TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH

TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH


HỌ ĐẠO CÁI QUAO KÍNH CHÚC QUÝ CHA, QUÝ TU SĨ NAM NỮ VÀ ANH CHỊ EM GIÁO DÂN ...MỘT MÙA GIÁNG SINH TRÀN ĐẦY TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA CHÚA!

Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

ĐỨC GIÁO HOÀNG BENEDICT XVI ...THƯƠNG GIÁO HỘI VIỆT NAM.


ĐỨC GIÁO HOÀNG BENEDICT XVI ...
THƯƠNG GIÁO HỘI VIỆT NAM.
NGÀI CÒN BAN CHO GIÁO HỘI VIỆT NAM VỊ MỤC TỬ.
Trong ngày cuối cùng của Triều Đại Ngài ...Ngài vẫn quan tâm đến con cái của mình. Cảm ơn Papa của chúng con!!!
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm Tân giám mục Phụ tá giáo phận Xuân Lộc.
WHĐ (28.02.2013) – Hôm nay, 28-02-2013, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm Đức ông Giuse Đinh Đức Đạo, hiện là Giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse giáo phận Xuân Lộc, làm Giám mục phụ tá giáo phận Xuân Lộc, hiệu tòa Gadiaufala.

Đức ông Giuse Đinh Đức Đạo sinh ngày 2 tháng Ba 1945 tại Thức Hóa, giáo phận Bùi Chu.

Học Tiểu chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê Bùi Chu (1961-1964), Đại chủng viện Sài Gòn (1964-1965), và Đại học giáo hoàng Roma (1965-1971).

Thụ phong linh mục ngày 27 tháng Ba 1971, trong Tổng giáo phận Sài Gòn.

Sau khi chịu chức linh mục, ngài giữ các trách vụ:

1971-1976: Du học Roma và tốt nghiệp tiến sĩ thần học luân lý tại Đại học Alfonsianum, cư ngụ tại Đại học giáo hoàng Thánh Phêrô;

1976-2007: Phó Giám đốc và sau đó Giám đốc Trung tâm Linh hoạt Truyền giáo Quốc tế (C.I.A.M.);

1980-2009: Giáo sư tại Phân khoa Truyền giáo - Đại học giáo hoàng Urbano, và Viện Giáo lý và Linh đạo Truyền giáo;

1981-2007: Giám đốc linh đạo của Foyer Phaolô VI;

1982-1983: Dọn Tiến sĩ Truyền giáo Đại học giáo hoàng Gregoriana, cư ngụ tại Đại học giáo hoàng Urbano;

1987-1993: Thành viên Hội đồng Quốc tế về Giáo lý (COINCAT) thuộc Bộ Giáo sĩ;

1992-2001: Thành viên Tổ chức “Nostra Aetate” thuộc Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn;

1995-2000: Thành viên Ủy ban Mục vụ Năm Thánh 2000;

1999-2005: Giám đốc Văn phòng phối kết Tông đồ Mục vụ Việt Nam hải ngoại, tại Bộ Truyền giáo;

2001-2012: Tư vấn Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn;

Từ năm 2010: Giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc.

Đây là bổ nhiệm giám mục cuối cùng của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trước khi ngài từ nhiệm sứ vụ giáo hoàng.

Hình ảnh của Tân Giám Mục Phụ tá giáo phận Xuân Lộc.

Đức ông Giuse Đinh Đức Đạo.



HÌNH ẢNH NGHI THỨC TẨN LIỆM CHA SIMON

HÌNH ẢNH NGHI THỨC TẨN LIỆM CHA SIMON LÂM THÀNH HÒA
vào lúc 3 giờ chiều ngày 27.2.2013 tại nhà Hưu Vĩnh Long
Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân chủ sự
Hình ảnh do anh em CCSVL tại Vĩnh Long cung cấp.
















TIN TỪ TOÀ GIÁM MỤC VĨNH LONG

XIN ANH CHỊ EM CẦU NGUYỆN CHO LINH HỒN CHA SIMON.
TOÀ GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 đường 3 tháng 2 
Vĩnh Long, Việt Nam
CÁO PHÓ

Trong niềm tin tưởng vào Chúa Kitô Phục sinh,
Văn Phòng Toà Giám Mục Vĩnh Long trân trọng báo tin :
CHA SIMON LÂM THÀNH HÒA
• Sinh ngày : 19/12/1919
• Tại : Long Thới - Trà Vinh
• Thụ phong Linh Mục : 29 / 06 / 1945 tại Nhà Thờ Vĩnh Long

o Đã được Chúa gọi về lúc 5 giờ 00 sáng thứ tư, ngày 27 tháng 2 năm 2013 tại Vĩnh Long, hưởng thọ 94 tuổi,
o Nghi lễ tẩn liệm lúc 15 giờ 00 thứ tư, ngày 27 tháng 2 năm 2013,
o Thánh lễ An Táng tại Nhà Thờ Chánh Tòa Vĩnh Long, lúc 9 giờ 00 sáng thứ sáu, ngày 1 tháng 3 năm 2013,
o An táng tại Đất Thánh Tân Ngãi .
Xin Quí Cha, Quí Tu sĩ Nam Nữ, Anh Chị em Giáo dân hiệp lời cầu nguyện cho linh hồn Cha SIMON được an nghỉ đời đời.
Kính báo

TIỂU SỬ
CHA SIMON LÂM THÀNH HOÀ

Sinh ngày : 19/12/1919
Tại: Long Thới - Trà Vinh
Họ Đạo: Mặc Bắc - ĐP Vĩnh Long

• Vào Tiểu Chủng Viện Sài Gòn năm 1932 và sau đó theo học tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse - Sài Gòn
• Chịu chức cắt tóc: 29/03/1941 (SG) do Đức Cha Phêrô Ngô Đình Thục
• Chịu chức 1 + 2: 19/09/1942 và 20/03/1943 (SG) do Đức Cha Phêrô Ngô Đình Thục
• Chịu chức 3 + 4: 18/09/1943 (SG) do Đức Cha Phêrô Ngô Đình Thục
• Chịu chức 5: 23/09/1944 (Lái Thiêu) do Đức Cha Jean Cassaigne
• Chịu chức 6: 24/03/1945 (VL) do Đức Cha Phêrô Ngô Đình Thục
• Chịu chức Linh mục: 29/06/1945 do Đức Cha Pet. Ngô Đình Thục tại Nhà Thờ Vĩnh Long

Từ khi Phong Chức Linh mục đã phục vụ tại :

1. Giáo Sư TCV Vĩnh Long từ năm 1945 đến năm 19/04/1963
2. Chánh sở Bãi Xan từ năm 19/04/1963 đến năm 1966
3. Giáo Sư TCV Vĩnh Long từ năm 1966 đến năm 1975
4. Chánh sở Cái Nhum từ năm 1975 đến năm 2000
5. Hưu dưỡng - Vĩnh Long từ năm 07/12/2000 đến nay

XIN ANH CHỊ EM HIỆP Ý CẦU NGUYỆN


XIN ANH CHỊ EM HIỆP Ý CẦU NGUYỆN
CHO LINH HỒN YSAVE.
R.I.P

Họ Đạo vừa nhận được tin
BÀ YSAVE NGUYỄN THỊ HƯỠN
SINH NGÀY 22.3.1928
Đã được Chúa gọi về lúc 5 giờ ngày 26 tháng 2 năm 2013.
Xin anh chị em cầu nguyện cho Linh Hồn Ysave, 
người anh em chúng ta trong đức tin.
Cảm ơn anh chị em.

Thánh lễ an táng được cử hành lúc 9 giờ sáng ngày 28.02.2013 tại Nhà Thờ Họ Đạo.

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

Giáo Hoàng Bê-nê-đic-tô XVI 2005

Xem lại hình ảnh này ...để nhớ cầu nguyện cho ĐGH BÊNÊDICTÔ 16 
và Giáo Hội của Chúa trong việc bầu chọn Giáo Hoàng sắp tới!



MÙA CHAY ... XIN CHO CON CÙNG VÁC THẬP GIÁ VỚI CHÚA MỖI NGÀY!


MÙA CHAY VÀ CÁNH BƯỚM


MÙA CHAY VÀ CÁNH BƯỚM

Trần Mỹ Duyệt
Thế là toàn thể Giáo Hội Công Giáo đã bước vào Mùa Chay khởi đầu bằng Thứ Tư Lễ Tro (13 tháng 2 năm 2013). Hình ảnh các tín hữu khiêm nhường cúi mình nhận lãnh chút tro xức trên trán để tưởng nhớ về cái xuất xứ của mình thật là cảm động: “Hỡi người hãy nhớ mình là tro bụi, và sẽ trở về bụi tro”.


Có ai mà thoát khỏi luật đào thải của đất trời. Và khi nghĩ đến cùng đích của cuộc đời mình một mai sẽ trở về với cát bụi thì con người không thể không suy nghĩ đến một triết lý và tâm lý sống: Đó là tôi từ lòng mẹ vào đời với hai bàn tay trắng, thì tôi cũng sẽ giã từ cuộc đời này để trở về với lòng đất tay trắng. Có chăng là tôi chỉ mang theo được những gì tôi đã làm khi còn sống, mà những cái đó tiền bạc, danh dự, thế lực, quyền bính, địa vị, học thức, ngay cả lạc thú không thể mua được. Có lẽ vì quan niệm như thế, và với cái nhìn tâm linh, Kitô Giáo đã gọi thời gian này là Mùa Chay, những ngày của “sám hối”.


Nhưng dường như phần đông Kitô hữu thường cho rằng, hành động xám hối của thời gian này cũng giống như việc chuẩn bị, mua sắm trong các dịp lễ Giáng Sinh, hay việc chuẩn bị cho một buổi tiệc. Tóm lại, những chuẩn bị này ở bên ngoài, và cho một người hay cho một biến cố đó là Phục Sinh của Chúa Kitô. Rất ít Kitô hữu nghĩ rằng Mùa Chay hay thời gian sám hối kia là chuẩn bị cho chính mình, cho cuộc “phục sinh” của chính mình. Trong tâm tình mùa chay và suy tư về sám hối, tôi muốn dùng hình ảnh con bướm để nói với lòng mình, và để thôi thúc những suy tư cũng như lối sống của chính mình.


Từ nhỏ tôi vẫn thường được dạy cho biết Mùa Chay là thời gian của ăn năn đền tội, của cầu nguyện, của làm việc thiện. Nhưng thực tế, nhìn quanh và quan sát lối sống của nhiều người, tôi thấy hình như những từ ngữ ăn năn đền tội, cầu nguyện, và làm việc lành phúc đức là những gì xem như sáo ngữ và ước lệ, đọc và nghe rồi bỏ qua. Cá nhân tôi cũng không ra ngoài cái tính ước lệ và hình thức ấy, có lẽ vì vậy mà hết Mùa Chay này đến Mùa Chay khác, hết thời gian sám hối này đến thời gian sám hối khác tôi vẫn là tôi. Nhưng một hình ảnh về thời gian chay tịnh, xám hối rất thích hợp, có khả năng đổi mới, và tích cực cho những chuyển đổi tâm linh này, đó là cuộc đời và tiến trình lột xác của loài bướm.


Bươm bướm. Những cánh bướm muôn màu sắc nhởn nhơ bay lượn trên những bông hoa quanh nhà là những hình ảnh mà ai cũng thích nhìn, và ai khi nhìn thì cũng thấy đẹp. Nhiều thi nhân, nhiều nghệ sĩ, nhiều nhạc sĩ, nhiều văn sĩ đã phải ngất ngây trước vẻ đẹp thiên nhiên này, và kết quả là họ để lại những tác phẩm, những áng văn, những bài thơ, những nhạc phẩm rất tuyệt vời khi nhìn ngắm những cánh bướm muôn màu nhở nhơ trong gió và trên những cánh hoa. Tiếc thay, vì đó chỉ là những cánh bướm, nên cái ảnh hưởng của nó cũng rất “thoáng qua” và “mong manh”.


Nhưng nếu để ý, ta sẽ thấy xuyên qua cái vẻ đẹp tự nhiên ấy, cũng như kiếp sống phù du ấy của loài bướm, ta có thể tìm được một bài học rất ý nghĩa và thiết thực cho cuộc sống tâm lý và tâm linh. Đó là tiến trình chuyển đổi để thành một con bướm khởi đi từ những cái trứng rất nhỏ bé được bướm mẹ để vào những chiếc lá. Từ những cái trứng rất nhỏ bé ấy, lại nở ra những con sâu hình thù rất xấu xí không ai muốn nhìn, muốn đụng chạm tới. Chính tôi đã bị một lần đụng phải con sâu này, và hậu quả là những cơn nhức buốt, ngứa và đau đớn. Rồi những con sâu ấy sau khi đã ăn ngấu nghiến những đọt cây, những chiếc lá nó lại cuộn mình trong một cái kén treo lủng lẳng ở các ngọn cây. Bất ngờ, sau một chuỗi dài thinh lặng, chuyển hóa từ trong những chiếc kén ấy nở ra những cánh bướm tuyệt vời. Những cánh bướm tung bay làm rạng rỡ bầu trời, và thiên nhiên như mở hội khi từng trăm, ngàn, vạn cánh bướm muôn sắc màu bay lượn trên những cánh hoa muôn sắc.


Đi vào thực tế trong cuộc sống thường ngày, hành trình đi tìm uyên nguyên của con người chẳng khác gì hành trình lột xác của loài bướm. Nếu cái cùng đích của hành trình ấy là những cánh bướm muôn màu, thì hành trình con người trên dương thế là đạt tới chân trời hoa mộng của vĩnh hằng. Ở đó, những tâm hồn sau khi đã hóa thân trong sự lột xác sẽ trở thành những cánh bướm thần linh bay lượn và nhởn nhơ trong khung trời hạnh phúc.


Nói theo niềm tin thì lúc đó họ sẽ phục sinh, và hiển linh sau những lột xác của cuộc đời trần thế. Những chiếc trứng nhỏ bé kia chẳng khác gì hình ảnh của từng con người. Sự lớn dần, bon chen trong cuộc sống tìm cách sống còn theo bản năng, với thiên nhiên, với những người chung quanh đã khiến cho con người biến thành những con sâu xấu xí và nguy hiểm với dáng vẻ của tham lam, ích kỷ, hận thù, dục vọng, cuồng tín. Nhưng dù là xấu xí, và nguy hiểm, con người vẫn phải sống, vẫn phải đi tới, và vì thế thế cần phải biến đổi. Điều này chỉ có thể xảy ra khi con người tự nhận ra con người thật của mình với những khuyết điểm, những tham sân si, những đam mê dục vọng mang hình hài những con sâu đáng kinh tởm cần được đổi mới. Chỉ có như thế, thì con người mới có can đảm đi vào chiều sâu tâm linh để rồi, nó phải tự mình cuộn tròn trong chiếc kén của suy niệm, của nhận thức, và của chuyển đổi. Và như vậy, sau những âm thầm tu chỉnh, sau những năm tháng miệt mài chuyển đổi, lúc ấy con bướm tinh thần kia mới thực sự chào đời. Tâm linh con người mới phục sinh. 


Nhưng nếu “một cánh én không làm thành mùa xuân”, thì một con bướm cũng không làm cho bầu trời xuân của tâm hồn trở thành hoa sắc, rộn ràng và tươi đẹp được. Nó cần nhiều cánh bướm, và điều này cũng có nghĩa là tiến trình biến đổi ấy sẽ cứ phải nối tiếp như kiếp sống của loài bướm. Nói đúng hơn, một mùa chay tịnh tâm hồn, một lần cuộn mình trong cái vỏ suy tư, tĩnh lặng và chuyển đổi cho dù là 40 ngày nó vẫn không làm cho đời người trở nên phong phú, cho cuộc sống tâm linh được bảo đảm nhiều thành quả. Tiến trình biến hóa cần phải được lập đi, lập lại và cần phải được thực hiện một cách bền bỉ trong suốt hành trình cuộc sống của mỗi người.


Mùa Chay sẽ kết thúc bằng Phục Sinh đầy ánh sáng. Nhưng đó là Phục Sinh của Chúa Giêsu. Chính Ngài cũng phải mang hình ảnh một con bướm được lột xác từ những biến đổi rất khắc nghiệt, đó là cuộc đời thầm lặng suốt 30 năm trời trong ngôi nhà Nazareth. Đó là ba năm miệt mài rao giảng. Và nhất là cuộc Thương Khó và cái chết nhục nhã trên thập tự giá. Sau chót tiến trình phục sinh này đã là nguồn giải thoát cho toàn thể nhân loại.


Phục Sinh và cánh bướm. Hình ảnh và tiến trình biến hóa của loài bướm cũng chính là hình ảnh và tiến trình biến hóa nội tâm của chính tôi. Tôi không “mừng” Chúa phục sinh, mà tôi “phải” phục sinh với Ngài. Nhưng tôi không thể trở thành cánh bướm muôn màu sặc sỡ nếu tôi không loại bỏ cái xấu xí, gai góc của đời mình để cuộn mình vào chiếc kén suy tư, đổi mới. 

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Thư Hội đồng Giám mục Việt Nam


Thư Hội đồng Giám mục Việt Nam 

gửi Cộng đồng Dân Chúa về quyết định từ nhiệm 

của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI.

Chúng ta đón nhận quyết định này của Đức Thánh Cha trong “Năm đức tin”, vì thế chúng ta được mời gọi đặt mình dưới ánh sáng Lời Chúa, lắng nghe ý nghĩa dấu chỉ thời đại mà Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội, để có thể bình tĩnh khám phá điều Thiên Chúa muốn cho Giáo Hội và cho chúng ta.
Chúng ta xem bản đánh máy lại ...kèm theo bản chính thức của HĐGMVN nhé!


Anh Chị Em rất thân mến trong Đức Kitô,
1.Trong khi chúng ta đang sống bầu khí thiêng liêng chan hòa cùng cả Dân tộc Việt Nam cử hành lễ Tết mừng Xuân Quý Tỵ, thì một thông báo từ Vatican cho biết: “Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI từ nhiệm”. Thông tin này đã gây ngỡ ngàng, xao xuyến, tạo sự xúc động sâu xa nơi chúng tôi cũng như nơi anh chị em.
2.Thật vậy, ngày 11 tháng 2 năm 2013, tức mồng 2 Tết Quý Tỵ, trong cuộc gặp gỡ các Đức Hồng Y tại Vatican, sau khi cho biết sắp tới Giáo Hội sẽ có 3 lễ tuyên phong hiển thánh, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã thong báo một quyết định rất quan trọng liên quan tới đời sống Giáo Hội. Ngài nói: “Sau khi liên lỉ xét mình trước Nhan Thiên Chúa, tôi chắc chắn rằng sức khỏe của tôi, do tuổi cao, không còn phù hợp với việc thi hành một cách trọn vẹn sứ vụ Thánh Phêrô. Tôi biết rất rõ rằng sứ vụ này, do bản chất thiêng liêng của nó, phải được thi hành không chỉ bằng lời nói và hành động, nhưng còn bằng cầu nguyện và chịu đau khổ. Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay, một thế giới có quá nhiều thay đổi mau chóng, một thế giới đặt ra những vấn đề khẩn thiết cho đời sống Đức tin, để cai quản con thuyền của Thánh Phêrô và để loan báo Tin Mừng, cần có sức khỏe cả tinh thần lẫn thể xác; và trong ít tháng qua, tôi thấy sức khỏe sa sút đến múc không thể chu toàn sứ vụ được giao phó cho tôi cách cân xứng. Vì lý do đó, với ý thức rất rõ về tính nghiêm trọng của quyết định này, cũng với tất cả tự do, tôi từ nhiệm sứ vụ Giám mục Rôma, Người kế vị Thánh Phêrô, sứ vụ mà các Đức Hồng Y đã trao cho tôi từ ngày 19 tháng 4 năm 2005. Do đó, kể từ 20h00 ngày 28 tháng 2 năm 2013, Tòa Rôma, Tòa Thánh Phêrô, sẽ trống và Mật Tuyển viện sẽ được triệu tập do các vị có thẩm quyền”.
3. Chúng ta đón nhận quyết định này của Đức Thánh Cha trong “Năm Đức Tin”, vì thế chúng ta được mời gọi đặt mình dưới ánh sáng Lời Chúa, lắng nghe ý nghĩa dấu chỉ thời đại mà Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội, để có thể bình tĩnh khám phá điều Thiên Chúa muốn cho Giáo Hội và cho chúng ta. Trong đức tin, chúng ta đón nhận và trân trọng quyết định của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, một quyết định hoàn toàn tự do và ý thức đầy đủ trước mặt Thiên Chúa và vì lòng yêu mến Giáo Hội. Một đàng, ngài phó thác mọi sự cho Chúa Kitô và sẵn sàng chịu đau khổ vì Giáo Hội; đàng khác ngài thấy rõ tình trạng sức khỏe của mình không thể tiếp tục đảm đương sứ vụ nặng nề, nên ngái quyết định từ nhiệm. Càng hiểu lý do vì tuổi cao và vì sức khỏe giảm sút mà Đức Thánh Cha đã đưa ra quyết định nầy, chúng ta càng yêu mến và quý trọng Đức Thánh Cha. Ngài sống hoàn toàn cho Thiên Chúa và vì lợi ích của Giáo Hội và Dân Chúa.
4. Chính vì thế, thay mặt Hội Đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) và thay mặt cho toàn thể Dân Chúa tại Việt Nam, trong tư cách là Chủ tịch HĐGMVN, tôi đã viết thư đệ trình lên Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI để bày tỏ lòng yêu mến và hiếu thảo, cũng như lòng tri ân và ngưỡng mộ của Giáo Hội Việt Nam đối với Ngài; nay cũng thay mặt cho HĐGMVN, tôi viết thư này để thông báo và chia sẻ với Cộng Đồng Dân Chúa tại Việt Nam.
5. Sau ngày 28 tháng 2, Đức Bênêđictô XVI sẽ lui về Castel Gandolfo để nghỉ ngơi ít ngày, rồi ngài sẽ về lại Vatican, ở trong một tu viện nhỏ và dành trọn thời giờ cho việc cầu nguyện và chiêm niệm. Đức Hồng Y niên trưởng Hồng Y đoàn, sẽ triệu tập Mật tuyển viện để bầu chọn vị Giáo Hoàng kế tiếp vào khoảng giữa tháng 3-2013.
6. Trong khoảng thời gian Tòa Rôma, Tòa Thánh Phêrô trống tòa kể từ 20g00 ngày 28 tháng 2 năm 2013 (giờ Rôma, như vậy, đối với Việt Nam chúng ta là rạng sáng ngày thứ sáu 01 tháng 3 năm 2013), trong các Thánh lễ, chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho việc bầu Vị Giáo Hoàng mới của Giáo Hội toàn cầu. Trong Kinh nguyện Thánh Thể, các Linh mục chị đọc tên của vị giám mục giáo phận mà thôi. Ví dụ, Kinh nguyện Thánh Thể II: “Xin nhớ đến Hội Thánh Chúa đang lan rộng khắp hoàn cầu, để kiện toàn Hội Thánh trong đức mến, cùng với Đức Giám mục….. giáo phận chúng con, và toàn thể hàng giáo sĩ.”
7. Thưa Anh Chị Em, chúng ta đón nhận quyết định của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI khi bắt đầu bước vào Mùa Chay. Mùa Chay tập trung vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô, nhưng cuộc khổ nạn ấy không làm cho chúng ta buồn phiền, thất vọng, vì ánh sáng Phục Sinh sẽ bừng sáng vào cuối Mùa Chay. Vì thế, chúng ta hãy phó thác mọi sự cho Chúa Giêsu Kitô, Mục Tử tối cao của Giáo Hội, và khẩn nài Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Giáo Hội. Nhờ sự chuyển cầu của Mẹ, xin Chúa ban cho Giáo Hội sớm có vị mục tử như lòng Chúa ước mong, theo gương các vị tiền nhiệm đáng kính trong những thập niên qua, tiếp tục công cuộc Tân Phúc âm hóa và thông truyền đức tin Kitô giáo trong thời đại đầy biến động ngày nay.
Hà Nội, ngày 16 tháng 2 năm 2013
Tổng thư ký HĐGMVN
(đã ký)
+ Cosma Hoàng Văn Đạt
Giám mục Bắc Ninh
Chủ tịch HĐGMVN
(ấn ký)
+ Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
Tổng giám mục Hà Nội



Một sứ điệp của Năm Đức Tin


Việc ĐGH Bênêđictô XVI từ nhiệm là một sứ điệp của Năm Đức Tin

1. Tin Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI từ nhiệm đã và đang gây xôn xao trong mọi tầng lớp xã hội và Giáo Hội.

Đức Giáo Hoàng từ nhiệm, đó là biến cố rất bất ngờ. Bất ngờ đó gây ra trong tôi một nỗi bàng hoàng choáng váng.

Lấy lại sự bừng tỉnh nhờ cầu nguyện, tôi cúi đầu lắng nghe Chúa dạy bảo. Chợt tôi nhớ lại một chi tiết nhỏ riêng tư, lần tôi được gặp Đức Giáo Hoàng lúc Ngài còn là Hồng Y Bộ trưởng Bộ Đức Tin. Trong trao đổi, tôi thấy Ngài chú ý đặc biệt đến sự gặp gỡ Đức Kitô. Như thế căn cốt của đức tin là gặp gỡ riêng tư và thân mật với Đức Kitô, để bước theo Đức Kitô. Nên trong thinh lặng nội tâm lúc này, Chúa dạy tôi hãy dùng chi tiết đó như một ánh sáng để hiểu sự từ nhiệm của Đức Giáo Hoàng.

Nhờ ơn Chúa giúp, tôi dần dần nhận ra rằng: Sự từ nhiệm của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô chứng tỏ Ngài đã và đang gặp gỡ Đức Kitô và bước theo Đức Kitô. Nhờ đó Ngài nhấn mạnh đến mấy điểm rất cần sau đây cho Năm Đức Tin:
 
2. Trước hết, theo Ngài, tin là gặp gỡ Đức Kitô và bước theo Đức Kitô trong sự từ bỏ quyền lợi riêng, và bước xuống thân phận con người hèn yếu, vì yêu thương con người và để cứu chuộc loài người.

Tôi nhớ lại ở đây lời thánh Phaolô nói về nét đẹp đó của Đức Kitô:

“Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-7).

Đức Kitô đã bước xuống, để hoà mình, để chia sẻ, để gần gũi, để cứu chuộc loài người bằng yêu thương hoà trộn với hy sinh quên mình.

Đức Kitô đã nêu gương sáng đó cho các môn đệ Chúa. Các môn đệ Chúa hiểu sự khiêm nhường bước xuống như thế là một đặc điểm của người môn đệ Chúa.

Thánh Phêrô càng hiểu điều đó. Nên, khi được Chúa Giêsu trao trách nhiệm chăn dắt đoàn chiên của Chúa, thánh Phêrô đã thề hứa với Chúa là hết lòng mến yêu Chúa. Trong lòng yêu mến đó có sự cam kết sống khiêm nhường bước xuống theo gương Chúa.

Các đấng kế vị thánh Phêrô vẫn giữ tinh thần bước xuống theo gương Đức Kitô, theo những cách khác nhau.
 
3. Tuy nhiên, với những biến chuyển của lịch sử, Hội Thánh dần dần trở thành một tổ chức. Tổ chức này vừa có yếu tố siêu nhiên, vừa có yếu tố nhân loại. Một lúc nào đó, tổ chức trở thành cơ chế phức tạp, như một guồng máy nặng nề. Trong hoàn cảnh đó, vị đứng đầu Hội Thánh, dù muốn dù không, cũng phải bước lên chỗ gọi là Ngai, là Toà.

Chức cao, quyền cả đó là một vinh dự rất lớn, nhưng cũng là một trách nhiệm rất nặng nề. Nhất là khi yếu tố nhân loại chẳng may trở nên mạnh trong cơ chế phức tạp. Trong tình hình như thế, cho dù người đứng đầu Hội Thánh, kế vị thánh Phêrô, có muốn đổi mới Hội Thánh, bằng việc kêu gọi mọi người hãy tập trung vào Đức Kitô, và giới răn yêu thương của Người, thì công việc đổi mới ấy không dễ gì thực hiện được. Cản trở do những yếu tố ngoài Hội Thánh vẫn mạnh. Cản trở do những yếu tố nhân loại trong cơ chế nội bộ Hội Thánh cũng mạnh không kém.

Trước một thực tế quá nhiều thách đố như vậy, vị lãnh đạo Hội Thánh sẽ phải suy nghĩ rất nhiều. Suy nghĩ đi tới những chọn lựa. Khi chọn lựa của Ngài là sự từ nhiệm, thì chọn lựa đó phải được coi là khiêm nhường và can đảm. Từ nhiệm là bước xuống. Bước xuống để lui vào đời sống cầu nguyện, cũng vẫn là một cách đại diện cho Chúa Kitô, lo cho đoàn chiên của Chúa.

Ngài bước xuống như vậy, là nhờ đức tin. Tin nơi Ngài là gặp gỡ Đức Kitô và bước theo Đức Kitô.
 
4. Hơn nữa, khi đức tin của Ngài là gặp gỡ Đức Kitô và bước theo Đức Kitô, thì Đức Giáo Hoàng bước thêm một bước nữa, đó là chịu đóng đinh mình một cách nào đó vào thánh giá.

Ở đây, tôi nhớ lại lời thánh Phaolô nói về Đức Kitô:

“Ngài lại hạ mình xuống, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thánh giá” (Pl 2,8).

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI cũng đã vâng lời đức tin cho đến cùng. Với sự từ nhiệm của Ngài, Ngài nói sơ qua về tình hình sức khoẻ của Ngài đang suy giảm. Chừng ấy thiết tưởng đã đủ, để chúng ta hiểu sự đau đớn Ngài phải chịu. Đau đớn phần xác, đau đớn phần hồn. Đau đớn do ngoại cảnh, đau đớn do nội bộ. Chính sự từ nhiệm cũng được coi là một quyết định đau đớn.

Những đau đớn ấy chính là một thứ thánh giá Ngài đang vác trên vai, và cũng là thánh giá mà Ngài như bị đóng đinh vào, để dâng mình làm của lễ, kết hợp với của lễ xưa của Chúa Giêsu trên thánh giá.

Tôi có cảm tưởng là một cách nào đó, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI muốn nhắc lại cho đoàn chiên của Ngài lời thánh Phaolô xưa: “Được thông phần những đau khổ của Đức Kitô, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong cái chết của Người” (Pl 3,10), đó chính là hướng đi của đời Ngài.
 
5. Với những cảm nghĩ trên đây, tôi coi sự từ nhiệm của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI là một sứ điệp quý giá của Năm Đức Tin.

Đọc sứ điệp này tôi thấy mình cần phải học nhiều điều.

Thứ nhất, tin là gặp gỡ Đức Kitô và bắt chước Đức Kitô.

Thứ hai, nếu tin là bắt chước Đức Kitô, thì tôi phải khiêm nhường bước xuống, để chia sẻ, hoà mình, gần gũi, và để giải cứu con người bằng tình thương hy sinh quên mình.

Thứ ba, nếu tin là bước theo Đức Kitô, thì tôi luôn phải sẵn sàng từ bỏ những gì không thích hợp với sự phát triển của Nước Thiên Chúa, để dấn thân vào những gì thích hợp hơn, theo thánh ý Chúa. Những gì không thích hợp như các công trình phô trương tốn phí. Những gì thích hợp hơn như đời sống nội tâm.

Thứ tư, nếu tin là gặp gỡ Đức Kitô và bước theo Đức Kitô, thì mọi chọn lựa của tôi luôn phải khiêm tốn và yêu thương.

Bốn điều trên đây sẽ không dễ thực hiện được, nếu không có ơn Chúa. Nên tôi phải tăng cường việc cầu nguyện và làm những việc hy sinh nho nhỏ trong đời sống thường ngày.
 
6. Khi sự từ nhiệm của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI được coi là một sứ điệp của Năm Đức Tin, thì sứ điệp này không chỉ là một bài học, mà còn là một cảnh báo. Cảnh báo về một tương lai sẽ có những bất ngờ gây bàng hoàng sửng sốt. Có thể sẽ xảy ra những biến cố về sự bước xuống đau đớn và cảnh chịu đóng đinh vào thánh giá. Nơi ít nơi nhiều, những bất ngờ đau đớn đó sẽ xảy ra.

Với những bài học và những cảnh báo, sứ điệp Năm Đức Tin tiềm ẩn trong sự từ chức của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI rất đáng được chúng ta suy nghĩ trong thinh lặng nội tâm, dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần.

Cần suy nghĩ nghiêm túc, để điều chỉnh lại đời sống một cách mau lẹ. Kẻo, khi những bất ngờ đau đớn xảy tới mới tìm hướng đi, thì sẽ quá muộn.

Cần thức tỉnh mau lẹ. Đừng trì trệ, dửng dưng, khô cứng. Kẻo giờ Chúa đến bất ngờ, mà chưa chuẩn bị, thì sẽ không kịp theo Chúa đi vào Nước Trời.

Bất ngờ tiếp nối bất ngờ. Sứ điệp trong sự từ nhiệm của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI mới chỉ là khởi đầu. Ở đây, tôi nhớ tới những khủng khiếp, mà Đức Mẹ đã tiên báo ở Fatima.

Long Xuyên, ngày 13 tháng 02 năm 2013


Mùa Chay Là Gì?

Sưu Tầm
Mùa Chay là mùa ăn năn thống hối, cầu nguyện, bố thí, mùa chịu nạn, thương khó, chuẩn bị cho đại biến cố Phục Sinh. Được bắt đầu từ thứ tư Lễ Tro và kết thúc với Chúa Nhật Phục Sinh. Nó chứa đựng 40 ngày chay tịnh để tưởng nhớ đến biến cố Chúa vào trong hoang địa ăn chay, cầu nguyện và sau đó chịu sự cám dỗ trong 40 đêm ngày; là thời gian của thương khó và thống hối. (thực sự là 46 ngày, nếu tính từ Thứ tư lễ Tro cho đến Chúa nhật Phục sinh, nhưng theo nghĩa hẹp, Mùa Chay tính từ Chúa nhật thứ nhất đến chiều Thứ Năm Tuần Thánh, nghĩa là cho tới lúc cử thành thánh lễ Tiệc Ly vào ban chiều "in Caena Domini",  trong đó Chúa lập Bí tích Thánh Thể, rửa chân cho 12 môn đệ và truyền lại Giới răn mới) (Thời gian 40 ngày cũng để nhớ lại 40 đêm ngày Maisen cầu nguyện trên Núi Sinai và được Chúa trao cho 10 Giới răn. Rồi 40 ngày còn để nhớ lại cuộc hành trình 40 ngày trong sa mạc của Tiên tri Elia, lúc ông trốn khỏi cơn thịnh nộ của  Hoàng hậu Gezabele,  để tiến về Núi Oreb (cũng là núi Sinai, kế Biển Ðỏ và Kênh đào Suez), nơi đây Chúa mạc khải và trao cho ông sứ vụ mới (1 Vua 19),
Trong ba thế kỷ đầu, Mùa Chay chỉ kéo dài hai hay ba ngày, sau đó kéo dài từ ba đến bốn tuần. Con số bốn mươi được áp dụng do quy định của Công Đồng Nicaea (325). Ngoại trừ những ngày Chúa Nhật, Giáo Hội đề nghị các tín hữu nên ăn chay theo luật định. Toàn thời gian Mùa Chay cũng là thời gian chuẩn bị tâm hồn cho cuộc khổ nạn, chịu chết và Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô. Trong Mùa Chay không được kết hôn, Linh mục mặc áo màu tím, không có kinh Vinh Danh và Alleluia trong Thánh lễ. Không đệm đàn khi không có tiếng hát. Không trưng bông trên bàn thờ. Mỗi ngày có Thánh lễ với những lời mở đầu Mùa Chay khác nhau. Trong thời gian này, Giáo Hội chuẩn bị cho biến cố trung tâm của lịch sử, sự Cứu Chuộc nhân loại của Chúa Giêsu Kitô.
Công Đồng Vaticanô thứ hai dạy rằng :” Mùa Chay có hai đặc tính :1/ Hồi tưởng lại bí tích rửa tội hoặc là chuẩn bị cho bí tích này. 2/Nhấn mạnh đến tinh thần ăn năn, sám hối. Bởi những ý nghĩa đặc biệt này, mùa Chay chuẩn bị cho các tín hữu sẳn sàng cử hành mầu nhiệm vượt qua sau thời gian tiếp cận, gần gũi hơn với Lời Chúa và nồng nhiệt hơn trong sự cầu nguyện. Trong chính bản thân phụng tự và trong những hướng dẩn từ trung tâm của phụng tự, những chủ đề về rửa tội và thống hối được tuyên bố cách sâu sắc hơn” (SC 109).
“..Hằng năm qua bốn mươi ngày của Mùa Chay, Giáo Hội hiệp thông với mầu nhiệm của Chúa Giêsu trên hoang địa” (GLGHCG 540)
Vì thế tinh thần Mùa Chay là làm cho nội tâm cũng như hành động của mỗi cá nhân liên hệ đến phụng tự của Giáo Hội nhiều hơn và các tín hữu đáp trả nhiều hơn đối với sứ điệp và sự dạy dỗ của Chúa Kitô. Do đó Giáo Hội kêu gọi các tín hữu hảy hăng hái hy sinh, hãm mình, làm việc bác ái, cầu nguyện và làm việc Tông đồ trong Mùa Chay Thánh.

Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

KÍNH BÁO

Qua thông tin từ anh em cựu chủng sinh trên canhdongtruyengiao ...




Cha TÔMA ĐỖ MINH TÂM
R.I.P. 
Sinh năm 1926 tại Cái Mơn
Thụ Phong Linh Mục năm 1950.
Cha Tôma Đỗ Minh Tâm đã qua đời lúc 12:10 trưa ngày 14/2, 
tại Bệnh viện United Hospital, St. Paul, Minnesota.
Lễ an táng sẽ vào ngày Thứ Hai 18/2, lúc 10:00 AM. 
Xin anh chị em hiệp thông và cầu cho linh hồn Thầy Cả Tôma Tâm. 
Một người con, một Linh Mục của Giáo Phận Vĩnh Long chúng ta.

Kính báo và nguyện chúc bình an,
Vài thông tin ngắn đến anh chị em.
Jacques Bình

Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

Cát bụi…


Cát bụi…

Trong nghi thức xức tro, chủ tế đọc lời nguyện, có đoạn: “Xin dủ thương nghe lời chúng con cầu nguyện và thánh hóa nắm tro mà chúng con sẽ xức lên đầu để tỏ dấu nhìn nhận mình chỉ là thân cát bụi và sẽ trở về cát bụi” (…).
Rồi sau đó, khi xức tro, linh mục nói: “Ta là thân cát bụi, sẽ trở về cát bụi”.
Thân phận con người là tro bụi, sẽ trở về bụi tro, đó là niềm đau mà tiếng than thở của con người đã vang lên từ rất sớm ở mọi nơi và mọi thời. Trăm năm còn có gì đâu, Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì.  (CONK).
Thân phận con người mỏng manh chóng qua thì ai cũng thấy, nhưng đứng trước thân phận thật của mình như vậy, con người có suy nghĩ và thái độ nào, thì “phản ứng” của con người khác nhau. Nó đưa đến những nhân sinh quan có khi rất khác biệt, thậm chí đối lập nhau.
Có một nhân sinh quan nổi bật đã đem lại cho nhiều người niềm cảm hứng, đó là luồng tư tưởng không nhìn nhận con người nhỏ bé. Theo đó, sức mạnh con người tiềm ẩn rất lớn lao, con người vươn lên  và có thể thay thế Thiên Chúa. Khoa học tiến bộ không ngừng khám phá, và một ngày nào đó, tuy có thể còn rất xa, nhưng sẽ đến, con người có thể tự tìm ra “bí quyết” để con người bất tử.
Nghe qua, thật hấp dẫn… Thôi thì, chúc mừng cho những người có niềm tin và chờ đợi ngày bất tử ấy ! Nhưng đáng tiếc, vấn đề con người không chỉ là “cát bụi” của thân xác, nó còn có thứ cát bụi của tinh thần. Bao nhiêu ước mơ tan rã theo mây khói. Hạnh phúc cuộc đời nhiều khi chỉ là ảo ảnh. “Thiên thượng phù vân như bạch y, tu du hốt biến vi thiên cẩu” (Đỗ Phủ). Có gì tồn tại mãi trong cuộc đời này. Thân xác còn sống đó mà “tâm hồn” đã hóa ra cát bụi, thì sống cũng chẳng còn ý nghĩa gì. Nhiều người đã đi tìm cái chết vì không còn lẽ sống. Đâu phải đợi “cái chết của thể xác” đến mới là “chết” đâu, nhiều người “sống” mà như đã chết tự bao giờ. Từ “cát bụi” ở đây diễn tả một sự hiện diện không còn ý nghĩa sống. Sự hiện hữu không gắn liền mạch sống với Thiên Chúa. Đó là một thứ nền “văn minh cát bụi”, “nền văn minh sự chết” !
…được yêu thương.
“… nắm tro mà chúng con sẽ xức lên đầu để tỏ dấu nhìn nhận mình chỉ là thân cát bụi và sẽ trở về cát bụi”.(Lời nguyện Lễ Tro).
Nhìn nhận mình chỉ là thân cát bụi” là thái độ khiêm tốn của con người, khác với thái độ “kiêu căng” muốn thay thế Thiên Chúa hay không cần có Thiên Chúa.
Nhìn nhận mình là cát bụi” để hiểu vì sao “cát bụi này” lại trở nên tuyệt vời để vào đời một kiếp rong chơi, quyền năng nào đã “hóa kiếp” nó và đưa nó từ vô nghĩa để trở nên “nhân linh ư vạn vật” ?
Nhìn nhận mình là cát bụi” để hiểu nguyên nhân nào “cát bụi này” lại trở nên thật “tuyệt vời”, biết suy tư, có một sức sống kỳ diệu, tuyệt vời đến mức “nhân linh ư vạn vật” đến thế, vậy mà một ngày nào đó bất chợt mất đi tất cả, trở về “nguyên hình” cát bụi ?
Có “tất cả” là nhờ được Chúa yêu thương
Mất “tất cả” là vì xa lìa tình yêu Thiên Chúa.

Trở về bên Chúa.
Khi xức tro, linh mục cũng có thể nói một câu nói khác: “Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng”.
Đó là Hồng Ân của Tình Yêu Thiên Chúa, và như thế, con người không kết thúc sự sống của mình trong vô nghĩa !
“Ta là thân cát bụi, sẽ trở về cát bụi”. “Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng”.
Từ cát bụi”, đến sám hối”, đến đón nhận Lời Chúa”, là cuộc hành trình Đức Tin đến bến bờ Cứu Rỗi.
Chính từ cát bụi, mà con người nghiệm ra Tình Yêu Thiên Chúa dành cho con người lớn lao đến thế nào !
Nên khi nghĩ về thân phận, người Công Giáo luôn nhìn về ánh sáng Đức Ki-tô, Ánh sáng Thập Giá và Phục Sinh.
Nên dù mang thân cát bụi, người có niềm tin vào Đức Ki-tô không oằn oại rên siết trong tuyệt vọng, nhưng luôn vững niềm tin yêu vào Tình Yêu Thiên Chúa.
Thiên Chúa - Người Cha Nhân Hậu - Ðấng thấu suốt những gì kín đáo - hiểu được sự yếu đuối của con người, hiểu được lòng thành tâm sám hối và cố gắng vươn lên của con người, sẽ tha thứ, đỡ nâng và nhận con người về làm con cái trong Nhà Cha, Vương Quốc Tình Yêu Vĩnh Hằng của Ngài. Amen.

Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

TIN NÀY LÀM MỌI NGƯỜI NGỠ NGÀNG!


VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 rời bỏ chức vụ Giáo Hoàng kể từ lúc 20 giờ ngày thứ năm, 28-2 tới đây. Trong công nghị lúc 11 giờ sáng hôm qua, 11-2, trước sự hiện diện của các Hồng y và GM, ĐTC tuyên bố:
Anh em rất thân mến.

”Tôi triệu tập anh em đến dự Công nghị này không phải để chỉ nói về 3 cuộc phong thánh, nhưng còn để thông báo cho anh em một quyết định rất quan trọng đối với đời sống Giáo Hội. Sau khi nhiều lần xét mình trước mặt Thiên Chúa, tôi đã đi tới sự chắc chắn rằng sức lực của tôi, vì tuổi cao, không còn thích hợp nữa để thi hành sứ vụ Phêrô một cách thích đáng nữa. Tôi ý thức rõ sứ vụ này, do yếu tính thiêng liêng, phải được chu toàn không những bằng hoạt động và bằng lời nói, những còn bằng đau khổ và cầu nguyện. Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay, đang chịu những biến chuyển mau lẹ và bị giao động vì những vấn đề có tầm quan trọng lớn đối với đời sống đức tin, để cai quản con thuyền của Thánh Phêrô và loan báo Tin Mừng, cần có nghị lực cả thể xác lẫn tâm hồn, nghị lực mà trong những tháng gần đây bị suy giảm nơi tôi đến độ tôi phải nhìn nhận mình không có khả năng thi hành tốt sứ mạng đã được trao phó cho tôi. Vì thế, với ý thức rõ ràng về hành vi hệ trọng này, với tự do hoàn toàn, tôi tuyên bố từ bỏ sứ vụ Giám Mục Roma, người kế vị Thánh Phêrô, được ủy thác cho tôi do tay các Hồng Y ngày 19 tháng 4 năm 2005, để từ ngày 28 tháng 2 năm 2013 sắp tới, Tòa Roma, Tòa Thánh Phêrô sẽ trống tòa từ lúc 20 giờ và những ai có thẩm quyền cần phải triệu tập Mật Nghị Hồng Y để bầu vị Giáo Hoàng mới”.

”Anh em rất thân mến, tôi chân thành cám ơn anh em vì tất cả lòng quí mến và công việc mà anh em đã cùng mang gánh nặng sứ vụ của tôi, và tôi xin lỗi vì tất cả những thiếu sót của tôi. Giờ đây, chúng ta hãy phó thác Hội Thánh cho vị Mục Tử Tối Cao, là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, và cầu xin Mẹ Maria của Ngài, với lòng từ mẫu xin Mẹ trợ giúp các Hồng Y trong việc bầu vị Giáo Hoàng mới. Về phần tôi, cả trong tương lai, tôi muốn hết lòng phục vụ Hội Thánh của Thiên Chúa bằng cuộc sống dành trọn cho việc cầu nguyện”.

Vatican ngày 11 tháng 2 năm 2013

Biển Đức 16, Giáo Hoàng


 (G. Trần Đức Anh chuyển ý, RadioVaticana 11-02-2013)


BÃI XAN 200 NĂM


TIN QUA ẢNH
Một số ảnh chuẩn bị Thánh Lễ Tạ Ơn 
qua một số hình ảnh.























BAN QƯỚI CHỨC CHUẨN BỊ ĐÓN ĐOÀN ĐỒNG TẾ.

- SAU THÁNH LỄ - ĐỨC CHA TÔ MA VÀ QUÝ CHA GỐC BÃI XAN CHỤP HÌNH LƯU NIỆM VỚI CÁC ÔNG BÀ TRÊN 80 TUỔI MỪNG THƯỢNG THỌ TRONG DỊP ĐĂC BIỆT NÀY!
- TẤT CẢ LÀ HỒNG ÂN. XIN CẢM TẠ CHÚA , MẸ MARIA VÀ THÁNH GIUSE ...LÀ BỔN MẠNG CỦA HỌ ĐẠO BÃI XAN.