Gia đình là một xã hội thu nhỏ. Nếu không có tình thương chia sẻ ngay trong gia đình, thì đừng mong nói gì đến tình thương chia sẻ ngoài xã hội ! Lênin từng nói : “ Tôi không tin một người ở gia đình là một đứa con bất hiếu lại có thể là một cán bộ tốt ! ”. Nhưng tình thương chia sẻ ở gia đình đến từ đâu ?
Phải nói ngay, tình thương chia sẻ bắt đầu từ tình yêu thương chia sẻ của vợ chồng. Đối với người Công Giáo, Giới Luật Yêu Thương dành cho ơn gọi Hôn Nhân thật rõ ràng qua lời thề hứa mà hai người đã tự nguyện trao nhau trong ngày hôn lễ:
“ Anh là (Em là …) nhận em (anh) đây làm vợ (chồng) và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em (anh), khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ, để yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời anh (em).
Lời nguyện thề thật đẹp, thật rõ ràng, thật dứt khoát.
Nhưng thật buồn, có rất nhiều đôi hôn nhân đã bội thề và chia tay nhau khi những cánh thiệp hồng còn chưa kịp phai màu ! Vì sao thế ? – Đơn giản, vì họ không thể “chia sẻ” với nhau trong mọi hoàn cảnh cuộc đời như họ đã thề hứa !
TIỀN BẠC : Cuộc sống ngày nay quá vội vã, chạy theo nhu cầu hưởng thụ, so bì ganh đua với đời !
Tôi nghe có một người vợ trẻ nói với chồng : “Sao ông không nhìn người ta coi, người ta trang lứa với mình, mà người ta giàu có, còn ông có làm được cái giống gì ra hồn không ?”. Rồi tôi chợt nhớ có lần trong một lớp hôn nhân, tôi hỏi một học viên nữ : - “Con lập gia đình để làm gì ? ”. Cô gái trả lời : - “Dạ, để làm ăn!”.
Ở quê tôi, có gia đình đó ông chồng làm ăn sa cơ, bị người ta giựt nợ số tiền khá lớn, gia đình rơi vào cảnh túng thiếu, bà vợ đay nghiến chồng đủ điều. Một hôm bà nói: “Ông có ngu quá thì tự tử chết đi”. Ông mua thuốc chuột tự tử thật ! Ngày đưa đám tang, bà khóc, có người nói: - “Chưa vừa lòng bà sao mà còn khóc ? ”.
Cũng ở quê tôi, có ông chồng làm ăn cứ thất bại, ông buồn, chiều chiều thường đi nhậu giải sầu, có lần tôi nghe bà chưỡi chồng : “Tao lầm mày ! Tao tức chết được ! Hồi đó tao là con gái nhà lành chứ ! Là hoa khôi một vùng đó chứ ! Trai làng theo đuổi tao, nối đuôi nhau dài cả cây số, vậy mà tao chọn mầy ! Trời ơi ! kiếp sống tàn mạt vì mầy ! tàn phai nhan sắc vì mầy ! …” Một chàng trai đi ngang nói : “Chúa ơi ! Nghe mà rởn ốc ! ”. Nghe tưởng chuyện vui cười, mà hóa ra có thật, vì thật ra, ở đời, “chuyện thật như đùa” đâu phải là hiếm!
Khi người ta nhắm tới sự giàu có vật chất, tạo ra của cải, thì sự thành bại trong cuộc đời tất nhiên ảnh hưởng nặng nề cuộc sống gia đình. Làm sao giữ tròn được lời thề hứa “khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan…” khi thân xác ở bên này sự nghèo túng còn linh hồn thì ở bên kia sự giàu sang.
SỨC KHOẺ : Con người chỉ có một thời xuân, nhan sắc và sức khoẻ cũng mong manh như ngọn đèn trước gió.
Trong một vỡ kịch ngày xưa, có một nhân vật là người đàn ông nhà quê, mà bây giờ ta thường gọi là “hai lúa”, vừa có cơ hội đi thành phố, lần đầu tập tành thói ăn chơi, về quê, trong lúc “tửu nhập tâm” liền cao rao kiến thức mới : “Đi thành phố mà xem, phụ nữ người ta, vợ người ta, biết son biết phấn, từ xa đã nghe hương thơm ngào ngạt, họ như hoa Lài, hoa Lan, hoa Hồng, hoa Huệ… còn cái thứ đàn bà của mình, vợ của mình, vô hương vô sắc, như hoa lục bình, hoa mù u, hoa cứt lợn ! ”
Có một lần, tôi đi thăm kẻ liệt đang mang bệnh AIDS thời kỳ cuối, tôi thấy vợ của anh ta, là một phụ nữ trẻ đẹp, phấn son và ăn mặc rất thời trang… nhưng ngồi ở xa xa, không đụng tới bất cứ một việc gì để chăm sóc người bệnh, dù chỉ là đút cho người bệnh vài muỗng nước. Khi người bệnh thều thào trong hơi thở: “ Tôi đau lắm, tôi trông được chết để bớt đau và cho mọi người bớt khổ vì con ”, mọi người đều cảm động, có người bật khóc, còn vợ của anh ta mặt vẫn lạnh như băng!