TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH

TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH


HỌ ĐẠO CÁI QUAO KÍNH CHÚC QUÝ CHA, QUÝ TU SĨ NAM NỮ VÀ ANH CHỊ EM GIÁO DÂN ...MỘT MÙA GIÁNG SINH TRÀN ĐẦY TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA CHÚA!

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

Suy Niệm Chúa nhật 6 PS






(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Ngày 10.10.1982, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong Cha Maximilien Kolbe lên bậc hiển thánh, vì Cha đã thực hiện từng chữ lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em”. Trong thánh lễ phong thánh, Đức Thánh Cha đã nói: “Như anh chị em đã biết, giữa những thử thách bi đát nhất, vốn làm cho thời đại chúng ta chìm trong vũng máu, Thánh M. Kolbe đã tự nguyện biến mình chịu chết để cứu một người anh em mà chính ngài không thân thuộc, đó là ông Francis Gajouniseck. Ông là một người vô tội bị kết án tử hình để trả thù cho một ngươi tù đã vượt ngục. Vị tử đạo anh hùng đã bị kết án chết đói ngày 14.8.1941 tại trại tập trung Đức Quốc Xã ở Auschwitz, Ba lan. Linh hồn tốt lành của ngài đã về cùng Chúa sau khi đã nâng đỡ ủi an các bạn tù cùng số phận khốn khổ như ngài… chính tình yêu cao cả đã giúp ngài vượt qua cơn thử thách rùng rợn khủng khiếp và đã để lại chứng tích lạ lùng của tình yêu thương anh em, của lòng tha thứ cho kẻ giết hại mình. Ước gì gương sáng và sự hộ giúp của Thánh Maximilien Kolbe hướng dẫn chúng ta biết yêu thương chân thành, yêu thương vô vị lợi, xứng đáng là người Kitô hữu, đối với tất cả các anh chị em trong một thế giới mà hận thù không ngừng giày xéo cuộc sống con người…”

Khi chia tay với các tông đồ để ra đi nộp mình chịu chết, Chúa Giêsu đã không để lại một tài sản có thể liệt kê, cũng chẳng để lại một kho tàng có thể hoá giá, mà chỉ để lại một tâm sự gởi gắm được coi như bí mật cuối cùng và quí giá nhất của tâm hồn Ngài. Đó là lệnh truyền: “Anh em hãy yêu thương nhau”. Trước đây, Ngài đã đề cập nhiều đến giới luật yêu thương này rồi, nhưng chỉ trong giời phút chia tay này mới thấy đó là mối bận tâm lớn nhất của Ngài. Yêu thương nhau là dấu hiệu rõ nhất để nhận ra ai là kẻ thuộc về Ngài: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con yêu thương nhau”.

Chúa Giêsu muốn thấy các môn đệ mình yêu thương nhau và Ngài muốn cảnh giác mối nguy cơ chính yếu luôn rình rập các môn đệ, đó là sự thiếu lòng yêu thương nhau. Vì vậy, đây là một trăn trở lớn nhất cần được nói ra một lần thay cho tất cả. Và Chúa Giêsu đã nói: “Đây là giới răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau”. Thế là lời trăn trở một mình đã biến nên lời trăn trối cho các môn đệ trong phút biệt ly. Như một tâm sự sau cùng cần phải ghi nhớ, như một di chúc thiêng liêng tuyệt đối không bao giờ được đặt lại vấn đề và một lệnh truyền nhất thiết phải thể hiện bằng được trong cuộc sống. Nên “yêu thương nhau” đã là một bổn phận chi phối toàn bộ đời người môn đệ Chúa Giêsu và làm nên căn cước của họ “Ai yêu thương thì bởi Thiên Chúa mà ra”.

Nhưng, thưa anh chị em, lệnh truyền yêu thương nhau không phải muốn thực hiện thế nào cũng được, mà phải quy chiếu khít khao và chính tình yêu của Chúa Giêsu- một tình yêu vốn đã quy chiếu vào tình yêu Chúa Cha – bây giờ trở nên kiểu mẫu và cội nguồn tình yêu cho nhưng kẻ thuộc về Ngài: Yêu như Chúa yêu. “Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em”. Đó là một tình yêu mở ra cho hết mọi người không giới hạn cũng chẳng trừ ai (x. Bài đọc 1), một tình yêu san bằng mọi hố sâu ngăn cách, dẹp bỏ mọi hàng rào cản trở để người người gần gũi nhau hơn. Tình yêu đó chủ động đi bước trước (x. Bài đọc 2), cho tôi tớ trở thành bạn hữu, cho xa lạ trở thành thân quen, cho mỗi niềm riêng tư trở thành tâm sự muốn chia sẻ,và cho môn đệ được trở thành những người cộng sự với đầy đủ hành trang lên đường sứ mạng. Để nếu cần, tình yêu đó sẵn sàng mạo hiểm đến liều mạng sống: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống mình vì bạn hữu”. Thật ra, Chúa Giêsu đã yêu những kẻ thuộc về Ngài bằng chính tình yêu lớn nhất đó trong suốt cả đời công khai của Ngài, nhưng qua cuộc tử nạn Phục Sinh, chúng ta nhận ra tình yêu lớn nhất khi Ngài để lại bí tích Thánh Thể làm bảo chứng và chết trên Thánh Giá làm hy lễ cứu độ, để rồi bước vào Phục Sinh, mở ra sự sống và niềm hy vọng cho hết mọi loài.

Tình yêu đáp lại tình yêu. Nhận ra mình là kẻ được Chúa yêu, chúng ta phải biết đáp trả bằng một tình yêu trung tín đối với Chúa và tình yêu chân thành đối với mọi người anh em: Phải biết “yêu như Chúa yêu” và “yêu người như yêu Chúa”.

Yêu như Chúa yêu, nghĩa là không đóng khung giới hạn, không kéo bè kết cánh, cũng chẳng chọn lựa thành phần này để loại trừ thành phần khác, mà trái lại, biết đến với mọi người. Tình yêu như vây làm bùng phá mọi thứ hàng rào cản trở, kể cả hàng rào muôn thuở của sự oán thù.

Yêu người như yêu Chúa, nghĩa là không chỉ nhận ra trong những con người chúng ta phải yêu mến khuôn mặt của người anh em, mà còn là khuôn mặt của chính Đấng đã yêu chúng ta bằng tình yêu lớn nhất của Ngài. Tình yêu như thế luôn luôn là một mạo hiểm của mầu nhiệm Tử Nạn-Phục Sinh, nhưng bên trong lại là một niềm vui bất tận.

Tuy nhiên, thưa anh chị em, nói yêu bao giờ cũng dễ, chính khi thực hành yêu thương chúng ta mới thấy hết những nét quyết liệt của lệnh truyền này. Ở quy mô hẹp như một gia đình đã có những va chạm nhiều khi đưa đến sứt mẻ; ở quy mô rộng hơn như một giáo xứ, lại cho thấy những đụng chạm có nguy cơ rơi vào đổ vỡ. Cũng vì tính nết ích kỷ, đầu óc hẹp hòi, nếp nghĩ giới hạn, tầm nhìn phe cánh… Cũng vì quyền lợi hay quyền lực, để rồi nhắm mắt trước giới luật yêu thương. Và rộng hơn nữa là quy mô của một xã hội, ở đó thường diễn ra cảnh huynh đệ tương tàn, chém giết, hận thù, chiến tranh…

Vậy, hỏi rằng lệnh truyền yêu thương nhau của Chúa Giêsu có còn là một trăn trở thường xuyên cho đời tín hữu không? Biết đến bao giờ người hết là lang sói cho nhau? Hàng loạt những câu hỏi như vậy có thể được đặt ra, nhưng chỉ có được lời giải đáp nếu lệnh truyền yêu thương của Chúa Giêsu được tôn trọng. Cho nên để có được niềm vui đích thực của người sống trong sự Phục Sinh của Đấng Cứu Thế, chúng ta hãy bắt đầu bằng quyết tâm sống yêu thương chan hoà.

Mỗi Thánh Lễ là một cử hành về tình yêu lớn nhất, qua đó Chúa Kitô hiến thân cứu độ muôn người. Xin cho chúng ta hôm nay gặp lại chính mình là kẻ đã được Chúa yêu, để sống được là kẻ biết yêu người khác. Và xin Chúa luôn thanh luyện tình yêu của chúng ta để từng ngày chúng ta biết chân thành yêu như Chúa yêu, yêu người như yêu Chúa, vì Chúa là Tình yêu.