TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH

TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH


HỌ ĐẠO CÁI QUAO KÍNH CHÚC QUÝ CHA, QUÝ TU SĨ NAM NỮ VÀ ANH CHỊ EM GIÁO DÂN ...MỘT MÙA GIÁNG SINH TRÀN ĐẦY TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA CHÚA!

Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Giáo Phận Vĩnh Long

Giáo Phận Vĩnh Long Khai Mạc Việc Cung Nghinh Đức Mẹ Thánh Du



Vào lúc 9g 00 sáng ngày Thứ bảy 16.6.2012, dịp lễ Kính Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, tại Nhà Thờ Chánh Toà Vĩnh Long, Đức Giám mục Giáo Phận, Tôma Nguyễn Văn Tân, cùng với hơn 40 linh mục đã dâng Thánh lễ đồng tế khai mạc việc cử hành cung nghinh Đức Mẹ Fatima thánh du qua các họ đạo trong Giáo Phận Vĩnh Long, nhằm  mục đích cầu nguyện cho Giáo Phận dịp 75 năm thành lập  (08/01/1938 - 08/01/2013) sắp đến. Có đông đảo anh chị em giáo dân thuộc vùng Vĩnh Long và Sa Đéc tham dự thánh lễ.
Sau Thánh lễ,  Đức Giám Mục đã trao Đức Mẹ Fatima cho cha Hạt trưởng Hạt Sa Đéc, để bắt đầu từ Hạt Sa Đéc Đức Mẹ sẽ đi đến tất cả các họ đạo trong các Hạt thuộc Gp. Vĩnh Long.
Việc các họ đạo cung nghinh Đức Mẹ Fatima thánh du chắc chắn khơi dậy lòng yêu mến Chúa qua Mẹ Maria (per Mariam ad Jesum) nơi mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Phận cùng với ơn  sám hối và chữa lành hồn xác, nhờ tay Đức Mẹ.
Sau thánh lễ đồng tế, Đức Mẹ đi viếng các hạt trong khắp Giáo Phận.

Đức Mẹ bắt đầu thăm các Họ đạo trong giáo phận Vĩnh Long

Đức Cha trao Đức Mẹ cho cha Hạt trưởng Sa Đéc
(Hạt đầu tiên được Đức Mẹ Thánh Du)


Sân cỏ, khung thành bóng đá Euro 2012


Từ ngày 08. Tháng Sáu đến ngày 01. tháng Bảy 2012 diễn ra những trận cầu tranh tài gây cấn của môn thể thao Bóng Đá Euro 2012 ở trên sân cỏ hai nước Balan và Ukraina, giữa 16 đội tuyển bóng đá của 16 nước Âu Châu. Và những trận tranh tài trên sân cỏ này thu hút hấp dẫn rất hàng chục, hàng trăm ngàn, hàng triệu nhiều người trên thế giới qua màn ảnh truyền hình.

Vẫn biết thể thao Bóng đá là một bộ môn thể thao luyện tập thân thể khoẻ mạnh cùng góp phần vào giải trí lành mạnh trong đời sống. Nhưng bộ môn thể thao này càng ngày càng có sức hấp dẫn thu hút con người về nhiều phương diện khác nữa, như thương mại buôn bán, quảng cáo, phát triển kỹ thuật xây cầu trường, trồng cỏ trên sân, mẫu mã quần áo cùng dày cho cầu thủ, kỹ thuật chế biến làm trái banh, trường huấn luyện đá banh, truyền hình, truyền thanh, báo chí chụp hình ảnh…cùng kéo theo nhiều khâu khác trong đời sống cùng nhập cuộc.

Còn đời sống đức tin có bị lôi cuốn nhập cuộc theo dòng nước thể thao Bóng đá không? Có sự tương đồng hay khác biệt giữa hai lãnh vực này không?

1. Hai cách thế sống

Chưa thấy nói thể thao bóng đá muốn lôi cuốn đức tin cùng nhập cuộc. Nhưng đời sống thực hành đức tin bị ảnh hưởng không ít, có khi còn bị cản trở, về thời giờ do thời biểu, nơi tập luyện cùng sức hấp dẫn thi đấu của bộ môn này. Vì thời giờ diễn ra song song với nhau lúc đọc kinh xem lễ cùng lúc tập dượt hay thi đấu.

1.1.Trong thể thao thành tích đạt được bằng con số và con người là trung tâm điểm.

Còn trong lễ nghi Phụng vụ tôn giáo không có con số và Thiên Chúa, Đấng vô hình, là đích điểm trung tâm của tâm hồn đức tin.

1. 2.Trong thể thao, dù thành tích thi đấu tập luyện cho khoẻ mạnh được đề cao khuyến khích, nhưng nguy cơ bị thương mại buôn bán hóa luôn là cám dỗ mạnh mẽ không chỉ nơi một cá nhân cầu thủ nào, mà còn toàn đội nữa.

Còn trong đời sống đạo giáo đức tin không có việc thi đua, không có sự việc buôn bán lợi nhuận trong đó. Cung cách tâm tình cách sống đạo đức chân thành với Thiên Chúa và tình thương yêu bác ái con người với nhau được khuyến khích đề cao.

1.3.Một đội banh thể thao trong thi đấu trên sân cỏ có thể thắng mà cũng có thể thua, về lâu dài đội banh có thể bị biến dạng và cũng có thể bị giải tán mất luôn.

Còn đức tin vào Thiên Chúa trong đạo giáo thì không như thế. Thiên Chúa hôm qua, hôm nay và ngày mai vẫn là một.

1.4. Môn thể thao bóng đá ngày nay thu hút hấp dẫn con người. Vì bộ môn này trở thành xem như một hình thức tôn giáo bị trần tục hóa, với hệ thống kinh doanh buôn bán lời lỗ, thành tích cá nhân được đề cao tuyên dương như những ngôi sao sáng chói.

Nhưng dẫu vậy, nó không thể nào thay thế hoặc trở thành tôn giáo được. Trận đấu thể thao, thắng thua, thành tìch cá nhân sẽ mau chóng qua đi rơi vào qúa khứ quên lãng, khi diễn biến thễ thao chấm dứt.

Trái lại đức tin tôn giáo cho tâm hồn con người luôn tồn tại có đó. Nó kéo dài suốt dọc đời sống con người. Cho dù Tôn giáo niềm tin không có sức thu hút mạnh mẽ như thể thao bóng đá.

1.5. Dẫu thế, kỷ luật luyện tập trong thể thao, không riêng gì ngành bóng đá, vẫn là điều đáng để ý học hỏi cho đời sống đức tin. Vì đời sống nhân bản hay đời sống đức tin vẫn luôn là một trường tập luyện cách sống đạo đức, cách sống nên người

Trong thể thao các cầu thủ hay học viên bắt buộc phải nghe tuân theo lời chỉ dẫn của huấn luyện viên mới có thể luyện tập nhuần nhuyễn thành thục cùng mong đạt được thành tích cao.

Trong đức tin đạo giáo, người tín hữu Chúa Kitô cũng cần phải lắng nghe giáo huấn của Chúa, của Giáo Hội. Trong việc gíao dục đào tạo ngay từ trong gia đình con cháu cũng phải lắng nghe lời cha mẹ chỉ bảo hướng dẫn.

1.6. Điều khác biệt là ngày nay trong đời sống đức tin và trong giáo dục đào tạo, càng có khuynh hướng không muốn nghe tuân theo người khác, chỉ muốn tự ý độc lập. Trái lại trong thể thao không có chuyện đó: lắng nghe tuân theo chỉ bảo tập luyện là tuyệt đối, là giới luật căn bản dẫn đến thành công.

Đức tin và đời sống luôn cần sự tương quan liên kết. Một mình, rất nhiều người không sao tìm đến con đường đức tin được. Họ cần đến Giáo Hội, đến người tín hữu cùng đồng hành hướng dẫn tới đức tin vào Chúa.

Thể thao là một nghệ thuật về cách sống cộng đồng xã hội nói lên điều này. Vì thể thao luyện tạo ra một liên đới tương quan thân xác và tinh thần cùng đồng nhất hòa nhịp với nhau.

2. Ước vọng sâu thẳm

2.1. Vượt qua cơm bánh

„ Trên nền tảng nào, môn chơi này có sức hấp dẫn, đến nỗi trở nên quan trọng bên cạnh cơm bánh như vậy?

Ðưa mắt nhìn ngược trở về thời Roma xa xưa, chúng ta có thể tìm ra câu trả lời: tiếng la hét đòi cơm bánh và môn chơi biểu hiện của khát vọng về một đời sống thiên đàng hạnh phúc, về một đời sống no đủ không có cực nhọc vất vả, và tự do được thỏa mãn tràn đầy. Ðiều này ẩn chứa trong môn chơi: trong hành động hoàn toàn tự do, không có đích điểm, không có sự bó buộc, nhưng có cố gắng về sức lực và được thi hành trọn vẹn.

Trong ý nghĩa này môn chơi cũng là một thể loại thử tìm trở về nhà, nơi là thiên đàng hạnh phúc: bước thoát ra khỏi đời sống hằng ngày bị trói buộc do những ràng buộc căng thẳng vất vả, và lo liệu cho đời sống căng thẳng có tự do những gì không bắt buộc và dẫn dưa đưa đến sự tốt đẹp.

Như thế, môn chơi đã vượt qua cuộc sống hằng ngày. Môn chơi trước hết, nhất là đem đến cho trẻ em, bạn trẻ một bộ mặt đức tính khác: Sự tập luyện bước vào đời sống. Nó vẽ nên dấu chỉ hình ảnh đời sống tự mình phát triển cung cách sống cởi mở tự do.

Với tôi, hấp lực của môn chơi Bóng đá nằm ở chỗ, nó liên kết cả hai khía cạnh này trong một hình thái có sức hấp dẫn thuyết phục.

Nó bó buộc con người, trước hết tự mình thuần thục hóa chính mình qua việc tập luyện để thắng chính mình, qua sự vượt trội có sẵn hay đạt được đưa đến tự do. Thể thao bóng đá cũng dậy cho biết sống chơi kỷ luật với nhau. Trong một đội banh bắt buộc phải khép mình từng cá nhân vào tập thể chung.

Môn thể thao bóng đá nối kết qua cùng chung đích điểm. Thành công hay không thành công của mỗi cá nhân nằm trong liên quan thành công hay không thành công của toàn đội banh.

Nó dậy cung cách chơi đấu thể thao cao thượng khi chống chọi nhau, qua việc tuân giữ luật lệ chơi chung. Có thế cả hai bên đội banh mới có tự do.

Trong khi theo dõi quan sát tranh tài trận bóng đá trên sân cỏ, khán gỉa tự đồng hóa mình với trận chơi và với các cầu thủ đang thi đấu; họ gần như tham dự hăng say tích cực với đội banh gà nhà và cả với đội đối thủ, với sự căng thẳng bó buộc và cả với tự do nữa.

Các cầu thủ chơi chạy trên sân cỏ trở thành hình ảnh biểu tượng của đời sống riêng họ, và tạo ảnh hưởng lại trên họ. Các cầu thủ biết rằng, những người đó tự vẽ nên hình ảnh mình qua các cầu thủ và tìm thấy được công nhận nơi họ.

Lẽ tất nhiên những điều này có thể trở nên bị tiêu hủy, bị làm cho ra xấu xa, khi yếu tố thương mại, tiền bạc chiếm ngự; khi môn chơi thể thao trở thành kỹ nghệ sản xuất, nó tạo ra một thế giới hào nhoáng hình ảnh không tốt đẹp.

Cho dù không tạo ra một thế giới hào nhoáng đầy hình ảnh, không có được lý do tích cực đi nữa trong môn chơi thể thao này: nó vẫn là phần tiền luyện tập thuộc về đời sống và sự bước qua của đời sống đi tìm phương hướng của một thiên đàng hạnh phúc đã bị mất.

Cả hai đều đi tìm kỷ luật của sự tự do, trong mối dây ràng buộc vào luật lệ với nhau, chống chọi lại nhau và của mỗi cá nhân.

Nên rất có thể, chúng ta trong suy nghĩ như thế, rút ra từ môn chơi thể thao bóng đá bài học mới cho đời sống. Nơi môn chơi thể thao này ta nhận ra một nền tảng căn bản: Con người sống không nguyên chỉ bằng cơm bánh thôi.

Vâng, thế giới cơm bánh thật ra chỉ là bước tiên khởi cho đời sống con người, cho một thế giớ tự do. Sự tự do sống còn phát triển qua luật lệ, qua thuần thục giáo dục. Nó dậy cách sống chơi chung và sống thế nào là một đối thủ đúng ngay chính trong cuộc chơi.

Cuộc chơi, đời sống, nếu chúng ta đi sâu vào, có thể hiện tượng của một thế giới hào hứng phấn khởi về bóng đá giúp ta nhận ra nhiều điều vượt xa hơn chỉ là một cuộc vui chơi giải trí.“ (Đức Hồng Y Joseph Ratzinger)

2.2. Đạt đến đời sống nhân bản

Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị, bây giờ là Vị Thánh trong Giáo Hội, đã có lần tâm tình cùng các cầu thủ đá banh:

„ Nghề nghiệp đá banh của các con đòi hỏi nhiều dấn thân hy sinh cùng sự luyện tập chuẩn bị. Những điều này thật đáng tuyên dương đánh gía cao. Cha khuyến khích cổ võ các con, cùng các bạn đồng nghiệp của các con, làm sao biến đổi chiến thắng vô địch quán quân trong thể thao thành chiến thắng vô địch quán quân (champion) trong đời sống; bằng cách tỏ cho con người thấy những gía trị tốt đẹp đó của môn thể thao giúp ích cho họ sống nhân bản xứng đáng con người hơn.“

****************

Trên cầu trường sân cỏ tinh thần dấn thân, sẵn sàng chơi đấu, cung cách đồng đội chơi chung của các cầu thủ, tinh thần thể thao thượng võ tình người giữa các cầu thủ (fairness), sự hào hứng phấn khởi của khán gỉa mộ điệu, là những gía trị tốt đẹp. Những gía trị cao đẹp này có thể từ sân cỏ gây suy nghĩ đi vào tận đời sống con người.

Thể thao bóng đá có thể trở thành một trường học tốt cho con người. Dẫu vậy, như mọi trường huấn luyện khác, trường học thể thao sẽ mất ý nghĩa mục đích của mình, nếu nó chỉ quy vào phục vụ cho riêng mình thôi.

Mùa Bóng đá Euro 2012
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
Nguồn:VCN

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

LỜI CHỦ CHĂN THÁNG 6.2012


LỜI CHỦ CHĂN
TOÀ GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 đường 3/2 Vĩnh Long
30.05.2012

V/v Tham dự Thánh Lễ

Kính gởi: Các Linh Mục,
                Các Tu Sĩ,
                Anh Chị Em Giáo Dân 
                Địa Phận Vĩnh Long.
"Các mục tử phải chú tâm đến việc Cử Hành Thánh Lễ thật sốt sắng và xứng đáng" (Thư chung hậu ĐHDC, số 12).
Về Phép Thánh Thể, trước tiên chúng ta nghĩ đến sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục Sinh trong hình bánh hình rượu để nên lương thực cho chúng ta, để kết hợp chúng ta với Chúa và kết hợp chúng ta với nhau (Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 50, từ 10 đến 17 tháng 6 năm 2012 tại Ireland).
Bây giờ chúng ta nói đến việc biến thể: Nhờ tác vụ của Linh mục, Chúa Thánh Thần  thực hiện một sự biến đổi kỳ diệu, làm cho bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô. Nhờ việc biến thể nầy mà chúng ta "được tham dự vào chính Hy Tế của Chúa" (Sách Giáo Lý của HTCG, số 1322)
 Đó là ý muốn của Chúa Kitô: "Đang khi ăn bữa Tiệc Ly, trong đêm Người bị nộp, Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã thiết lập HyTế Thánh Thể bằng Mình và Máu Người, để nhờ đó, Hy Tế Thập Giá trường tồn qua các thời đại, cho tới khi Người đến, và cũng để ủy thác cho Hiền Thê yêu quý của Người là Hội Thánh  việc tưởng nhớ sự chết và sống lại của Người"   (Vaticanô II, SC 47; Sách GL của HTCG 1323)
Do đó, Thánh Lễ là hành động của Chúa Kitô và của Hội Thánh, không phải của tôi. Tôi không được tự do sửa đổi điều gì. Phải tỏ lòng tôn kính khi cử hành Phụng Vụ Thánh Thể, không tự tiện thêm bớt điều gì (x. SC số 22 ).
Mọi canh tân đích thực trong đời sống Hội Thánh đều khởi sự với Thánh Thể,  nên phải đặt một mục tiêu mục vụ quan trọng là cổ võ lòng yêu mến Thánh Thể: hiểu biết về Thánh Thể, tham dự Phụng Vụ một cách ý thức, linh động và hữu hiệu (x. SC số 11).
Trong việc giảng dạy phải dành cho Thánh Lễ một sự quan tâm đặc biệt. Đây là những lời nhắn nhủ của Đức Hồng Y Tim. M. Dolan: "Đừng bao giờ bỏ qua cơ hội để giải thích đức tin của Hội Thánh trong bài giảng lễ, trong lớp giáo lý. Tôi biết một cha sở đề ra một chương trình tuyệt vời về giáo lý dự tòng với các giáo lý viên đã được huấn luyện dạy mọi bài học, trừ hai bài về Phép Thánh Thể mà cha muốn chính cha đảm trách" (Linh Mục cho ngàn năm thứ ba. Thánh Thể trong đời sống Linh mục).
Mong các cha sở sẽ dành cho mình nhiệm vụ chuẩn bị cho các em rước lễ lần đầu. Không ai có thẩm quyền hơn cha để giới thiệu Hồng Ân Vô Giá  nầy cho các em, vì cha được học biết nhiều và vì cha cử hành hàng ngày.
Điều quan trọng hơn hết vẫn là gương sáng của Linh Mục. Chắc chắn giáo dân muốn thấy Linh Mục dâng lễ với niềm vui, cung kính, và có chuẩn bị.
Giáo dân dễ dàng nhận ra sự quan tâm cũng như lòng đạo đức của cha khi nhìn xem các đồ lễ, chén thánh được gìn giữ cẩn thận, sạch sẽ xứng đáng, cũng như khi thấy Linh Mục luôn tỏ ra trang nghiêm, cung kính trong Nhà Thờ, trước Thánh Thể. Tóm lại, cần có một nghệ thuật thánh.
Giáo dân cần được nhắc nhở phải đi xưng tội trước khi rước lễ, nếu biết mình đang mắc tội trọng, và giữ chay thánh thể trước khi rước lễ. Linh mục cũng phải lo cho mình có tâm hồn thanh sạch  bằng cách thường xuyên lãnh nhận Bí Tích Sám Hối, để "nuôi dưỡng đức khiêm nhường, là nhân đức then chốt cho những ai  muốn làm một môn đệ hoàn hảo của Chúa Kitô" (ĐHY T.M. Dolan).
Thánh Thể là Mầu Nhiệm đức tin, nên phải cầu nguyện để được Chúa ban thêm lòng tin. Cầu nguyện trước Thánh Thể sẽ đem lại an bình cho tâm hồn. Chân Phước Gioan Phaolô II dành nhiều thời giờ trước Thánh Thể để cầu nguyện, để chuẩn bị Thánh Lễ, để soạn những văn thư mà ngài sẽ gởi cho mọi thành phần dân Chúa.
Giáo huấn của Hội Thánh cũng rất cần thiết và bổ ích cho mọi tín hữu. Cho Linh Mục. Hạnh các Thánh lôi kéo và gia tăng  lòng sùng kính Thánh Thể của chúng ta.
Cha thánh Gioan Maria Vianney đã biến cải giáo dân Họ Ars và lôi kéo thật nhiều người trở về với Chúa, nhờ đâu? Ngài làm nhiều việc hy sinh và Cầu nguyện trước Thánh Thể.
"Gương đời sống của chúng ta có thể làm gia tăng hoặc giảm sút thậm chí hủy hoại lòng tôn sùng Thánh Thể. Bất cứ Linh Mục nàolàm việc thành thạo đều phải coi việc canh tân đức tin nơi Thánh Thể là một mục tiêu mục vụ cao nhất" (ĐHY T.M.  Dolan).
+ Tôma Nguyễn Văn Tân
       Giám mục của Anh Chị Em

NGÀY CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA


Lễ Mình Máu Thánh Chúa sắp tới. Họ Đạo thay mặt anh chị em trong Giáo Phận chầu Mình Thánh Chúa. Đây là dịp để mọi người thể hiện lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể. Xin ông bà anh chị em tham dự ít nhất là một giờ Chầu Thánh Thể.

Các phiên Chầu MTC được phân chia như sau :

- Sau Thánh Lễ - 8 giờ : Chầu Chung   
- 8 giờ - 9 giờ : Ô. Trùm Rắc & Biện Cường
- 9 giờ - 10 giờ : Biện Rul & Câu Yên
- 10 giờ - 11 giờ : Biện Phỉ & Biện Hà
- 11 giờ - 12 giờ : Biện Liêm & Biện Tương
- 12 giờ - 1 giờ : Biện Ngon & Biện Phấn
- 1 giờ - 2 giờ : Ca đoàn và TNTT
- 2 giờ : Chầu chung
- 2 giờ 30 : Phép lành bế mạc


Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

Yêu Mến Tham Dự Thánh Lễ Chúa Nhật



Bận - một lý do thường được nhiều người tín hữu chọn để biện minh cho những lần không tham dự thánh lễ Chúa nhật của mình. Bận công việc, bận học hành, bận làm ăn, bận bạn bè... có rất nhiều thứ để "bận", nhưng đằng sau những thứ bận ấy chính là "bận" sự đời hơn là "bận" Chúa. Người ta dám viện cớ bận công việc để không tham dự Thánh lễ Chúa nhật mà lại không dám nói ngược lại là bận tham dự Thánh lễ để hy sinh công việc. Nói một cách khác, nếu đặt hai việc: việc mình và phụng sự Chúa lên bàn cân thì có vẻ như là việc Chúa thường nhẹ hơn trong sự chọn lựa. Vẫn biết làm như thế là sai, là tội nhưng đâu là động lực để người tín hữu can đảm hơn trong việc chọn lựa và dám nói rằng: tôi bận tham dự Thánh lễ Chúa nhật rồi mọi việc khác xin được dời lại phía sau.
Trước hết, tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật là luật truyền của Thiên Chúa: Giới răn thứ 3 Giavê Thiên Chúa đã truyền cho Môsê trong sách Xuất Hành là: "Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh" (Xh 20:8)
Thứ đến, tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật là lệnh truyền của Chúa Kitô: "Khi giờ đã đến, Đức Giê-su vào bàn, và các Tông Đồ cùng vào với Người. Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: "Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy" (Lc 22:14,19).
Sau nữa, tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật là lệnh truyền của Giáo hội: Công đồng chung Vatican II nói rõ khi nhắc đến Thánh lễ ngày Chúa nhật: "Thực vậy, trong ngày đó các Kitô hữu phải họp nhau lại để nghe Lời Chúa và tham dự Lễ Tạ Ơn, để kính nhớ cuộc Thương Khó, sự Sống Lại và vinh quang của Chúa Giêsu Kitô" (Hiến chế về Phụng vụ, V, 106). Trong Giáo luật điều 1247, 1248 hay trong sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo cũng nêu rõ những chỉ dẫn cho người tín hữu thực thi lệnh truyền của Thiên Chúa về ngày Chúa nhật.
Nhưng thật là nặng nề cho các tín hữu nếu việc giữ ngày Chúa nhật chỉ là việc bó buộc của lề luật. Sẽ là hình thức, sẽ là "trả nợ quỷ thần", "đóng thuế" cho Chúa để hoàn thành bổn phận nếu không đi vào mối liên hệ của tình yêu thương.
Trong chương 15 của Tin mừng Thánh Gioan, Chúa Giêsu nói: "Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn... Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi". (Ga 15, 1 - 2. 6). Như vậy, Chúa Giêsu xác định việc liên hệ với Chúa chính là mối liên hệ sống còn (hoặc sống, hoặc chết) ở lại thì sống, không ở lại thì chết giống như cành nho liên hệ với thân nho.
Chúa Giêsu lại nói tiếp: "Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người". (Ga 15, 10). Bí quyết để được sống là ở lại trong Chúa, mà ở lại trong Chúa chính là thực thi lời Chúa dạy. Vậy, việc thực thi Lời Chúa qua việc tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật chính là chọn con đường sống, con đường ở lại trong Chúa và trở thành môn đệ Chúa.
Hơn nữa, khi tham dự Thánh lễ, Thiên Chúa thết đãi cho ta hai bàn tiệc: Lời Chúa và Thánh Thể. Lời Chúa là thần trí và là sự sống, Chúa có lời ban sự sống đời đời (Ga 6, 69). Thánh Thể Chúa là chính Chúa được ban rộng rãi cho những ai muốn lãnh nhận nhất là những ai tham dự Thánh lễ. Như vậy, tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật ta được cơ hội hiệp nhất với Thiên Chúa khi thưởng thức bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể Người.
Sau cùng, tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật là việc gặp gỡ giữa những người yêu nhau trong tình yêu Thiên Chúa. Khi tham dự thánh lễ ta được hiệp thông với anh chị em tín hữu và tất cả cùng nhau tuyên xưng niềm tin, cùng hiệp thông với Thiên Chúa. Người ta không nói là bị gặp người yêu mà nói là hôm nay tôi được gặp người tôi yêu. Người ta có thể phải gác lại, sắp xếp lại mọi chuyện, sẳn sàng hy sinh để đạt được mục đích là gặp người mình yêu. Với Thiên Chúa ta có dám làm như thế không?
Có nhiều nguyên do có thể làm ta lần khần trong chọn lựa của mình. Có thể vì Chúa nhật thì nhiều còn công việc thì lâu lâu có 1 lần, bỏ lễ Chúa nhật thì cũng có thể xưng tội được mà, thời gian còn dài mà gấp gì phải lo.... Những nguyên do này đã được ma quỷ sử dụng để đánh lừa ta trong chọn lựa, làm nhẹ đi lời dạy của Chúa so với quyết định của mình, lừa ta mãi trong mê lầm của tội lỗi, của sự mất cảnh giác. Đồ ngốc, nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi" (Lc 12, 20). Cảnh giác với tội lỗi không bao giờ là sự ngu dại.
Thực tế phải nhận rằng theo Chúa không phải là một chuyện dễ dàng. Chúa Giêsu đã nói:"Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. (Lc 9, 23). Vì thế, để có thể chu toàn bổn phận tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật đòi hỏi người tín hữu phải phấn đấu, phải bỏ mình. Nhưng sự hy sinh trong tình yêu lại là một sự hạnh phúc đích thực, hy sinh vì người mình yêu, hy sinh để được yêu.
Xin Chúa ban cho chúng con tràn đầy lòng mến để chúng con dám "Bận" vì Chúa, biết chu toàn bổn phận tôn thờ và cảm nhận được hạnh phúc vì được ở bên Chúa, ở lại với Chúa, đón nhận sự sống từ nơi Chúa khi chúng con tham dự thánh lễ nhất là Thánh lễ Chúa nhật.

Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

THÁNH LỄ TẠ ƠN CỦA DÌ ANNA


Thánh lễ tạ ơn diễn ra trong bầu khí ấm cúng …
Các Dì đến Họ Đạo để cùng với Dì Anna dâng lời tạ ơn Chúa ban qua hồng ân Vĩnh Khấn vừa rồi.
Bà con trong Họ Đạo Tú San cùng với một số đông bà con giáo dân các Họ Đạo liên hệ đến tham dự Thánh Lễ và chung vui tiệc mừng.
Xin tiếp tục cầu nguyện cho Dì Anna và Các Dì. 
Cũng xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho các em thiếu nhi trong Họ Đạo bước theo Dì Anna trong đời sống tận hiến.

Một vài hình ảnh trong Thánh Lễ và tiệc mừng.