WHĐ (09.09.2011) – “Thiên Chúa luôn ở bên cạnh chúng ta –ngay cả trong những lúc khó khăn, thử thách, trong những giây phút đen tối của cuộc đời– Người lắng nghe, trả lời và cứu giúp chúng ta bằng phương cách riêng của Người. Nhưng chúng ta phải có khả năng nhận ra Người luôn hiện diện và chấp nhận cách Người làm việc.” ĐTC đã nói như trên, trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ tư 07 tháng Chín vừa qua, khi Ngài trình bày Thánh vịnh 3, được dùng làm đề tài cho loạt bài giáo lý hằng tuần về cầu nguyện.
Trong niềm vui của 20.000 khách du lịch và hành hương đến viếng Vatican, ĐTC đã trở lại quảng trường Thánh Phêrô trong buổi giáo lý hằng tuần của ngài. Đây là buổi giáo lý đầu tiên ở đây từ khi Ngài nghỉ hè vào tháng Bảy. Những buổi giáo lý trong tháng Tám được trình bày tại sân tư dinh mùa hè của Ngài trên những triền đồi ở Rôma thoáng mát hơn.
Trong bài giáo lý ngắn gọn bằng tiếng Anh, ĐTC nói: “Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta lại trở về với những bài giáo lý về sự cầu nguyện, suy niệm theo Thánh vịnh 3, trong đó tác giả Thánh vịnh kêu van Chúa cứu thoát mình khỏi kẻ thù vây quanh. Theo truyền thống, Thánh vịnh này do vua Đavít viết khi vua đang chạy trốn quân đội của vua con phản loạn Absalom. Bị vây khốn tứ bề để tìm giết, tác giả Thánh vịnh kêu cầu Danh Chúa với tất cả lòng tin tưởng vào sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa, Đấng duy nhất có thể cứu người khỏi tay quân dữ đang đe dọa mình.”
Trước đó, trong phần phê bình dài hơn bằng tiếng Ý, ĐTC quảng diễn tầm quan trọng của việc vững tin vào Chúa ngay cả trong lúc thất vọng: “Cuộc tấn công không chỉ nhắm vào thân xác, nhưng còn chạm đến cả tâm linh –kẻ thù bảo rằng Đức Chúa không thể cứu nó– đó là nội tâm của chính linh hồn tác giả Thánh vịnh bị tấn công. Đó là cơn cám dỗ rất nguy hiểm mà người tín hữu phải đối diện: đó là cơn cám dỗ mất đức tin, không tin là Thiên Chúa luôn gần gũi chúng ta.”
Tuy nhiên, “người công chính sẽ vượt qua cuộc thử thách sau cùng. Họ luôn vững mạnh trong sự thật và hoàn toàn tin cậy vào Chúa, nhờ thế họ tìm được sự sống và sự thật. Đối với tôi, dường như thánh vịnh này đụng chạm đến mỗi cá nhân chúng ta về nhiều vấn đề. Chúng ta bị cám dỗ nghĩ rằng có lẽ Chúa sẽ không cứu độ tôi, không biết đến tôi, hay có lẽ không có khả năng làm được những điều đó. Cơn cám dỗ mất đức tin là cuộc tấn công cuối cùng của kẻ thù và chúng ta phải chống lại nó. Đó là cách để chúng ta tìm gặp Thiên Chúa và tìm gặp sự sống.”
“Sách Khôn ngoan nhắc lại cho chúng ta những nghịch cảnh của người công chính, như họ bị quân dữ kết án tử một cách nhục nhã, rồi bị chế nhạo nói rằng chắc chắn Chúa sẽ đến cứu họ. Tâm trí của chúng ta huớng về đồi Canvê, nơi mà những người qua đường cũng chế nhạo Chúa Giêsu như vậy. Chúng nói rằng Đức Chúa sẽ cứu Người khỏi chết, nếu Người thật sự là Đấng mà Người đã tuyên xưng. Tuy thế, chúng ta biết rằng Thiên Chúa thực sự nghe lời nguyện cầu của những ai kêu cầu Người với lòng tin tưởng. Người trả lời từ trên núi thánh của Người. Đấng Thiên Chúa vô hình trả lời với quyền năng mạnh mẽ, và Người trở thành khiên thuẫn và vinh dự của chúng ta. Mặc dầu Chúa Giêsu dường như bị Chúa Cha bỏ rơi khi Người chịu chết trên đồi Canvê, nhưng với con mắt đức tin, đây chính là lúc ơn cứu rỗi được lên ngôi, Thánh Giá ca khúc khải hoàn, là lúc Đấng Cứu Thế được vinh quang.”
Kết thúc bài giáo lý, ĐTC dâng lời cầu nguyện: “Xin Chúa ban cho chúng con đức tin, hãy đến cứu giúp chúng con vì chúng con yếu đuối, và giúp chúng con luôn tin tưởng và cầu nguyện trong những lúc đau buồn, trong bóng đêm muộn phiền của hoài nghi và trong những ngày dài đau khổ, bằng cách tín thác vào Chúa là khiên thuẫn và vinh dự của chúng con.”
Sau đó, ĐTC chào mừng khách hành hương nói tiếng Anh đang có mặt: “Tôi rất hài lòng được chào mừng quý khách du lịch và hành hương nói tiếng Anh trong cử toạ hôm nay, gồm các nhóm đến từ Anh quốc và Ireland, Đan Mạch và Hoa Kỳ. Tôi xin gởi lời chào đặc biệt đến quý sơ thừa sai Dòng Nữ Tỳ Chúa Thánh Thần đến từ Indonesia và quý sơ Ursulines. Tôi xin phó thác tất cả anh chị em qua lời chuyển cầu của hai thánh Phêrô và Phaolô và xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em.”
(Theo Vatican Radio, 07-09-2011)
An Phú Sĩ chuyển dịch