TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH

TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH


HỌ ĐẠO CÁI QUAO KÍNH CHÚC QUÝ CHA, QUÝ TU SĨ NAM NỮ VÀ ANH CHỊ EM GIÁO DÂN ...MỘT MÙA GIÁNG SINH TRÀN ĐẦY TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA CHÚA!

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

Hiệp Thông Trong Gia Đình Công Giáo

Gia đình là một tổ hợp bao gồm nhiều thành viên như: ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em có cùng huyết thống với nhau nên sẽ có những mối liên hệ về tự nhiên và cả siêu nhiên, vì vậy để gầy dựng một gia đình hạnh phúc cần phải có sự hiệp thông với nhau trong gia đình tự nhiên cũng như trong gia đình thiên quốc. Xin mạn phép nêu lên suy nghĩ của mình về sự hiệp thông trong gia đình qua các tương quan.
1. Tương quan giữa gia đình với Thiên Chúa
Thiên Chúa tạo dựng con người có nam, có nữ để họ yêu thương và đến với nhau, và tạo thành những gia đình nhỏ trong đại gia đình Hội Thánh. Về điểm này, thiết nghĩ chúng ta phải thiết lập mối tương quan với Thiên Chúa qua những lời kinh nguyện chung hằng ngày vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì Thầy sẽ hiện diện và ở giữa họ”, đồng thời cần làm nhiều việc bác ái và hy sinh, để Thiên Chúa, Đấng làm chủ mọi gia đình, sẽ bảo ban và gìn giữ chúng ta trong ơn thánh của Ngài. Hơn nữa, sự hiệp thông được thể hiện rõ nét nơi Ba Ngôi Vị, nên chúng ta cần noi gương các Ngài để ngày càng phát triển hơn sự hiệp thông của gia đình mình.


2. Tương quan giữa cha và mẹ
Cha mẹ phải yêu thương nhau bằng một tình yêu thuần khiết như ý Chúa muốn khi tạo dựng con người; và cần hành xử với nhau không vì mục đích nào khác ngoài tình yêu. Về điểm này, các bậc cha mẹ cần sống chung thuỷ, tiết dục, sinh và dưỡng dục con cái với tinh thần trách nhiệm và giúp con cái ngày càng hoàn thiện hơn mỗi ngày. Sự hiệp thông nơi cha mẹ cần được hun đúc để biết yêu thương, tôn trọng, bảo vệ và chăm sóc cho nhau.

3. Tương quan giữa cha mẹ và con cái
Các bậc cha cha mẹ hãy ghi nhớ: Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là phải giáo dục chúng, và vì thế, họ phải được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng” (CĐ. Vatican II, Tông huấn về Gia đình Familiaris Consortio, số 36), đồng thời, vì tương quan giữa họ với con cái là một tình yêu không thể thay thế được, nên quyền và bổn phận giáo dục của họ có tính cách độc đáo và cơ bản so với bổn phận giáo dục của những người khác” (Tlđd, số 36); và qua giáo huấn của Hội Thánh, cha mẹ cần ý thức trách nhiệm lớn lao của mình trong việc xây dựng sự hiệp thông và giáo dục cho con cái, qua việc yêu thương, bảo bọc và chăm sóc con cái, cũng như giúp con cái ý thức được bổn phận phải yêu thương, hiếu thảo và vâng lời cha mẹ, như điều răn thứ tư truyền dạy. Sách huấn ca nói: Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa” (Hc 3,16), ngược lại, ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu” (Hc 3,3-4). Sự hiệp thông nếu tương tác hai chiều sẽ đem lại hạnh phúc lớn lao cho gia đình.

4. Tương quan giữa anh chị em trong gia đình
Chúng ta được Thiên Chúa ban cho những người anh em, nên bổn phận chúng ta phải yêu thương người anh em mình như Lời chúa dạy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Đối với anh chị em ruột thịt trong gia đình, tình yêu thương đó cần được thể hiện nhiều hơn gấp bội, như ca dao nói:Khôn ngoan đá đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhauhay anh em như thể tay chân, rách lành đùm bọc khó khăn đỡ đần. Tương quan giữa anh chị em trong gia đình càng khắng khít và hiệp thông trong mọi trường hợp, thì gia đình càng thể hiện sự đồng lòng và hết mực thương yêu nhau.

Tóm lại, các tương quan nói trên là hình ảnh của sự hiệp thông! Các bậc cha mẹ và con cái hãy thương yêu và bảo bọc nhau trong đời sống hằng ngày và trong kinh nguyện, đồng thời cùng chung sức xây dựng một gia đình trong ngoài ấm êm, để có thể trở nên những gia đình thánh nơi trần gian này.

Lạy chúa, xin giúp gia đình chúng con biết hiệp thông với nhau để cùng vui sống và thăng tiến mỗi ngày một hơn trong tin yêu và hy vọng. Amen.

Đaminh Lê Hữu Quý