Hỏi: Có tương quan nào giữa hai Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức không, và nếu có thì Bí tích Thêm Sức có thêm hay bổ túc gì cho Bí tích Rửa Tội không?
Thưa:
Tiên thiên câu hỏi xem ra có hai ý và tức nhiên câu trả lời cũng sẽ có hai vế, nhưng thực sự trong câu hỏi cũng như câu trả lời, hai phần đó đi song song với nhau như hai đường rầy tàu hoả và sẽ gặp nhau ở điểm vô tận, để trở thành một. Nói cụ thể, giữa Bí tích Rửa Tội và Bí tích Thêm Sức có một mối tương quan, nghĩa là một sự liên quan bổ trợ để tiến lên trong đời sống Kitô hữu, như vậy là vì hai Bí tích đó kết thân gắn liền với nhau như mặt đường và bàn chân, đến đỗi thánh Cyprianô (210-258) dám gọi hai Bí tích đó là một "Bí tích cặp đôi".
I. Có tương quan không?
Thời cổ đại Kitô giáo, Bí tích Thêm Sức luôn luôn được ban cùng lúc với Bí tích Rửa Tội cho đến thế kỷ thứ III. Sau đó, trong khi Đông phương tiếp tục cách cử hành chung đó cho dầu là do một linh mục thường (nhưng phải sử dụng dầu thơm thánh do một Giám mục thánh hiến để làm phép Thêm Sức, xem Ds. 1068; bộ giáo luật Đông phương, c. can. 695, 1 và 696, 1), thì Tây phương vì lý do muốn dành lại cho Giám mục việc hoàn thành phép Rửa Tội, nên đã tách Bí tích Thêm Sức ra khỏi Bí tích Rửa Tội trong thời gian (GLGHCG. 1290 và 1297). Quan niệm và cách thức cử hành cũng khác nhau chút ít. Đông phương xức dầu mà thôi (bằng dầu thơm Chrisma, cho nên gọi bí tích này là Chrismation, Bí tích xức dầu), chớ không cần đặt tay, và xức dầu chẳng những trên trán mà còn trên toàn thân cách riêng là trên một số phần thân thể tiêu biểu khác nữa (Giám mục xức trên đầu, và các thừa tác viên khác xức trên thân thể, linh mục và nam phó tế cho thụ nhân nam và nữ phó tế cho thụ nhân nữ): xức trên trán (để suy nghĩ), trên mắt (để nhìn thấy), trên tai (để nghe), trên mũi (để thở), trên miệng (để nói), trên ngực gần trái tim (để yêu thương), trên lưng (để gánh vác), trên tay (để hoạt động) và trên chân (để di chuyển) (xem GLGHCG. 1300), và người được xức dầu làm tất cả các hành động đó trong Đức Chúa Thánh Thần. Còn Tây phương, thì linh mục rửa tội sẽ xức dầu thơm thánh do Giám mục thánh hiến (xem Can. 880, §2) và một thời gian lâu sau đó Giám mục mới đặt tay lên đầu trên trán để hoàn tất phép Rửa Tội (Thánh Hippolytô, "Truyền thống các Tông đồ", số 21) (xem Công đồng Lyon II, Ds. 860; Công đồng Florence, Ds. 1328). Nói gút lại và đúng hơn, khi ban phép Thêm Sức, Giám mục hoàn thành và củng cố ơn phép Rửa Tội, và nhất là xác nhận, đóng dấu cuối cùng cho phép Rửa Tội đã được ban (GLGHCG. 1288 và 1289; xem Công đồng Elviza, Ds. 140).
II. Có thêm hay bổ túc gì không?
a) Xin nói ngay và dứt khoát là Bí tích Thêm Sức không thêm gì cho Bí tích Rửa Tội, chỉ có việc là hai Bí tích này có liên quan với nhau, trong tác động của cùng một Đức Chúa Thánh Thần, vì những lẽ sau đây:
- Phép Rửa Tội sinh ra và phép Thêm Sức tăng trưởng,
- Phép Rửa Tội thanh tẩy cùng tái sinh và phép Thêm Sức tăng thêm sức mạnh,
- Phép Rửa Tội ban tất cả kể cả Đức Chúa Thánh Thần và phép Thêm Sức phát huy và hoàn thành, để người tín hữu "lớn lên tới mức tròn đầy của thân hình trưởng thành" (Ep 4, 13), để được tăng sức và hoàn thành đời sống siêu nhiên trong sự đầy tràn ân sủng và làm cho đức tin mạnh thêm (Ds. 1311).
b) Còn hơn nữa, trong phép Rửa Tội ta nhận ơn Chúa cho mình còn trong phép Thêm Sức thì ta sử dụng ơn Chúa để cho người khác, đại để như:
- Nhờ phép Rửa Tội ta được làm cho sống và nhờ phép Thêm Sức ta làm cho sống,
- Nhờ phép Rửa Tội ta được gọi đến và nhờ phép Thêm Sức ta được sai đi,
- Nhờ phép Rửa Tội ta trở nên đệ tử và nhờ phép Thêm Sức ta trở nên ngôn sứ,
- Nhờ phép Rửa Tội ta nhập tịch Giáo Hội và được phục vụ, và nhờ phép Thêm Sức ta trở nên thành phần sinh động và hữu trách về đời sống và sứ mạng của Giáo Hội, cũng như xây dựng một xã hội công bình và huynh đệ hơn,
- Nhờ phép Rửa Tội ta mặc lấy Đức Kitô và nhờ phép Thêm Sức ta làm toả lan Đức Kitô,
- Nhờ phép Rửa Tội ta tuyên bố chân lý đức tin và nhờ phép Thêm Sức ta thấu triệt chân lý đức tin.
Kết:
Bí tích Thêm Sức không chỉ là lễ nghi tuyên thệ đức tin, mà là Bí tích thật sự và riêng biệt khác với Bí tích Rửa Tội (Công đồng Trentô, Ds. 871), nghĩa là phép Rửa Tội và phép Thêm Sức là hai Bí tích (Ds. 2044). Bí tích Thêm Sức là một trong bảy Bí tích Đức Chúa Giêsu đã thiết lập (Ds. 1601) có in ấn tích riêng (Ds. 1609). Nhưng giữa hai Bí tích này có một sự tương quan chặt chẽ, vì Bí tích Thêm Sức hoàn tất Bí tích Rửa Tội, nghĩa là phép Thêm Sức hoàn thành và củng cố ơn phép Rửa Tội, xác nhận và đóng dấu cuối cùng cho phép Rửa Tội đã được ban, tuy phép Thêm Sức không thêm gì cho phép Rửa Tội. Nói gọn gàng hơn và đúng mười mươi, Bí tích Rửa Tội và Bí tích Thêm Sức là hai đối tác có tính bổ trợ (auxiliaritas) có chất lượng và mức độ cao.
Hỏi: Tại sao cho người mới vừa được rửa tội mặc áo màu trắng, mà không màu khác như hồng, vàng, chẳng hạn?
Thưa:
1. Câu hỏi xem ra hay và có gợi ý tốt. Vì màu hồng là màu áo cô dâu tuyệt vời trang điểm như Hiền Thê lộng lẫy của Chiên Thiên Chúa mà thánh Gioan đã nhìn thấy trong sách Khải Huyền 19,1-7. Vì màu vàng là màu của đức vua mà nhờ phép Rửa tội người tín hữu được tham dự vào chức linh mục bản tính của Chúa Giêsu trong chức năng ngôn sứ, vương giả và quản lý.
2. Khi chịu phép Rửa tội rồi, thì linh hồn đen đủi xấu xa trở nên trắng tinh đẹp đẽ. Đen vì sự yếu đuối của thân phận loài người, đẹp nhờ ân sủng. Đen vì do từ kẻ tội lỗi mà ra, đẹp nhờ bí tích đức tin (thánh Ambrôsiô, "Về các Mầu nhiệm", số 35). Bởi đó, sau khi rửa tội, thì cho mặc áo trắng là áo của ơn cứu độ, áo của niềm vui (thánh Cyrillô thành Giêrusalem, "Cath. myst" 4,8). Theo truyền thống, còn coi áo trắng đó là biểu tượng của sự trong sạch của linh hồn vừa mới được rửa tội. Thế mà ở một số nhà thờ, cha rửa tội xong, bèn đặt lên ngực em bé một chiếc khăn màu dơ từ lâu chưa giặt và đang ướt vì mới lau nước rửa trên trán em và nói rằng "Con hãy nhận chiếc áo trắng này". Chớ gì cha dạy cho các gia đình may một áo trắng dài bỏ ngỏ để bao trùm toàn thân em lại có mũ trùm đầu may dính liền càng tốt, sử dụng cho anh, chị, em, thì sẽ đẹp hơn.
3. Chúng tôi muốn mở ra một tư duy ít được nghĩ tới. Tư duy đó là màu trắng là tên gọi của ánh sáng. Và duy có ánh màu trắng mới được gọi đích thực là ánh sáng, còn các màu khác như hồng, vàng, xanh, đỏ, tím, thậm chí màu đen, chỉ sẽ được gọi là đèn màu mà thôi. Mà màu trắng tên gọi của ánh sáng là màu của Thiên Chúa, nhiều hơn là màu sắc của sự vô tội hay sự trong sạch. Người vừa chịu phép Rửa tội được mặc áo trắng, vì áo trắng "tượng trưng cho sự người lãnh nhận phép Rửa tội" đã mặc lấy Chúa Kitô" (Ga 3,27); người đó được sống lại với Chúa Kitô" (GLGHCG 1243) và mặc lấy màu trắng của ánh sáng Phục Sinh" (Kh. 7,9).
4. Ánh sáng Phục Sinh cũng được truyền sang Cây nến rửa tội là biểu tượng đức tin của người vừa được rửa tội. Ánh đèn nóng để làm ấm áp và sáng để soi lối đi cho mình và cho anh em, nên không được chôn vùi (Mt 4,14-16). Màu trắng là tên gọi của ánh sáng và ánh sáng là biểu tượng của đức tin, cho nên ánh sáng đức tin đó cần phải được hiện hữu và tồn tại đến ngày đi đón Đức Kitô (Mt 25,1-13). Nhưng phải luôn luôn bảo vệ ánh đèn yếu ớt bị gió đe doạ thổi tắt, kẻo đức tin đó đã chết "Khi Con Người đến" (Lc 18,8). Màu trắng là màu của Thiên Chúa và mặc áo màu trắng để đi đón Thiên Chúa là điều hợp lý nhất.
Hỏi: Tuổi trung bình thực tế nào thích hợp cho việc lãnh nhận Bí tích Thêm Sức?
Thưa:
Trong câu trả lời, chúng ta xem nố nguy tử và nố bình thường. Trong nố bình thường, chúng ta sẽ xem nguyên tắc lý thuyết của Giáo Hội trung ương và thực hành của các giáo hội địa phương, để đi đến kết luận về số tuổi thích hợp lấy làm thực tế. Cuối cùng chúng ta tán rộng thêm cho cạn lý. Về vấn đề này bộ giáo luật rút gọn như sau: "Bí tích Thêm Sức hãy được ban cho các tín hữu vào khoảng tuổi biết nhận thức, trừ phi Hội đồng giám mục ấn định tuổi khác, hoặc có nguy tử hay theo sự xét đoán của thừa tác viên lý do quan trọng khuyên gì khác" (can.891).
1. TRƯỜNG HỢP NGUY TỬ.
Gặp trường hợp nguy tử thì ban phép Thêm Sức vô điều kiện ở bất cứ tuổi nào. Xin nhắc thêm là trong trường hợp nguy tử bất cứ linh mục nào cũng được ban phép Thêm Sức trong lúc làm phước cho người nguy tử, đúng theo nghi thức và công thức (can.883,3).
2. TRƯỜNG HỢP BÌNH THƯỜNG.
Trong trường hợp bình thường để lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, giáo luật đòi tuổi biết nhận thức (can.891), nghĩa là có khả năng hiểu biết, phán đoán, phân biệt lành dữ và cư xử cách khôn khéo và khôn ngoan, lấy tuổi pháp lý của kẻ có sử dụng trí khôn là đã trọn bảy tuổi (can.97,2; GLGHCG 1307), xem ra cũng chưa đủ, vì tuổi đó là tuổi tối thiểu và xét cho trường đời thì vẫn còn rất khờ. - Bởi đó, giáo luật phổ quát không muốn độc quyền định đoạt về tuổi Thêm Sức, cho nên vừa gợi ý liền tản quyền cho các Hội đồng giám mục địa phương. Chúng ta lấy một ít ví dụ. Hội đồng giám mục Italia định khoảng mười hai tuổi (Cẩm nang HĐGM Italia, tập 3, trang 915, số 1596); Hội đồng giám mục Bỉ định số tuổi từ mười hai đến mười bốn và để tuỳ nghi các Giám mục giáo phận (Sắc lệnh HĐGM Bỉ, ngày 26/5/1985, trong Tập San chính thức, tháng 6-7 năm 1985); Hội đồng giám mục Pháp định số tuổi từ mười hai đến mười tám và để cho Giám mục mỗi giáo phận qui định tuổi nhất định cho giáo phận mình (Tập San HĐGM Pháp, số 30, tháng 01 năm 1986, trang 450). - Lý do quan trọng để thừa tác viên khôn ngoan chấp nhận tuổi khác, nhiều lúc là thấp hơn tuổi thông thường, là dựa vào hoàn cảnh thực tế, như ở các xứ truyền giáo quá rộng lớn, vị đại diện tông toà khó lui tới thường xuyên, nên nếu không nhận cho tuổi thấp lần này thì lần sau tuổi sẽ quá cao.
3. TÁN RỘNG ĐỂ SUY NGHĨ THÊM.
Nếu cho xưng tội rước lễ lần đầu vào lúc bảy tuổi và Thêm Sức luôn gọi là "Khai tâm", thì xem ra lý luận hơi lạ và xét về tâm-lý-học là khó hiểu. Tuy nhiên, việc Chúa làm không lệ thuộc óc phán đoán và sự hiểu biết của loài người. Bởi vì Bí tích Thêm Sức là sự trưởng thành Kitô giáo, cho nên một thiếu nhi nhờ Bí tích Thêm Sức mà được trưởng thành về đức tin trong lúc em còn non nớt về tuổi đời (Kn. 4,8) và nhờ ơn sức mạnh của Đức Chúa Thánh Thần em có thể chiến đấu cách can trường và đổ máu mình ra cho Đức Kitô (Thánh Tôma, TLTH, 3,72, 8 ad 2; GLGHCG 1308). - Sách giáo lý của Công đồng Trentô (1566) chương 17,4, bảo đừng ban phép Thêm Sức trước tuổi khôn là bảy tuổi, lý do là vì "các trẻ chưa tới tuổi khôn không phải chiến đấu để giữa đức tin", nhưng cũng không nhất thiết phải đợi đến mười hai tuổi. - Có hai ý kiến về tín lý khác nhau về tuổi Thêm sức: Một là trước khi Rước lễ lần đầu, hai là để lùi lại lâu sau Rước lễ lần đầu. Giáo luật không muốn phân tranh, không phân thắng bại cho ai, nên dung hoà hai ý kiến tín lý và cho quan điểm của mình là lấy tuổi tối thiểu là bảy tuổi trọn (can.891) và để cho Khoa mục vụ với trọng lượng của sự chuyên môn của mình, mặc dầu có một thời gian giáo luật nghiêng về tuổi dậy thì (nam mười bốn, nữ mười hai). - Xét về tâm-lý sư-phạm giáo lý, chúng ta thấy như sau. Nếu ban phép Thêm Sức vàolứa tuổi còn nhỏ, trên dưới mười hai, thì làm cho thấy ơn phép Thêm Sức là rõ ràng một hồng ân nhưng không của Thiên Chúa, vì các em chưa tỏ ra thích đáng đủ về mặt nhân loại bởi lẽ sự cam đoan bản thân xem ra hãy còn thiếu kém. Nếu ban phép Thêm Sức vào lứa tuổi xấp xỉ mười tám, thì có lợi điểm là các em có tư cách con người hơn và có khả năng để tự chọn và ý thức hơn về sự cam đoan và dấn thân của mình, nhất là có hiệu quả mục vụ hơn, nhưng lại có thể vấp phải cái thất bại là nhà thờ không còn quản lý các em đó cách dễ dàng như các em trẻ tuổi hơn. - Cũng có ý kiến cho rằng Bí tích Thêm Sức vì là Bí tích của người chiến sĩ Phúc Âm, chiến sĩ đức tin, cho nên hãy chờ lúc sắp xông pha vào đời sống hoạt động xã hội hay chờ lúc lập gia đình mới ban, thì sẽ có ý nghĩa và hiệu quả thực tế hơn. Nhưng làm như vậy thì Bí tích Thêm Sức sẽ bị thiệt thòi ích nhiều về tính hiệp nhất đức tin và hiệp thông giáo hội (CĐ/Vat. LG.18 và 23), cũng như về sự trang trọng, sự trọng thể và về tính cộng đồng, vì chắc chắn sẽ vắng bóng Giám mục giáo phận là vị "đứng đầu đoàn chiên... là tư tế lo phụng tự thánh và thừa tác viên lãnh đạo" (CĐ/Vat. LG.20). (nguồn http://gxthuanhoa.net)