SỨ ĐIỆP CỦA
ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ
XVI
NHÂN NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN
THÔNG XÃ HỘI LẦN THỨ 46
( Lễ Chúa Thăng Thiên,
Chúa Nhật ngày 20 tháng 5 năm 2012 )
Chủ đề: “Thinh lặng và
Lời nói: Con đường Phúc âm hóa”
Anh chị em thân mến, Gần
đến Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội năm 2012, tôi muốn chia sẻ với anh chị em
vài suy tư về một khía cạnh của tiến trình giao tiếp giữa con người; khía cạnh
ấy quan trọng nhưng đôi khi lại bị coi thường. Đó là mối tương quan giữa thinh
lặng và lời nói, mà tính cách quan trọng của nó ngày nay cần được đặc biệt nhấn
mạnh. Thinh lặng và nói là hai khía cạnh của truyền thông cần được giữ cân
bằng, tiếp nối nhau và bổ túc cho nhau, để có được một cuộc đối thoại đích
thực, và tạo sự gần gũi sâu xa giữa người với người. Khi lời nói và sự thinh
lặng loại trừ nhau, truyền thông sẽ thất bại, vì nó gây ra tình trạng hoang
mang nào đó hoặc, trái lại, một bầu khí lạnh nhạt; còn nếu chúng bổ túc cho
nhau một cách hài hòa, việc truyền thông sẽ đạt được giá trị và ý nghĩa. Thinh
lặng là thành phần của truyền thông, mà nếu không có thì không thể có được
những lời mang đậm ý nghĩa. Trong thinh lặng, chúng ta lắng nghe và hiểu rõ
mình hơn; trong thinh lặng, tư tưởng được nảy sinh và có chiều sâu; chúng ta
hiểu rõ hơn điều chúng ta muốn nói và điều chúng ta mong đợi nơi người khác,
chúng ta chọn cách thức diễn đạt. Thinh lặng khiến cho người khác được nói,
được bày tỏ, và để ta đừng khư khư quyết giữ lời nói, ý tưởng của mình mà không
đối chiếu một cách thích đáng. Như thế, sẽ mở ra một không gian để lắng nghe
nhau và một mối tương quan sâu sắc hơn giữa người với người. Chẳng hạn, trong
thinh lặng sẽ có được những khoảnh khắc truyền thông xác thực nhất giữa những
người yêu nhau: cử chỉ, nét mặt và thân xác là những dấu hiệu biểu lộ con
người. Trong thinh lặng, niềm vui, nỗi lo, đau khổ cất tiếng nói và tìm được
cách diễn tả thật đậm nét. Như thế, thinh lặng đem lại hiệu quả tích cực hơn
cho truyền thông, vốn đòi hỏi sự nhạy cảm và một khả năng lắng nghe – vẫn
thường cho thấy mức độ và bản chất các mối tương quan. Sứ điệp và thông tin
càng nhiều, lại càng cần đến thinh lặng để phân định điều quan trọng với những
điều vô bổ hoặc thứ yếu. Biết suy xét kỹ lưỡng, sẽ giúp chúng ta khám phá những
mối tương quan giữa các biến cố, mà thoạt nhìn có vẻ như không liên hệ gì với
nhau để đánh giá, phân tích các sứ điệp; điều này giúp chúng ta có thể chia sẻ
những ý kiến chín chắn và thích đáng để xây dựng nền tri thức chung đích thực.
Do đó, cần xây dựng một bầu khí thuận lợi, một loại ‘hệ thống môi sinh’ có thể
tạo thế cân bằng giữa thinh lặng, lời nói, hình ảnh và âm thanh. Phần lớn hoạt
động hiện nay của truyền thông được định hướng bởi những câu hỏi cần có lời
giải đáp. Các bộ máy tìm kiếm và các mạng xã hội là nơi đầu tiên nhiều người
tìm đến khi cần lời khuyên, ý tưởng, thông tin và những lời giải đáp. Vào thời
của chúng ta, hơn bao giờ hết internet đang trở thành nơi hỏi và trả lời – hơn
nữa, con người ngày nay thường bị dội bom bằng những câu trả lời cho các thắc mắc
mà họ chưa bao giờ đặt ra và các nhu cầu mà họ chưa cảm thấy. Sự thinh lặng
thật là quý giá để giúp chúng ta dễ dàng phân định chính xác, hầu nhận ra và
chú tâm vào những vấn đề thực sự quan trọng giữa biết bao yêu cầu và lời giải
đáp mà chúng ta nhận được. Tuy nhiên, trong thế giới truyền thông phức tạp và
đa dạng này, có nhiều người quan tâm đến những vấn đề tối hậu của đời sống con
người: Tôi là ai? Tôi biết được điều gì? Tôi phải làm gì? Tôi có thể hy vọng
điều gì? Điều quan trọng là phải đón nhận những người đặt ra những câu hỏi này,
bằng cách mở ra một cuộc đối thoại sâu sắc, bằng lời nói và sự trao đổi, và cả
việc mời gọi suy nghĩ trong thinh lặng. Đôi khi sự thinh lặng còn nói nhiều hơn
một câu trả lời vội vã ,và giúp cho những người đặt câu hỏi đi sâu vào chính
cuộc đời họ, và mở lòng ra cho con đường dẫn đến câu trả lời mà Thiên Chúa đã
ghi khắc trong trái tim con người. Thực ra, dòng câu hỏi tuôn chảy không ngừng
ấy chứng tỏ con người luôn thao thức tìm kiếm những chân lý, quan trọng ít hay
nhiều, vốn đem lại cho cuộc sống một ý nghĩa và niềm hy vọng. Con người không
thể hài lòng với một sự trao đổi hời hợt và vô căn cứ về những ý kiến hoài nghi
và những kinh nghiệm cuộc đời: tất cả chúng ta là những người đang tìm kiếm
chân lý và chia sẻ khát vọng sâu thẳm ấy, nhất là vào thời của chúng ta, khi mà
“trao đổi thông tin là chia sẻ chính mình, thế giới quan của mình, niềm hy vọng
và lý tưởng của mình” (Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm
2011). Phải chú ý đến nhiều loại trang web, các ứng dụng và mạng xã hội khác
nhau có thể giúp con người ngày nay biết sống suy tư và đặt những câu hỏi đích
thực, nhưng cũng giúp họ tìm được những không gian thinh lặng, các dịp để cầu
nguyện, suy niệm hay chia sẻ Lời Chúa. Với tính chất của những tin nhắn ngắn
gọn, thường không dài hơn một câu Thánh Kinh, người ta có thể diễn tả những tư
tưởng sâu sắc, miễn là đừng bỏ bê việc chăm sóc đời sống nội tâm mình. Chẳng
ngạc nhiên gì khi thấy rằng trong các truyền thống tôn giáo khác nhau, việc
sống cô tịch và thinh lặng là những khoảng không gian dành riêng để giúp con
người không chỉ gặp lại chính mình nhưng còn gặp được Chân Lý, là điều mang lại
ý nghĩa cho tất cả mọi sự. Thiên Chúa của mặc khải trong Thánh Kinh cũng nói
bằng ngôn ngữ không lời: “Như Thánh giá của Đức Kitô cho thấy, Thiên Chúa cũng
nói bằng sự thinh lặng của Người. Sự thinh lặng của Thiên Chúa, kinh nghiệm về
sự xa cách của Chúa Cha toàn năng là một một giai đoạn quyết định trong cuộc
hành trình trần thế của Con Thiên Chúa, Ngôi Lời nhập thể (...) Sự thinh lặng
của Thiên Chúa kéo dài những lời Người nói trước đó. Trong những lúc tối tăm,
Người nói qua mầu nhiệm của sự thinh lặng của Người” (Tông huấn hậu Thượng Hội
đồng giám mục Verbum Domini, 21). Tình yêu cao cả đến độ hiến ban chính mình của
Thiên Chúa đã lên tiếng hùng hồn qua sự thinh lặng của Thánh giá. Sau khi Đức
Kitô chết, trái đất rơi vào thinh lặng, và ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, khi “Vị Vua
đang ngủ và Thiên Chúa ngủ trong xác phàm và cho những người đã ngủ từ bao đời
được trỗi dậy (x. Phụng vụ Giờ Kinh Sách, thứ Bảy Tuần Thánh), tiếng nói của
Thiên Chúa vang lên, đầy yêu thương đối với nhân loại. Nếu Thiên Chúa nói với c
on người ngay cả trong thinh lặng thì trong thinh lặng con người cũng khám phá
ra khả năng nói với Chúa và nói về Chúa. “ Chúng t a cần đến sự thinh lặng ấy,
s ự thinh lặng trở thành chiêm niệm và đưa chúng t a vào trong cõi thinh lặng
của Thiên Chúa , và đưa chúng ta đến chỗ mà Lời cứu chuộc sinh ra ” (Bài giảng
trong Thánh Lễ với các thành viên Ủy ban Thần học quốc tế, ngày 6 t háng 10 năm
2006). Để nói về sự cao cả của Thiên Chúa, ngôn ngữ của chúng t a chẳng bao giờ
đủ , và phải nhường chỗ cho sự chiêm ngắm trong thinh lặng . Việc chiêm niệm ấy
có sức mạnh làm nảy sinh tính cấp bách của việc truyền giáo, là nghĩa vụ “thông
truyền điều chúng tôi đã thấy và đã nghe” để mọi người được hiệp thông với
Thiên Chúa (1 Ga 1,3). Việc chiêm niệm trong thinh lặng ấy dìm chúng ta vào
nguồn mạch Tình Yêu, một Tình yêu hướng chúng ta đến với người lân cận để cảm
thông nỗi đau khổ của họ, và đem đến cho họ ánh sáng của Chúa Kitô, sứ điệp sự
sống của Người và ân sủng tình yêu viên mãn sẽ cứu thoát họ. Và rồi, trong
thinh lặng chiêm niệm, Ngôi Lời vĩnh cửu – nhờ Người mà thế gian đã được tạo
thành, đã tự tỏ mình ra còn mạnh mẽ hơn nữa, và chúng ta hiểu được kế hoạch cứu
độ mà Thiên Chúa thực hiện bằng lời nói và việc làm trong suốt lịch sử loài
người. Như Công đồng Vatican II nhắc nhở, mặc khải của Thiên Chúa “được thực
hiện bằng các việc làm và lời nói có liên hệ mật thiết với nhau, theo nghĩa là
các việc Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu độ biểu lộ và củng cố cả giáo
huấn lẫn những thực tại được diễn tả bởi các lời; còn các lời thì công bố các
việc làm và làm sáng tỏ mầu nhiệm được chứa đựng trong đó” (Dei Verbum, 2). Kế
hoạch cứu độ này đạt đến tột đỉnh trong con người Chúa Giêsu Nazareth, là Trung
Gian và sự viên mãn của tất cả mặc khải. Người đã cho chúng ta nhận biết dung
nhan thật của Thiên Chúa Cha và bằng Thánh Giá và sự Phục Sinh của Người, Người
đã đưa chúng ta ra khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết để đến sự tự do của con
cái Thiên Chúa. Câu hỏi cơ bản về ý nghĩa của con người tìm được câu trả lời
nơi mầu nhiệm của Đức Kitô, một câu trả lời có khả năng xoa dịu nỗi khắc khoải
của tâm hồn con người. Chính từ Mầu nhiệm ấy đã sinh ra sứ vụ của Hội Thánh; và
Mầu nhiệm ấy thúc đẩy các Kitô hữu trở thành sứ giả của niềm hy vọng và ơn cứu
độ, chứng nhân của một Tình Yêu làm thăng tiến phẩm giá con người và xây dựng
công lý và hòa bình. Thinh lặng và Lời nói. Học truyền thông là học lắng nghe
và chiêm ngắm hơn là học nói; điều này đặc biệt quan trọng đối với những người
tham gia vào sứ vụ truyền giáo: thinh lặng và lời nói là những yếu tố thiết
yếu, gắn liền với công việc truyền thông của Hội Thánh để đổi mới việc loan báo
Đức Kitô trong thế giới ngày nay. Tôi xin phó thác tất cả công cuộc rao giảng
Tin Mừng cho Đức Maria, Đấng đã thinh lặng “lắng nghe Lời Chúa và làm cho Lời
ấy đơm hoa” (Kinh nguyện trong Cuộc gặp gỡ Giới trẻ tại Loretto, ngày 1-2 tháng
Chín 2007), công cuộc rao giảng mà Hội Thánh đang thực thi bằng các phương tiện
truyền thông xã hội.
Bênêđictô XVI, Giáo hoàng
(Đức Thành chuyển ngữ từ
bản tiếng Pháp của Libreria Editrice Vaticana)
Nguồn: WHĐ