TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH

TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH


HỌ ĐẠO CÁI QUAO KÍNH CHÚC QUÝ CHA, QUÝ TU SĨ NAM NỮ VÀ ANH CHỊ EM GIÁO DÂN ...MỘT MÙA GIÁNG SINH TRÀN ĐẦY TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA CHÚA!

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

“LẠY CHÚA, CON ĐƯỜNG NÀO CHÚA ĐÃ ĐI QUA ?”


“LẠY CHÚA, CON ĐƯỜNG NÀO CHÚA ĐÃ ĐI QUA ?”

Ngày 10 tháng 8, ngày lễ Thánh Lorenso Tử Đạo, tôi có dịp đến thành phố Quy Nhơn và được dẫn đến thăm di tích nơi các Thừa Sai đầu tiên đặt chân đến Việt Nam thuộc Đàng Trong. Đứng trước tấm bia tưởng niệm còn mới nguyên, do Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn, Giám Mục Giáo Phận Quy Nhơn vừa làm phép để ghi nhớ, tôi bồi hồi tưởng nhớ về các dấu chân đầy gian khổ của các Thừa Sai.

ĐỂ MUÔN ĐỜI GHI NHỚ
Tại nơi đây, Nước Mặn
- Ba Linh Mục Dòng Tên: Francesco Buzomi người Ý, Francisco de Pina người Bồ Đào Nha, Cristoforo Borri người Ý, và tu huynh António Dias người Bồ Đào Nha, đã đến lập cơ sở truyền giáo đầu tiên vào tháng 7 năm 1618, do lời mời của quan Trần Đức Hòa, Khám Lý phủ Quy Nhơn.
- Đức Giám Mục Phêrô Lambert de La Motte, Đại diện Tông Tòa tiên khởi Giáo Phận Đàng Trong, tiền thân của Giáo Phận Quy Nhơn, đã đến vào tháng 10 năm 1671. Đầu năm 1672, khi trở lại, ngài bổ nhiệm một Linh Mục Việt Nam đầu tiên như là quản xứ; đó là cha Giuse Trang, quê Quảng Ngãi, vị Linh Mục Việt Nam tiên khởi, do chính ngài truyền chức vào ngày 31.3.1668 tại Juthia, Thái Lan; cũng chính ngài lập Dòng Mến Thánh Giá ở Đàng Trong, tại An Chỉ, Quảng Ngãi, vào cuối năm 1671.
Quy Nhơn, ngày 15 tháng 7 năm 2011
+ Phêrô NGUYỄN SOẠN
Giám Mục Giáo Phận Quy Nhơn

Ra đi, xa quê hương xứ sở, lênh đênh nhiều tháng trên biển cả, bão tố, bệnh tật, cướp biển, … bao nhiêu là hiểm nguy, các Thừa Sai vẫn đi, vẫn hiến thân cho Tin Mừng. Đến Việt Nam, lạ xa về văn hóa, phong tục, ngôn ngữ, tập quán, ẩm thực, khi hậu, …biết bao cái phải đương đầu. Cay nghiệt nhất là tình hình chính trị, với chính sách bế môn tỏa cảng và với những chỉ dụ cấm Đạo, cái chết luôn rình rập các Thừa Sai, các ngài vẫn đi. Thật sự ra đi là vĩnh viễn không bao giờ trở lại, cầm cày không ngoái cổ ngó lui, thật sự là bỏ mình, là hy sinh, là dấn thân vì Tin Mừng, vì các linh hồn… ( Xin đọc thêm 2 bài về Nước Mặn của Lm. Võ Đình Đệ và ông Nguyễn Thanh Quang đăng trên số báo kỳ này www.trungtammucvudcct.com ).
Lịch sử Giáo Hội Việt Nam đã được gầy dựng bởi những con người như thế, những tâm hồn như thế. Không hế nhát đảm, không hề sợ hãi, không hề quản ngại, không hề lo thu vén cho mình, sống với ý riêng tư của mình, xây dựng những công trình lưu danh mình. Bao nhiêu năm qua, với những khó khăn rất cụ thể tại địa phương, Giáo Phận Quy Nhơn đã vượt qua để có một cử chỉ đáng trân trọng, ghi dấu cội nguồn của mình.
Bài học tại Nước Mặn nơi các Thừa Sai đầu tiên đặt chân đến, bài học không chỉ ở nơi bia tưởng niệm, nhưng trong cả một quá trình dài của cuộc sống, của lịch sử một Giáo Hội, phải là một lời nhắc nhở, một sứ điệp cho những người hôm nay.
Tôi được dẫn đến ngôi nhà của bà Maria Magdala Huỳnh Thị Lựu, nơi này, ngày 24 tháng 10 năm 1861, Đức Cha Cuenot Thể đã bị bắt, bà Lựu và gia đình bị tra tấn dã man vì tội che dấu đạo trưởng. Quá đau lòng, Đức Cha đã cùng với hai người giúp lễ rời khỏi chỗ ẩn núp để ra nộp mạng. Ngày nay, Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn đang cho xây một ngôi đền thờ trước sân nhà bà Lựu để kính Thánh Cuenot Thể.
Từ ngôi đền đang xây dở dang này, tôi được dẫn đi trên con đường mà ngày ấy Đức Cha Cuenot Thể bị dẫn đi, con đường dài khoảng 10 cây số, hằng năm, các Chủng Sinh của Giáo Phận đã đi hành hường trên con đường này, đi lại trên con đường của tiền nhân anh dũng đã đi qua, đi lại trên con đường đất đá là cơ hội nhắc nhở chúng ta đi lại trên con đường tâm linh, con đường dấn thân thật sự, con đường hết lòng vì Tin Mừng.
Chúng ta biết rằng, Đức Cha Cuenot Thể trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn như vậy, mà ngài lại hướng mắt nhìn lên Tây Nguyên, nhìn lên vùng núi rừng bạt ngàn với những bộ tộc anh em thiểu số, chính ngài đã sai các Thừa Sai đầu tiên tìm cách vượt núi rừng đem Tin Mừng lên Pleiku.
Liều mình vì Tin Mừng, trung thành với Tin Mừng, nhiệt thành với Tin Mừng, chấp nhận hy sinh vì Tin Mừng, tổ tiên chúng ta đã sống và dấn thân như vậy, một câu hỏi được đặt ra cho chúng ta hôm nay: Chúng ta đã sống Tin Mừng như thế nào ? Coi chừng chăn êm quá, nệm ấm quá, các phương tiện hiện đại quá, thế gian chiều chuộng làm chúng ta… tắt lửa dấn thân !
Tôi nghe người ta kháo nhau, các cha trẻ năm trước gặp nhau thì nói chuyện về xe cộ, xe hơi đời nào mới đời nào cũ, giá dollar giá vàng nhảy múa ra sao, các cha so kè nhau kiến thức về những “con xe” loại “khủng” ấy; năm nay xe cộ sắm đủ rồi, ngồi nói chuyện với nhau lại bàn chuyện Iphone, Ipad, Ipod, xem ra các phương tiện này vừa dễ sắm và cũng vừa dễ… giấu !
Có lần tôi dự một đám tang một bà cố, mẹ của một cha trong Giáo Phận ấy, sân Nhà Thờ, ngoài xe công cộng của một số người thân từ xa thuê để về dự lễ, còn lại là xe hơi của… các cha. Có một vị ngồi xe Jeep mui trần, có cần antenne, xe sơn như xe của lính nhảy dù năm cũ, “cụ” lái xe, ăn mặc như… nghệ sĩ sân khấu, chiếc nón rộng vành như các tài tử trong vai cao bồi miền Texas Hoa Kỳ ( !?! )
Cũng một lần đi Tuần Thánh ở vùng sâu vùng xa, xe chạy qua một Nhà Thờ rất đông người dự lễ, được biết hôm đó Giáo Phận tổ chức lễ truyền dầu, sân Nhà Thờ chật cứng người ngồi dự lễ dưới các cái rạp bằng vải, bãi xe đầy tràn xe máy và xe hợp đồng lớn chở khách về dự, nhưng bãi xe cũng đầy tràn các “xe con” của các cha… ( ?!? )
“Lạy Chúa, con đường nào Chúa đã đi qua, con đường nào Ngài ra pháp trường…”
Lm. VĨNH SANG, DCCT, Chúa Nhật 21.8.2011 (Ephata 473)