LẠY CHÚA, NÀY CON XIN ĐẾN
THỰC THI Ý CHÚA Micae Phạm Vũ Giang Đình op
Lời Chúa hôm nay, thánh sử Mat-thêu đã thuật lại cho chúng ta việc Chúa Giêsu nói các thượng tế và kỳ mục về những ai thực thi ý Chúa qua dụ ngôn hai người con làm vườn nho cho cha. Người con thứ nhất đáp: “con không muốn” nhưng anh ta nghĩ lại, hối hận vì lời nói của mình nên anh đi làm vườn nho cho cha. Ngược lại, người con thứ trả lời “con đi” nhưng anh ta lại không đi làm vườn nho cho cha.
Thiên Chúa là người cha nhân từ, Ngài luôn mời gọi mỗi người chúng ta hãy làm vườn nho cho Chúa - Là thực thi ý Chúa bằng chính đời sống hằng ngày của chúng ta.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường gặp hai loại người: một là loại người không nói nhưng lại làm. Hai là loại người nói nhưng không làm. Hoặc là người nói nhiều nhưng làm ít, và người nói ít nhưng làm nhiều. Thiên Chúa muốn chúng ta thực hiện lời hứa bằng hành động của mình, chứ không phải hứa suông bằng môi miệng. Đức Giêsu đã nhiều lần lên án thái độ hình thức bên ngoài “ không phải những ai thưa lạy Chúa, lạy Chúa! mà được vào nước trời cả đâu, nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha, Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi”. Sở dĩ như vậy, vì họ là những người tội lỗi biết mình lầm lạc đã ăn năn hối cải, nên được vào nước Thiên Chúa. Điều quan trọng là nhận ra lỗi lầm, biết ăn năn hối cải quay trở về với Thiên Chúa. Mặc dù quá khứ cho dầu đầy tội lỗi, nhưng tỏ lòng ăn năn sám hối và tin vào tình thương của Thiên Chúa thì sẽ được vào nước Ngài.
Qua dụ ngôn hai người con làm vườn nho cho Cha, Đức Chúa Giêsu chính là người con mẫu mực và tuyệt hảo. Đức Giêsu đã nói với Cha tiếng “Dạ”, tiếng “Vâng” ngay từ thuở ban đầu: “NÀY CON XIN ĐẾN THỰC THI Ý CHA” và đã thực thi đến nơi đến chốn mọi thánh ý của Chúa Cha.
Vì Đức Giêsu là người con mẫu mực và tuyệt hảo của Chúa Cha, chúng ta phải lấy Người làm chuẩn mực cho mọi suy nghĩ, lời nói và việc làm cho cách sống của chúng ta. Chúng ta phải đặt ra cho mình mỗi ngày, để định hướng cuộc sống hoặc điều chỉnh những sai lạc của chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúng con là những con người thân phận yếu đuối, tội lỗi, và bất toàn vì nhiều lần trước mặt Chúa vào những giờ kinh, lễ ở nhà thờ, mỗi lời kinh là lời “thưa Chúa, con đi làm”, nhưng ra khỏi nhà thờ, về đời sống xã hội, mỗi thái độ, mỗi hành động là mỗi lời “ thưa Chúa, con không muốn làm theo ý Chúa”. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết “ thưa vâng” với Chúa bằng cả giờ kinh nguyện và bằng đời sống của chúng con.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài soi sáng giúp chúng con nhận ra thánh ý Chúa trong những lời nói cũng như việc làm, trong những biến cố xảy ra trong đời sống của chúng con. Và xin ban cho chúng con được ơn can đảm, để chúng con chu toàn và thực thi ý Chúa qua việc làm chứ không phải ngoài môi miệng. Amen.
Anh chị em thân mến.
Một lần nọ, người chủ ruộng dẫn con trâu đến mảnh đất để cày, con trâu và người chủ làm việc suốt buổi sáng. Đến trưa người chủ thả trâu cho nghỉ ngơi và ăn cỏ, còn người chủ cũng ăn uống lấy sức. Con trâu đang nằm nhơi cỏ, thì bỗng đâu có con cọp xuất hiện làm cho trâu hốt hoảng, nhưng cọp trấn an trâu và nói: thân mi to lớn, với sức khoẻ phi thường, tại sao mi phải lệ thuộc con người yếu đuối và chịu sự điều khiển như thế? Con trâu trả lời: con người tuy nhỏ bé, yếu đuối, nhưng họ có trí khôn, nên sức mạnh không làm gì được trí khôn của họ. Cọp mới hỏi trâu trí khôn là gì mà ghê thế? Trâu bảo cọp hãy đến hỏi con người. Cọp mới đến gần con người xin cho xem trí khôn. Con người bảo là để quên ở nhà, anh bảo cọp chờ anh ta về nhà lấy cho nó xem. Nhưng anh ta chợt suy nghĩ và bảo cọp. Mi hãy để ta trói mi lại, chứ nhở khi về lấy trí khôn cho mi xem, mi sợ và bỏ trốn thì sao? Cọp bị chạm tự ái, nên để cho người trói lại. Vừa trói xong, anh ta lấy một cây to đến bên cọp và đánh cho đến khi cọp không còn sức vùng vẫy nữa, anh ta bảo: trí khôn của ta đây nầy. Con trâu nhìn thấy thế và mỉm cười cho cọp.
Con trâu nhận ra được sức mạnh của con người nên nó vâng phục và không cưỡng lại, nên nó được an toàn và được sức mạnh đó bảo vệ nó. Còn con cọp, không biết được thực chất như thế nào nên nó bị sức mạnh đó tiêu diệt nó.
Hai người con trong dụ ngôn mà Chúa Giêsu cho mọi người nhìn thấy, họ không phải là những người bốc đồng hay thay đổi. Nhưng người con thứ nhất biết suy nghĩ và nhận ra được giá trị đích thực của cuộc sống, anh nhận ra được sức mạnh của tình yêu thương nơi người cha, nên anh hối hận và quay trở về với tình yêu thương và thi hành những gì mà người cha bảo anh làm. Còn người con thứ hai, chỉ sống hời hợt bên ngoài, anh tưởng nghĩ có thể lấy lòng người cha bằng cử chỉ bên ngoài; anh đã lầm, người cha rất buồn và có lẽ cũng đang chờ đợi anh hành động theo như những gì mình đã nói. Người thi hành ý muốn của cha, mới là người vâng lời cha thực sự, chứ không phải người nói khác nhưng thực hành hoàn toàn khác là có giá trị.
Ngôn hành bất nhất là những gì thường thấy nơi con người. Khi con người chỉ biết có chính mình mà không biết đến người khác, khi đó lời nói và hành động khó mà đi đôi với nhau được.
Những gì là thường tình của con người, những gì là của câu chuyện ngày xưa, nó có phải là những gì của mỗi người trong chúng ta ngày hôm nay không?
Nhiều lần trong cuộc sống, mỗi người chỉ nhìn thấy chính mình, nhìn thấy những gì mình có, những gì mình làm được, để rồi mang niềm tự hào đến tự phụ kiêu căng. Khi đó, Thiên Chúa không còn hiện diện và không có giá trị cho cuộc sống, vì khi đó chỉ có tài năng sức lực con người là trên hết. Thiên Chúa dường như phải thi hành để trả lại cho con người những gì đã ban ra. Những lúc đó, chúng ta giống như con cọp trong rừng, không biết mình cũng không biết người, không giá trị của mình như thế nào. Nếu cứ ngoan cố trong những ý nghĩ và suy tư của mình như thế, thì số phận của chúng ta không khác gì số phận con cọp bao nhiêu.
Nhưng nếu trong cuộc sống, chúng ta nhận ra quyền năng Chúa, chúng ta cũng nhận ra được những giới hạn của chính mình, để biết quay trở về và vâng phục thánh ý Chúa thì hạnh phúc biết bao.
Những lần chúng ta dâng lên Chúa những lời kinh, những lời cầu nguyện chân thành, cùng với những việc làm tốt đẹp mà chúng ta nhìn thấy nhu cầu cần thiết của người khác và đáp ứng cho họ. Đó là những lần chúng ta thi hành thánh ý Chúa bằng cả lời nói và việc làm. Cũng có những lúc chúng ta thấy bất mãn trong cuộc sống, muốn bỏ cuộc, muốn buông trôi tất cả, muốn hành động cho thỏa cơn nóng giận, nhưng chợt kịp suy nghĩ và ngưng ngay lại, vì nhận ra đây là những điều không đẹp lòng Chúa. Đó là những lúc chúng giống như người con thứ nhất, nói không rồi chợt hối hận để sẳn sàng thi hành những gì đẹp lòng Chúa.
Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa soi sáng cho mỗi người để biết nhận ra Chúa trong đời sống, đồng thời cũng biết nhận ra những yếu đuối của chính mình để biết quay trở về với tình yêu Chúa.
LỜI NÓI ĐI ĐÔI VỚI VIỆC LÀM Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ
Hôm nay, Thánh sử Matthêu kể cho chúng ta nghe một câu chuyện khá thú vị:
Một người cha có hai người con. Một hôm ông nói với hai con: “Hôm nay, hai con đi làm vườn nho cho cha nghe!”Hai người con đã đáp lại bằng hai thái độ khác nhau: Người con thứ nhất đã dùng tiếng “không”để đáp lại lời mời gọi của cha. “không, con không đi”. Nhưng sau đó, anh ta nghĩ lại, rồi quyết định đi làm vườn nho như ý cha muốn.
Ngược lại, người con thứ hai, ngay từ đầu đã tỏ ra lễ phép và vâng phục. Anh ta đáp lại: “Thưa cha, vâng ạ!”, nhưng đó chỉ là câu nói lừa bịp đối với cha, vì anh ta không đi làm vườn nho như ý cha muốn. Anh chỉ nói mà không làm.
Thưa anh chị em,
Ai cũng hiểu Chúa Giêsu muốn nói gì qua câu chuyện người cha và hai đứa con này. Chúa muốn nói với chúng ta: Muốn vào Nước Trời, vấn đề không phải chỉ nói “có”ngoài môi miệng mà phải làm theo ý của Chúa Cha. Hai người con, không có người nào đem lại niềm vui trọn vẹn cho cha. Cả hai đều không làm cha mình hài lòng. Nhưng người con thứ nhất rõ ràng là tốt hơn người con thứ hai. Bởi vì, tuy lúc đầu anh đã nói “không”, rồi sau đó anh đã đi làm ngay, thì thật là tốt biết mấy!
Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta thường gặp hai hạng người này: Thứ nhất là hàng người nói nhiều hơn làm, họ hứa hẹn đủ điều, nhưng rồi không làm gì cả. Thứ hai là hạng người làm nhiều hơn nói, họ không hứa hẹn, ba hoa khoác lác, nhưng người ta thấy họ làm những việc đạo đức, nhân hậu, tốt lành, có khi làm một cách kín đáo. Chúng ta thích hạng người này hơn, vì họ chân thành, lấy việc làm chứng minh lời nói.
Lời hứa không bao giờ có thể thay thế được việc làm, và lời nói hoa mỹ không bao giờ thay thế được nghĩa cử. Người con thứ hai tỏ ra lịch sự bên ngoài, khi lễ phép trả lời; “Thưa cha, vâng ạ”. Nhưng rồi lại không đi làm. Lễ phép suông là một việc giả dối, hảo huyền. Lễ phép thật là vâng lời, thực hiện một cách sẵn lòng, vui vẻ. Đạo Kitô dạy các tín hữu thực hành chứ không phải hứa hẹn. Người Kitô hữu đích thực là người đón nhận mệnh lệnh của Cha với thái độ vâng phục và kính trọng, là người chấp hành mệnh lệnh trọn vẹn: nói làm là làm ngay.
Thưa anh chị em,
Ngày nay, người ta thường nói: “Con đường dài nhất là con đường từ đầu đến tay”. Người Kitô hữu chúng ta vẫn có nguy cơ rơi vào một thứ “duy tâm”nào đó. Chúng ta cần để cho Lời Chúa “đi từ lỗ tai đến tim óc và cuối cùng đến đôi tay”. Nhiều người chỉ nghe Lời Chúa bằng tai thôi- tai này lọt qua tai kia là hết- Nhiều người khác đã để cho Lời Chúa đánh động quả tim và trí tuệ, nhưng rồi họ ngừng lại tại đó, không dám đi xa hơn, vì sợ phải hy sinh, từ bỏ… Rốt cuộc Lời Chúa vẫn là cái gì mông lung, không thực tế, không liên hệ gì đến đời thường: đời sống làm ăn, đời sống gia đình, đời sống tình cảm… Lời Chúa vẫn bị nhốt trong nhà thờ, trong các cuộc tĩnh tâm, các buổi cầu nguyện chia sẻ. Làm sao để Lời Chúa được “đến đôi tay”, nghĩa là được người kitô hữu đem ra thực hành ở giữa chợ, ở trường học, ở cơ quan, và cả ở những nơi giải trí… Chỉ như thế, men Lời Chúa mới có thể được trộn đều vào khối bột loài người và làm bột dậy men Tin Mừng.
Quả thực, con đường đi từ quả tim đến đôi tay là một con đường dài và gian khổ. Để đi trên con đường này, người kitô hữu phải được giải phóng khỏi cái tôi nặng nề, với những lo toan và sợ hãi, những tính toán và vun quén cho mình. Rung động trước nỗi khổ của người khác là một chuyện, chia sẻ cho người khác cái áo còn tốt của mình lại là chuyện khác. Thánh Gioan đã cảnh giác chúng ta: “Hỡi anh em, đừng yêu mến bằng lời nói suông, nhưng bằng việc làm thực sự” (1Ga 3,18).
Thời Chúa Giêsu, những người Luật Sĩ và Biệt Phái Pharisêu bị lên án dữ dội vì họ giả hình- nói mà không làm, đặt gánh nặng lên vai người khác nhưng tránh né cho chính mình. Ngày nay cũng vậy: có Pharisiêu thời xưa thì cũng có Pharisiêu ngày nay: dạy con cái phải giữ đạo, phải cầu nguyện, dự lễ, nhưng chính mình lại biếng nhác, tự chước chuẩn cho mình.
Kitô giáo là một tôn giáo của lòng tin. Nhưng lòng tin bên trong của chúng ta phải được thể hiện ra việc làm bên ngoài: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Chúa Giêsu đã định nghĩa Kitô hữu là “ánh sáng cho thế giới”. Thế giới hôm nay cần thấy việc tốt của chúng ta trước khi họ tin nhận giáo lý của Chúa Kitô. Họ tin vào Đạo vì thấy những người dám sống đạo, dù phải chịu thiệt thòi và nguy hiểm. “Ánh sáng của anh em cũng phải chiếu giải trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).
Chỉ có Chúa Giêsu là Người Con lý tưởng, Người Con đã thưa VÂNG ngay từ đầu và thưa VÂNG mãi mãi suốt cả đời. Nơi Ngài luôn là CÓ chứ không phải khi CÓ khi KHÔNG. Ngài đã thưa với Chúa Cha: “Này con xin đến để thi hành ý Cha” (Dt 10,9), và Ngài đã thi hành cho đến lúc hoàn tất trên Thập Giá. Như thế, Chúa Giêsu đã thi hành ý Chúa Cha một cách hoàn hảo để nêu gương cho chúng ta. Chúng ta hãy noi gương Ngài để trở nên những người con đích thực của Cha chúng ta trên trời.