Đeo headphone vào tai nhưng không hề nghe nhạc,
nhiều teen như muốn "tuyên bố" với cả thế giới:
Không
muốn quan tâm đến ai và cũng chẳng muốn ai quan tâm đến mình. Nhưng nhiều
chuyện đau lòng có thể sẽ bắt đầu từ đó...
Cái chết đau lòng
Đã nhiều ngày qua nhưng cái chết của bạn N.N.D
(lớp 10C3 trường Ngô Quyền, Hải Phòng) vẫn còn là chủ đề nóng trên nhiều diễn
đàn. Bạn đã treo cổ để tự kết thúc cuộc đời mình. Theo cô hiệu trưởng Nguyễn
Hồng Thuý và bạn học cùng lớp với D, nguyên nhân khiến D tự tử vẫn là "đợi
kết luận của cơ quan điều tra". Nhưng theo nội dung của 5 lá thư tuyệt mệnh
D để lại (do gia đình cung cấp) thì D thật sự buồn chán vì bị bạn bè xa lánh,
rồi thầy giáo thường xuyên la mắng. Một thông tin khác là D đã có dấu hiệu bị
trầm cảm suốt nhiều tháng qua khi thường xuyên thức khuya, ít giao du với bạn
bè. Thoạt nhìn, những dấu hiệu ấy không quá lạ lùng với một teen học giỏi,
ngoan hiền và đầy tràn ước mơ như D. Nhưng nó có thể là lý do khiến D không tìm
được sự chia sẻ để vượt qua những rắc rối của bản thân dẫn đến hành động đáng
tiếc. Theo nhiều chuyên gia tâm lý, thiếu sự chia sẻ từ bạn bè, người thân góp
phần cực quan trọng làm gia tăng bệnh trầm cảm ở teen.
"Tớ không có bạn thân!"
Thục Quyên (trường T, Q.8) bày tỏ: "Tớ không
có bạn thân. Mà tớ cũng chẳng thèm có. Làm gì có bạn tốt đâu, khỏi chơi cho
khoẻ". Thục Quyên có đủ "bằng chứng" để khẳng định như thế.
Trước đây trong lớp Quyên cũng có 1 nhóm 2 - 3 bạn thân. Một lần, Quyên khoe
với bạn bộ vòng da nhiều màu thì được cả nhóm xuýt xoa. Nhưng sau đó, Quyên
phát hiện 1 trong số bạn thân ấy đã viết 1 status trên Facebook tỏ ý chê bai
style vòng da của mình và nhận được rất nhiều comment tán đồng. Một lần khác,
Quyên thấy các bạn trong nhóm chuyền tay nhau đề cương ôn tập môn Vật Lý đã
được soạn sẵn nhưng khi hỏi đến thì các bạn trả lời: không photo cho Quyên được
vì chủ nhân của bài soạn khó lắm. Thực chất, Quyên biết đó là bài photo mà ban
cán sự lớp cùng làm và chia về cho các nhóm tham khảo! Từ đó, cô bạn
"cạch" bạn bè luôn và rơi vào tình trạng trầm cảm cấp độ nhẹ.
L.A (lớp 11 trường V, Q.12) cũng luôn cảm thấy
"lạc lõng" giữa lớp mình. Theo lời A, cô bạn không làm gì có lỗi
nhưng vẫn bị "cho ra rìa" và luôn là người không được tham gia bàn
tán, xầm xì cùng lớp bất cứ chuyện gì. Lý do mà các bạn không muốn "cùng
hội cùng thuyền" với L.A là vì nhìn thấy "khó ưa, kiêu căng và lúc
nào cũng ta đây, ngoan ngoãn; ai hỏi gì cũng trả lời từ từ, không thèm nói
chuyện với người khác". L.A bộc bạch: "Tớ nhát lắm, với lại mặt của
tớ cũng "lạnh" nữa nên các bạn tưởng tớ kiêu căng, ra vẻ; tớ cũng
muốn cùng tụ họp với các bạn nhưng tớ không chơi thân với ai trong lớp hết và
các bạn cũng không thích tớ. Làm sao để các bạn hiểu tớ bây giờ?"
"Ốc đảo" trong gia đình
Đáng tiếc là khi teen chưa có được sự chia sẻ từ
bạn bè thì nhiều bạn cũng mất luôn sự quan tâm của gia đình. X (trường B, Q.3)
là một ví dụ. Dù mới học lớp 10 nhưng cô bạn đã tự tử 2 lần vì buồn chuyện gia
đình. Trên tay X xuất hiện chi chít những vết sẹo, hậu quả của những lần bạn tự
rạch tay mình. Mẹ X là lao động chính của gia đình, thường xuyên phải đi công
tác nên khi gặp những rắc rối trong cuộc sống, X không biết tâm sự cùng ai. Là
người rất học giỏi, khá xinh xắn và đầy tự tin, X không muốn ai can thiệp vào
chuyện của mình. Mọi chuyện chỉ vỡ lẽ X cùng nhóm bạn chuẩn bị tự tử tập thể
bằng một kế hoạch bài bản. Rất may khi ấy, nhờ tin báo của một bạn trong nhóm,
một chuyên gia tư vấn tâm lý đã kịp thời ngăn chặn kế hoạch này. Cùng lớp và
cùng bị trầm cảm với X là Y. Ngược với X, Y rất tự ti bởi có một thân hình hơi
"quá khổ" của mình. Đó cũng là đề tài "tám chuyện" của
nhiều bạn trong lớp nên bạn thường xuyên phải sống trong buồn bực, lo lắng.
Chuyện càng nghiêm trọng hơn khi Y bị anh ruột... "sờ soạng". Đem
chuyện "méc" lại ba thì ông lại phán một câu khiến bạn chỉ còn muốn
biến khỏi thế giới: "Ai biểu mày nhử làm chi!"
THÁO PHONE ĐI NÀO!
Khi phát hiện con mình (học sinh giỏi một trường
ở Q.10) bị trầm cảm nặng bởi việc chia tay ba mẹ, cô N (Q.10) xin nghỉ việc
suốt 1 năm trời để ở bên cạnh bạn. Cứ mỗi cuối tuần, hai mẹ con cô lại dành
thời gian đi chơi cùng nhau, dần dần, cô đã giúp con mình trở lại bình thường.
Nhưng không phải ai cũng may mắn có người nhắc bạn "tháo phone" để
tận hưởng cuộc sống. Khi ấy, không phải ai khác, chính bạn mới là người tự tháo
phone cho cuộc đời mình. Đó là cách Trâm Anh (trường Marie Cuire, Q.3) đã chọn
cho mình. Thay vì trách bạn bè chơi xấu, bạn đã dành thời gian cho việc học
nhiều hơn và kết giao với các bạn trong đội công tác xã hội - vừa tránh những
đau khổ do mình tự gặm nhấm, vừa làm được nhiều việc có ích hơn cho những người
khác từ các hoạt động của hội bạn mới. Bạn cũng làm được mà!
***
Góc dành cho bạn
Nếu bạn cũng cảm thấy đang "đeo phone"
cho cuộc đời mình: hãy chia sẻ những khó khăn, bức xúc hoặc những câu hỏi cần
được tư vấn liên quan đến những rắc rối trong cuộc sống đến địa chỉ:
kinangteen@gmail.com. Mực Tím sẽ giúp bạn kết nối với các chuyên gia tư vấn để
có thể giải quyết sớm nhất.