Sứ điệp của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI
cho Ngày Thế giới Truyền giáo 2011
“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21)
Nhân dịp cử hành Năm Thánh 2000 vào đầu thiên niên kỷ thứ 3 của kỷ nguyên Kitô giáo, Đấng Đáng Kính Gioan Phaolô II đã mạnh mẽ xác nhận nhu cầu canh tân việc dấn thân để đem Tin Mừng đến cho mọi người với “niềm phấn khởi của những Kitô hữu thời đầu tiên” (Tông Thư Novo Millennio Ineunte, 58). Đây là việc phục vụ cao quý nhất mà Hội Thánh có thể cống hiến cho nhân loại và cho mọi cá nhân đang tìm kiếm những lý do sâu xa nhất để sống sung mãn đời sống của họ. Vì thế, cùng một lời mời gọi ấy được vọng lại mỗi năm khi chúng ta mừng Ngày Thế giới Truyền giáo. Thực vậy, việc không ngừng loan báo Tin Mừng cũng tái tạo sức sống cho Hội Thánh; sự nhiệt tình và tinh thần tông đồ của Hội Thánh; nó giúp đổi mới các phương pháp mục vụ của Hội Thánh để có thể luôn luôn phù hợp hơn với các hoàn cảnh mới – cả những hoàn cảnh đòi hỏi một cuộc tân Phúc Âm hóa – và được sinh động hóa bằng nhiệt tình truyền giáo: “Hoạt động truyền giáo giúp canh tân Hội Thánh, tạo sức sống mới cho đức tin và căn tính Kitô giáo, và cống hiến niềm phấn khởi mới và kích thích mới. Đức tin được kiện cường khi nó được trao ban cho người khác! Chính trong việc dấn thân cho sứ mạng phổ quát của Hội Thánh mà cuộc tân Phúc Âm hóa của dân Kitô giáo sẽ tìm được nguồn cảm hứng và nâng đỡ” (Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio, 2).
Hãy đi loan báo
Mục tiêu này không ngừng được canh tân khi cử hành phụng vụ, đặc biệt cử hành Thánh Thể, luôn luôn kết thúc bằng cách lặp lại lệnh truyền của Đức Giêsu Phục Sinh cho các Tông Đồ: “Hãy đi...” (Mt 28,19). Phụng vụ luôn là một tiếng gọi “từ thế giới” và một việc sai đi “vào thế giới” để làm chứng cho điều mà mọi người đã trải nghiệm: quyền năng cứu độ của Lời Thiên Chúa, quyền năng cứu độ của Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Tất cả những ai đã gặp được Đức Kitô phục sinh đều cảm nhận nhu cầu loan báo Ngài cho người khác, như hai môn đệ trên đường Emmaus. Sau khi nhận ra Đức Kitô lúc Ngài bẻ bánh, họ “lập tức lên đường trở về Giêrusalem. Ở đó họ đã gặp Nhóm Mười Một đang tụ tập với nhau” và kể lại những gì đã xảy ra cho họ dọc đường (Lc 24,33-34). Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II khuyên chúng ta hãy “tỉnh thức, sẵn sàng để nhận ra khuôn mặt của Ngài và chạy đến với anh chị em chúng ta với tin vui: “Chúng tôi đã nhìn thấy Chúa” (Tông Thư Novo Millennio Ineunte, 59).
Cho mọi người
Những người hưởng nhận lời loan báo Tin Mừng là mọi dân tộc. Hội Thánh “tự bản chất là truyền giáo, vì Hội Thánh bắt nguồn từ chính sứ mạng của Chúa Con và sứ mạng của Chúa Thánh Thần, theo ý định của Thiên Chúa Cha” (CĐ Vaticanô II, Sắc Lệnh Ad Gentes, 2). Đây là “ân sủng và ơn gọi riêng của Hội Thánh, là căn tính của Hội Thánh. Hội Thánh hiện hữu là để rao giảng Tin Mừng” (Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, 14). Do đó, Hội Thánh không bao giờ có thể đóng kín trong chính mình. Hội Thánh được thiết lập tại những nơi cụ thể để vươn ra ngoài những nơi ấy. Vâng lệnh Đức Kitô và dưới ảnh hưởng ân sủng và tình yêu của Ngài, hành động của Hội Thánh trở nên hiện diện hoàn toàn và thực sự cho mọi người và mọi dân tộc để dẫn đưa họ tới niềm tin vào Đức Kitô (x. Ad Gentes, 5).
Nhiệm vụ này không hề mất đi tính cấp bách của nó. Thực vậy, “sứ mạng của Đức Kitô Cứu Thế, được ủy thác cho Hội Thánh, vẫn còn lâu mới được hoàn thành... Một cái nhìn tổng thể về nhân loại cho thấy rằng sứ mạng này mới chỉ đang bắt đầu và chúng ta phải hết lòng dấn thân phục vụ nó” (Gioan Phaolô II, Thông Điệp Redemptoris Missio, 1). Chúng ta không thể bằng lòng khi suy nghĩ đến sự kiện là, sau hai ngàn năm, vẫn còn có những dân tộc chưa biết Đức Kitô và chưa được nghe sứ điệp cứu độ của Ngài.
Không những thế: ngày càng có nhiều người, mặc dù đã lãnh nhận lời loan báo Tin Mừng, nhưng đã quên lãng hay từ bỏ nó và không còn liên kết với Hội Thánh; và nhiều khu vực, thậm chí cả trong các xã hội có truyền thống Kitô giáo, ngày nay tỏ ra không muốn mở lòng mình ra cho lời của Đức Tin. Các nền văn hóa đang thay đổi, đồng thời được kích thích bởi hiện tượng toàn cầu hóa, bởi những trào lưu tư tưởng và bởi chủ nghĩa tương đối đang thịnh hành, sự thay đổi này dẫn tới một não trạng và một lối sống coi thường Sứ điệp Tin Mừng, như thể Thiên Chúa không hiện hữu, một não trạng và lối sống đề cao việc tìm kiếm sự thoải mái, tiền bạc, sự nghiệp và thành công như là mục đích của cuộc đời, thậm chí gây phương hại tới các giá trị luân lý.
Trách nhiệm liên đới của mọi người
Sứ mạng phổ quát bao gồm mọi người, mọi sự và mọi thời. Tin Mừng không phải là sở hữu độc quyền của những ai đã lãnh nhận nó, nhưng là một ân huệ phải được chia sẻ, là tin vui được thông truyền cho người khác. Và sự dấn thân-ân huệ này được ủy thác không chỉ cho một số, nhưng mọi người đã được rửa tội, là “một dòng giống được tuyển chọn... một dân tộc thánh, Dân riêng của Thiên Chúa” (1P 2,9), để loan truyền những kỳ công của Người.
Trách nhiệm này cũng bao gồm mọi hoạt động. Sự quan tâm và hợp tác trong hoạt động truyền giáo của Hội Thánh trên thế giới không thể bị giới hạn vào một số thời điểm hay dịp đặc biệt, cũng không thể được xem như chỉ là một trong biết bao hoạt động mục vụ khác: chiều kích truyền giáo của Hội Thánh là cơ bản; vì vậy đó là điều mà ta phải luôn luôn lưu ý. Quan trọng là cả những cá nhân đã được rửa tội và các cộng đoàn Hội Thánh phải tham gia truyền giáo không chỉ nhất thời hay tùy dịp, mà phải thường xuyên, và coi đây như một nếp sống Kitô giáo. Ngày Truyền Giáo không phải là khoảnh khắc biệt lập trong năm, mà là một dịp quí báu để chúng ta dừng lại và suy nghĩ xem chúng ta có đáp lại ơn gọi truyền giáo hay không và đáp lại như thế nào: một sự đáp ứng thiết yếu cho đời sống Hội Thánh.
Rao giảng Tin Mừng toàn cầu
Rao giảng Tin Mừng là một tiến trình và bao gồm nhiều yếu tố khác nhau, trong đó đáng chú ý đặc biệt là sự liên đới trong việc sinh động hóa truyền giáo. Đây cũng là một trong các mục tiêu của Ngày Thế giới Truyền giáo. Thông qua các Công cuộc Giáo hoàng Truyền giáo, Ngày Thế giới Truyền giáo kêu gọi sự trợ giúp để thực hiện các hoạt động rao giảng Tin Mừng trong các xứ truyền giáo. Sự trợ giúp này bao gồm việc nâng đỡ các tổ chức cần thiết cho việc thiết lập và củng cố Hội Thánh qua việc huấn giáo, các chủng viện, các linh mục, và cũng để đóng góp phần riêng của mình nhằm cải thiện điều kiện sống của dân chúng tại các quốc gia mà tình trạng nghèo đói, thiếu dinh dưỡng, nhất là tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em, bệnh tật, thiếu sự chăm sóc y tế và giáo dục đang ở mức nghiêm trọng nhất. Đây cũng là một phần sứ mạng của Hội Thánh. Khi loan báo Tin Mừng, Hội Thánh quan tâm tới đời sống con người, hiểu theo nghĩa đầy đủ nhất của nó. Đầy Tớ Chúa Phaolô VI từng tuyên bố rằng, trong việc rao giảng Tin Mừng, không thể chấp nhận việc bỏ qua các chủ đề về thăng tiến con người, công bằng, giải phóng khỏi mọi hình thức áp bức, đương nhiên là liên quan đến quyền tự chủ trong lĩnh vực chính trị. Xem nhẹ các vấn đề trần thế của đời sống con người sẽ là “quên mất bài học của Tin Mừng liên quan đến tình yêu đối với người thân cận đang chịu đau khổ và thiếu thốn” (Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, 31,34) ; đó sẽ là đi ngược lại thái độ của Chúa Giêsu, Ngài “đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật quyền” (Mt 9,35).
Do đó, qua sự tham gia đồng trách nhiệm vào sứ mạng của Hội Thánh, người Kitô hữu trở thành người xây dựng sự hiệp thông, hòa bình và tình liên đới mà Đức Kitô đã ban cho chúng ta, và họ hợp tác vào việc thể hiện ý định cứu độ của Thiên Chúa đối với toàn thể loài người. Những thách thức của công việc này kêu gọi người Kitô hữu đồng hành với những người khác, và truyền giáo là một phần thiết yếu của hành trình này với mọi người. Trong cuộc hành trình này, dù ở trong thân phận mỏng giòn dễ vỡ, chúng ta mang nơi mình ơn gọi Kitô hữu, kho báu vô giá của Tin Mừng, chứng tá sống động cho Đức Giêsu chết và phục sinh, Đấng được gặp và tin trong Hội Thánh.
Chớ gì Ngày Thế giới Truyền giáo làm thức tỉnh nơi mỗi người chúng ta niềm vui và ước muốn “ra đi” gặp gỡ loài người và mang Đức Kitô đến cho mọi người. Nhân danh Người, tôi hết lòng ban Phép Lành Tông Tòa cho anh chị em, đặc biệt cho những ai phải lao nhọc và đau khổ nhất vì Tin Mừng.
Vatican, ngày 6 tháng 1-2011, Đại lễ Chúa Hiển Linh
Bênêđictô XVI, giáo hoàng
(Bản dịch của Lm Đaminh Ngô Quang Tuyên)
Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI
SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2011
Tuần lễ thế giới truyền giáo năm 2011 được diễn ra vào các ngày từ 16 đến 23 tháng 10, với chủ đề: “Hãy yêu người lân cận như chính mình” (Mt 23,39), và kết thúc vào Ngày Khánh Nhật Truyền Giáo, 23 tháng 10. Công Đồng Vaticanô II, qua Sắc lệnh Truyền Giáo (Ad Gentes), dạy các tín hữu và các cộng đoàn hãy nhiệt thành tham dự thường xuyênvào công việc truyền giáo của Hội Thánh...
SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2011
Như Cha đã sai thầy, Thầy cũng sai anh em... (Ga 20, 21)
Vào dịp Năm thánh 2000, mở đầu thiên niên kỷ mới, Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã lặp lại cách mạnh mẽ sự cần thiết phải canh tân việc cổ vũ mang Tin Mừng đến cho mọi người, với “chính sự nhiệt tình giống như các Kitô hữu thời sơ khởi” (Tông thư Novo Millennio INEUNTE, số 58). Đây là dịch vụ cao quý mà Hội Thánh có thể đem lại cho nhân loại và mọi người trên đường tìm kiếm những lý lẽ sâu xa để sống trọn vẹn cuộc đời mình. Do đó, lời mời gọi này được vang vọng lên mỗi năm trong dịp cử hành Ngày Thế Giới Truyền Giáo. Thực ra, việc loan báo Tin Mừng thường xuyên làm nên sức sống của Giáo Hội, khơi dậy lòng nhiệt thành và tinh thần truyền giáo, canh tân những phương pháp mục vụ để luôn đáp ứng được với những tình huống mới -kể cả những tình huống đòi hòi một sự loan báo tin mừng mới- và được thúc đẩy bởi lòng nhiệt thành truyền giáo: “Việc truyền giáo canh tân Giáo Hội, củng cố đức tin và căn tính Kitô, gia tăng lòng nhiệt thành và những dự kiến mới. Đức tin được vững mạnh một khi được trao tặng. Công cuộc tân phúc âm hóa cho các dân tộc Kitô tìm thấy được một cảm hứng và nâng đỡ trong công cuộc truyền giáo phổ quát” (Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio, số 2).
Anh em hãy đi loan báo...
Mục tiêu này luôn được khơi lại nơi cử hành phụng vụ, đặc biệt nơi phụng vụ Tạ Ơn (Thánh lễ), vốn luôn được kết thúc với lời vang vọng lệnh truyền của Chúa Giêsu cho các Tông đồ: ‘Anh em hãy đi...’ (Mt 28,19). Phụng vụ luôn là một lời mời gọi “từ thế gian” và một sự sai phái ‘vào thế gian’ để làm chứng cho kinh nghiệm sống nơi mình: sức mạnh cứu độ của Lời Chúa, sức mạnh cứu độ nơi mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô. Tất cả những ai đã gặp được Chúa Phục Sinh đều cảm thấy mình cần phải loan báo tin vui này cho kẻ khác, theo kiểu cách hai môn đệ đi làng Emmaus. Sau khi nhận ra Chúa lúc Người bẻ bánh, “ngay giờ dó, họ lên đường trở lại Giêrusalem, tìm gặp nhóm Mười Một đang họp nhau ở đó”, kể lại cho các ông những gì mình đã gặp thấy trên đường (Lc 24,33-34). Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khuyến khích hãy “chuyên chăm và sẵn sàng nhận ra khuôn mặt của Ngài, để rồi mau mắn chạy đến với anh chị em mình và loan báo cho họ tin vui mừng lớn lao này: Chúng tôi đã thấy Chúa” (Tông thư Novo Millennio Ineunte, số 59).
Cho mọi người
Tất cả mọi dân tộc đều là đối tượng của việc loan báo Tin Mừng. Giáo Hội “tự bản tính là truyền giáo, vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Chúa Cha” (Sắc lệnh Truyền Giáo, số 2). Đấy là “ân sủng, ơn gọi và căn tính của Giáo Hội. Giáo Hội hiện hữu là để loan báo Tin Mừng” (Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi, số 14). Do đó, không bao giờ Giáo Hội tự đóng khung mình. Giáo Hội cắm rể trong những nơi nhất định để từ đó vươn đi xa. Đúng theo Lời của Chúa Kitô và dưới tác động của ân sủng và tình yêu của Người. Giáo Hội thực sự hoàn toàn hiện diện nơi mọi người và mọi dân tộc để đưa dẫn họ vào đức tin trong Chúa Kitô (x. Sắc lệnh Truyền Giáo, số 5).
Bổn phận này vẫn luôn cấp bách. “Sứ mệnh của Chúa Kitô Cứu Thế được trao phó cho Giáo Hội vẫn đang còn nhiều dang dở... Nhìn vào số đông nhân loại chưa biết Chúa cũng đủ cho thấy rằng sứ mệnh này mới chỉ đang ở những bước đầu tiên và chúng ta còn cần phải dồn hểt mọi nỗ lực của mình cho công trình này” (Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio, số 1). Chỉ nguyên với một chuyện này mà thôi thì chúng ta không thể nào yên lòng, là sau hai ngàn năm, mà còn có rất nhiều dân tộc vẫn không biết Chúa Kitô và chưa nghe sứ điệp cứu độ của Người.
Không chỉ có thế. Trong số những người cho dù đã nhận lãnh sứ điệp Tin Mừng, cũng đã quên mất và từ bỏ Tin Mừng, và không còn tự nhận mình ở trong Giáo Hội nữa; con số đó không ngừng tăng thêm, và nhiều nơi, kể cả nơi các cộng đoàn có truyền thống Kitô giáo lâu đời, hiện nay lại tỏ ra dị ứng, không còn muốn đón nhận lời đức tin. Nếp sống văn hóa đang thay đổi, được củng cố bởi sự kiện toàn cầu hóa, cùng với những trào lưu tư tưởng, và chủ nghĩa tương đối thống trị, dẫn đến tâm trạng và một kiểu cách sống không thèm biết đến sứ điệp Tin Mừng, coi như Thiên Chúa không hiện hữu, cổ vũ việc tìm kiếm cái gì lợi lộc, dễ dàng, nghề nghiệp và thành công như là mục đích của đời mình, cho dù phải hy sinh những giá trị luân lý.
Trách nhiệm chung của mọi người...
Nhiệm vụ truyền giáo là phổ quát, bao hàm tất cả mọi người, mọi nơi và mọi thời. Tin Mừng không phải là một món quà độc chiếm được ban cho ai đó khi họ nhận lãnh, nhưng phải là một tặng vật được chia sẻ, một tin vui được rao truyền. Và cái món quà này không phải chỉ được ủy thác cho một vài người nào đó, nhưng nhắm đến tất cả những ai đã được lãnh nhận phép rửa, họ thuộc về “một dòng giống được tuyển chọn... một dân thánh, dân riêng” (1P 2,9) để loan truyền những kỳ công của Người.
Tất cả mọi họat động đều tham gia vào đó. Sự quan tâm và cộng tác vào công việc phúc âm hóa thế giới của Giáo Hội không thể được giới hạn vào trong một vài khoảnh khắc hay một vài dịp đặc biệt nào đó, hoặc không thể coi đó như chỉ là một trong các công tác mục vụ không hơn không kém: chiều kích truyền giáo của Giáo Hội luôn phải có mặt, và đó là điểm thiết yếu. Các tín hữu cũng như các giáo đoàn phải tham gia vào công cuộc truyền giáo không chỉ vào một vài thời điểm riêng lẻ nào đó, nhưng phải luôn luôn, như là lẽ sống Kitô hữu của mình. Ngày Thế Giới Truyền Giáo cũng không phải là một thời điểm riêng lẻ trong một năm, nhưng chỉ là một dịp quý hiếm để mỗi chúng ta ngồi lại và suy nghĩ, tìm ra những phương cách hầu đáp ứng cho được nhiệm vụ và ơn gọi truyền giáo; một câu trả lời thiết yếu cho sự sống của Giáo Hội.
Phúc âm hóa toàn cầu
Phúc âm hóa là một tiến trình phức tạp bao gồm nhiều yếu tố khác nhau. Trong số đó, họat động truyền giáo luôn đặc biệt quan tâm đến sự liên đới. Điều này tạo nên một trong các mục tiêu của Ngày Thế Giới Truyền Giáo là, qua các Hội Giáo Hoàng Truyền giáo, thúc đẩy việc giúp đỡ phương tiện cần thiết trong việc rao giảng Tin Mừng cho các xứ truyền giáo. Đấy là việc hổ trợ các định chế để xây dựng và củng cố Giáo Hội qua các giáo lý viên, các chủng sinh, các linh mục, và giúp cải thiện cuộc sống cho những người đang sống trong các quốc gia nghèo khổ, đói kém, nhất là các trẻ em suy dinh dưỡng, bệnh tật, thiếu chăm sóc y tế và giáo dục là những công tác quan trọng nhất. Tất cả các công việc này đều đi kèm với sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội. Khi loan báo Tin Mừng, Giáo Hội sống gắn bó với cuộc sống con người theo nghĩa rộng nhất. Vị tôi tớ của Thiên Chúa là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI xác quyết rằng, trong công cuộc phúc âm hóa, không thể chấp nhận việc chúng ta coi thường những gì liên quan đến việc thăng tiến nhân loại, công lý, giải thoát khỏi đàn áp, dĩ nhiên vẫn phải tôn trọng quyền bính chính trị. Không quan tâm đến những vấn đề trần thế của kiếp nhân sinh sẽ dẫn đến việc “quên mất bài học của Tin Mừng về bác ái đối với người thân cận đang đau khổ và nghèo túng” (Tông huấn Evangelii Nuntiandi, số 31.34), vì như thế sẽ xa lạ với thái độ của Chúa Giêsu là Đấng “đi rảo khắp các thành phố và làng quê, giảng dạy trong các hội đường, công bố Tin Mừng Nước Trời và chữa lành hết mọi bệnh họan tật nguyền” (Mt 9, 35).
Do đó, một khi được tham dự vào trách nhiệm truyền giáo của Giáo Hội, Kitô hữu trở nên người xây dựng sự hiệp thông, bình an và liên đới mà Chúa Kitô đã ban cho chúng ta, và họ góp phần thực hiện kế đồ cứu độ mà Thiên Chúa muốn tặng ban cho nhân loại. Những thách thức trên đây mời gọi các Kitô hữu cùng đồng hành với những người khác, và việc truyền giáo là một thành phần của hành trình chung với mọi người. Chúng ta mang trong mình, cho dù trong những bình sành, ơn gọi Kitô, kho tàng vô giá của Tin mừng, cũng là chứng từ sống động về Chúa Giêsu tử nạn và phục sinh, Đấng được gặp gỡ và công bố trong Giáo Hội.
Ước gì Ngày Thế Giới Truyền Giáo khơi lên nơi mỗi chúng ta khát vọng và niềm vui “ra đi” gặp gỡ nhân loại và mang Chúa Kitô đến cho mọi người. Nhân danh Ngài, tôi sẵn lòng ban phép lành tòa thánh cho tất cả anh chị em, cách riêng cho những ai vất vả và đau khổ nhất vì Tin Mừng.
Tại điện Vatican, ngày 6 tháng 1 năm 2011, Lễ trọng Hiển Linh.
+ Bênêđictô XVI, Giáo Hoàng
Lm. FX Nguyễn Văn Cần chuyển ngữ