TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH

TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH


HỌ ĐẠO CÁI QUAO KÍNH CHÚC QUÝ CHA, QUÝ TU SĨ NAM NỮ VÀ ANH CHỊ EM GIÁO DÂN ...MỘT MÙA GIÁNG SINH TRÀN ĐẦY TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA CHÚA!

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

Thánh Lễ Mừng 75 Năm Thành Lập Giáo Phận Vĩnh Long


Thánh Lễ Mừng 75 Năm Thành Lập Giáo Phận Vĩnh Long

Thông tin từ trang web giáo phận : www.giaophanvinhlong.net
Sáng ngày 08/01/2013, Đức cha Tôma Nguyễn Văn Tân, Giám mục Giáo phận Vĩnh Long chủ sự thánh lễ mừng kỷ niệm 75 năm thành lập giáo phận, tại nhà thờ Chánh Tòa. Cùng đồng tế với ngài có hơn 130 cha trong giáo Phận. Ngoài ra còn có đông đảo các tu sĩ nam nữ, quý thầy Đại Chủng Sinh thuộc Đại Chủng Viện Thánh Quý và khoảng  4 ngàn giáo dân khắp nơi trong Giáo Phận tụ về.
Sau bài ca nhập lễ của ca đoàn giáo phận với hơn 300 ca viên, tất cả giáo dân được mời gọi nhìn lại lược sử giáo phận
"Giáo phận Vĩnh Long được khai sinh với lý do Giáo Phận Sài Gòn quá rộng nên công việc Rao giảng Tin mừng khá phức tạp. Hơn nữa, Giáo Hội Rôma cũng muốn thúc đẩy việc địa phương hoá hàng Giáo Sĩ và để việc Rao giảng Tin mừng có hiệu quả hơn nên vùng Vĩnh Long được tách khỏi Giáo phận Sài Gòn và được lập thành Giáo phận ngày 8 tháng 1 năm 1938 (có Tông sắc). Giáo phận Vĩnh Long bao gồm các tỉnh một phần của Long Hồ dinh 1732, tức là Tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, nhưng thay vào một phần của Cần Thơ bằng một phần của Đồng Tháp ngày nay.
Theo dòng giáo sử, vào khoảng thế kỷ XVII, có sự hiện diện của Kitô giáo ở Giáo phận Vĩnh Long và sau đó được phát triển theo thời gian : Nhiều Họ đạo và Nhà thờ được xây dựng, các Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum và Cái Mơn và Dòng Kitô Vua được thành lập, các Nữ tu Dòng Thánh Phaolô thành Chartres và Dòng Xi-Tô Phước Vĩnh cũng đến sinh hoạt trong Giáo phận.
Trong thế kỷ XVIII, Giáo phận Vĩnh Long có khoảng năm Họ đạo, nhưng số giáo dân không đáng kể : Cái Nhum, Cái Mơn, Cái Bông, Bãi Xan, Mặc Bắc. Đa số giáo dân trốn chạy ảnh hưởng cấm đạo ở miền Trung Việt Nam và đi tìm đất canh tác để sống.
Vào thế kỷ XIX, Kitô giáo phát triển khá mạnh trong Giáo phận Vĩnh Long với những kết quả như việc thành lập các Hội Dòng, trong đó có Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum, Cái Mơn, Hội Dòng Kitô Vua và các Họ Đạo.
Năm 1850, Cái Nhum, Cái Mơn, Bãi Xan trở thành Họ đạo lớn, có Linh mục phục vụ. Chính thời kỳ bách hại này, Giáo phận và các Họ đạo vẫn phát triển mạnh. Các linh mục, nam nữ tu sĩ thường xuyên đến phục vụ tại các họ đạo và gia đình.
Khoảng thời gian của thập niên 70-80 của thế kỷ XIX, Hội Dòng Thầy giảng Kitô Vua được thành lập do hai Cha thừa sai Gernot Quý và Ritter Giáo.
Ngày 08/01/1938 , Tòa Thánh ban sắc chỉ tách các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre và phần đất nằm ở tả ngạn sông Hậu, tức một phần của tỉnh Đồng Tháp sau này để lập thành giáo phận Vĩnh Long, và cử cha Phêrô Ngô Đình Thục (Huế) làm Giám mục Hiệu Toà Sæsina. Tân Giáo phận từ nay tách rời từ Giáo phận Sài Gòn và được trao cho Giám mục Phêrô Martinô Ngô Đình Thục. Khi thành lập, Giáo phận gồm 47 linh mục Việt, 3 thừa sai, 24 chủng sinh, 61 tiểu chủng sinh, 45.318 giáo hữu và 1.780 tân tòng. Giáo phận chia làm 7 hạt, 35 Họ chánh, 106 Họ nhánh". (trích nguồn: giaophanvinhlong.net)
- Trước khi bắt đầu thánh lễ, cha F.X. Nguyễn Văn Việt chánh văn phòng TGM đọc lại Sắc Dụ Thành Lập Giáo Phận, và sau sắc dụ ngài cũng tuyên bố hồng ân Đức Thánh Cha ban cho nhân ngày 75 năm thành lập Giáo Phận bằng phép lành tòa thánh.
- Đầu lễ, Đức Cha nhắc lại ngày thành lập giáo phận và mời gọi cộng đoàn ghi ơn và cầu nguyện đặc biệt cho các Đức Cha đã qua đời: Đức Cha tiên khởi Phêrô Martinô Ngô Đình Thục (23/6/1938 24/11/1960), Đức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện (24/11/1960-18/9/1968), Đức Cha Raphae Nguyễn Văn Diệp (15/8/1975-10/5/2000) và Đức Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu ( 19/9/1968-03/07/2001, hiện đang hưu dưỡng ) và từ ngày thành lập giáo phận đến nay có 126 linh mục đã qua đời và 1 thầy phó tế. Đặc biệt, giáo phận dâng cho Giáo Hội 2 vị tử đạo được hiển thánh là Thánh Phil. Phan Văn Minh và thánh Gs. Trùm Lựu. Sau cùng ngài mời gọi mỗi người giáo dân canh tân đời sống, cầu nguyện cho Giáo Phận để ngày một phát triển hơn tốt đẹp hơn.
- Trong bài giảng đức cha đã nhìn lại đoạn đường phát triển mãnh liệt của giáo phận theo dòng thới gian có những lúc tưởng chừng giáo phận không thể đứng vững; nhưng nhờ tình yêu Thiên Chúa và sự trợ giúp của Mẹ Maria giáo phận không những tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ , ngày ngày tiếp tục trổ sinh hoa trái.
Hiện nay giáo phận có một giám mục đương nhiệm, 193 linh mục triều và dòng đang phục vụ trong giáo phận, 57 thầy đại chủng sinh, hơn 100 chủng sinh dự bị, và khoảng 500 nữ tu dòng MTG Cái Nhum và Cái Mơn, ngoài ra còn nhiều dòng tu nam và nữ trong giáo phận. Đặc biệt số giáo dân lên đến con số 197414.
Để có được hoa trái như ngày hôm nay, giáo phận được xây dựng trên nền tảng đức tin, đức cậy, và đức mến. Ngoài ra, còn được phát sinh từ sức sống hào hùng của 2 thánh tử đạo, cộng với những bước chân các vị thưa sai cũng như nỗ lực của từng giáo dân trong mọi hoàn cảnh.
Ngày nay giáo phận được phát triển từng ngày, nhưng phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, vì vậy rất cần lời cầu nguyện và chung tay góp sức của mọi thành phần trong đại gia đình giáo phận.
Cuối thánh lễ, toàn thể cộng đoàn hát vang bài ca "Cầu cho giáo phận", xin Đức Mẹ và hai thánh tử đạo của giáo phận là Phil. Minh và Gs. Lựu tiếp tục cầu bầu cho giáo phận Vĩnh Long ngày càng trổ sinh thêm nhiều hoa trái.
Thánh lễ mừng kỷ niệm 75 năm thành lập giáo phận Vĩnh Long diễn ra đơn sơ, nhưng trang trọng và thiêng liêng trong bầu khí gia đình giáo phận.
Buổi lễ đã chấm dứt trong niềm vui linh thiêng, một món quà nhỏ khoản đãi mọi người có mặt trong thánh lễ vào ngày kỷ niệm 75 hồng ân. Món quà nhỏ nhưng thắm đậm tình người, thắm đượm tình yêu của mọi người có chung một lý tưởng, có chung một mái ấm địa phận.
75 năm hồng ân nhưng không của Thiên Chúa. Hồng ân tiếp nối hồng ân. Phaolô trồng, Apollo tưới, nhưng chính Chúa cho mọc lên. Xin cảm tạ tri ân Thiên Chúa và chúc tụng Mẹ Maria vì biết bao ân huệ Thiên Chúa đã đổ xuống trên Giáo phận Vĩnh Long và trên mỗi người trong giáo Phận chúng con.
Một số hình ảnh ngày lễ: