TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH

TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH


HỌ ĐẠO CÁI QUAO KÍNH CHÚC QUÝ CHA, QUÝ TU SĨ NAM NỮ VÀ ANH CHỊ EM GIÁO DÂN ...MỘT MÙA GIÁNG SINH TRÀN ĐẦY TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA CHÚA!

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

MẪU TỰ ST

Tại một vùng nông thôn nước Mỹ, có hai anh em nhà kia vì quá đói kém, bần cùng đã rủ nhau đi ăn cắp cừu của nông dân trong vùng. Không may hai anh em bị bắt. Dân trong làng đưa ra một hình phạt là khắc lên trán tội nhân hai mẫu tự "ST" , có nghĩa là quân trộm cắp ( viết tắt từ chữ Stealer ).
Không chịu nổi sự nhục nhã này, người anh đã trốn sang một vùng khác sinh sống hòng chôn chặt dĩ vãng. Thế nhưng anh chẳng bao giờ quên được nỗi nhục nhã mỗi khi ai đó hỏi anh về ý nghĩa hai chữ "ST" đáng nguyền rủa này.
 Còn người em, anh tự nói với bản thân mình : " Tôi không thể từ bỏ sự tin cẩn của những người xung quanh và của chính tôi". Thế là anh tiếp tục ở lại xứ sở của mình. Chẳng mấy chốc anh đã xây dựng cho mình một sự nghiệp cũng như tiếng thơm là một người nhân hậu. Anh sẵn sàng giúp đỡ người khác với tất cả những gì mình có thể. Tuy nhiên, cho dẫu thời gian có qua đi, hai mẫu tự "ST" vẫn còn in dấu trên vầng trán anh.
            Ngày kia, có một người lạ mặt hỏi một cụ già trong làng về ý nghĩa hai mẫu tự này. Cụ già suy nghĩ rồi trả lời " Tôi không biết rõ lai lịch của hai chữ viết tắt ấy, nhưng cứ nhìn vào cuộc sống của anh ta, tôi đoán hai chữ đó có nghĩa là người thánh thiện ( Saint )

INTERNET
CHIA SẺ MỘT CHÚT SUY TƯ
LÀM LẠI CUỘC ĐỜI
            Sai lầm là thường tình của con người. Chính vì thế không ai là hoàn hảo. Ngày xưa còn đi học, tôi nhớ có bản nhạc nào đó, có câu “Ai chiến thắng không hề chiến bại, ai nên khôn không khốn một lần…”.
            Trong cuộc đời, chắc chắn ai cũng từng vấp ngã. Khi té ngã, ai cũng phải đứng lên nếu muốn tiếp tục cuộc hành trình.
            “Thất bại là mẹ thành công”. Thất bại tinh thần cũng vậy. Chính những lỗi lầm mà ta vướng phải, chúng ta mới nhận ra sự giới hạn của mình, vị trí của mình, và ta chuẩn bị một hành trang mới để tiến bước. Bước đường thăng tiến đòi hỏi nghị lực và lòng can đảm.
            Biết bao người lỡ lầm bước vào vòng sa đọa, nhưng vẫn cố chấp lao vào chỗ chết như những con thiêu thân. Hủy hoại cuộc đời mình bất chấp những lời khuyên răn và những đau khổ của những người thân yêu.
            Có một xóm đạo kia, có một “ông biện” bổng dưng đam mê cờ bạc. vỡ nợ gần cả trăm triệu, đất ruộng lớp cầm cố, lớp bán đi. Không ai khuyên can được. Nợ nần ngày một chồng chất. Càng lúc càng đánh bài ăn thua lớn hơn, ôm chiếu ôm mền vào mồ của một cô gái đồng trinh nào đó mới chết nghe nói “linh” lắm, để ngủ ở bên mồ, ngủ mấy đêm liền, khấn vái cô gái hiện về kêu số đề đánh để gỡ nợ ! Gỡ nợ đâu không thấy, chỉ thấy vì cứ ngủ bờ ngủ bụi ở nơi ám khí nên ngày một xanh xao, cuộc sống ngày một lụn bại. Cha sở khuyên răn ngay từ đầu, nhưng không nghe, nên không cho làm biện nữa, uy tín không còn, rồi đâm ra thù người này, oán người kia, trách người nọ, than thân trách phận không ai giúp mình, bước tiếp theo là tuyên bố bỏ đạo, thờ Chúa thì thờ trong lòng chứ chẳng cần nhà thờ, chẳng cần Giáo Hội, chẳng cần cha thầy gì cả !
            Cách sống như vậy liệu có còn cơ hội thăng hoa được không ?
            Sự lầm lỗi bao giờ cũng làm cho con người hổ thẹn, nhưng sụp đổ cả cuộc đời chỉ vì sự hổ thẹn thì mới thật sự đáng hổ thẹn vạn lần !
            Thân xác không thể nào giữ sạch mãi mãi, có lúc nó dơ bẩn, cần phải tắm rửa. Tâm hồn con người cũng không thể mãi mãi trong trắng, nó cũng cần phải “tắm rửa” để tẩy sạch những tội lỗi, những sai lầm.
            Những tội lỗi, những sai lầm làm ta ô nhục, ta hổ thẹn. Dư luận đè nặng trên ta, những lời chê trách, châm biếm cứ nghe văng vẳng bên tai ta, những ánh mắt tò mò cứ pha chiếu ngay ta. Đúng là ta rã rời và cô độc.
            Nhưng, khi mà có vẻ như không còn bàn tay nào tiếp sức cho ta đứng dậy, chính lúc ấy mới chứng tỏ nghị lựcbản lĩnh của ta. Sức mạnh tiềm ẩn trong ta bừng dậy. Hãy lắng nghe tiếng nói từ sâu thẳm tâm hồn ta !
            Biết bao người đã đóng góp công sức cho ta nên người. Cha mẹ ta, bạn bè ta, người thân yêu ta!
            Có thật bạn cô đơn ? Có thật mọi người xa tránh bạn ?
            Trong nhiều trường hợp, “dư luận” chỉ là “luận dư”, chúng không phải là ánh sáng soi thấu con tim ta, thấu suốt tâm hồn ta. Lẽ nào bạn hủy diệt con người bạn chỉ vì những thứ ánh sáng mù mờ vàng vọt đó ?
            Hãy làm lại cuộc đời trong chân lý !
            Bạn đã đọc câu chuyện “
MẪU TỰ ST
” rồi phải không ? Chắc bạn đọc kỹ chứ ?
            Bạn thấy gì nơi “người anh” ?
            Không chịu nổi sự nhục nhã này, người anh đã trốn sang một vùng khác sinh sống hòng chôn chặt dĩ vãng đời mình. Thế nhưng anh chẳng bao giờ quên được nỗi nhục nhã mỗi khi ai đó hỏi anh về ý nghĩa hai chữ “ST” đáng nguyền rủa này.
            Bạn thấy chưa ? Chữ ST không phải chỉ khắc vào trán tội nhân, mà nó khắc sâu vào tâm hồn họ ! Cho dù tội nhân có xóa được dấu khắc ấy ở ngoài trán, vẫn không thể xóa được dấu khắc ấy trong tâm hồn. (Mà trong thời buổi này, khoa giải phẫu thẩm mỹ xóa dấu khắc ấy không mấy khó khăn).
            Người anh đã không biết cách xóa dấu khắc ấy ở ngoài trán, càng không biết xóa dấu khắc ấy trong tâm hồn anh. “Anh chẳng bao giờ quên được sự nhục nhã”. Tội nghiệp, anh đau khổ cả đời ! Anh không thể tìm lại được tháng ngày bình yên ! Anh không thể làm lại cuộc đời theo đúng ý nghĩa của nó: Một cuộc đời an bình và hạnh phúc.
            Còn “người em” thế nào ?
            Còn “người em”, anh tự nói với bản thân mình: “Tôi không thể từ bỏ sự tin cẩn của những người chung quanh và của chính tôi”. Thế là anh tiếp tục ở lại xứ sở của mình. Chẳng mấy chốc anh đã xây dựng cho mình một sự nghiệp cũng như tiếng thơm là một người nhân hậu. Anh sẵn sàng giúp đỡ người khác với tất cả những gì mình có thể.
            Bạn thấy gì lớn lao nhất trong phong cách của “người em” ? – Đó là người em biết cách xóa dấu khắc “ST” trong tâm hồn anh ấy ! Anh xóa bằng “lòng bác ái”, bằng “tình yêu thương” dành cho tha nhân.
            Anh không để tâm đến dấu khắc “ST” còn in trên trán anh ! “Tuy nhiên, cho dẫu thời gian có qua đi, hai mẫu tự “ST” vẫn còn in dấu trên vầng trán anh”. Mặc kệ nó !
            Như bạn thấy đó, khi người em đã xóa được dấu khắc trong tâm hồn, thì cũng có nghĩa là anh xóa được dấu khắc trên trán anh ! Và còn hơn nữa, như một phép mầu, dấu khắc ấy lại trở nên “một chứng từ” cho cuộc “đổi đời” của anh ! Nó là “dấu chứng” của một con người thuộc thế giới chân thiện ! “Ngày kia, có một người lạ mặt hỏi một cụ già trong làng về ý nghĩa hai mẫu tự này. Cụ già suy nghĩ rồi trả lời: ‘Tôi không biết rõ lai lịch của hai chữ viết tắt ấy, nhưng cứ nhìn vào cuộc sống của anh ta, tôi đoán hai chữ đó có nghĩa là người thánh thiện (Saint)’”.
            Viết đến đây, sao bổng dưng tôi nhớ đến “tên trộm” trên đồi Can-vê bị đóng đinh một ngày với Chúa Giê-su. Chúng ta hay gọi là “tên trộm lành”, anh đã nhìn nhận tội mình và xin Chúa thứ tha cho vào “Nước Thiên Chúa”.
            Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: Ông không phải là Đấng Kitô sao ? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với !”. Nhưng tên kia mắng nó: “ Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ ! Chúng ta chịu thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ  ông này đâu có làm gì trái !”. Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào nước của ông, xin nhớ đến tôi !”, và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc.23,39-43).
            Nhìn lại tháng ngày đã trôi qua, biết bao dấu khắc vô hình mà đời đã khắc sâu vào trán ta, những dấu khắc có khi rất “vừa tội” ta, nhưng cũng có những dấu khắc oan uổng từ những thứ bất công của những định kiến hẹp hòi, của những tầm nhìn lệch lạc, những trái tim khô khan, những quyền lực vị kỷ, vu khống, chụp mũ…
            Thời Trung Học, tôi có một người bạn tính tình rất thẳng thắn, bộc trực. Anh ta bị nhiều thầy liệt vào hạng có đầu óc “chống đối”. Có lần anh suýt bị đuổi học vì “dám” nói thầy giám thị làm vậy là sai. Sau “biến cố” đó, anh ta trầm tĩnh và ít nói hẳn. Nhưng, cái dấu khắc hai chữ Chống Đối” vô hình vào … trán anh ta khó mà xóa được !
            Một buổi trưa, một em lớp nhỏ lén xuống hàng cây trứng cá cặp bờ ao leo lên bẻ trái, cây gãy nhánh, nó té nhào xuống ao. Cặp bờ ao người ta có làm giàn bầu, giàn bí, nó té xuống, rơi vào giàn đó. Lúc ấy, anh ta chưa ngủ, nghe đùng một cái, nhìn thấy thằng bé nằm treo nửa người trên giàn cây, nửa người dưới ao, nó chạy xuống, vội vã lao thẳng xuống ao, vất vả lắm mới đem thằng bé lên được, thằng bé gãy tay, và ngất xỉu, nó ôm thằng bé vừa chạy vào nhà, vừa la cấp cứu.
            Khi người ta đem xe đến đưa thằng bé đi rồi, nó còn đứng nhìn theo, cái quần pyjama của nó đứt mất một ống hồi nào mà nó không hay. Lao người xuống ao như vậy rất nguy hiểm, vì dưới ao rất nhiều cọc cây của cái giàn bị gãy, có thể đâm chết người chứ chẳng chơi. Khi nó đi thay đồ, nó mới phát hiện một vết thương dài hơn một gang tay bầm tím trên ngực nó.
            Từ đó, mấy thầy thương nó lắm. Ai cũng khen nó can đảm. Chữ CĐ là chống đối, nay trở thành chữ CĐ là Cam Đảm. Biết đâu chữ CĐ đó mai này sẽ là chữ “Cho Đi” của một con người biết dấn thân hết lòng vì tha nhân. Chả bù, có những hạng quan quanh quẩn bên vua, khéo dua nịnh mọp sát trước quyền uy, cái gì cũng vâng, cái gì cũng dạ, nên được ngợi khen ca tụng, đến khi “quốc biến thức trung thần” nhìn qua nhìn lại không thấy mạng nào còn kề cận bảo vệ vua. Mà được như vậy, cũng là mừng, chứ hạng quan lại đó thường hay quay lại “cỗng rắn cắn gà nhà”, nói xấu hãm hại vua để được thăng quan tiến chức trong triều đại mới là chuyện thường tình trong lịch sử. Ôi, trong tầm nhìn của vua, nhiều quan lại trong thuở bình yên đã được nhà vua tin cậy đóng dấu thiêng liêng vào trán hai chữ ĐT là “ĐTử” trung thành, đến lúc xã tắc lâm nguy mới hiểu được hai chữ ĐT là hạng người “Đào Tẩu” ! Thế thái nhân tình là vậy, đâu chỉ là chuyện vua quan, lắm chuyện đời thường ngày nay cũng tương tự.
            Bạn đọc thân mến,
            Đời người, ai cũng hơn một lần lầm lỗi. Với người Công Giáo, chúng ta có Bí tích Hòa Giải. Chúng ta ăn năn sám hối những lỗi lầm chúng ta đã phạm ! Chúng ta quyết tâm quay về nẻo thiện lương. Chúng ta làm lại cuộc đời.
            Chúng ta đã bị khắc nhiều dấu khắc tội lỗi, và chúng ta hãy xóa những dấu khắc ấy bằng một cuộc đổi đời ngoạn mục trong nỗ lực của mình với sức mạnh của Tình yêu Thiên Chúa và Mẹ Maria phù giúp chúng ta.
            Tất nhiên, trong cuộc hành trình suy tư, phải chiến đấu cam go nhiều với bản thân mình, mới vươn lên cao lên được ? Có sự vươn cao nào mà không vất vả ? Và có niềm vui nào lớn lao nào bằng khi ta đã bay vút lên cao, nhìn lại con người cũ kỹ của mình, đáng thương đến tội nghiệp, và ta hân hoan cảm tạ Chúa vì Ngài đã cất nhắc ta lên từ vũng bùn nhơ nhớp.
            Từ đó, ta sẽ hiểu thế nào là sự cảm thông, chia sẻ và nâng đỡ đồng loại.
            Nếu câu chuyện “Mẫu tự ST” này xảy ra ở Việt Nam, và nếu có lần nào đó bạn lầm lỗi và người ta khắc vào trán bạn hai chữ TT - dấu khắc vô hình thôi chứ ngày nay người ta không nướng đỏ mọc đồng đóng vào trán bạn đâu - để mọi người nhận ra bạn là một “Tên Trộm”, bạn hãy làm lại cuộc đời bằng cách biến hai chữ TT là “Tên Trộm” thành hai chữ TT là “Thánh Thiện”. Phép mầu của sự biến đổi này là của chính bạn !
            Đừng tự lên án tù chung thân để hủy diệt đời mình trong vùng u tối của tự ti mặc cảm.
            Hãy học cách làm lại cuộc đời như “người em” trong câu chuyện hôm nay.
            Cuộc phấn đấu tất nhiên không dễ dàng, nhưng với ơn Chúa giúp, điều gì cũng có thể, các bạn ạ!
                                        Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾN