Có người sánh ví cuộc đời này một như đại dương bao la, có những lúc biển gầm sóng vỗ, có những khi êm ái hiền hòa. Mỗi người chúng ta đều đang bươn chải chèo chống trên mặt đại dương bao la ấy. Bằng nhiều phương tiện và nhiều phương pháp khác nhau, chúng ta cùng đang vượt đại dương cuộc đời. Không ít người đã bị nhấn chìm dưới đáy đại dương, nhưng cũng có rất nhiều người đã vượt lên sóng cả ba đào mà đến bến bờ bình an. Mặc dù thường xuyên phải trải qua nhiều giông tố, biển lại rất dễ quên những thương đau, nhanh chóng trở lại sự hiền hoà thanh thản. Dẫu luôn luôn phải gánh chịu những đau đớn khôn cùng, con người luôn sẵn sàng bỏ lại quá khứ, hướng về phía trước tìm nghị lực vươn lên. Đại dương dù nổi sóng nhưng cũng có lúc phẳng lặng, đời người dù khổ đau, nhưng cũng có phút giây hạnh phúc. Trong hành trình vượt đại dương này, cần phải biết nhận ra điều may mắn tốt đẹp mình đang có. Bí quyết của hạnh phúc là yêu việc làm của mình và tìm thấy ở đó niềm vui.
– Đại dương bao la và sự hiện diện của Thiên Chúa
Các tác giả Tin Mừng Nhất lãm đều kể lại với chúng ta: một ngày nọ, khi Đức Giêsu và các môn đệ đang ở trên thuyền vượt qua biển hồ Galilê thì một trận cuồng phong dữ dội nổi lên. Nỗi sợ hãi càng lớn khi các ông thấy rất cần có sự can thiệp của Đức Giêsu mà Người lại đang ngủ. Các ông đánh thức Người dạy và kêu cứu. Trước lời ngăm đe của Người, biển liền im lặng như tờ (x. Mc 4,35-41). Dưới cái nhìn của các môn đệ, dường như Đức Giêsu không quan tâm đến mối đe dọa mà các ông đang phải ứng phó. Các ông đã cảm thấy chới với khi sự dữ ập đến, mà lúc đó Chúa lại đang ngủ.
Trước những sự dữ xảy đến trong cuộc đời, chúng ta đặt câu hỏi: “Thiên Chúa ở đâu?” Có nhiều người khi đối diện với đau khổ và sự dữ đã kêu trách Thiên Chúa và thậm chí phủ nhận sự hiện hữu của Ngài. Như Đức Giêsu đã hiện diện với các môn đệ vào lúc sóng gió bão táp, Người cũng luôn hiện diện trong cuộc đời chúng ta, mặc dù có lúc chúng ta nghĩ rằng “Người đang ngủ”. Vâng, Đức Giêsu đang cùng chúng ta vượt qua đại dương trần thế. Người chính là Vị Hoa Tiêu tối cao dẫn đưa con thuyền nhân loại đến bến bờ của hạnh phúc và bình an. Nếu chúng ta chân thành cầu nguyện trong cơn nguy nan, Người sẽ tỏ cho chúng ta thấy quyền năng của Người. Trong truyền thống Do Thái, biển cả tượng trưng cho tử thần. Khi ngăm đe và làm cho biển yên lặng, Đức Giêsu chứng tỏ quyền năng của Người đối với sự dữ và sự chết. Có sự hiện diện của Người, quyền năng của ác thần sẽ bị tiêu diệt, giông tố của cuộc đời sẽ bị dẹp tan.
– Đại dương bao la và nỗi sợ của con người
Con người sống trong cuộc đời luôn bị bao bọc bởi sự sợ hãi: sợ thiên nhiên, sợ bệnh tật, sợ tai nạn, sợ thất nghiệp. Trong xã hội hiện đại, sự sợ hãi còn nhiều hơn nữa: người ta mất niềm tin nơi cuộc sống nên sợ mọi người, sợ mọi biến cố xảy đến. Tin Mừng nói với chúng ta vào một ngày nọ, vào lúc canh tư đêm tối, các môn đệ đang ở trên thuyền và phải chèo chống vất vả vì ngược gió. Thấy cảnh tượng đó, Đức Giêsu đi trên mặt biển để đến với các ông. Các ông sợ hãi và kêu la lớn tiếng vì tưởng là ma (x. Mc 6,45-52). Bóng ma tượng trưng cho sự chết. Ma là nỗi ám ảnh của con người, vì nó làm cho người ta tưởng mình đang ở cõi âm ty, không còn hy vọng. Đối với khá nhiều tín hữu, Thiên Chúa như một “bóng ma” làm họ khiếp sợ hơn là yêu mến. Một số khác lại có lối sống đức tin vụ lợi, chỉ khi nào cần lợi lộc cho mình thì mới chạy đến Chúa, coi Ngài như một ông “thần tài” để đáp ứng những nhu cầu và tham vọng vật chất.
“Thày đây, đừng sợ!” Chính trong cơn hoảng loạn đó mà Đức Giêsu đã cất tiếng trấn an các ông. Lời nói ấy đi kèm với quyền năng Thiên Chúa xuất phát từ nơi Người làm cho biển lặng bình yên. Bão tố không còn nữa khi các ông nhận ra đó là Thày mình chứ không phải là một bóng ma ám ảnh. Cuộc đời sẽ an vui khi chúng ta xác tín Thiên Chúa là Cha yêu thương. Quả thật, Thiên Chúa luôn ở với chúng ta lúc vui cũng như lúc buồn. Câu chuyện “dấu chân trên cát” rất quen thuộc đã diễn tả với chúng ta chân lý cao cả ấy. Chính những lúc khó khăn là lúc Thiên Chúa hiện diện bên ta cách gần gũi và yêu thương hơn. Lúc bão tố nổi lên là lúc Chúa bồng chúng ta trên đôi tay của Ngài. Đôi khi vì quá sợ hãi hay bi quan chán nản nên ta không nhận ra sự hiện diện diệu kỳ của Chúa. “Đừng sợ!”, lời trấn an của Đức Giêsu đã giúp cho biết bao người thêm nghị lực để vươn lên. Lời ấy đã tạo nên những vị thánh trong lịch sử Giáo Hội. Đức Gioan Phaolô II, vị Giáo Hoàng đã khởi đầu sứ vụ chủ chăn Giáo Hội bằng chính hai từ “Đừng sợ”. Ngài đã đạt được nhiều thành quả tốt đẹp, can đảm đến với mọi nơi, gặp gỡ và đối thoại với mọi người.
– Đại dương bao la và gia đình của Thiên Chúa
Trong cuộc vượt qua Đại dương cuộc đời, chúng ta không đơn lẻ, nhưng có những anh chị em cùng đồng hành. Khi cùng thưa với Chúa lời kinh “Lạy Cha chúng con ở trên trời”, chúng ta hòa mình với tất cả mọi người đang sống trên dương thế để tuyên xưng Chúa là Cha và mọi người đều là anh chị em với nhau. Sự khác biệt về kiến thức, kinh tế và chính trị không làm cho người ta xa nhau, nhưng diễn tả một gia đình nhân loại phong phú. Vâng, Chúa là Cha của mọi người, Đấng “làm cho mặt trời của Ngài mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương” (Mt 5,45).
Nhờ việc nhận ra mọi người đều là anh chị em với nhau mà chúng ta có thể sống cảm thông và bao dung hơn, dù họ tàn tật, khiếm khuyết hay còn nhiều bất toàn. Lý do nền tảng của tình yêu thương Kitô giáo không dựa trên điều mà người ta “có”, nhưng dựa trên điều mà người ta “là”. Vì cái người ta “có” là tiền bạc vật chất, chức tước, danh dự sẽ mau qua với thời gian. Nhưng điều người ta “là”, đó là đức tính nhân bản, lòng bao dung, sự thánh thiện. Những điều này là cốt lõi của một con người, đáng trân quý và luôn tồn tại với thời gian. Con người còn đáng trân trọng ở điều “họ là”, vì họ mang nơi mình hình ảnh của Thiên Chúa. Nhờ vậy mà con người trở nên cao cả và trổi vượt trên mọi loài thọ tạo khác. Vì mỗi người đều mang hình ảnh của Thiên Chúa, nên họ có mối tương quan mật thiết với nhau, cảm thông và sẻ chia vui buồn sướng khổ, cùng giúp nhau để hình ảnh của Chúa tỏa sáng nơi cuộc đời mình. Đó cũng là sự thánh thiện mà mỗi Kitô hữu đang phấn đấu để đạt tới. Cuộc sống đầy bon chen của xã hội hiện đại hôm nay đang có nguy cơ làm phai nhạt tình đồng loại. Người ta không ngại sát phạt giết chóc chỉ vì những lý do đơn giản và vì những ích lợi tầm thường. Xây dựng tình liên đới, chúng ta sẽ có thêm sức mạnh để cùng nhau vượt đại dương cuộc đời mênh mông này.
Trong hành trình vượt biển này, chúng ta còn nhờ có Ngôi Sao Biển là Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ là Vị Dẫn đường để ta khỏi lầm lạc. Mẹ là Ánh trăng soi dẫn lối trong đêm đen. Nhờ Mẹ mà chúng ta có thể đến gặp gỡ Chúa. Xin Mẹ thương giúp chúng ta biết mến Chúa yêu người, vì đó là hành trang cần thiết giúp ta vượt biển trần gian.
“Lạy Mẹ là ngôi sao sáng,
soi lối cho con lúc vượt biển thế gian.
Lạy Mẹ là ngôi sao sáng,
soi lối cho con thẳng về nơi phúc nhàn”
(Trích bài “Lạy Mẹ là ngôi sao sáng” của Nhạc sĩ Tâm Bảo).
Gm Giuse Vũ Văn Thiên