Mục tử.
Chúa nhật thứ IV
mùa Phục Sinh được gọi là Chúa nhật Đấng Chăn Chiên nhân lành. Vì thế, toàn bộ
lời Chúa hôm nay đều xoay quanh chủ đề này. Mục tử, tức là người chăn chiên, là
hình ảnh rất quen thuộc đối với dân Do Thái du mục ngày xưa nói riêng, và cả xã
hội Do Thái cho tới thời Chúa Giêsu nói chung. Vì vậy, suốt thời Cựu ước, hình ảnh
người chăn chiên trở thành một trong những biểu tượng phong phú và sống động nhất,
được dùng để diễn tả tương quan giữa Thiên Chúa và dân Do Thái. Họ như một đoàn
chiên riêng của Thiên Chúa, được Người nuôi nấng, chăn dắt, săn sóc đặc biệt.
Và bây giờ, Chúa Giêsu áp dụng hình ảnh đó cho chính Ngài và đoàn chiên của
Ngài là chúng ta. Chúng ta thấy Chúa dùng hai hình ảnh: người chăn chiên thuê
và người chăn chiên tốt lành để so sánh và diễn tả cho mọi người biết Ngài là
người chăn chiên thật, là mục tử tốt lành. Thế nào là một mục tử tốt lành?
Chúng ta có thể tóm tắt trong hai điều: biết các con chiên của mình và ân cần
săn sóc chúng. Chúa Giêsu là một chủ chăn tốt lành vì Ngài có đầy đủ và hoàn
toàn hai yếu tố đó.
Chúa Giêsu là chủ chăn tốt lành của chúng ta
vì Ngài biết chúng ta. Một
người chăn chiên chuyên nghiệp biết số chiên trong bầy có bao nhiêu con. Họ biết
từng con một, về ngày sinh tháng đẻ, để có thể xén lông hay gây giống. Họ có
tên gọi cho từng con, biết bệnh tật từng con để cứu chữa: con nào hay bị lạnh,
con nào cận thị, con nào hay lạc bầy ăn rong, hơn nữa, có khi họ còn chụp hình,
ghi sổ từng con mỗi năm và cân ký hàng tháng.
Chúa Giêsu đã dùng
hình ảnh đó áp dụng cho Ngài như Ngài đã tuyên bố: “Tôi biết chiên của tôi”, và
Ngài còn quả quyết sự hiểu biết của Ngài đối với mỗi người cũng như sự hiểu biết
giữa Ngài với Cha Ngài: “Tôi biết chiên tôi như Cha tôi biết tôi và tôi biết
Cha tôi”. Thực vậy, Ngài biết từng con chiên, Ngài biết chúng ta là những nhân
vị, là những tín hữu, là những người có tính tình thế nào, dòng máu huyết thống
ra sao. Ngài biết chúng ta hơn chúng ta biết mình. Ngài thấu suốt tư tưởng, ước
mơ, lời nói, việc làm, dự định, khuynh hướng tốt xấu của chúng ta. Ngài biết rõ
từng người: ai là con chiên tốt, trung thành, ngoan đạo; ai là con chiên ghẻ,
lười biếng, khô khan, phản bội. Tóm lại, không ai có thể lẩn trốn khỏi mắt
Chúa, bất cứ sự gì, dù thầm kín hay bí mật đến đâu, Chúa cũng biết hết.
Rồi Chúa Giêsu là chủ chăn tốt lành đích thực của
chúng ta, vì Ngài ân cần săn sóc chúng ta. Thực vậy, Chúa hằng ở bên săn
sóc từng người chúng ta, dù chúng ta không quan tâm đến, như cá sống dưới nước,
dù không để ý tới nước, nơi nó bơi lội, nhưng không có nước, nó sẽ chết. Chúa
biểu lộ tình yêu đặc biệt đối với những ai mang thương tích linh hồn. Ai trong
chúng ta đã không nhiều lần nghe những câu chuyện Tin Mừng tỏ rõ lòng ưu ái của
Chúa, như chuyện đứa con hoang đàng, chuyện Giakêu hối cải, chuyện người đàn bà
ngoại tình, chuyện người trộm lành trên thập giá, và tột đỉnh của tình yêu này
là tự hiến mình cho đoàn chiên. Quả thực, cả một đời tận tụy, hy sinh, giảng dạy
và ban ơn, Chúa chưa cho là đủ, Chúa còn muốn thực hiện đặc tính sau cùng của một
chủ chăn tốt lành là chết vì con chiên và cho con chiên, để minh chứng lời Ngài
đã nói: “Không có tình yêu nào lớn hơn, cao quý hơn là chết cho người mình
yêu”.
Chúa Giêsu tự xưng
mình là mục tử tốt lành và Chúa đã hành động xứng tước vị đó, thì đoàn chiên
cũng phải biết đối xử sao cho xứng đáng. Vật không lý trí còn biết bổn phận
mình với chủ chăn, thì chúng ta, vật có linh tính, càng phải đền đáp sao cho xứng
tình ưu ái của Chúa chiên vô cùng nhân hậu ấy. Vậy bổn phận của chúng ta là gì?
Chúng ta phải suy tôn Chúa là chủ chăn chúng
ta bằng lòng tin tưởng và yêu mến. Nhưng suy tôn không phải chỉ ngoài miệng mà phải suy tôn Chúa trong đời
sống, trong công ăn việc làm, trong sự đối xử với người chung quanh, và làm chứng
nhân cho Chúa. Rồi chúng ta phải tín nhiệm
vào Ngài. Con cái tín nhiệm cha mẹ, tôi tớ tín nhiệm vào chủ, chúng ta càng
phải biết tín nhiệm vào Chúa hơn. Sau cùng, chúng ta phải biết nghe lời Chúa. Một con chiên ngoan bao giờ cũng biết tuân
ý chủ. Luôn vâng theo ý Chúa và sống theo lời Chúa là làm hài lòng Chúa nhất,
giống như con cái tuyệt đối vâng lời cha mẹ vậy.
Có lẽ những điều
trên chúng ta đều biết cả, nhưng biết mà không đem thực hành là biết uổng.
Chúng ta hãy kiểm điểm xem thái độ và hành động của chúng ta đối với Chúa, chủ
chăn của chúng ta thế nào? Thành thực mà nói: chúng ta không chối Chúa ra mặt,
nhưng chúng ta hay xâm lấn một số quyền lợi của Chúa. Chúng ta chỉ công nhận
Ngài là chủ chăn, là Chúa trong vài hoàn cảnh, trường hợp đời sống, chứ không cả
đời sống, sự thường xuyên của chúng ta. Chẳng hạn, chúng ta chỉ giữ đạo, chỉ giữ
điều răn khi hứng thú, gặp may mắn; bao lần chúng ta thiếu tín nhiệm vào Chúa,
quá lo lắng vật chất đến xao nhãng các bổn phận thiêng liêng; bao lần đời sống,
cách ăn ở, cư xử của chúng ta không làm chứng cho Chúa trước những người chung
quanh. Sửa chữa những khuyết điểm đó là cốt yếu của lời Chúa dạy hôm nay. Lạy
Chúa, xin làm cho chúng con trở thành chiên ngoan tốt lành Chúa.