực tiễn của điều này. Nhiều khi, vì sợ mang tiếng xấu, một số người nói rằng tốt hơn nên coi sự tường thuật không có tính cách lịch sử như có tính cách lịch sử và như vậy sẽ không gặp khó khăn. Đó là một quan niệm sai lầm nguy hiểm. Chân lý của Thiên Chúa phải được phục vụ bởi sự hiểu biết tốt nhất của con người, và khi dạy người ta chấp nhận điều gì đó mà học lực uyên thâm thấy là sai lầm, chúng ta làm nguy hại cho việc chấp nhận chân lý của Thiên Chúa. Không sớm thì muộn, những ai nghe giảng dạy rằng Giôna là một nhân vật lịch sử, hay các chương đầu của Sáng Thế Ký có tính cách lịch sử, họ sẽ nhận ra sự lầm lạc đó và, hậu quả là, có thể họ từ chối chân lý được Thiên Chúa linh ứng trong các chương đó.
Khi nghiên cứu bất cứ đoạn Kinh Thánh nào, người ta không cần phải nêu lên những vấn đề mà khán giả không cách chi có thể hiểu hay có thể hoài nghi; nhưng sự im lặng kín đáo về các vấn đề thật phức tạp thì không giống như sự giảng dạy điều gì đó được cho là sai lầm. Khi giảng dạy về thời thơ ấu của Chúa Giêsu, tôi không đi vào những phức tạp của lịch sử. Nhưng tôi cũng không gợi ý cách ngấm ngầm hay rõ ràng rằng các biến cố đó là lịch sử và phải tin. Sự thách đố của người giảng dạy có lẽ là phải bước đi giữa hai ranh giới, một là xác nhận rằng tất cả những điều này xảy ra theo nghĩa đen, và một là gợi ý rằng đây chỉ là một câu chuyện. Đó là một câu chuyện mà trong đó một sự thật được linh ứng của Thiên Chúa được nói với chúng ta.
17 – Nhưng chúng ta không phải coi các câu chuyện Kinh Thánh theo nghĩa đen đến mức độ nào? Tôi không có khó khăn khi hiểu rằng vũ trụ không được tạo dựng trong sáu ngày, và sự sống phát sinh từ sự tiến hoá, nhưng còn Adong và Evà thì sao? Tôi nghe cha sở nói rằng chúng ta phải tin rằng đó là những người có thật.
Tôi ao ước có thời giờ để được nghe cha sở đó giải thích, nhưng cũng có thể người muốn nói như vậy. Đúng vậy, khi trong đại chủng viện, tôi được dạy bảo về một phương cách tiếp cận theo nghĩa chữ về Adong và Evà. Một phần là vì câu trả lời của Uỷ Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng ngay đầu thế kỷ đã định rõ những phần nào của câu chuyện Sáng Thế phải hiểu theo nghĩa đen, kể cả sự xuất hiện của ma quỷ dưới hình thức con rắn. Chúng tôi được bảo phải chấp nhận là sự thật rằng người phụ nữ đầu tiên được hình thành từ người nam đầu tiên và có sự đồng nhất trong giống người, với ý nghĩa rằng mọi người được xuất phát từ các cha mẹ đầu tiên. Nếu cha sở của bạn được huấn luyện trước thời 1955, có lẽ đó là điều người được dạy bảo. Nhưng vào năm 1955, vị thư ký của Uỷ Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng tuyên bố rằng người Công Giáo ngày nay có “hoàn toàn tự do” về những câu trả lời trước đây của uỷ ban ngoại trừ những gì đề cập đến đức tin và luân lý. Do đó, ngày càng có sự tự do về tính cách nghĩa đen của câu chuyện Sáng Thế.
Tuy nhiên, vấn đề Adong và Evà bị phức tạp hơn khi trong tông huấn Humani Generis của Đức Giáo Hoàng Piô XII năm 1950, người nhắc đến thuyết đa nguyên (polygenism), có thể nói thuyết này nói rằng không chỉ có một đôi cha mẹ sinh ra loài người bây giờ trên trái đất mà có nhiều cặp cha mẹ. Nhưng khoa học ngày nay có khuynh hướng cho rằng mọi người đều là hậu duệ của một đôi cha mẹ.
Vấn đề một hay nhiều đôi cha mẹ, một phần nó thuộc về vấn đề khoa học, và bởi vậy khi nói về tôn giáo chúng ta phải tránh đừng quá thiên về lập trường khoa học này nọ, bởi vì không thể chứng minh bất cứ lập trường nào. Sự lưu tâm đích thực có tính cách tôn giáo về câu chuyện của Adong và Evà là, dù đó là một đôi hay nhiều đôi cha mẹ, tất cả được Thiên Chúa dựng nên vì Thiên Chúa đã thổi hơi ban linh hồn cho họ. Hơn thế nữa, họ được dựng nên cách tốt lành, và không phải xấu xa, giống như chúng ta được dựng nên cách tốt lành chứ không xấu xa. Tuy nhiên, trong con người có khuynh hướng tội lỗi vượt trên cả tội lỗi cá nhân mà chúng ta có thể phạm; khuynh hướng sự dữ này là một phần của sự sa đọa mà loài người đã đưa vào thế gian, không phải là một ban tặng của Thiên Chúa. Như vậy chúng ta có thể giữ lại phần cốt yếu của ý niệm “tội nguyên tổ” (tuy thuật ngữ này không phù hợp Kinh Thánh nhưng phản ảnh những phát biểu rõ ràng của các Giáo Phụ và Thánh Augustine). Chúng ta cũng có thể nhận thấy tính cách khéo léo của câu chuyện Adong và Evà khi truyền đạt ý niệm về tội lỗi và nguồn gốc của nó, và chúng ta không nghĩ rằng có thể tìm thấy một câu chuyện khác tốt hơn câu chuyện đó.
18 – Dù câu chuyện Adong và Evà được hiểu theo nghĩa đen hay biểu tượng, nó có thực sự gây thiệt hại trong ý nghĩa làm giảm giá phụ nữ không?
Tôi không muốn là kẻ dại khờ đâm đầu vào chỗ mà thiên thần cũng sợ không dám bước đến; và vì thế, trong khi cố gắng trả lời câu hỏi này, tôi không muốn nêu lên vấn đề về phụ nữ bình quyền mà nó vượt trên năng lực của tôi là một học giả Kinh Thánh và một người đàn ông. Tôi nghĩ rằng khi được hiểu đúng, câu chuyện Sáng Thế thì không giảm giá phụ nữ, dù rằng tôi nhận thấy một vài đoạn trong các phần khác của Kinh Thánh có thể có tính cách xúc phạm, vì chúng phản ảnh một số thành kiến vào thời bấy giờ mà trong thời gian đó chúng được viết xuống. Việc tạo thành người phụ nữ từ sườn của người đàn ông trong ST 2:21 thì chính yếu không được viết để cho thấy rằng phụ nữ là nhân vật thứ yếu xuất phát từ đàn ông. Thật vậy, khi Adong nhìn thấy người phụ nữ trong ST 2:23, phản ứng ngay tức khắc của ông là nói rằng, đây là “xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi”, nói cách khác, đó là người rất giống như tôi – chứ không phải là một thú vật hay một tạo vật kém hơn. Toàn thể câu chuyện là một lý luận chống với lý thuyết rằng phụ nữ chỉ là một sở hữu của đàn ông nên được xếp vào hạng thấp kém hơn. Sáng Thế Ký khẳng định rằng (1:27) từ nguyên thuỷ của giống người Thiên Chúa dựng nên người nam và người nữ theo hình ảnh của Thiên Chúa là một xác nhận sự bình đẳng của hai phái tính trước mặt Thiên Chúa, phản ánh Thiên Chúa theo phương cách bù đắp. Người ta cần biết một chút về thân phận thấp kém của phụ nữ, không chỉ trong các quốc gia lân cận mà ngay chính trong Israel, để nhận thấy rằng chính trong một phương cách thực tế tác giả Sáng Thế Ký đang sửa sai sự bất bình đẳng và thuyết phụ nữ thấp kém. Như vậy câu chuyện Sáng Thế đem lại cho người rao giảng một cơ hội để dạy một số giá trị căn bản về phẩm giá của cả hai phái.
19 – Chúng ta đừng để bị sa lầy trong câu chuyện của Adong và Evà. Nếu coi đó như biểu tượng hay ngụ ngôn, chúng ta phải ngừng tại đâu? Có ông Abraham, hay Môsê, hay Đavít không? Đối với tôi, dường như khi xa rời tính cách lịch sử của Kinh Thánh, cha đã mở ra một hũ mắm.
Không hồ nghi rằng phương cách tiếp cận hoàn toàn theo nghĩa chữ thì đơn giản hơn; nhưng trong đời sống cũng có nhiều hũ mắm và câu trả lời đơn giản thường không có kết quả. Bằng cách nào đó, chúng ta có thể chấp nhận sự phức tạp của hàng ngàn khía cạnh khác trong đời sống; nhưng chúng ta thấy khó chịu khi có sự phức tạp giữa Thiên Chúa và loài người.
Giả như tôi hỏi bạn rằng, bạn có thực sự nghĩ là TT Washington đã đốn ngả cây anh đào, hoặc ném đồng bạc ngang qua sông Potomac, hoặc ngủ trong tất cả các căn lều mà ông cho rằng phải ngủ ở trong đó không, có thể bạn sẽ trả lời rằng: “Tôi nghĩ rằng một số điều đó là huyền thoại”. Vậy bạn sẽ trả lời sao nếu tôi hỏi: “Nếu bạn bắt đầu nghi ngờ những điều về TT Washington, làm thế nào bạn biết rằng TT Lincoln đã dẫn Liên Quân chiến thắng phe miền Nam, hoặc Teddy Roosevelt chủ tọa việc xây cất kênh đào Panama?”. Không bao lâu bạn sẽ bị buộc phải nhìn nhận rằng có những chứng cớ khác biệt cho những thừa nhận khác biệt, và có khi những câu chuyện về một số nhân vật nào đó thì được kể lại với ít nhiều hương vị huyền thoại trong khi câu chuyện về những người khác là sự thật không tô điểm. Điều này cũng được nhận thấy trong các câu chuyện có liên hệ đến các nhân vật trong Kinh Thánh. Các câu chuyện trực tiếp liên hệ đến ông Abraham có khung cảnh lịch sử tổng quát; nhưng ông được trình bầy như cha của hai người, Israel và Ismael (người Ả Rập), do đó có ít nhiều đặc tính biểu tượng đối với câu chuyện đó. Câu chuyện của Môsê là một phần của thiên anh hùng ca dân tộc trong đó những thành tích của cá nhân được pha trộn với lịch sử của một dân tộc. Nhiều phần của câu chuyện Đavít có lẽ phát xuất từ một người viết tiểu sử các vua, là người sống trong giai đoạn lịch sử đó và viết tương đối sự thật. Trong cả ba tường thuật đều có tính cách lịch sử, nhưng thay đổi ít nhiều số lượng lịch sử và chi tiết. Nó có thể là hũ mắm, nhưng chúng ta cũng có hũ mắm tương tự về lịch sử Hoa Kỳ hoặc bất cứ lịch sử nào. Chúng ta phải chấp nhận điều phiền toái rằng Thiên Chúa đã không miễn cho lịch sử Israel khỏi những thăng trầm như lịch sử của các dân tộc khác.
20 – Còn những khám phá khảo cổ học thì sao? Chúng không xác nhận tính cách lịch sử của phần lớn trong Kinh Thánh hay sao?
Khảo cổ học đem lại một hình ảnh pha trộn. Chắc chắn là những khám phá khảo cổ học đem lại nhiều hiểu biết về phong tục, hoàn cảnh xã hội và môi trường vật lý thời Kinh Thánh. Chúng ta thấy sự khám phá về các thành phố và nhà cửa mà người Israel thời Kinh Thánh sống trong đó. Ngay cả trong thời Tân Ước, những khám phá khảo cổ học soi sáng một số thực hành tỉ như việc đóng đinh trên thập tự và cách chôn cất, cũng như các đường phố ở Giêrusalem mà có lẽ Đức Giêsu đã đi qua.
Tuy nhiên, khi phải xác nhận sự chính xác về tính cách lịch sử của một biến cố trong Kinh Thánh, những khám phá khảo cổ học không có cùng một động lực. Thí dụ, trong cuộc đào xới thành Giêricô lúc đầu, sự khám phá các bức tường đổ nát xác nhận sự tường thuật trong Kinh Thánh về việc ông Giôsua tiêu huỷ các tường này. Tuy nhiên, các kỹ thuật mới đây cho thấy tuổi của các bức tường này thì đã có từ lâu trước thời ông Giôsua, và dường như thành Giêricô không bị chiếm đóng vào thời ông Giôsua. Nói rằng khảo cổ học chứng minh Kinh Thánh, điều đó không chính xác và lầm lạc.
(Còn tiếp)