01/10/11 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN
Th. Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh
Mt 18,1-5
sỐng tuỔi thơ vỚi chúa
Chúa Giêsu nói: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 18,3)
Suy niệm: Nhiều người khi tuổi đời đã chồng chất, nhìn các cháu thiếu nhi chơi đùa mới tiếc nuối nhớ lại chính mình cũng đã có một thời tuổi thơ hồn nhiên, trong trắng, không sân hận, không mưu mô thủ đoạn, nhưng chân thành, đơn sơ, vô tư lự bên cha mẹ. Chúa Giêsu dùng hình ảnh trẻ thơ để nhắc nhở mọi người chúng ta là con cái Thiên Chúa tinh thần phải có trên đường lữ hành tiến về nhà Cha trên trời. Chúa Giêsu quả quyết, những ai biết sống hoàn toàn tin tưởng, phó thác vào sự yêu thương và quan phòng của Thiên Chúa như kiểu sống của một trẻ thơ thì có thể nói được rằng không những người đó đã nắm phần chắc được vào nước trời, mà còn là kẻ lớn nhất trong nước trời nữa. Đời sống của chị thánh Têresa Hài đồng Giêsu là tấm gương cho chúng ta về tinh thần trẻ thơ này.
Mời Bạn: Sinh ra không có gì trong tay, và khi mắt lìa đời chúng ta cũng chỉ có 2 bàn tay trắng. Bạn có gì để vênh vang, có gì để tự đắc? Sống đúng thân phận con người đối với Thiên Chúa chính là sống tinh thần trẻ thơ hoàn toàn tín thác trọn vẹn vào tình thương yêu quan phòng của Ngài. Đó chính là lúc bạn tìm thấy sự bình an đích thực trong cuộc sống.
Sống Lời Chúa: Không đề cao cái tôi của mình nhưng biết nhìn nhận, khích lệ những ưu điểm của người khác.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con một tâm hồn trẻ thơ để chúng con luôn biết phó thác cậy trông vào Chúa để đáng được Chúa thương yêu năng đỡ và chúc lành. Amen.
02/10/11 chúa nhẬt tuẦn 27 TN – a
Kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi
Mt 21,33-43
VIỆC CHÚA LÀM THẬT KỲ DIỆU
“Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ, lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.” (Mt 21,42)
Suy niệm: Thiên Chúa thật hào phóng khi trao cho con người chăm sóc vườn nho là thế giới này. Thế nhưng, để đáp lại ơn ban của Thiên Chúa con người lại lạm dụng tự do Chúa ban để tàn phá, gây chết chóc và còn muốn chiếm đoạt để mình trở thành chủ. Dụ ngôn những tá điền sát nhân hôm nay phản ánh rõ thái độ của con người đối với Thiên Chúa. Con người dường như không muốn cộng tác với Thiên Chúa để xây dựng thế giới này, trái lại họ muốn tục hoá nó bằng cách loại bỏ khỏi thế giới những gì là thánh thiêng, loại bỏ những gì thuộc về Thiên Chúa và còn tệ hơn nữa, giết hại cả chính Con Một yêu dấu của Ngài.
Mời Bạn: Dù con người có phản bội, có muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời mình nhưng Thiên Chúa vẫn hiện diện qua tiếng lương tâm của con người. Ngài đã biến những gì con người cho là tầm thường thành những điều kỳ diệu mà con người không thể nào hiểu thấu. Cần giao phó hoàn toàn đời mình cho ân sủng Chúa để đón nhận tròn đầy những điều kỳ diệu của Ngài.
Chia sẻ: Mời bạn chia sẻ những điều kỳ diệu Chúa làm trên cuộc đời của bạn và dâng lời tạ ơn Chúa.
Sống Lời Chúa: Tâm niệm câu: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa, cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết cộng tác vào vườn nho của Chúa, hầu làm trổ sinh nhiều hoa trái thánh thiện và làm cho Nước Chúa được nhiều người biết đến.
03/10/11 thỨ hai tuẦn 27 tn
Lc 10,25-37
cỤ thỂ luẬt
“Ai là người thân cận của tôi?” (Lc 10,29)
Suy niệm: Để trả lời câu hỏi của nhà thông luật, Chúa Giê-su kể dụ ngôn “Người Sa-ma-ri nhân hậu,” và qua đó, Chúa Giê-su dẫn nhà thông luật từ ý niệm trừu tượng đến thực tại hữu hình, từ một thứ tình yêu tồn tại trên chữ viết đến hành động làm chuẩn mực cho tính nhân văn: “Người thân cận với người bị rơi vào tay kẻ cướp chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy” (c. 36-37). Câu hỏi của nhà thông luật cũng na ná như câu hỏi Chúa Giê-su đã đặt ra cho những người nghe Ngài rao giảng “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (Mt 12,48). Cả hai câu hỏi đều đưa đến một đáp án: mối quan hệ thân tộc giờ đây không còn phụ thuộc vào huyết thống, tôn giáo, dân tộc, mầu da; người thân thuộc của tôi chính là những người bé mọn, bị bỏ rơi đang cần những hành động yêu thương cụ thể, vô vị lợi của tôi, ngay tại đây và ngay trong giây phút hiện tại này.
Mời Bạn: Với xu hướng thời đại, càng ngày người ta càng thích đặt câu hỏi “Ai là người tôi có thể lợi dụng?” hơn là câu hỏi “Ai là người thân cận của tôi?” Liệu chúng ta có đang “rập theo đời này”? (x. Rm 12,2)
Chia sẻ: Đâu là cái được và cái mất giữa hai dạng câu hỏi vừa nêu trên?
Sống Lời Chúa: Xung quanh bạn có ai đang bị nhiều người “tránh sang bên kia để đi” không? Hãy dừng lại để nhận diện: người bị né tránh ấy là anh em của bạn đấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, mỗi khi con làm điều gì cho một trong những người bé nhỏ nhất cũng là làm cho Chúa. Xin mở mắt con, để con nhận ra Chúa nơi người thân cận; xin mở tay con, để con có thể trao và nhận những gì người khác đòi hỏi nơi con. Amen.
04/10/11 thỨ ba tuẦn 27 tn
Th. Phanxicô Átxidi Lc 10,38-42
chỈ có mỘt điỀu cẦn
“Maria đã chọn phần tốt nhất.” (Lc 10,42)
Suy niệm: Trên đường đi Giêrusalem, Đức Giêsu ghé vào nhà người quen. Hai chị em Mátta và Maria đón tiếp Chúa, nhưng mỗi người một cách. Cô Mátta “tất bật phục vụ:” cô bày tỏ lòng hiếu khách truyền thống của người Do Thái trong cương vị một người chủ nhà. Còn Maria thì bày tỏ lòng mến phục của người môn đệ bằng cách “cứ ngồi bên chân Chúa” chăm chú lắng nghe lời Thầy. Có lẽ mọi chuyện sẽ tốt đẹp hài hoà giữa hai chị em nếu như không xảy ra sự cố là cô Mátta “tị nạnh” với em mình: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ mà Thầy không để ý tới sao?” Chính trong hoàn cảnh đó Chúa dạy chúng ta tiêu chuẩn phân định: giữa hai việc đều tốt, thì phải chọn điều tốt hơn, nghĩa là điều tốt nhất. Cô Mátta tất bật nhiều việc để phục vụ Chúa là điều tốt, nhưng chỉ cần một việc thôi cũng đủ rồi. Còn việc lắng nghe Lời Chúa thì tuyệt đối cần thiết không gì có thể thay thế được. Thế nên “Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”
Mời Bạn: Trong việc tiếp đón không tự hào vì mình đã cho những điều quí giá, nhưng là cám ơn vì điều mình đã nhận còn quí hơn nhiều. Phần tốt nhất đích thực là để cho Thiên Chúa gặp gỡ bạn qua việc lắng nghe Lời Ngài.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn hãy sắp xếp công việc để dành một khoảng thời gian thật riêng tư, thinh lặng để lắng nghe Lời Chúa và cầu nguyện với Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, lắm khi con cảm thấy thật mệt mỏi và trống rỗng vì mải mê cho một cuộc sống ồn ào, bận rộn bon chen. Xin cho con biết dành ít phút thinh lặng cho riêng mình con với Chúa để lắng nghe tiếng Chúa, để cuộc sống của con có ý nghĩa hơn. Amen.
05/10/11 thỨ tư đẦu tháng tuẦn 27 tn
Lc 11,1-4
hôm nay xin cho con đỦ dùng
“Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy.” (Lc 11,3)
Suy niệm: Bà Heidemarie (Hai-đi-me-ri) 69 tuổi, được mệnh danh là “người sống không cần tiền” vì từ 15 năm nay bà đã cho đi tất cả số tài sản đủ để bà có một cuộc sống sung túc ở miền đông bắc nước Đức; ngay cả tiền bản quyền cuốn sách bà viết ra, bà tặng tất cả cho người nghèo. Bà nói: “Tôi sống trong nhà của người khác, giúp họ làm việc nhà, đổi lại, họ cho tôi đồ ăn và chỗ ngủ” (Tuổi Trẻ ngày 18/09/2011). Với những người lòng tham không đáy “được voi đòi tiên” chỉ muốn chiếm hữu và hưởng thụ với bất cứ giá nào, kể cả bằng những phương tiện bất chính, thì việc làm của bà Heidemarie bị coi là khùng điên; nhưng phải chăng bà đang minh hoạ bằng chính cuộc sống mình lời kinh Chúa dạy chúng ta sống tín thác vào Thiên Chúa là Cha: “Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy”?
Mời Bạn: Sống trong một thế giới thiếu vắng Tin Mừng, việc sống tinh thần sống tín thác vào Thiên Chúa là một lời chứng cần thiết và cấp bách. “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” không có nghĩa là ỷ lại, lười biếng, ăn xổi ở thì, không biết lo cho ngày mai, mà là phó thác trong tay Thiên Chúa là Cha, sống thanh đạm “hằng ngày dùng đủ” và cảm nhận được bình an hạnh phúc qua việc quan tâm, chia sẻ với những người chung quanh.
Chia sẻ: Bạn đã trải nghiệm tâm tình nào mỗi khi bạn sống tinh thần phó thác theo Kinh Lạy Cha?
Sống Lời Chúa: Tâm niệm câu: “Xin cho con hôm nay đủ dùng, để con dành giờ cho việc loan truyền Tin Mừng Chúa.”
Cầu nguyện: Đọc Kinh Lạy Cha một cách chậm rãi để suy niệm.
06/10/11 thỨ năm đẦu tháng tuẦn 27 tn
Th. Brunô, linh mục Lc 11,5-13
ơn chúa ban
“Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp?” (Lc 11,11-12)
Suy niệm: Nói đến rắn rết hay bò cạp, người ta liên tưởng ngay đến thứ nọc độc cực mạnh của chúng, nếu tiêm chích vào cơ thể chúng ta, sẽ gây đau đớn khủng khiếp thậm chí có thể nguy đến tính mạng. Lẽ thường tình không ai trong chúng ta muốn gặp phải tai nạn như thế, và cũng chẳng muốn cho người thân của mình bị những sự dữ đó. Bằng một phép so sánh đầy thuyết phục, Chúa Giêsu quả quyết nếu như chúng ta, những con người không phải là hoàn hảo, mà còn muốn những điều tốt cho người khác, thì huống chi Thiên Chúa, Cha của Ngài, là Đấng nhân lành lại không muốn điều tốt đẹp cho con người hay sao? Vậy thì còn lý do gì mà bạn không dám xin Ngài ban cho bạn những điều cần thiết để đạt tới cuộc sống hạnh phúc đời đời?
Mời Bạn: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?” (Rm 8,32). Thánh Phaolô xác tín như thế. Còn bạn, có bao giờ bạn đã thất vọng và nghĩ Chúa đã bỏ rơi bạn chưa? Vậy bây giờ bạn nghĩ sao?
Sống Lời Chúa: Tâm niệm, nhất là khi bạn gặp khủng hoảng: “Không có gì có thể tách tôi ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô” (Rm 8,39).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa thật hào phóng đối với con, khi ban cho con được sống trong đời này. Xin cho con đừng bao giờ nản lòng trước những thất bại, nhưng biết nhìn thấy hồng ân của Chúa qua từng biến cố vui - buồn trong cuộc đời. Amen.
07/10/11 thỨ sáu đẦu tháng tuẦn 27 tn
Đức Mẹ Mân Côi Lc 1,26-38
đẤng ba lẦn phúc
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1,28)
Suy niệm: Trong chuỗi Mân Côi, kinh Kính Mừng là kinh được lặp đi lặp lại nhiều hơn cả. Kinh này có hai phần. Phần một suy niệm về ân phúc nhờ đó Mẹ được ca tụng; phần hai là lời khẩn nguyện của mỗi tâm hồn. Ở phần một, tiếng phúc được nhắc đến ba lần. “Phúc,” vì Thiên Chúa ở cùng Mẹ. “Phúc,” vì Mẹ được chọn giữa các người nữ. “Phúc,” vì Đức Giêsu ở trong lòng Mẹ. Nếu suốt chuỗi dài của lịch sử dân tộc mình, người Do Thái đã thấy hạnh phúc và bình an khi có Hòm Bia Thiên Chúa ở giữa họ, dù Hòm Bia chỉ là dấu chỉ, là sự thông báo có Đấng ban muôn ân phúc cho họ, thì nay, Đấng ấy đến trong lịch sử nhân loại, hiện diện trong lòng Mẹ. Mẹ là kho tàng ân phúc, bởi Đức Giêsu trong lòng Mẹ là nguồn mạch mọi ân phúc. Do đó, khi cầu nguyện bằng kinh Kính Mừng, tín hữu vừa ca tụng tình yêu Chúa, vừa chúc mừng Mẹ, vừa nhận ra mình đang hạnh phúc như Mẹ: Chúa đang ở trong mình.
Mời Bạn: Mỗi khi hiện ra, Mẹ luôn kêu gọi siêng năng lần hạt Mân Côi, và Đức Thánh Cha Phaolô VI đã nói: sau giờ kinh phụng vụ, chuỗi Mân Côi là cao điểm của kinh nguyện gia đình; vậy bạn, gia đình bạn còn trung thành lần chuỗi Mân Côi không?
Sống Lời Chúa: Bạn dâng một chuỗi cầu nguyện cho một người hay một gia đình đang xa Chúa. Xin cho họ được phúc có Thiên Chúa ở cùng.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ, Mẹ được hạnh phúc vì Thiên Chúa ở cùng Mẹ và Mẹ sống tận hiến đáp lại tình Chúa yêu. Xin cho con đừng quên lãng hạnh phúc này, nhất là khi rước Thánh Thể con Mẹ. Ước chi con biết tận hiến như Mẹ.
08/10/11 thỨ bẢy tuẦn 27 tn
Lc 11,27-28
“đúng hơn phẢi nói rẰng…”
Chúa Giêsu đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” (Lc 11,28)
Suy niệm: Người phụ nữ thấy đám đông vây quanh Chúa trầm trồ thán phục vì được chứng kiến những phép lạ phi thường và được nghe những lời giảng dạy khôn ngoan của Chúa Giêsu nên đã buột miệng ca ngợi người đã cưu mang dưỡng dục nên Ngài. Bà đã nói lên một niềm mơ ước mà người mẹ nào cũng ấp ủ. Chúa Giêsu không phủ nhận tình cảm tự nhiên và chính đáng đó; Ngài mời gọi chúng ta hướng lên và khát khao một phúc lộc siêu nhiên cao cả và đích thực. Vâng, được là người mẹ sinh ra và cho bú mớm người con lỗi lạc như thế quả là “có phúc,” nhưng “đúng ra phải nói rằng” làm cho Chúa sinh ra và lớn lên trong lòng mình nhờ “lắng nghe và thực hành Lời của Thiên Chúa” thì có phúc hơn. Mẹ Maria hội đủ cả hai yếu tố đó, nên Mẹ thực sự là “người đầy ơn phúc” (Lc 1,28), và “từ nay muôn đời sẽ ngợi khen Mẹ diễm phúc” (x. Lc 1,48).
Mời Bạn: Để được diễm phúc là người thân trong gia đình của Chúa, không cần phải có liên hệ máu mủ huyết thống theo phương diện tự nhiên; để trở thành người cưu mang Chúa trong lòng chỉ cần lắng nghe Lời Chúa và “suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19); để trở thành người sinh ra Chúa, chỉ cần đem Lời Chúa ra thực hành trong đời sống. Đúng hơn phải hiểu và phải nói như vậy!
Sống Lời Chúa: Trung thành suy niệm Lời Chúa mỗi ngày và luôn đưa một điều quyết tâm cụ thể để thực hiện.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, nhờ công ơn Con Chúa chịu chết để cứu độ, chúng con được nhận làm nghĩa tử. Xin cho con biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa, để con trở nên người thân của Chúa và xứng đáng hưởng gia nghiệp trên trời.
09/10/11 chúa nhẬt tuẦn 28 tn – a
Mt 22,1-14
ưu tiên cho bỮa tiỆc cỦa chúa
“Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến.” (Mt 22,2-3)
Suy niệm: Có những vị khách được mời dự tiệc cưới nhưng không đến. Tự thân những lý do đưa ra để từ chối không có gì là xấu: họ đâu có đi cướp của, giết người…, họ chỉ đi thăm trang trại, buôn bán… thôi, có gì đâu mà làm ầm ĩ! Thế nhưng có đặt mình trong tình huống của câu chuyện dụ ngôn mới thấy được tầm mức nghiêm trọng của vấn đề. Gia chủ đứng mời không ai khác hơn là chính nhà vua, điều đó hàm ý ông là người có thẩm quyền trên cả những vị khách mời. Thế nên những lý do họ nêu ra để từ chối trở nên quá tầm thường, bất xứng với vị chủ tiệc tôn quý, thậm chí còn xúc phạm đến nặng nề đến ông. Đã vậy có kẻ còn thêm dầu vào lửa, “bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết”: họ tự đặt mình vào vị trí những kẻ thù của vua, và mãi mãi không còn cơ hội đồng bàn với vua trong bữa tiệc vui này nữa!
Mời Bạn: Câu chuyện có vẻ khó xảy ra trong đời thường, thế nhưng nó tố giác điều vẫn hay xảy ra trong tương quan con người với Thiên Chúa. Những “giờ dành cho Chúa” có khi nằm ở đáy cùng của bậc thang ưu tiên trong lịch biểu của chúng ta. Còn những “giờ vàng”, hết “đầu tư” cho việc làm ăn học hành thì lại dành vào việc vui chơi, giải trí. Mời bạn xem lại bữa tiệc của Chúa, và chính Chúa đang được xếp hạng thứ mấy trong bậc thang giá trị của bạn.
Sống Lời Chúa: Sắp xếp lại lịch sinh hoạt hằng ngày của bạn, của gia đình bạn theo thứ tự ưu tiên như Chúa Giêsu đã sắp xếp trong kinh Lạy Cha.
Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.
10/10/11 thỨ hai tuẦn 28 tn
Lc 11,29-32
dẤu lẠ duy nhẤt là chính chúa giêsu
“…vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.” (Lc 11,32)
Suy niệm: Có nhiều người, nghe đồn thổi nơi đâu có chuyện kỳ lạ, thì lập tức đổ xô tìm đến, nhất nữa là khi tính hiếu kỳ được tiếp sức bởi đầu óc vụ lợi: chẳng hạn chỗ này có cái giếng nước thần uống vào chữa được bá bệnh, chỗ kia có ngôi đền rất thiêng khấn gì được nấy. Dân Do-thái xưa cũng không khác gì với con người ngày nay, họ yêu cầu Chúa cho họ xem dấu lạ. Nhưng Chúa Giêsu không “chiều” theo những đòi hỏi của tính hiếu kỳ, Ngài cũng không “cưỡng ép” người ta phải tin một cách vụ lợi. Ngài không củng cố chỗ đứng của mình bằng những phép lạ mang tính phô trương hoành tráng. Dấu lạ của Ngài, nói cách ví von bóng bảy, là dấu lạ mang tên Gio-na, là câu chuyện về một vị ngôn sứ trở về cõi nhân sinh sau ba ngày nằm trong bụng cá; dấu lạ đó là chính Chúa Giêsu, Đấng chịu chết, và ngày thứ ba sống lại để ban ơn cứu độ cho nhân loại.
Mời Bạn: Dấu lạ của Chúa diễn ra hằng ngày trong đời thường, khi Ngài hằng ở với chúng ta qua Lời Chúa, qua các Bí Tích, và trong tha nhân. Bạn có cảm nghiệm được sự hiện diện đó chưa?
Chia sẻ: Sự hiện diện âm thầm, ẩn mình của Chúa, có làm cho đức tin của bạn bị suy yếu không?
Sống Lời Chúa: Nhớ rằng Chúa Giêsu là Đấng ở với, Ngài luôn hiện diện ở khắp mọi nơi, Ngài đang hiện diện ở với tôi torng lúc này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúng chính là dấu lạ lớn nhất của tình yêu Thiên Chúa dành cho loài người. Xin cho chúng con đừng chạy theo những dấu lạ hão huyền mà chỉ dựa vào chính Chúa để được cứu rỗi đời đời. Amen.
11/00/11 thỨ ba tuẦn 28 tn
Lc 11,37-41
đẸp tỪ trong ra ngoài
Đức Giêsu nói: “ Các ông bên ngoài chén đĩa, thì các ông rửa sạch, nhưng bên trong các ông thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà. Đồ ngốc! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao?” ( Lc 11,39-40)
Suy niệm: Ca dao có câu: “Sông sâu còn có kẻ dò, nào ai bẻ thước mà đo lòng người”. Quả thật, người ta có thể đo đạc được biển sâu, núi cao, đo cả đến những vì sao xa lắc xa lơ; thế nhưng lòng người thì không có thứ máy móc chuyên dụng nào có thể đo được. Lòng người thật bí hiểm và rắc rối, khôn dò. Vì thế, đã có lắm trường hợp vì cả tin mà phải thiệt của, hay thậm chí thiệt thân. Thế nhưng, người ta quên rằng có một Đấng đo được lòng người, dù nó được ngụy trang khéo léo đến đâu, Đấng ấy là Thiên Chúa. Đức Giêsu nhắc ta nhớ rằng Thiên Chúa nhìn thấu suốt tâm can, và Ngài muốn ta, bên cạnh việc cố gắng làm đẹp phong cách bên ngoài, cũng hãy thanh tẩy tâm hồn bên trong khỏi những tư tưởng ô uế, gian tà.
Mời Bạn: Chú ý đến việc làm đẹp nội tâm bằng hai cách: 1/ loại trừ những tư tưởng ích kỷ, chỉ tìm niềm vui cho mình; 2/ nuôi dưỡng tâm tình yêu mến, quảng đại.
Chia sẻ: Tôi có tìm cách làm đẹp phong cách, dáng vẻ bên ngoài, mà ít quan tâm đến việc làm đẹp tâm hồn bên trong không?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày nhớ rằng cùng với việc tắm rửa sạch sẽ thân xác bên ngoài, tôi cũng tìm cách thanh tẩy nội tâm bên trong khỏi những tư tưởng, ước muốn bất xứng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cả thân xác bên ngoài lẫn tâm hồn bên trong. Xin giúp chúng con tìm cách tô điểm cho cả hai được tốt đẹp, trước mặt Chúa và người khác.
12/10/11 thỨ tư tuẦn 28 tn
Lc 11,42-46
ĐỂ tình yêu nên trỌn
“Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa. Các điều này phải làm, mà các điều kia cũng không được bỏ.” (Lc 11,42)
Suy niệm: Quyền làm người được thế giới chú ý nhiều, đặc biệt trong thời gian gần đây. Không chỉ hô hào trong các hội nghị quốc tế và quốc gia, người ta còn dồn nhiều nỗ lực và tiêu tốn nhiều tiền của để vận động mọi người, nhất là những người có trách nhiệm, ý thức về quyền sống, quyền làm người của mọi con người. Chẳng hạn, những nạn nhân nhiễm chất độc da cam phải được hưởng mọi quyền lợi như bao con người khác. Rất đáng mừng! Tuy nhiên, việc tôn trọng quyền sống và lẽ công bằng đối với thai nhi đang bị xâm phạm nặng. Để giết một con người trong bụng mẹ, người ta đã ngụy trang hành động man rợ đó bằng một mỹ từ: “đình chỉ thai nhi.” “Đình chỉ” như thế thực chất là giết người, là xúc phạm Thiên Chúa, là tước đoạt quyền sống của con người không có khả năng tự bảo vệ, là hành động dã man không chỉ của những tác nhân bên ngoài, mà trước hết là của cha mẹ, những người quyết định giết con mình. “Đừng giết người” (Xh 20,13). Thiên Chúa phán như thế. Vì thế, điều phải làm là cổ xúy quyền làm người, đồng thời tôn trọng và bảo vệ quyền ra đời của các thai nhi.
Mời Bạn: Một khi người lớn tiếp tục “đình chỉ thai nhi”, tước đoạt sự sống của các em, thử hỏi, những cuộc vận động về quyền sống khác có ý nghĩa gì?
Chia sẻ: Tại sao phải tôn trọng quyền sống của thai nhi?
Sống Lời Chúa: Cầu nguyện cho các thai nhi và kêu gọi mọi người quý trọng quyền sống của thai nhi.
Cầu nguyện: Đọc Kinh Gia Đình.
13/10/11 THỨ NĂM TUẦN 28 TN
Lc 11, 47-54
đỪng CỐ CHẤP TRONG TỘI!
Khi Đức Giêsu ra khỏi đó, các kinh sư và các người Pharisêu bắt đầu căm giận Người ra mặt, và vặn hỏi Người về nhiều chuyện, gài bẫy để xem có bắt được Người nói điều gì sai chăng. (Lc 11,53-54)
Suy niệm: Chúa Giêsu đã không ngần ngại khiển trách mạnh mẽ những vị được coi là đạo đức và là thầy dạy của người Do thái. Tuy nhiên, trước những lời khiển trách này con tim cứng cỏi của họ vẫn không lay động. Trái lại, họ lại càng lún sâu hơn vào đường sai trái khi hợp mưu với nhau để tấn công, tìm cách bắt bẻ Ngài. Trái với người phục thiện khiêm tốn nhận ra điều sai lỗi của mình và sửa chữa, kẻ cố chấp trong tội lỗi lại bới lông tìm vết nơi người khác để khoả lấp những lầm lạc sai trái của mình.
Mời Bạn: Tuân Tử nói: “Người chê ta mà chê đúng là thầy ta, người khen ta mà khen đúng là bạn ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy”. Lời Chúa và lời giảng dạy của Giáo Hội nhiều khi đánh trúng “điểm yếu” của bạn. Bạn cảm thấy khó chịu ư? Nhưng bạn ơi, Lời đó chính là Lời hằng sống, Lời dạy chân lý; Lời đó mới giúp bạn đạt được đời sống vĩnh cửu.
Chia sẻ: Bạn cảm thấy thế nào khi nghe một bài giảng đánh trúng “tim đen”, hoặc bóc trần “tật xấu” của bạn? Phản ứng của bạn ra sao?
Sống Lời Chúa: Tâm niệm Lời Chúa để không cố chấp trong tội: “Ngày hôm nay ước gì anh em nghe tiếng Chúa, anh em đừng cứng lòng” (Tv 94,7-8).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, nghe điều sửa dạy thật chẳng dễ, nhưng xin giúp con biết đón nhận những Lời Chúa răn dạy và lời giáo huấn của các đấng thay mặt Chúa để con biết sửa mình sống đẹp lòng Chúa. Xin Chúa đừng để con mãi cố chấp trong tội. Amen.
14/10/11 thỨ sáu tuần 28 tn
Th. Calíttô, giáo hoàng, tử đạo Lc 12,1-7
sỐng trung thỰc
“Anh em phải coi chừng men Pharisêu, tức là thói đạo đức giả.” (Lc 12,1b)
Suy niệm: Xưa nay, trung thực được đề cao như một trong những đức tính tốt đẹp nhất của người Việt Nam . Cha ông chúng ta thường nói: “Ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối” để cho thấy thói giả hình có thể len lỏi vào cả lãnh vực đạo đức nhất và nhất là nó đáng ghét đến chừng nào. Nhưng nhìn vào thực trạng xã hội Việt Nam hiện nay, sự giả dối lan tràn đến nỗi lòng can đảm sống trung thực dường như không còn chỗ đứng. Người ta đua nhau chạy theo lối sống giả tạo: làm hàng giả hàng nhái sao cho vốn ít mà lời nhiều; những quan chức cao cấp ung dung “xài” bằng giả để giữ “ghế” của mình; bệnh “thành tích” đang lan tràn ngay trong chốn mô phạm là nơi vốn phải dạy cho con em sống trung thực…. Bệnh giả hình, điển hình nơi những người Pharisêu, quả là một thứ “men” nguy hiểm mà Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ phải luôn đề cao cảnh giác để nó khỏi lấn át những giá trị đạo đức mà lẽ ra phải được tôn trọng như tính trung thực và lòng can đảm.
Mời Bạn: Đứng trước mối đe doạ là ý thức sống trung thực có nguy cơ bị biến mất trong xã hội hiện nay, các kitô hữu được mời gọi “lội ngược dòng với thế gian”, để trở nên chứng tá của Tin Mừng Chúa Kitô: can đảm từ chối những quyến rũ của sự dối trá, cương quyết bảo vệ giá trị của sự chân thật ngay trong cuộc sống đời thường của mình.
Chia sẻ một cảm nghiệm của bạn khi phải đối đầu với cám dỗ của “men” dối trá.
Sống Lời Chúa: Làm mọi việc dưới cái nhìn của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con lòng can đảm, để con dám sống cho chân lý của Chúa mọi lúc và mọi nơi.
15/10/11 thỨ bẢy tuẦn 28 tn
Th. Têrêxa Avila, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh
Lc 12,8-12
xưng danh chúa ra
“Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.” (Lc 12,8)
Suy niệm: Ở một thời mà nhiều Kitô hữu lớn tuổi ghi trong lý lịch là ‘không tôn giáo’ thì đã có một em bé trong lớp mầm non tới bữa ăn lớn tiếng bảo các bạn trước sự ngỡ ngàng của cô giáo: “Các bạn phải làm dấu rồi mới ăn cơm nhé!” Hành vi đơn sơ này là một bài học cho người lớn về bổn phận phải tuyên xưng danh Chúa ra trước mặt mọi người. Đức tin là một ân huệ Chúa ban và phải được san sẻ; Đức Kitô cần phải được nhiều người biết đến để tiếp nhận sự sống và chân lý của Ngài. Chính vì thế, nhiệm vụ truyền giáo bắt buộc Kitô hữu phải sẵn sàng xưng danh Chúa ra và mạnh dạn xưng mình là người ‘có đạo’.
Mời Bạn: Hiểu rộng ra, chúng ta tin nhận Chúa Giêsu khi sống theo giới răn Chúa dạy, lên tiếng cho sự thật, bảo vệ công lý, bảo vệ sự sống, giúp đỡ người túng thiếu. Và suy cho cùng, thiếu nhi bỏ học giáo lý hay lễ chủ nhật để đi học thêm một vài tiết học cũng là một cách phủ nhận tư cách Kitô hữu của mình.
Chia sẻ: Chúng tôi làm gì trước những áp bức bất công, nạo phá thai, tham nhũng, dối trá? Im lặng đồng lõa, cho là đương nhiên hay lên tiếng phản kháng?
Sống Lời Chúa: Tôi coi là ân phúc mỗi khi có dịp chia sẻ niềm tin cho anh chị em lương dân, khi đồng hành với người muốn tìm hiểu đạo Chúa, khi chăm lo đức tin anh chị em dự tòng.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin tha thứ cho bao nhiêu đắn đo, ngập ngừng, hèn nhát và bao nhiều lần con từ chối yêu thương. Xin giúp con chấp nhận mình và làm điều Chúa muốn với tất cả những phương tiện Chúa ban cho con và tất cả những gì Chúa làm trong con.” (Claude)
16/10/11 CHÚA NHẬT tuaàn 29 tn – a
Mt 22,15-21
TRẢ VỀ CHO THIÊN CHÚA
“Thế thì của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” (Mt 22, 21)
Suy niệm: “Xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?” Câu hỏi này đặt Đức Giêsu vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”: nếu trả lời “có,” Ngài sẽ ở về phía đối lập với quần chúng; nếu trả lời “không,” Ngài sẽ bị phái Hêrôđê tố cáo làm cách mạng chống Rôma. Cũng như những cuộc tranh luận trước đây, tình thế đảo ngược sau câu trả lời khôn khéo của Đức Giêsu. Nhìn hình Xêda trong đồng tiền họ đưa, Ngài trả lời: “Thế thì của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” Người Kitô hữu vừa là công dân tốt của đất nước mình sống, vừa phải là công dân nhiệt thành của Nước Thiên Chúa, một xã hội lý tưởng Thiên Chúa đã lập trên trần gian.
Mời Bạn: Đức Giêsu mời bạn nỗ lực hành động để những giá trị của Nước Thiên Chúa được thấm nhuần vào mọi khía cạnh của xã hội trần thế: kinh tế, nghệ thuật, văn hóa… Trong xã hội bị tục hóa hôm nay, khi con người muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống, lời mời gọi đó càng thúc bách hơn. Quả thật, “con người có thể thực hiện tham vọng hồ đồ của mình là xây dựng thế giới này không có Thiên Chúa, nhưng cuối cùng thế giới này sẽ quay lại chống con người” (Hòa giải và thống hối,# 18).
Chia sẻ: Tôi có cố gắng phục vụ công ích xã hội và làm giá trị Nước Thiên Chúa thấm vào cơ cấu xã hội không?
Sống Lời Chúa: Tôi tâm niệm câu Lời Chúa: “Ta là Đức Chúa, không còn Chúa nào khác; chẳng có ai là Thiên Chúa, ngoại trừ Ta” (Is 45,5).
Cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu là Vua cai trị mọi loài, xin Trái Tim Chúa làm vua, cai trị lòng con suốt đời.” Amen.
17/10/11 thứ hai tuần 29 tn
Th. Inhaxiô Antiôkia, giám mục, tử đạo
Lc 12,13-21
sự giàu có nào là bảo đảm?
“Không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” (Lc 12,15)
Suy niệm: Khi mức sống càng cao thì tuổi thọ con người cũng tăng theo. Sống thọ hơn không có nghĩa là sẽ không chết, vì dù giàu hay nghèo, sự chết vẫn là điểm hẹn cuối cùng. Cuộc sống quanh ta cho thấy người giàu cũng chết, có khi còn chết tức tưởi và thê thảm nữa. Vậy điều gì bảo đảm cho cuộc sống? Lời Chúa hôm nay dạy ta phải “lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa” (câu 21), thì dù có chết cũng được đảm bảo cho sự sống đời sau. Nói cách khác là biết khôn khéo dùng của cải đời này để đổi lấy hạnh phúc đời sau; thay vì tích trữ cho nhiều để hưởng thụ mà quên đi việc làm phúc, chia sẻ với người khác. Chính quan niệm về của cải sẽ quyết định cách thu tích và sử dụng của cải.
Mời Bạn: Bạn quan niệm thế nào về của cải? Nếu của cải đời này là phương thế tốt để đưa bạn đến cuộc sống hạnh phúc đời sau tại sao bạn lại không biết đầu tư theo cách ấy? Chúa đã mở cho ta một loại ngân hàng vĩnh cửu, không bị mối mọt đục khoét, cũng chẳng bao giờ bị phá sản, lẽ nào ta lại dửng dưng!
Chia sẻ: Bất công xã hội, tham nhũng, tội ác ngày một gia tăng là kết quả của sự tích trữ của cải cách ích kỷ. Càng thu tích của cải vật chất cách bất chính càng làm cho xã hội bị phân hóa, lương tâm con người bị chai lì, tâm hồn trở nên vô cảm.
Sống Lời Chúa: Là môn đệ Chúa Giêsu, tôi ghi nhớ lời Chúa dạy: “ơn ta đủ cho con,” chứ không phải của cải trần gian đảm bảo hạnh phúc cho mình.
Cầu nguyện: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” (đọc chậm rãi và nhấn mạnh những từ trên).
18/10/11 thứ ba tuần 29 tn
Th. Luca, tác giả sách Tin Mừng
Lc 10,1-9
nhu cầu khẩn thiết
“Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Lc 10,2)
Suy niệm: Một trong bốn đặc tính chính của Giáo Hội là tính phổ quát. Thế nhưng, đặc tính này chưa được thể hiện rõ nét trong thế giới hôm nay. Hiện tại Người Công giáo chỉ chiếm 17,2% trên toàn thế giới; Châu Á dừng lại ở mức 2,9%, riêng nước Việt Nam là 6,87%. Như vậy, cánh đồng truyền giáo vẫn mãi bao la. Nhu cầu truyền giáo vẫn luôn là NHU CẦU KHẨN THIẾT và phải là ưu tư số một của Giáo Hội, cũng như của từng người tín hữu. Khi thiết lập Giáo Hội, Chúa Giêsu đã trao sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho các Tông Đồ và ngày nay cho từng người tín hữu. Bổn phận này ta được trao phó khi lãnh nhận bí tích rửa tội và được củng cố trong bí tích thêm sức.
Mời Bạn: Truyền giáo luôn là nhu cầu cấp bách của Giáo Hội cho đến ngày tận thế. Mỗi người tín hữu đều có nhiệm vụ trở thành người thợ gặt để Chúa sai đi làm việc trong cánh đồng của Người. Bạn có ý thức điều đó không?
Chia sẻ: Thông thường chúng ta vẫn quan niệm lệch lạc rằng truyền giáo là công việc của các linh mục, tu sĩ, hay của ai khác, chứ không phải mình. Trong khi Công đồng Vatican II dạy: “Giáo dân có thể và phải có một hoạt động cao quý là truyền bá Tin Mừng cho thế giới cả những lúc họ bận tâm lo lắng việc trần thế” (HT số 35).
Sống Lời Chúa: Cố gắng sống đời chứng nhân qua những việc làm yêu thương, bác ái với xác tín đang giới thiệu Chúa cho anh em mình.
Cầu nguyện: Hát bài: “Lạy Chúa xưa Chúa đã phán: Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt…” như là lời nguyện dâng lên Chúa và lời nhắc nhở chính mình.
19/10/11 thứ tư tuần 29 tn
Th. Gioan Brêbớp, Ixaác Giogơ và các bạn tử đạo
Lc 12,39-48
sẵn sàng chờ… để gặp gỡ
“Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Lc 12,40)
Suy niệm: Đối với người tin, cuộc sống được ghi nhớ, đánh dấu qua những cuộc “viếng thăm,” “can thiệp” của Thiên Chúa vào những ngày giờ, những khoảnh khắc đặc biệt: Chúa đã đến, Ngài đang đến khong ngừng, và Ngài sẽ đến để phán xét và cứu rỗi thế gian. Tha thiết chờ đợi ngày Chúa trở lại lần cuối cách hữu hình, các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai đã khẩn khoản nài xin: “Maranatha!” “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” (1 Cr 16,22; Kh 22,17.22). Tâm tình chờ mong này cũng thường xuyên được các tín hữu bày tỏ trong lời kinh nguyện Thánh Thể: “Chúng con chờ ngày Chúa đến trong vinh quang… Chúng con mong chờ ngày Chúa đến, xin Ngài hãy đến!”
Mời Bạn: Bình tâm suy niệm Lời Chúa dạy hôm nay: “Hãy sẵn sàng vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến!”
Chia sẻ: Bạn có kinh nghiệm về những lần Chúa đến trong đời bạn chưa, hay chỉ chờ Chúa đến trong ngày bạn lìa đời? Chắc chắn Chúa đã đến với bạn rất nhiều lần nhưng có thể bạn không thấy, thậm chí có lần khước từ Ngài? “Người đã đến nhà mình nhưng, người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11).
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày khi rước lễ tôi sống tâm tình chờ đợi này bằng việc kết hợp thân mật với Chúa: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” ( Kh 3,20).
Cầu nguyện: Chúa ơi, xin thương tỉnh thức tâm hồn con, để con sẵn sàng chờ Chúa trong những cuộc hẹn thân mật với Chúa! Amen.
20/10/11 thứ năm tuần 29 tn
Lc 12,49-53
“phải chi lửa ấy bùng lên”
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên.” (Lc 12,49)
Suy niệm: Làm người ai cũng có ước mơ, ước mơ cho bản thân, gia đình, thế giới. Ước mơ trở thành bác sĩ, luật sư để chữa bệnh, bênh vực cho người nghèo. Ước mơ được nổi tiếng, xinh đẹp, yêu mến. Đức Giêsu cũng có ước mơ, một ước mơ nồng cháy, được Ngài ôm ấp cả cuộc đời. Ước mơ ấy được Ngài thổ lộ trong bài Tin Mừng hôm nay: “Thầy đã ném lửa… ước mong… cháy bùng lên.” Ngọn lửa trong ước mơ của Đức Giêsu là ngọn lửa yêu mến của Thánh Thần. Ngọn lửa ấy trước hết đã cháy bùng nơi Trái Tim Đức Giêsu, thúc đẩy Ngài dấn thân trọn vẹn cho Chúa Cha và nhân loại. Ngọn lửa cũng đã bùng cháy nơi tâm hồn các môn đệ, thanh tẩy và đổi mới, làm tan chảy lòng ích kỷ, sưởi ấm trái tim băng giá thành trái tim nhiệt thành cho lửa Tin Mừng.
Mời Bạn: Tại sao trong thế giới chung quanh bạn, bao người vẫn sống dửng dưng, lạnh lùng với nhau, bóng tối của tranh chấp, nghèo đói, ích kỷ đang ngự trị? Thưa, vì các linh mục, tu sĩ, giáo dân của Chúa Kitô thời đại hôm nay “thiếu lửa” hay tệ hơn, đã “tắt lửa.” “Một vật dù cứng rắn đến đâu, cũng sẽ tan chảy trong lửa tình yêu. Nếu vật ấy không tan chảy, chính vì ngọn lửa không đủ mạnh” (M. Gandhi).
Sống Lời Chúa: Tôi cố gắng đưa ước mơ của Đức Giêsu hòa nhập vào trong ước mơ của mình. Tôi nỗ lực thực hiện ước mơ 2 trong 1 này mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, là người ai cũng có ước mơ. Là môn đệ Chúa, chúng con ước mong có ước mơ như Chúa. Xin cho quả tim chúng con bùng cháy lên ngọn lửa tình yêu của Chúa để có thể thực hiện ước mơ này. Amen.
21/10/11 thứ sáu tuần 29 tn
Lc 12,54-59
khôn ngoan nhận định
“Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải?” (Lc 12,57)
Suy niệm: Hồi giữa tháng 5 năm 2006, siêu bão Chanchu tràn vào Biển Đông với sức gió lúc mạnh nhất lên tới 250 km/giờ. Do dự báo sai về đường đi của bão mà thảm hoạ xảy ra: hàng chục tàu đánh cá Việt Nam bị chìm và hàng trăm ngư dân thiệt mạng vì tránh vào đúng ngay đường đi của cơn bão. Nói chung, trong mọi lãnh vực, công việc xem xét, dự báo là hết sức cần thiết: để điều trị một căn bệnh, cần chẩn đoán xét nghiệm, muốn đầu tư kinh doanh phải nghiên cứu kỹ thị trường. Công việc khảo sát dự báo nếu bị bỏ qua hoặc sai lệch sẽ dẫn đến nguy cơ thất bại hoặc gây ra tai hoạ, hậu quả khôn lường. Cũng vậy, việc sống đức tin và loan báo Tin Mừng, để được đúng hướng, cần bao gồm việc nghiêm túc XEM và XÉT các ‘dấu chỉ của thời đại’, chứ không thể chỉ nhắm mắt chúi mũi LÀM! Chúa Giêsu cảnh tỉnh chúng ta: “Sao các người không tự mình xem xét cái gì là phải?”
Mời Bạn: Mọi biến cố xảy ra trong cuộc sống đều có chuyển tải những thông điệp của Chúa. Chúng ta cần phải khôn ngoan nhận định để biết đâu là điều Thiên Chúa muốn cho mình, trong những chọn lựa hằng ngày và nhất là khi phải đưa ra những quyết định quan trọng. Và để chọn lựa đúng thánh ý Chúa, ta cần có sự bình tâm.
Chia sẻ: Bạn có kinh nghiệm gì về việc áp dụng phương pháp Xem-Xét-Làm?
Sống Lời Chúa: Nhìn mọi biến cố trong đời sống với cái nhìn của Chúa. Siêng năng cầu nguyện với Chúa Thánh Thần.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cuộc sống có bao điều con phải cân nhắc và chọn lựa. Xin cho con luôn biết khôn ngoan nhận định, luôn đủ quảng đại và dũng cảm để chọn lựa những gì đẹp lòng Chúa.
22/10/11 thứ bảy tuần 29 tn
Lc 13,1-9
sinh trái thơm ngọt cho đời
“Xin ông cứ để nó lại năm nay nữa… May ra sang năm nó có trái...” (Lc 13,8-9)
Suy niệm: Người ta trồng cây vả để hái trái, chứ không phải “hái” lá! Cây vả này lại được trồng trong vườn nho, nghĩa là có được một chỗ ưu tiên, nhằm sản sinh trái ngọt, chứ không phải để mọc lá xanh xum xuê. Cây vả trên đây là hình ảnh những người Kitô hữu sống an phận, chỉ bằng lòng với việc đọc kinh, dự lễ, thiếu những hoa thơm trái ngọt của Thánh Thần như “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ"(Gl 5,22-23). Một cây vả không ra trái –là cây vả “đực” theo kiểu nói dân gian- thông thường chủ vườn sẽ cho chặt, do sự cằn cỗi của nó. Trái lại, nếu cây đời của người Kitô hữu cằn cỗi, Đức Giêsu, người làm vườn kiên nhẫn, sẽ tăng thêm những chăm sóc đặc biệt để cây đời của họ sinh sản trái thơm ngọt.
Mời Bạn: Có thể bạn hài lòng vì không làm gì xấu. Bạn quên rằng các xác chết ở nghĩa trang cũng vậy! Cũng tựa như cây vả cằn cỗi làm hại đất mầu, bạn đang phung phí ơn Chúa do thái độ tiêu cực, bỏ qua các điều lành của bạn. Chúa nhân lành kiên nhẫn chờ đợi bạn cho đen kỳ hạn cuối cùng. Mời bạn đọc Mátthêu 25,31-46 (dụ ngôn chiên/dê) để thấy sự nghiêm trọng của tội thiếu sót.
Sống Lời Chúa: Nhìn lại những hoa quả thơm ngọt của Thánh Thần nơi thư Galát 5,22-23, bạn thấy mình đang thiếu trái ngọt nào. Cố gắng thực hành trái ngọt đó trong ngày hôm nay với những người lân cận của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa là người làm vườn nhẫn nại của dụ ngôn. Chúa không bao giờ mất niềm hy vọng vào khả năng sinh hoa trái thơm ngọt nơi chúng con. Xin cho chúng con xứng đáng với sự kỳ vọng của Chúa. Amen.
23/10/11 chúa nhật tuần 30 tn – a
Khánh Nhật Truyền Giáo Mt 22,34-40
trọng tâm là yêu thương
“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, là Thiên Chúa ngươi…, và ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” (Mt 22,37.39)
Suy niệm: Giữa cả một rừng của Luật Do Thái đâu dễ tìm ra một điều trọng tâm, gồm tóm tất cả ý nghĩa của Lề Luật. Nhưng đối với Chúa Giêsu điều đó không khó; Chúa đã chỉ ra: đó là kính mến Thiên Chúa và yêu thương con người. “Luật vị nhân sinh,” Lề Luật được đặt ra không phải cho Thiên Chúa nhưng là vì con người và để giúp con người sống theo đường lối của Thiên Chúa mà được cứu độ. Mặt khác, nếu luật lệ chỉ dừng lại chỗ “cho con người” mà bỏ qua Thiên Chúa thì lề luật đó sẽ bị khập khiễng! Luật lệ nào làm ra chỉ để “trị” chứ không phải để “yêu thương” thì luật ấy cũng gây đau khổ cho nhau mà thôi. Vì thế trọng tâm của lề luật là tình yêu để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ anh chị em đồng loại.
Mời Bạn: Ngày nay nhiều người cho rằng luật làm khổ nhiều hơn là giúp họ yêu thương nhau hơn. Bạn có nghĩ như vậy hoặc đã là “nạn nhân” của lề luật chưa? Sở dĩ có chuyện “làm khổ nhau” như vậy là vì người ta đã đặt lệch trọng tâm của luật theo chiều hướng vụ lợi ích kỷ. Thánh Âu-tinh cho ta một chỉ dẫn gọn ghẽ và tuyệt vời về cách sống này: hãy yêu thì muốn làm gì cũng được!
Chia sẻ: Lề luật của Chúa là thiên luật, có giá trị tuyệt đối. Bạn có bị cám dỗ tương đối hoá lề luật của Ngài không?
Sống Lời Chúa: Hãy trân trọng lời này của Chúa Giêsu: “Trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi” (Mt 5,18).
Cầu nguyện: Xin cho biết thật tâm yêu mến Chúa để nhờ đó con yêu mến anh chị em con hơn, và biết giúp nhau sống tuân thủ Lề Luật của Chúa.
24/10/11 thứ hai tuần 30 tn
Th. Antôn Maria Clarét, giám mục
Lc 13,10-17
“là con cháu ápraham”
“Bà này là con cháu Ápraham, bà ấy bị Xatan trói buộc mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày Sabát sao?” (Lc 13,16)
Suy niệm: Là sinh vật cao quý nhất trong muôn loài Chúa dựng nên, con người được ban tặng một phẩm giá cao cả, không thụ tạo nào có được. Phẩm giá ấy không suy giảm, triệt tiêu do bệnh tật hay nghèo đói. Cũng vậy, phẩm giá của người đàn bà trong bài Tin Mừng không bị suy giảm do bệnh còng lưng. Trái lại, phẩm giá ấy càng được nâng cao vì bà là con cháu của Ápraham, nghĩa là người con của lời hứa cứu độ. Nếu nhìn nhận phẩm giá của bà như thế, chắc ông trưởng hội đường đã không tức tối vì phép lạ Chúa Giêsu làm. Ông biết con bò, con lừa còn được cho uống nước ngày Sabát, lẽ nào người tàn tật đã mười tám năm lại không đáng được thương xót?
Mời Bạn: Ông trưởng hội đường nhân danh việc giữ luật ngày Sabát để phản kháng việc thiện Chúa làm, trong khi ý nghĩa ban đầu của việc giữ ngày Sabát là để thực thi bác ái đối với con người và con vật. Lề luật một khi đã bị bóp méo thì người “xấu số” không còn cơ hội được giúp đỡ! Chỉ vì lợi ích nhỏ nhoi của mình, chúng ta dễ nhân danh lề luật và cả bác ái để từ chối giúp đỡ tha nhân. Nếu lề luật và bác ái được hướng dẫn và soi sáng bởi chính Chúa Giêsu, Đấng là Chân Lý, người đau khổ sẽ bớt khổ đau và người còng lưng sẽ được đứng thẳng.
Sống Lời Chúa: Tự nhắc mình chân lý sống: “Yêu thương là chu toàn mọi lề luật.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, mọi người được Chúa dựng nên đều là tác phẩm tuyệt vời của Chúa. Xin cho chúng con biết yêu quý và ra tay giúp đỡ họ, không nề hà vào bất cứ lý do gì. Amen.
25/10/11 thứ ba tuần 30 tn
Lc 13,18-21
cho cả khối bột dậy men
“Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.” (Lc 13,21)
Suy niệm: Văn hào André Malraux là tác giả của câu nói thời danh: “Thế kỷ XXI sẽ là tôn giáo hoặc sẽ chẳng là gì cả.”[1] Lời tiên báo này ám chỉ về cuộc song đấu gay gắt được trào lưu thế tục dựng lên nhằm loại trừ tôn giáo ra khỏi xã hội loài người. Nói cách khác, nhiều người muốn Thiên Chúa di cư ra khỏi cuộc sống của họ. Còn Thiên Chúa, ngược lại, cứ đeo đuổi con người. Ngài đã đặt Nước Thiên Chúa vào tận nơi sâu thẳm lòng người, để con người dù nghiêng về vật chất, nhưng cũng được thu hút về Thiên Chúa, lớn lên trong thời gian, nhưng hít thở được không khí đời đời, liên quan đến tự nhiên và thế gian, nhưng cũng siêu việt nhờ có khả năng và tự do kết hợp với Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa như men được vùi trong con người và thế giới, đang tác động cho đến khi biến đổi hoàn toàn con người và thế giới này.
Mời Bạn: Niềm tin vào Thiên Chúa đang ảnh hưởng gì đến cuộc đời bạn? Bạn có kinh nghiệm gì sau những lần sống trái lương tâm và nghịch với ý muốn của Thiên Chúa?
Chia sẻ: Tại sao con người muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời họ?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ cầu nguyện cho mọi người biết tôn trọng quyền tự do tôn giáo, và tôn trọng quyền thờ phượng Chúa Ki-tô của các Kitô hữu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin biến đổi chúng con trở nên nắm men của Chúa, để bất cứ nơi nào chúng con hiện diện, cả khối bột cũng dậy men.
26/10/11 thứ tư tuần 30 tn
Lc 13,22-30
giờ đã điểm
“Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt Ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính.” (Lc 13,27)
Suy niệm: Ông chủ trong dụ ngôn quả là phũ phàng: đã không thèm nhìn mặt lại còn chửi rủa thậm tệ những người đã từng đồng bàn ăn uống với ông. Mà ông làm thế chỉ vì một lý do xem ra rất cỏn con: Họ đã không vào đúng cửa – cánh cửa hẹp – và hơn nữa, họ đã không đến đúng giờ. Thế nhưng, sự bất thường trong dụ ngôn lại là điều Chúa muốn nhấn mạnh: Lời Chúa không chấp nhận một một trạng thái bình bình, “không nóng không lạnh”, hay khoan giãn, khất lần khất lữa. Quả thật, Thiên Chúa nhẫn nại để cả cỏ lùng lẫn lúa mọc lên “đợi cho đến mùa gặt”, nhưng một khi “giờ đã điểm”, cửa phòng tiệc đã đóng thì không mở ra nữa.
Mời Bạn: Có những người nghĩ rằng họ đã được rửa tội, có tên trong sổ gia đình Công giáo, được gọi là “có đạo”, như thế đã là đủ rồi. Người đó có thể đang hưởng nhờ các ơn ích từ cộng đoàn từ những người đi trước, nhưng chính mình lại không góp phần xây dựng cộng đoàn mình đang sống. Thiên Chúa đã ban cho họ nhiều đặc ân và cơ hội, nhưng họ đã sống thờ ơ và lãng phí. Thế rồi khi giờ của họ đã điểm, họ lại bị lọt sổ, bị loại ra ngoài. Bạn có ở trong số này không?
Chia sẻ: Lời Chúa luôn đòi bạn đáp lại cách triệt để và dứt khoát. Bạn có chấp nhận đáp lại như thế không?
Sống Lời Chúa: Mỗi khi nhận ra tiếng Chúa mời gọi, bạn đáp lại ngay tức khắc, ví dụ tới giờ thức dậy, bạn dậy ngay; hoặc tới giờ đi lễ bạn xếp lại công việc để đi lễ, không làm ráng…
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban thêm sức mạnh của Ngài để con có thể vượt thắng yếu đuối của bản thân để mỗi ngày con sống đẹp lòng Chúa hơn.
27/10/11 thứ năm tuần 30 tn
Lc 13,31-35
tình thương bị chối từ
“Đã bao lần ta muốn tập họp các ngươi lại, như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh, mà các ngươi không chịu.” (Lc 13,34)
Suy niệm: Nghe những lời trên đây, bạn có cảm nhận được tâm trạng não nề thống thiết của Chúa Giêsu không? Ngài sinh xuống trần gian để thực hiện ý định của Thiên Chúa là muốn họ được hạnh phúc vĩnh cửu (cf. Ga 6,40) vì chỉ có Chúa mới làm thỏa mãn mọi khát vọng sâu xa của con người. Thế nhưng, than ôi! con người đã bao lần khước từ điều này! Chúa mượn hình ảnh gà mẹ ấp ủ con dưới cánh nhưng gà con ương ngạnh không chịu. Chúa đành để mặc con người làm theo ý họ. Lời Chúa cho thấy có hai ý muốn đối nghịch nhau: ý con người đối nghịch với ý Chúa. Ý con người thường gian tà, độc ác, như Hêrôđê muốn giết Chúa, Biệt phái tìm cách loại trừ Chúa, người Do thái giết các ngôn sứ... Còn ý Chúa thì luôn tốt lành, bao dung, như Chúa Giêsu đã thể hiện qua việc trừ quỷ, chữa bệnh, khẳng khái trước bạo lực, đón nhận thập giá để cứu chuộc muôn người.
Mời Bạn: Hẳn bạn đã từng cảm nghiệm sự giằng co khi phải cân nhắc chọn lựa giữa ý Chúa và ý mình. Hay thường gặp hơn, lắm khi bạn đang làm theo ý mình mà cứ tưởng là ý Chúa. Có phải khi bạn chọn ý Chúa thì sau đó tâm hồn bạn bình an, vui sướng; còn sau khi làm theo ý mình thì bạn thấy bứt rứt, ân hận?
Sống Lời Chúa: Tâm niệm lời Chúa Giêsu: “Của ăn của ta là làm theo ý Đấng đã sai ta” (Ga 4,34), để rồi hôm nay, khi phải cân nhắc, tôi quyết chọn lựa làm theo ý Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết tìm ý Chúa trong cầu nguyện, biết thực hiện ý Chúa trong hành động, và cảm nhận Chúa là hạnh phúc thật của con. Amen.
28/10/11 thứ sáu tuần 30 tn
Th. Simon và Giuđa, tông đồ
Lc 6,12-19
đến với chúa từng phút giây
Đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem… đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. (Lc 6,17-18)
Suy niệm: Người ta nghĩ rằng lúc cuộc đời mình gặp hạnh phúc là lúc ta dễ gặp Chúa vì Chúa ở với ta, còn khi bất hạnh thì khó thấy Ngài vì Ngài bỏ ta. Không! Tình yêu Thiên Chúa bao trùm mọi tạo vật, thấm nhập cuộc sống con người. Tình yêu ấy như không khí mà chúng ta hít thở từng phút giây, như ánh sáng chiếu soi ban ngày, soi tỏ ban đêm. Hơn thế nữa, Chúa đã xuống thế làm người để hòa nhịp vào từng con tim, cùng chung chia cuộc sống với con người, và để xoa dịu nỗi đau tinh thần cũng như thể xác. Cho nên, nếu khiêm tốn tìm đến Chúa, nghe và tin vào Lời Ngài giảng dạy, chúng ta sẽ nhận được nhiều ơn lành như các môn đệ và đoàn lũ dân chúng trong Tin Mừng hôm nay vậy.
Mời Bạn: Chúa hiện diện khắp mọi nơi: trong từng người, mọi hoạt động trong cuộc sống. Vậy, bạn hãy đến với Chúa qua việc sống hết mình cho Chúa vì Ngài chính nguồn bình an. Hãy đến với các Bí Tích vì đó chính là nguồn mạch mọi ơn lành. Hãy đến với Lời Chúa và sẵn sàng vâng lời Chúa, vì Lời Chúa chính là đèn soi ta đến bến bờ hạnh phúc.
Chia sẻ cảm nghiệm của bạn sau mỗi lần suy niệm Lời Chúa hay rước Chúa Giêsu Thánh Thể.
Sống Lời Chúa: Kết hiệp sâu xa với Chúa bằng việc suy niệm Lời Chúa và năng lãnh nhận các bí tích.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cảm tạ Chúa vì Chúa đã cho con được tắm mát trong suối hồng ân của Chúa. Xin Chúa giúp chúng con biết đến và kết hợp với Chúa qua từng phút giây trong đời sống của con. Amen.
29/10/11 thứ bảy tuần 30 tn
Lc 14,1.7-11
ngồi đúng chỗ
“Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất…” (Lc 14,8)
Suy niệm: Thoạt nghe, Lời Chúa có vẻ như một lời hướng dẫn trong sách dạy nghệ thuật giao tiếp theo kiểu cuốn “Đắc Nhân Tâm” (tác phẩm của Dale Carnegie, Nguyễn Hiến Lê dịch). Và chúng ta hay áp dụng “mẹo” này như một đòn chiến thuật trong những trường hợp giao tiếp tương tự: ra vẻ khiêm tốn ngồi chỗ cuối để chờ được mời lên trên. Nhưng Chúa Giê-su đâu có ý làm một nhà tâm lý xã hội ứng dụng. Ngài muốn dạy chúng ta thái độ phải có đối với Thiên Chúa: xác định mối tương quan giữa mình với Ngài và nhờ đó tìm ra vị trí đích thực của mình trước nhan Ngài. Và tôi chẳng có gì, chẳng là gì khi đứng trước Thiên Chúa. Vì thế thái độ đúng đắn của tôi là hạ mình khiêm cung trước mặt Chúa, và vị trí đúng nhất của tôi chắc chắn là ở chỗ rốt hết trong phòng tiệc của Ngài – Ngài thương mời tôi đến dự tiệc của Ngài là đại hồng phúc cho tôi rồi!
Mời Bạn: Nếu như chúng ta ý thức được bản chất yếu đuối và vị trí hèn mọn của mình như thế, thì lẽ nào chúng ta lại dám lên mặt kênh kiệu, hống hách với anh em. Làm như thế thật là lố bịch, phải không bạn?
Chia sẻ: Nhiều người chúng ta đến nhà thờ thích chọn chỗ thật xa, ở mãi cuối, thậm chí ở ngoài nhà thờ, trong khi những hàng ghế đầu vẫn còn trống. Làm như thế có phải là sống khiêm tốn theo Lời Chúa dạy hôm nay không?
Sống Lời Chúa: Luôn nhắc mình ý thức vị trí hèn mọn của mình trước mặt Chúa, để nhờ đó cư xử khiêm tốn hoà đồng thân ái với anh chị em.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết phục vụ tha nhân như tôi tớ hèn mọn của Chúa.
30/10/11 chúa nhật tuần 31 tn – a
Mt 23,1-12
khiêm tốn phục vụ
“Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Mt 23,11-12)
Suy niệm: Nhân loại ngày nay đang chịu ảnh hưởng sâu đậm của chủ nghĩa tiêu thụ. Người ta thích hưởng thụ và ngại phục vụ, thích thu tích và ngại cho đi. Nhiều người mắc phải một chứng bệnh xã hội mới, đó là bệnh “nghiện mua sắm” (shopaholic). Họ quay quắt mua sắm chỉ để tỏ ra mình là người “đẳng cấp” để rồi lại quay cuồng làm lụng để trả nợ vì đã “lỡ mua” những món hàng xa xỉ. Đã thế, nhiều người còn “tận dụng” việc phục vụ người nghèo qua những công tác từ thiện như phương thế quảng cáo cho “thương hiệu” của mình. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống “khác” nhưng theo phong cách của Tin Mừng: đó là phục vụ cách khiêm tốn và vô vị lợi, chỉ vì yêu mến Chúa và thương yêu anh chị em mình, qua đó thể hiện gương mặt Đức Giêsu, Đấng đến để phục vụ chứ không phải để được phuc vụ.
Mời Bạn cùng tôi xác tín rằng chúng ta chỉ thật sự là môn đệ của Đức Giê-su khi chúng ta biết phục vụ. Một cách cụ thể nhất, bạn hãy sẵn sàng phục vụ những người thân trong gia đình bạn, những người đang sống với bạn trong một cộng đoàn và những người đang làm việc và học tập bên cạnh bạn.
Chia sẻ: Khi bạn dấn thân phục vụ người khác bạn cảm thấy thế nào: Vui vẻ, hạnh phúc, tự hào …?
Sống Lời Chúa: Chiêm ngắm Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ với tâm nguyện cũng phục vụ anh em trong tinh thần của Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết cúi xuống để rửa chân cho anh chị em và học biết từ Chúa bài học “phục vụ trong khiêm tốn”. Amen.
31/10/11 thứ hai tuần 31 tn
Lc 14,12-14
không mong chờ đáp lễ
“Họ không có gì đáp lễ, và như thế, anh mới thật là có phúc: vì sẽ được đáp lễ trong ngày kẻ lành sống lại.” (Lc 14,14)
Suy niệm: “Cho người có lòng biết ơn là một cách cho vay” (Ngạn ngữ Anh). Người “có lòng biết ơn” phải lo đáp lễ những gì họ đã nhận được mỗi khi có dịp thuận tiện. Họ đáp lễ bằng hiện kim, hiện vật, tình cảm hay bất cứ món quà nào tương xứng. Đức Giêsu mời gọi ta vượt lên trên những tính toán tự nhiên, dẹp bỏ thói quen “cho vay” trá hình này, để tiến một bước thật xa: sống tinh thần vô cầu của người con cái Chúa. Người công dân trong Nước Thiên Chúa phải chấp nhận một quy luật khác thường: Ai cho để mong được đáp lễ sẽ không được phần thưởng đáp lễ nào; trái lại, ai cho nhưng không nghĩ đến việc đáp lễ, chắc chắn sẽ nhận được phần thưởng từ Thiên Chúa.
Mời Bạn: Thiên Chúa ban tặng, cho đi chỉ vì một động lực duy nhất: Ngài yêu con người. Đó là cách cho tốt nhất và đích thật. Mời bạn thanh luyện động lực cho, ban tặng của mình, để chuyện đáp lễ dưới mọi hình thức không còn trong thói quen “lập trình” sẵn của bạn. Bạn có thể bắt đầu từ hôm nay, được không?
Chia sẻ: Lâu nay bạn thường cho, trao tặng vì lý do gì? Bắt đầu hôm nay bạn sẽ thực hiện điều này vì lý do gì?
Sống Lời Chúa: Tôi bắt đầu dành thời giờ, của cải, sự chăm sóc, việc quan tâm cho một vài người tôi biết chắc họ không có gì để đáp lễ lại mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con thích được đáp lễ: “bánh ú đi, bánh dì lại.” Thế nhưng hôm nay Chúa dạy chúng con: cứ cho “bánh ú đi” và không mong “bánh dì lại.” Vâng, chúng con biết chắc mình sẽ thiệt thòi rất nhiều nếu sống theo Lời Chúa dạy. Chúng con xin chấp nhận vì yêu Chúa. Amen.