TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH

TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH


HỌ ĐẠO CÁI QUAO KÍNH CHÚC QUÝ CHA, QUÝ TU SĨ NAM NỮ VÀ ANH CHỊ EM GIÁO DÂN ...MỘT MÙA GIÁNG SINH TRÀN ĐẦY TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA CHÚA!

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Đúc Kết Hội Nghị Các Đại Chủng Viện Việt Nam

Bản Đúc Kết Hội Nghị Các Đại Chủng Viện Việt Nam
ti Tòa Giám Mục Xuân Lộc,
từ ngày 04 đến 09 tháng 07 năm 2011
WHĐ (09.07.2011) – Từ ngày 04 đến 09 tháng Bảy 2011, Ủy ban Giáo sĩ và Chủng sinh thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã tổ chức Hội nghị thường niên các Đại Chủng viện Việt Nam tại Xuân Lộc, để trao đổi kinh nghiệm và nghiên cứu sâu xa hơn nhng chỉ dẫn của Bộ Giáo dục Công giáo về việc đào tạo linh mục qua các văn kiện “Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis” và “Ratio Studiorum” (1970 và 1985).
Kết thúc Hội nghị, Ban Thư ký đã có bản đúc kết:
Việc đào tạo linh mục là mối quan tâm hàng đầu của Giáo hội. Dựa trên giáo huấn phong phú của Thánh Công đồng Vaticanô II, các Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng, giáo huấn của các Đức Giáo hoàng, và nhằm thống nhất việc đào tạo linh mục trong Giáo hội toàn cầu, Bộ Giáo dục Công giáo đã đưa ra định hướng và những chỉ dẫn về việc đào tạo linh mục qua văn kiện “Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis” và “Ratio Studiorum” (1970 và 1985). Tại Việt Nam, dù trong hoàn cảnh nào, thuận lợi hay không, các Đức Giám mục, linh mục, tu sĩ và cộng đoàn dân Chúa tại các giáo phận vẫn kiên trì lo cho việc đào tạo các linh mục. Từ năm 2005, Ủy ban Giáo sĩ và Chủng sinh thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam khởi thảo tập “Đào Tạo Linh Mục – Định Hướng và Chỉ Dẫn”, đến nay đã được Đức Hồng Y Zenon Grocholewski, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Công giáo phê chuẩn phần “Đào tạo Trí thức”, ngày 09-12-2010. Đặt nền tảng trên những thành quả đó, ý thức bổn phận trách nhiệm của mình, Ủy ban Giáo sĩ và Chủng sinh thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã tổ chức Hội nghị thường niên các Đại Chủng viện Việt Nam tại Xuân Lộc, từ ngày 04 đến 09 tháng 07 năm 2011 để các nhà đào tạo trao đổi kinh nghiệm và nghiên cứu sâu xa hơn những chỉ dẫn của văn kiện căn bản này.
Gặp gỡ trong tình hiệp thông, các nhà đào tạo linh mục tại Việt Nam tin tưởng rằng công việc đào tạo linh mục là của Thiên Chúa, dựa trên lời hứa của Ngài: “Ta sẽ ban cho các ngươi những mục tử như lòng Ta mong ước” (Gr 3, 15). Công việc đó Thiên Chúa đã giao cho Giáo hội thực hiện dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Cầu nguyện, lắng nghe và ngoan ngoãn theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong lòng Giáo hội là thái độ cơ bản của các nhà đào tạo và các ứng sinh. Chính Chúa Thánh Thần hướng dẫn và tác động, đưa việc đào tạo linh mục đạt đến mục đích là “biến đổi các ứng sinh nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô là Đầu, là Mục tử, để có thể tiếp tục công trình cứu độ của Ngài qua ba chức năng: rao giảng, thánh hóa và lãnh đạo cộng đoàn” (HĐGMVN, Đào Tạo Linh Mục – Định Hướng và Chỉ Dẫn, số 6).
Các tham dự viên đã tích cực đóng góp những kinh nghiệm quí giá kết tinh từ nhiều năm khiêm tốn miệt mài chăm lo việc đào tạo. Người đào tạo trao đổi kinh nghiệm cần đồng hành như thế nào để giúp chủng sinh nhận biết động lực ơn gọi, từ đó chủng sinh tiến bước trong tiến trình biến đổi và thanh luyện cuộc dấn thân của mình. Những phương thế đào tạo truyền thống và những sáng kiến mới từ những thành quả nhân học hiện đại đều được tận dụng trong tinh thần cầu nguyện, đặt dưới ánh sáng Lời Chúa và huấn quyền Giáo hội. Các nhà đào tạo ý thức và nỗ lực kiến tạo mỗi Đại Chủng viện thành một gia đình chan chứa tình yêu, an bình, tín nhiệm. Chủng sinh được giúp đỡ luyện tập bốn chiều kích trong từng công việc: nhân bản, thiêng liêng, trí thức, mục vụ.
Hội nghị chú ý đặc biệt tới tầm quan trọng và ích lợi của năm tu đức. Chương trình đào tạo trải dài thành ba thời kỳ: a/ Trước Chủng viện - Dự tu; b/ Tại Chủng viện - Chủng sinh; c/ Sau Chủng viện - Linh mục. Năm Tu đức khởi đầu giai đoạn đào tạo tại Chủng viện. Đây là thời gian đặc biệt để chủng sinh được huấn luyện và tập “ở với Chúa Giêsu”. Năm này giúp chủng sinh ”lấy đức tin đặt nền móng và thấm nhuần cả cuộc đời, lại làm cho họ vững tâm theo đuổi ơn thiên triệu bằng một tâm hồn hân hoan tự nguyện hiến dâng cuộc đời mình” (OT, 14). Vậy đây là thời kỳ tập trung đặc biệt vào đời sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu: ”đến với, ở lại, biết, hiểu và yêu Chúa Giêsu”. Nhờ ở trong “ngôi nhà Nazareth” này, chủng sinh có một căn bản vững chắc về đời sống thiêng liêng làm nền cho những năm kế tiếp tại chủng viện và đời mục tử sau này.
Tháng tu đức, là cao điểm của năm tu đức, giúp chủng sinh đạt tới mức xác tín về con đường Chúa mời gọi để có được một chọn lựa tự nguyện, tích cực và dứt khoát hơn. Trong tháng này chủng sinh tập sống “kinh nghiệm hoang địa”, tích cực đào luyện tâm hn mình dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần để kết hiệp thân tình hơn với Đức Kitô. Một khi đã dứt khoát la chọn đi vào con đường Chúa muốn (option fondamentale), chủng sinh sẽ tự hoạch định một chương trình sống khả dĩ giúp củng cố và phát triển ơn gọi mình đã chọn. Cha linh hướng là người đồng hành thiêng liêng, sẽ giúp chủng sinh phân định ơn gọi và chỉnh đốn lại đời sống cho phù hợp với sự lựa chọn của mình.
Hội nghị đã dành thời gian thích đáng tìm hiểu cặn kẽ “Sắc Lệnh Cải Tổ Việc Dạy và Học Triết” của Bộ Giáo dục Công giáo. Sắc lệnh được ký ngày 28-01-2011, công bố ngày 22-03-2011. Những tài liệu liên quan xa đến Sắc lệnh là giáo huấn của Thánh Công đồng Vaticanô II, thông điệp “Fides et Ratio” (1988), tông huấn hậu Thượng Hội đồng Giám mục “Pastores Dabo Vobis” (1992), và giáo huấn của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI. Những tài liệu liên quan gần là tông hiến “Sapientia Christiana” (ĐGH Gioan-Phaolô II, 1979) và “Những Chuẩn Tắc Áp Dụng” (Bộ Giáo dục Công giáo) cho tông hiến này.
Sắc lệnh chỉ cho thấy những thay đổi trong cách thế quan niệm về chân lý do những chuyển biến của hoàn cảnh lịch sử và văn hóa gây ra. Lý trí bị đe dọa bởi những trào lưu tư tưởng không lành mạnh như chủ nghĩa duy lợi, hoài nghi, tương đối. Do đó con người không còn sự tin tưởng vào khả năng của lý trí trong việc truy tầm và nhận biết Chân . Sự thiếu hụt trong việc đào tạo triết học, thiếu những điểm quy chiếu vững chắc và những nguy cơ kèm theo có liên quan và góp phần đáng kể vào cuộc khủng hoảng thần học thời hậu Công đồng.
Qua “Ơn gọi nguyên thủy”(Sắc lệnh, số 3) của triết học, từ việc ghi nhận rằng trong suốt dòng lịch sử của mình, triết học đã không ngừng bám rễ vào hữu thể, bản văn Sắc lệnh muốn làm nổi bật hai chiều kích khôn ngoan và siêu hình trong triết học như là nền tảng đón nhận và tổ chức các bộ môn khác. Sắc lệnh nhấn mạnh việc đào tạo triết học với tinh thần rộng mở. Khi thông tin chồng chất những kiến thức và nghĩa lý bị tản mát, quan hệ giữa chân lý và tình yêu bị tách rời, triết học được mời gọi như là nhân tố đầu tiên để phát triển và bảo vệ một lý tính rộng mở hơn. Chưa kể đến ơn gọi riêng của mình trong tương quan triết-thần, triết học còn giữ một vai trò rất quan trọng trong việc đào tạo “trí đức” cho sinh viên, không chỉ nguyên nội dung tri thức mà còn đào tạo một tập quán suy tư.
Sắc lệnh hướng dẫn rằng không kể các môn học nhân văn, các phân môn đúng nghĩa triết học của học trình phải chiếm tối thiểu 60% thời lượng của năm học. Sau đây là các môn học phải có: hữu thể học, triết học về tự nhiên, triết học về con người, triết luân lý và chính trị, luận lý học và tri thức luận. Dĩ nhiên không thể thiếu lịch sử triết học và nhập môn tổng quát (Những Chuẩn tắc Áp dụng, số 5). Việc xem nhẹ môn hữu thể học gây ra những thiếu sót quan trọng cho việc dẫn vào thần học nên hữu thể học có chỗ đứng đặc biệt trong học trình triết. Sắc lệnh cho thấy việc học triết học không chỉ giới hạn vào triết truyền thống mà Thánh Tôma Tiến sĩ đã tiếp biến, nhưng còn cởi mở đón nhận các dòng triết khác, các trào lưu mới của thời đại và như thế các trường phái tư tưởng bản xứ, ở Á châu hoặc Phi châu, được khuyến khích lưu tâm. Đặc biệt Sắc lệnh cải tổ khuyến khích tránh sự trộn lẫn bao nhiêu có thể các môn trong mỗi chu kỳ, và rất mong rằng các môn triết được tập trung vào chu kỳ triết để tránh nguy cơ duy tín cũng như xé lẻ học trình triết ra nhiều mảnh.
Để hiểu rõ số năm học triết ở các Đại Chủng viện, trước hết cần phân biệt hai chương trình khác nhau: 1- Các Phân khoa Triết của Giáo Hội (số 15a, les Facultés ecclésiastiques de Philosophie) 2- Học trình triết trong các Phân khoa Thần học và trong các Đại Chủng viện (số 15b, la Formation philosophique dans les Facultés de Théologie et les Séminaires). Nếu không chú ý “sự phân biệt rõ ràng” (Sắc lệnh, số 14) này, người đọc bản văn có thể nhầm lẫn về số năm học triết ở các Đại Chủng viện. Số 15b của Sắc lệnh xác định rõ thời gian học triết ở Đại Chủng viện là hai năm (biennium), chứ không phải là ba năm (triennium) (“Des précisions sont apportées à la durée de la formation philosophique comme partie intégrante des études de théologie ou les Séminaires”...Ces études de philosophie étant accomplies en vue des études de théologie, s’articuleront, pendant ce biennium, à des cours introductifs en théologie”...”).
Toàn bộ công cuộc đào tạo linh mục tại Việt Nam được thực hiện trong lòng Giáo hội Việt Nam, với sự góp phần của mọi thành phần dân Chúa và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần mà Chúa Cha sai đến nhân danh Chúa Giêsu” (x. Ga 14, 26). Trong dòng lịch sử, với các Giám mục Đại diện Tông tòa từ năm 1659 và với các Giám mục Chánh tòa từ năm 1960, mặc dù gặp biết bao nhiêu khó khăn của thời bách hại và chiến tranh, việc thành lập chủng viện và đào tạo các linh mục vẫn là ưu tiên hàng đầu của Giáo hội Việt Nam. Đây chính là hồng ân Thiên Chúa ban cho Giáo hội Việt Nam theo như lời hứa của Ngài: “Ta sẽ ban cho các ngươi những mục tử như lòng Ta mong ước” (Gr 3, 15). Chúa Thánh Thần luôn là nhà đào tạo chính. Ngài vẫn đang tác động, tạo điều kiện bên ngoài và biến đổi tận bên trong tâm hồn các ứng sinh linh mục, để họ mỗi ngày trở nên “con người của Mầu nhiệm Chúa Giêsu” “con người luôn hiệp thông với Giáo hội là Nhiệm Thể của Chúa Giêsu”, để từ đó họ có thể chu toàn sứ vụ truyền giáo, loan báo Chúa Giêsu là Tin Mừng yêu thương cứu độ của Thiên Chúa, “là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6) đến cho mọi người, cụ thể là cho đồng bào Việt Nam.
Giáo hội Việt Nam phó thác công trình đào tạo linh mục trong tay Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse, quan thầy của Giáo hội toàn cầu và của Giáo hội Việt Nam. Như khi xưa, hai Đấng đã bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng Chúa Giêsu, vị Linh mục Thượng phẩm, thì ngày nay, xin hai Đấng cũng bảo vệ, chăm sóc và hướng dẫn các linh mục tương lai cũng như tất cả các linh mục đang sống và làm việc trên cánh đồng truyền giáo tại Việt Nam.
TGM Xuân Lộc, ngày 09 tháng 07 năm 2011
Ban Thư Ký Hội Nghị