TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH

TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH


HỌ ĐẠO CÁI QUAO KÍNH CHÚC QUÝ CHA, QUÝ TU SĨ NAM NỮ VÀ ANH CHỊ EM GIÁO DÂN ...MỘT MÙA GIÁNG SINH TRÀN ĐẦY TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA CHÚA!

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

GHEN!



Mới liếc qua tựa đề, có lẽ nhiều người sẽ tặc lưỡi: “Trời, chuyện xưa như trái đất ấy mà.” Thế nhưng, nó đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực, và diễn đàn “ Ghen” đã thu hút rất nhiều bạn trẻ tham gia trao đổi, tranh luận và bàn cãi.


Vậy “ghen” là gì?. Theo Từ Điển Tiếng Việt của Nhà Xuất Bản Từ Điển Bách Khoa năm 2006 định nghĩa: “Ghen là nổi giận, uất ức vì thấy người khác hơn mình hoặc vì người mình yêu thiếu chung thủy” . Chữ “ghen” nếu được ghép với một số từ khác sẽ cho ra nhiều nghĩa khác nhau như: ghen ghét, ghen tị, ghen tương…Ở đây chỉ xin bàn đến chữ “ghen” trong lĩnh vực tình yêu mà thôi.

Từ kinh nghiệm cuộc sống, dân gian ta đã đưa ra một nhận định:

“ Ớt nào là ớt chẳng cay,
Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng.”

như để khẳng định rằng: đã là ớt thì phải cay và cái chuyện ghen tuông mặc nhiên là chuyện của phe đàn bà con gái vậy. Thật là oan uổng hết biết.

Nhà văn Đặng Mỹ Quỳnh cho rằng: “ Một trong những sai lầm trong hôn nhân đó là sự ghen tuông”, nhiều người vẫn quan niệm : “Có yêu mới ghen, mà đã yêu thì phải ghen”, vì quan niệm này mà có biết bao gia đình tan vỡ “ đường anh anh đi, đường em em đi. Tình đôi ta chỉ có thế thôi.” chỉ vì sử dụng phương thuốc ghen quá liều lượng. Bunine cho rằng: “Ghen tuông là thiếu yêu quý đối với người mình yêu.” Còn G. Bruno thì cảnh báo: “Ghen tuông làm đảo lộn và đầu độc tất cả những gì là tốt đẹp nhất trong tình yêu.”

I. NGUYÊN NHÂN.

Trong tình yêu không có sự chia sẻ. Do đó “ ghen” là tình trạng người ta cảm thấy tình yêu của người bạn đời được đem chia sẻ cho kẻ thứ ba, hoặc họ ghen với những mối tình trong quá khứ của nhau.  Hãy nghe một người vợ thổ lộ: “ Khi nghe anh nhắc tên một cô nào đó, chỉ là đồng nghiệp hay người quen cũ của anh, nhưng cái tên đó lại khiến tôi liên tưởng tới một cô nàng cùng tên vốn là người yêu cũ của anh từ ngày chưa vợ, cái tên mà tôi nhớ chỉ thấy một lần trên cuốn sách mà cô ta ký tặng anh.” Dù đã là quá khứ, nhưng nhiều người vẫn thường đem nó ra để chì chiết, giận hờn mỗi khi giữa họ xảy ra mâu thuẫn. Khơi lại đóng tro tàn của quá khứ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ. Vì vậy, hãy để quá khứ ngủ yên, hãy sống giây phút hiện tại và vun đắp cuộc sống gia đình ngày một tốt đẹp, hơn là cứ day dứt, ghen tuông với quá khứ của nhau.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến ghen tuông đó là tình trạng xuất hiện kẻ thứ ba hoặc tình trạng “chán cơm thèm phở”. Xã hội ngày nay rất phức tạp, môi trường làm việc đa dạng và phần lớn thời gian người ta ở nơi làm việc nhiều hơn ở nhà, nên việc quan hệ “ngoài luồng” là một điều tất yếu. Cũng không thiếu những người “ ham của lạ”, những người vốn có sẵn tính trăng hoa hay tình trạng “trâu già thích gặm cỏ non” đã đánh đổi hạnh phúc hiện tại để chạy theo những cuộc tình chóng qua.

II. VĂN HÓA GHEN VÀ NHỮNG HẬU QUẢ

Chúng ta thường nghe nói nhiều về văn hóa nơi công cộng, văn hóa yêu, văn hóa hôn, văn hóa trên xe buýt…và dĩ nhiên cũng cần phải có văn hóa trong cả lĩnh vực “ghen” nữa.

Phải thành thực mà nói, ai trong chúng ta ít nhiều gì cũng có máu “Hoạn Thư”. Không ai dám tự hào vỗ ngực xưng rằng: tôi không bao giờ ghen. Bởi vì ghen có nhiều biểu hiện khác nhau: bằng hành động, bằng lời nói, bằng thái độ…

Có lẽ trong cuộc sống, chúng ta đã từng chứng kiến nhiều cảnh ghen với nhiều cấp độ khác nhau: từ ghen bóng ghen gió đến ghen lồng ghen lộn. Nhẹ thì nói xa, nói gần, giận hờn, chì chiết, hạch hỏi, kiểm soát. Mạnh thì “ thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, tạt axit, giết đối phương….

Nếu ai đã từng xem bộ phim Việt Nam “Ghen” mới thấy được cái phong phú và đa dạng cũng như những màn “ghen” thật tinh vi khiến cho đối phương phải “sống không yên, mà chết cũng không được.” Tùy theo tính khí và trình độ văn hóa của mỗi người mà có những kiểu ghen khác nhau.Có những bà vợ răn đe, cảnh giác chồng bằng cách mướn phim tình cảm lâm li bi đát với cảnh vợ lớn, vợ bé ghen tuông, con dòng lớn, con dòng nhỏ đánh lộn rồi cảnh báo: “Ham đèo bòng vậy có sướng không? Anh thấy đó mà rút kinh nghiệm nhé!” hoặc mỗi lần điện thoại gọi chồng thì chị vợ xăng xái mang đến tận tay cho chồng, không phải vì chiều chồng mà chẳng qua vì có cơ hội liếc xem số máy của ai, rồi cứ lấp ló gần bên để nghe chồng nói gì. Chồng về muộn cũng nghi, chồng thức khuya cũng nghi, chồng ngồi trầm ngâm một mình ( có khi là suy nghĩ công việc) cũng bị nghi…

Tôi nhớ khi còn học Trung học phổ thông, một đứa bạn đã dùng dao lam cắt mạch máu chỉ vì  thấy người bạn gái đi chung với một bạn nam lớp khác.  Khi cơn ghen nổi lên, người ta không làm chủ được lý trí của mình dẫn đến những kết cục đáng buồn. Câu chuyện văn học “Người con gái Nam Xương” bị chồng nghi oan khiến nàng trầm mình tự vẫn để  tỏ lòng chung thủy của mình là một bằng chứng.

Một ông Giám Đốc nọ đẹp trai , ga-lăng, có vợ con đàng hoàng nhưng lại có tật “đèo bòng”. Cho đến một ngày bà vợ đến công ty đánh ghen ầm ĩ, thế là “thần tượng” của các bóng hồng bị sụp đổ. Khi cơn ghen lên đến cao trào, người ta có thể làm những chuyện độc ác, mất hết tính người như mướn giang hồ đánh cho tình địch một trận nên thân, hay rạch mặt cảnh cáo, tạt axit, thậm chí thủ tiêu cả đối phương. Gần đây, báo chí đang báo động tình trạng những bà vợ thừa lúc chồng ngủ say cầm dao xin luôn “của quý” để “ ổng không còn cơ hội đèo bòng nữa,”như lời một bà vợ thổ lộ.

Còn các ông thì sao? Cơn ghen của họ lúc đầu là lời nói, quát tháo, tra hỏi, sau đó là những bạt tay nẩy lửa, rồi họ sẵn sàng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, tiếp theo là chén dĩa bay và đỉnh điểm là họ có thể giết vợ và tự tử để cùng nhau đoàn tụ ở… “suối vàng.”

Ngược lại,có những người chọn giải pháp im lặng, chấp nhận tình trạng hiện tại dù trong lòng đang dậy sóng, vì họ quan niệm rằng:có làm ầm lên thì cũng chỉ “xấu chàng hổ thiếp” mà thôi, có hay ho gì đâu khi “vạch áo cho người xem lưng”. Họ âm thầm tìm cách cho chồng quay về bằng cách chăm lo cho chồng nhiều hơn, chăm sóc, làm đẹp bản thân mình.Cũng có những người không ghen được trên thực tế, nhưng mượn thơ để ghen như bà Hồ Xuân Hương chẳng hạn:
 “ Chém cha cái kiếp lấy chồng chung,
Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng.”

Ghen tuông là điều khó tránh khỏi trong tình yêu, vì khi ghen tuông là họ muốn cảnh báo cho người khác biết rằng: anh ấy( cô ấy) là của riêng tôi, tình yêu của chúng tôi là một lãnh thổ bất khả xâm phạm và khi thấy tình yêu của mình có dấu hiệu bị “lấn chiếm” thì họ sẵn sàng “xù lông” để đối phó. Một ông chồng nhận xét về vợ mình như sau: “Bình thường bà xã tôi nhu mì, dễ thương, vui vẻ với mọi người. Nhưng chỉ cần biết rằng tôi có “kẻ thứ ba” thì bả sẵn sàng biến thành “cọp cái”, sẵn sàng chiến đấu.”

III.KẾT

Ghen chính là gia vị làm cho món ăn ngon và đậm đà hơn.Nhưng nếu quá lạm dụng thì chẳng những món ăn không ngon mà có khi còn bị đem bỏ đi vì quá…mặn. Trong tình yêu cần phải có lòng tin. Gorky nói: “Ở đâu có tình yêu thì ở đó có lòng tin.”; “Khi người ta tin ai, điều đó làm cho người được tin phấn khởi trong công việc và gắn bó hơn để khỏi phụ lòng. Trong cuộc sống hôn nhân cũng vậy, vợ chồng phải tin nhau. Tin rằng mình được yêu, tin rằng người yêu không phản bội, tin rằng tình yêu của hai người sẽ là sức mạnh giúp vượt qua mọi khó khăn.” (Tài liệu chuẩn bị hôn nhân). Nếu thấy người yêu của mình có dấu hiệu bất ổn hay phát hiện chồng/vợ mình phản bội thì cũng nên bình tĩnh, tìm cơ hội thuận tiện để nói chuyện thẳng thắn với nhau và tìm cách giải quyết, hoặc gặp trực tiếp đối phương yêu cầu họ chấm dứt mối quan hệ với chồng/ vợ của mình với thái độ hòa hoãn, lịch sự, tránh những lời nói, hành động làm tổn thương tinh thần hoặc thể xác của họ. Điều quan trọng là phải dùng tình yêu và sự tôn trọng để cảm hóa, giúp chồng/ vợ của mình vượt qua những phút lạc lòng.

Để kết thúc bài viết này, tôi xin trích một đoạn thư của một người chồng gửi cho vợ khi biết vợ mình gặp lại người tình cũ : “ …Anh không cao thượng đến mức có thể mỉm cười khi thấy vợ mình đi với người đàn ông khác, càng không rộng lượng đến độ xem như chẳng có gì xảy ra. Những đêm em trằn trọc không ngủ thì anh cũng đâu an giấc. Anh cũng đau khổ, cũng giận hờn chua xót lắm chứ, anh cũng ghen tuông, tức giận như những người chồng khác mà thôi. Nhưng anh tin rằng, anh yêu em nhiều hơn hết thảy những người đàn ông trên thế gian này và anh sẽ bảo vệ tổ ấm của mình đến cùng…Đừng một mình vật lộn với thử thách, hãy để anh được góp sức cùng em đưa con thuyền hạnh phúc về đúng hải trình của nó. Thời gian qua đi, rồi em sẽ nhận ra rằng, những khó khăn mà em đang gặp phải chính là thử thách mà thượng đế đã sắp đặt cho chúng ta. Thử thách để em nhận ra, chồng em yêu em biết bao nhiêu và tổ ấm gia đình là điều thiêng liêng và quan trọng biết chừng nào.” Ước mong những ai sống trong bậc hôn nhân biết dùng tình yêu và lòng bao dung, vị tha để giúp nhau vượt qua những khúc quanh trong cuộc sống để lèo lái con thuyền gia đình lướt sóng bình an.

Sr Têrêsa Trúc Băng