TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH

TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH


HỌ ĐẠO CÁI QUAO KÍNH CHÚC QUÝ CHA, QUÝ TU SĨ NAM NỮ VÀ ANH CHỊ EM GIÁO DÂN ...MỘT MÙA GIÁNG SINH TRÀN ĐẦY TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA CHÚA!

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

TÂM TÌNH ĐÊM VỌNG PHỤC SINH


Chúng ta đã trải qua 40 ngày của Mùa Chay là thời gian chuẩn bị cho việc đón mừng mầu nhiệm Phục Sinh bằng sám hối, ăn năn, hãm mình, đền tội, thực thi bác ái.
Giờ đây chúng ta sắp mừng ngày lễ Phục Sinh của Chúa, chúng ta vui mừng vì Chúa Kitô đã sống lại từ cõi chết. Cùng chết với Ngài, chúng ta sẽ được sống lại với Ngài.
Qua việc lập lại lời tuyên hứa khi chịu Phép Rửa trong nghi thức vọng Phục Sinh, chúng ta khẳng định lại chân lý này và cố gắng mỗi ngày chết cho tội lỗi nhiều hơn để sống lại với Chúa trọn vẹn hơn.
Trong biến cố Phục Sinh bằng quyền năng của Thiên Chúa, ngôi mồ chôn cất Ðức Giêsu được mở ra và Ngài đã bước ra khỏi mồ. Cũng bằng quyền năng của Thiên Chúa, những hòn đá chôn vùi cuộc đời của chúng ta sẽ bị lăn đi, nó có thể là hòn đá của ích kỷ, chỉ biết đến lợi ích riêng mình.
Ðức Kitô Phục Sinh sẽ giúp chúng ta lăn hòn đá đó đi, để biết dấn thân phục vụ Chúa và hạnh phúc của tha nhân. Nó có thể là hòn đá tham lam, mê ăn uống đã từng đè nặng trên tâm hồn và thân xác chúng ta. Nó có thể là hòn đá lãnh đạm, thiếu tình thương đã ngăn cản chúng ta phục vụ Chúa và phục vụ anh chị em. Nó có thể là hòn đá an phận nhút nhát, khiến chúng ta chỉ giữ đạo trong Chúa nhật qua việc xem lễ, đọc kinh. Chúa Kitô Phục Sinh sẽ giúp chúng ta sống đạo, sống niềm tin, thực thi bác ái một cách tràn đầy tình mến hơn.

Xin ánh sáng Phục Sinh Chúa chiếu soi tâm hồn u tối chúng con giúp chúng con thức tỉnh bước vào đời sống mới trong Chúa. Amen


VỌNG PHỤC SINH


VỌNG PHỤC SINH

Trong đêm Vọng Phục Sinh, Cây Nến Phục Sinh là tâm điểm của cử hành Phụng Vụ. Đức Giêsu Kitô đã ra khỏi mồ tối tăm, đã chiến thắng thần chết, và trở thành Nguồn Ánh Sáng, Sự Sống cho nhân loại. Để đánh mốc thời gian lịch sử cứu độ, trong đêm ấy, linh mục chủ tế khắc ghi trên nến với những dấu chỉ như sau:

• "Đức Kitô là một, (vẽ đường dọc)
• Hôm qua cũng như hôm nay, (Vẽ đường ngang)
• Là Alpha và là Omega, (Viết chữ Alpha trên cây Thánh Giá)
• Nghĩa là Khởi nguyên và tận cùng, (Viết chữ Omega ở phía dưới Thánh Giá)
• Người làm chủ thời gian, (Viết số đầu của năm đó bên góc trái phía trên Thánh Giá).
• Và muôn thế hệ, (Viết số thứ hai của năm nơi góc phải phía trên Thánh Giá).
• Vạn Tuế Đức Kitô, Đấng vinh hiển quyền năng, (Viết số thứ ba của năm góc trái phía dưới Thánh Giá).
• Vạn vạn tuế. Amen, (Viết số thứ tư của năm nơi góc trái phía dưới Thánh Giá).
Với năm hạt hương biểu thị năm dấu đinh của Chúa Giêsu khổ nạn được gắn trên cây nến Phục Sinh, gắn trên mỗi góc của Thánh Giá, vừa gắn vừa đọc:

• Vì năm vết thương
• Chí thánh và vinh hiển.
• Xin Chúa Kitô
• Gìn giữ
• Và bảo vệ chúng ta." (Sách Lễ Roma).



Khi ghi dấu năm cứu độ chung quanh trục cây Thánh Giá, Giáo hội cũng ghi khắc vào đó cả khối tình tri ân của những năm hưởng nhờ hồng ân cứu độ trong lịch sử thời gian. Thánh Giá nối trời với đất trong không gian mênh mông. Thánh Giá là điểm thâu họp lịch sử dọc theo dòng thời gian. Thánh Gía bao gồm hai chiều kích ấy. Đức Kitô là trung tâm điểm của không gian và thời gian.

Hình Thánh Giá viết trên Cây Nến Đêm Vọng Phục Sinh, có ý nghĩa thâu họp vạn vật, mang ý nghĩa vũ trụ. Thánh Irénée viết: "Ngài đã đến dưới dạng hữu hình với những gì thuộc về Ngài, Ngài đã trở thành xác thịt và xác thịt ấy đã được treo lên cây Thập tự để bằng cách ấy thâu họp vào mình cả vũ trụ". Thánh Giá trở thành trục thế giới. Thánh Cyrille ở Jérusalem viết: “Chúa Trời đã dang hai tay trên cây Thập Tự để ôm lấy bờ cõi Vũ trụ và vì vậy núi Golgotha là trục thế giới". Trên trục vũ trụ ấy có treo lên một người Con của Thiên Chúa. Thánh Phaolô thì diễn tả trục này: "Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô" (Ep 1, 10).

Là Trục của thế giới, Thánh Giá có trung tâm điểm là Đức Giêsu Kitô. Nhìn theo chiều kích cánh chung, thời gian sau cùng nhân loại sẽ chịu sự phân chia, bên tả hoặc bên hữu. Đó là thời gian của sự phán xét. Trục còn có nghĩa là mốc tuyển chọn, những người được tuyển chọn và những người tự mình đánh rơi. Thánh Phaolô nhìn trục này như sự phân chia Lề Luật và Đức Tin, phân chia tâm hồn con người thành hai phần, nhục thể và Thần Khí, để rồi cho thấy sự thống nhất của phân chia là việc hóan cải, tái sinh, công chính hóa, lề luật, nhờ vào niềm tin cuộc khổ nạn của Đức Giêsu trên Thánh Giá.

Là trục của thế giới, nhìn theo chiều kích cánh chung, Thánh Giá biểu trưng là chiếc thang, một chiếc thang đưa con người đi lên tham dự vào đời sống của Thiên Chúa. Một chiếc thang để đất trời không còn xa nhau. Chiếc thang nhiệm mầu mà thánh Nữ Perpétue thấy trong ngày chịu tử đạo: "Tôi nhìn thấy một cái thang bằng đồng thanh, cao khác thường, vươn tới tận trời, nhưng hẹp tới mức chỉ có thể đi lên từng người một: Hai bên thang tua tủa các khí giới: Kiếm, giáo, móc câu, gươm, như vậy mà nếu người nào lên mà lơ đãng, không chú ý nhìn lên trên cao, sẽ bị tan nát thịt da, để lại những mảng thịt mắc vào những khí giới đó. Và bên dưới cái thang có một con rồng to lớn dị thường, nằm đó chăng bẫy những ai đạp chân lên thang, làm cho họ khiếp sợ không dám trèo lên. Còn tôi, khi tôi đặt chân lên trên bậc thang thứ nhất, tôi đã đạp lên đầu con rồng đó, thế là tôi đi lên được và nhìn thấy một khu vườn rộng mênh mông". Chiếc thang có những bậc của thử thách.
Niềm an bình sẽ xuất hiện khi bước lên bậc thang thứ nhất. Và cứ thế theo từng bậc niềm an bình sẽ được gia tăng cho đến khi hòan tòan ở trên đỉnh thang. Muốn đi lên cao, cần rũ bỏ, rũ bỏ làm cho nhẹ nhàng thanh thóat trên đường đi lên. Đó cũng là thời gian dành cho việc cầu nguyện và ăn chay thực thi đức ái để trút bỏ mỗi ngày trong cuộc sống.

Thánh Giá là sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa. Bởi vì “Sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người” (1Cr 1, 24 -25).Thánh Giá đã trở thành dấu chỉ của tình yêu hy vọng và sự sống.

Thánh Phaolô có một ước muốn: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô”(Gl 6,14).

Đức Cha Lambert de la Motte sáng lập Dòng Mến Thánh Giá. Chắc hẳn ngài đã cảm nghiệm sâu sắc về Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô nên mới có ý tưởng này! Dòng Mến Thánh Giá là Hội Dòng chọn Đức Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của tình yêu của lòng trí. Kể cũng thật lạ! Không chọn cái gì nhẹ nhàng mà lại chọn Đấng chịu đóng đinh trên Thánh Giá, phải vác phải mang ách nữa chứ! Ngài có thành công gì đâu trước mắt người đời! Có nhẹ nhàng gì đâu trước mắt trần thế! Thế nhưng, Đấng chịu đóng đinh là hồng ân cứu rỗi. Chọn con đường theo Chúa là đi vào con đường hẹp. Một chọn lựa khôn ngoan vì đã chọn chính Đấng Cứu Độ. Thánh Giá là đỉnh cao ơn cứu độ. Mến Thánh Giá là tình yêu cao nhất của đời dâng hiến. Từ đó nẻo đường cứu độ mở ra cho bản thân và có khả năng giúp cho những người khác tiến vào nẻo đường ấy.

Thánh Giá đã in sâu và gắn chặt với Chúa Giêsu Kitô. Ngay cả sau khi Chúa sống lại vinh quang, các vết thương khổ nạn thập giá vẫn hiển hiện vẫn không bị xóa nhòa. Thánh Giá Chúa Kitô xuyên qua thời gian và hiện diện trong mỗi giây phút cuộc đời chúng ta. Sự hiện diện ấy làm thay đổi tất cả.

Đêm Vọng Phục Sinh, cả nhà thờ lung linh ánh nến. Từ cây nến mẹ, nến Phục Sinh ánh sáng thắp lên các cây nến nhỏ trên tay mọi người. Lửa Phục Sinh bừng cháy, sáng rực nhà thờ, rạng rỡ từng khuôn mặt, ấm áp mọi tâm hồn. Cử chỉ chuyển lửa Phục Sinh, thắp sáng cho nhau là một hình ảnh tuyệt đẹp. Đây là đêm rất đẹp trong ánh sáng chứa chan tình Chúa, tình người.

Ánh Sáng Phục Sinh đem lại sự sống mới cho toàn thể loài người khi tất cả được nâng lên và được kéo về bình diện siêu nhiên qua Thánh Giá, trong tình yêu viên mãn của Đấng Cứu Độ. Chúa Kitô đã tỏa chiếu Ánh Sáng Tình Yêu qua toàn bộ hành vi yêu thương trên Thánh Giá.

Nếu như thập giá phô diễn bạo lực tội ác và đau thương thì Thánh Giá mạc khải Tình Yêu Thiên Chúa đối với nhân loại. Trong Tình Yêu ấy, Đức Kitô đã chỉ cho nhân loại con đường sống ngang qua cái chết. Trong Tình Yêu ấy, chúng ta ngắm nhìn, chiêm ngưỡng suy niệm để nhận ra những giá trị đích thực của cuộc sống qua Mầu Nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô.

Nếu thập giá là biểu tượng của đau khổ thì Đấng chịu đóng đinh đã chiến thắng đau khổ. Chúa Kitô đã tạo ra sự khác biệt hoàn toàn giữa thập giá và kẻ bị đóng đinh. Khi nhận lấy thập giá, Chúa Kitô đã dùng tình yêu biến đau khổ thành niềm vui. Tình yêu làm cho thập giá trở thành Thánh Giá.

Thánh Giá biểu tượng cho cuộc chiến đấu của Chúa Giêsu và cũng là biểu tượng cho tình yêu mạnh hơn sự chết và cho sự Thiện sẽ giành chiến thắng cuối cùng trên sự Ác.

Thánh Giá là cánh cổng dẫn vào sự sống, thất bại chuyển thành chiến thắng, sự sống bị tước đoạt trở thành sự sống viên mãn, ai đánh mất mạng sống mình sẽ tìm gặp lại sự sống, ai can đảm chết cho Chúa Kitô sẽ được sống muôn đời.

Trong xã hội tiêu thụ và hưởng thụ ngày nay, bóng tối của quyền lực, tiền của, danh vọng, lạc thú đang che mờ bóng thánh giá. Con người đang lao mình vào bóng tối bằng mọi giá. Xã hội hôm nay cần phải được ánh sáng của Thánh Giá soi dẫn. Từ Thánh Giá Ðức Kitô, tình thương chúc phúc thế gian, sự sống chan chứa cho lòng người.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Giữa sự chết và phục sinh, Chúa Giêsu ở đâu ?

Giữa sự chết và phục sinh, Chúa Giêsu ở đâu ?

Trong khoảng thời gian từ khi Chúa Giêsu chịu chết vào 3 giờ chiều thứ Sáu tới khi Ngài sống lại vào đầu ngày Chúa nhật Phục sinh, Ngài ở đâu? Cả Kinh thánh và Tông truyền đều trả lời câu hỏi này. Hãy cân nhắc vài điều sau đây:

Trích từ một bài giảng cổ về Thứ Bảy Tuần Thánh, khoảng thế kỷ II: Sự im lặng bao trùm trái đất, vô cùng lặng lẽ và tĩnh mịch. Tĩnh lặng vì Vua đang yên giấc. Trái đất run sợ và tĩnh lặng vì Thiên Chúa yên nghỉ trong nhục thể và Ngài đã phục sinh những người đã chết từ khi thế giới khởi sự… Ngài đã đi tìm Adam, thân phụ của chúng ta, như con chiên thất lạc. Ước muốn thăm những người sống trong bóng tối của sự chết, Ngài đã trả tự do cho Adam và Eve. Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là Con của Eve… “Ta là Thiên Chúa của các ngươi, Đấng vì các ngươi mà trở nên Con của các ngươi… Ta ra lệnh cho các ngươi, hỡi những người còn ngủ mê, hãy trỗi dậy. Ta không tạo dựng các ngươi để bị giam cầm trong hỏa ngục. Hãy trỗi dậy từ cõi chết, vì ta là sự sống của kẻ chết”.

Không gì đẹp hơn những từ được nói với Adam và Eva: “Ta là Thiên Chúa của các ngươi, Đấng vì các ngươi mà trở nên Con của các ngươi”.

Kinh thánh cũng chứng tỏ Chúa Giêsu đi gặp kẻ chết và những gì Ngài đã làm: “Chính Đức Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi – Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương- hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh… Chính vì thế mà Tin Mừng đã được loan báo ngay cho cả những kẻ chết, để tuy bị phán xét về phần xác theo cách nhìn của loài người, họ được sống về phần hồn theo ý định của Thiên Chúa” (1 Pr 3:18; 1 Pr 4:6).

Hãy cân nhắc đoạn văn này nói về việc Chúa Giêsu gặp kẻ chết (Giáo lý Công giáo, số 631-635):

Ý nghĩa có trong bài giảng về việc Chúa Giêsu xuống Ngục tổ tông vì Chúa Giêsu, cũng như mọi người, đã trải qua sự chết và linh hồn Ngài kết hợp với người khác trong thế giới của người chết.

Nhưng Ngài xuống đó với tư cách là Đấng Cứu Độ, công bố Tin Mừng cho những vong linh bị giam cầm ở đó (1 Pr 3:18-19; 1 Pr 4:6; Dt 13:20). Kinh thánh gọi đó là nơi ở của kẻ chết, Đức Kitô tử nạn xuống đó vì những người ở đó bị tước quyền nhìn thấy Thiên Chúa (1 Pr 3:18-19).

Trường hợp của những kẻ chết là vậy, dù tội lỗi hay công chính, họ mong chờ Đấng Cứu Độ: Chính những linh hồn thánh này đã mong chờ Đấng Cứu Độ của họ… những người mà Chúa Kitô đã giải thoát khi Ngài xuống Ngục tổ tông (x. Tv 89:49; 1 Sm 28:19; Ed 32:17; Lc 16:22-26).

Chúa Giêsu không xuống hỏa ngục để giải thoát những kẻ bị nguyền rủa, cũng không hủy hoại Ngục tổ tông mà để giải thoát những người chết trước Ngài.

Thậm chí Tin Mừng cũng được rao giảng cho những người chết. Việc xuống Ngục tổ tông đem lại cho Phúc âm sứ điệp cứu độ để hoàn tất. Đây là giai đoạn cuối của sứ vụ cứu thế của Chúa Giêsu, một giai đoạn được cô đọng đúng lúc nhưng rộng rãi về tầm quan trọng thực tế: sự lan truyền công cuộc cứu độ của Đức Kitô đối với mọi người ở mọi thời đại và mọi nơi, để những người được cứu đều được thông phần Ơn Cứu Độ.

Đức Kitô chịu chết để “kẻ chết sẽ nghe tiếng của Con Thiên Chúa, và ai nghe thì được sống” (x. 1 Pr 4:6). Chúa Giêsu, “tác giả của sự sống”, bằng cái chết, Ngài đã kủy diệt sức mạnh của tử thần, nghĩa là ma quỷ, và những người qua nỗi sợ của sự chết được phải khuất phục mãi mãi” (x. Ga 5:25; Mt 12:40; Rm 10:7; Ep 4:9).

Do đó, Chúa Kitô Phục sinh nắm giữ “chìa khóa của tử thần và hỏa ngục”, để “khi nghe tên Giêsu, mọi gối phải bái quỳ, cả trên trời, dưới đất và hỏa ngục” (x. Dt 2:14-15; Cv 3:15).

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Archdiocese of Washington)



THÁNH GIÁ

THÁNH GIÁ 

Đinh Văn Tiến Hùng 3/27/2013

“- Này là gỗ Cây Thánh Giá đã treo Đấng Cứu Chuộc nhân loại.

-Ta hãy đến thờ lạy! “ ( Lời suy tôn Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh )

* Ý nghĩa & Nguồn gốc: Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá thời vua Cezar và quan tổng trấn Do Thái là Philatô vào năm 33 sau Công nguyên. Trong đế quốc La-mã thời Chúa Giêsu, chết treo trên thập giá là cực hình cho kẻ trọng tội. Sau khi bị đánh đòn tội nhân phải vác thập giá tới pháp trường. Tử tội bị lột hết quần áo, cột hay đóng đinh vào khổ giá, có khi bị treo ngược đầu xuống đất, trên đầu ghi một bản án. Ngoài sự đau đớn thể xác, còn là sự ô nhục tinh thần…Thập giá còn được gọi là thập tự giá, khổ giá, hay thập ác.

Tương truyền Thánh Helene thân mẫu hoàng đế Constantine đã tìm thấy Thánh Giá vào năm 326 và một phần Thánh Giá hiện nay đặt tại nhà thờ Thánh Groce, La-mã. Thánh Giá chính thức được tôn vinh vào năm 312 khi đại đế Constantine được thị kiến ban đêm trên bầu trời Cây Thánh Giá sáng ngời với

Dòng chữ Hy Lạp: EN TONTÔ NIKA (theo dấu này sẽ chiến thắng), nên vua truyền mang Thánh Giá ra trận và đã đánh bại quân Maxcence. Thánh Giá đã từng bị quân đội Ba-Tư cướp mất và sau nhiều năm chiến đấu vua Heraclius đã lấy lại được. Chính nhà vua vác Thánh Giá rước trọng thể về Jerusalem đặt

trên núi Calavario ngày 14/9/629 và từ đó Giáo Hội mừng kính Lễ suy tôn Thánh Giá hàng năm vào ngày 14/9.

- Thánh Giá là cây thập tự Đấng Cứu Thế chết treo trên đó để chuộc tội loài người.

- Làm dấu Thánh Giá có 2 cách: đơn và kép- Đơn là giơ bàn tay làm dấu từ trán xuống ngực, qua vai trái sang phải và chắp 2 tay lại- Kép là vạch hình Thánh Giá trên trán, miệng và ngực.

Vì thế Thánh Giá mang nhiều ý nghĩa linh thiêng cao trọng :

- Làm dấu Thánh Giá mang 3 ý nghĩa:

(1) Tuyên xưng mình là Ki-tô hữu và tuyên xưng Chúa cứu độ ta bằng Thập giá.

(2) Kêu xin Chúa giúp ta bằng sức mạnh cây Thánh Giá.

(3) Hiến dâng cho Chúa việc ta sắp làm trong tinh thần vâng lời và phục vụ Chúa.

- Thánh Giá là Tình yêu Thiên Chúa ban cho nhân loại.

- Thánh Giá biểu tượng linh thánh Ki-tô-giáo.

- Thánh Giá đồng hành với chúng ta trong đời sống.

- Thánh Giá là Danh Thánh Chúa Ki-tô trên trời dưới đất muôn loài kính lạy.

- Thánh Giá khiến ma quỉ tà thần khiếp sợ.

- Thánh Giá là chỉ dấu Ki-tô hữu dùng hàng ngày trước kinh nguyện, bữa ăn, các việc trọng đại.

- Thánh Giá dùng trong các nghi lễ, các phép bí tích, á bí tích…

- Thánh Giá là chìa khóa mở cửa Thiên đàng.

*Biểu tượng:

- Cây Thánh Giá trên đỉnh tháp các giáo đường là biểu tượng Thánh đường Công giáo.

- Cây Thánh Giá xây trên mộ huyệt các Ki-tô hữu qua đời trong Nghĩa trang.

- Thánh Giá đặt trên bàn thờ các gia đình Ki-tô-giáo.

- Cây Thánh Giá treo phía trên bàn thờ tế lễ.

- Thánh Giá dẫn đầu đoàn rước kiệu.

- Thánh Giá mở đầu và kết thúc chuỗi hạt Mân Côi.

- Các tu sĩ một số dòng mang Thánh Giá trên tu phục.

- Các vị Chủ tế giơ cao Thánh Giá hay giơ tay theo hình Thánh Giá chúc lành giáo dân tham dự nghi lễ.

- Thánh Giá thường được làm bằng kim quí hay đá quí có giây đeo tôn kính trước ngực.

- Thánh Giá được tôn kính trọng thể Thứ Sáu Tuần Thánh.

- Thánh Giá là trọng tâm trong biểu tượng Năm Đức Tin.

- Trên đầu Thánh Giá thường thấy 2 chữ viết tắt : INRI và I.H.S –

( INRI : JESUS NAZARENUS REX JUDAEORUM – JESUS người Nazareth vua dân Do Thái, ’Bản án kết tội Chúa do lệnh Philatô treo trên thập giá’ - I.H.S : JESUS HOMINUM SALVATOR – Đấng Cứu Độ loài người )



ĐOẢN THI 14 CHẶNG


ĐOẢN THI 14 CHẶNG… (Ghi lại từ bài đăng của Ngư Phủ)

Thứ Sáu Tuần Thánh.
Hãy cùng với Ngư Phủ suy niệm 14 chặng đàng Thánh Giá Đức Giêsu Kytô Chúa chúng ta, cũng là những chặng đời của mỗi người, bằng hình thức Đoản Thi (Thơ ngắn, chỉ là 4 câu 7 chữ - thất ngôn tứ tuyệt. Tựa của mỗi Đoản Thi cũng chỉ có 1 từ!). Ước mong được kết hợp những khổ đau đời thường của chúng ta với cuộc Khổ Nạn và Tử Nạn của Ngài, để rồi ta sẽ được cùng Ngài Phục Sinh… (Rm 6.8; IITm 2.11)
… … …

MỜI.
Mời Bạn cùng tôi đi 'hành hương'
Chặng đàng thập giá giữa đời thường.
Bước theo chân Chúa lên đồi vắng...
Trải nếm cùng Ngài Biển Yêu Thương.

MẸ.
Xin Mẹ giúp con đến Can-vê.
Khổ giá trần gian quá nặng nề.
Lê thân theo Chúa, bao lần ngã.
Có Mẹ đỡ nâng, vượt cõi mê.

Chặng 1:
Chuyện nực cười đến bi hài:
Chúa tể vũ hoàn bị một hạt bụi nhỏ tuyên án tử hình!

ÁN.
Hạt bụi ngông nghênh tuyên: 'Đóng đinh!'
Chúa tể trần gian bị tử hình...
Đứng giữa thế nhân đầy thù hận.
Thánh Giá bao dung hết tội tình...
Chặng 2:
Vị Chúa tể trở thành con chiên gánh tội,
oằn mình vác thánh giá, dưới sức nặng của tội lỗi bao người... bao thời...

MANG.
Thánh Giá oằn vai, lê bước chân,
Giê-su gánh tội cả gian trần...
Phận người bất công, ty tiện quá!
Xin giúp chúng con mãi canh tân.

Chặng 3:
Càng yêu thương, càng trở nên yếu đuối!
Chúa tể Tình Yêu té ngã dưới sức nặng của thập giá,
của tội tình... vì quá yêu thương!

VẤP.
Cuộc đời dương thế vốn lênh đênh.
Đường lên Đồi Sọ quá gập ghềnh...
Vấp ngã, niềm đau, vầng mây xám!
Mong Chúa cảm thông, đỡ con lên.

Chặng 4:
Gặp được Mẹ, người thân yêu nhất để động viên và để được động viên... trên bước đường cứu độ của Đức Kytô, Con Thiên Chúa làm người.

RU.
Gặp Mẹ thân yêu... lòng tả tơi.
Nấc nghẹn lưỡi gươm thấu cuộc đời
Xin giúp tim con thêm rộng mở
Chữ hiếu tròn nôi, tiếng à ơi...

Chặng 5:
Simon Kyrene được đi vào lịch sử cứu độ bằng việc góp phần tích cực trong cuộc Khổ nạn: Nâng đỡ cho Chúa cái ách nặng nề của tội...

ĐỠ.
Kẻ trước, người sau, vác thập hình...
Góp phần đón nhận phúc trường sinh
Si-mon chất phác nêu gương sáng:
Nâng đỡ tha nhân tận sức mình!

Chặng 6:
Cô Vêrônica được Chúa in khuôn mặt thần thánh của Ngài vào chiếc khăn...
Đẹp biết bao lòng tri ân trong thống khổ!

IN.
Phận gái, Vê-ron chẳng quản thân
Chen lau mặt thánh, chị góp phần...
Thần Diện rạng ngời tận tâm khảm!
Xin giúp chúng con biết tri ân.

Chặng 7:
Ngài lại té ngã trên đường.Thập giá quá nặng!
Nặng như u tình của loài người bội bạc...

TÉ.
Trưa hè, nắng lửa, quánh mồ hôi
Bóng đổ liêu xiêu hắt lưng đồi...
Té ngã đau thương oằn thập tự.
Cứu vãn tình con bạc trắng vôi.

Chặng 8:
Thiên Chúa ngoảnh lại, ngỏ lời với con người (qua các chị phụ nữ ở Jerusalem) khi con người đang ở tận cùng của tuyệt vọng, của nỗi đau chất ngất...

THƯƠNG.
Chúa vẫn gượng đi trong héo hon,
Nữ tử Si-on khóc mỏi mòn.
Sẻ chia sầu muộn, lời an ủi...
Xin ghé mắt trông phận chúng con.

Chặng 9:
Thần - Nhân tiếp tục té ngã,
Không những chỉ là 3, mà là rất nhiều...

NGÃ.
Vun vút làn roi xé không trung,
Té ngã trong đau đớn hãi hùng
Ba lần chưa phải là tất cả...
Giúp con chỗi dậy mãi đến cùng.

Chặng 10:
Con người lột hết quần áo của Ngài ra giữa thanh thiên bạch nhật, trước bao nhiêu con mắt của mọi người trai gái trẻ già...
Nỗi đau thể xác và nỗi đau tinh thần, cái nào khủng khiếp hơn?
Hay cả hai ???

TRẦN...
Quá đau, quá nhục... Thiên Chúa ơi!
Áo quần bị chúng lột hết rồi...
Đau đớn cộng sinh hồn và xác.
Vậy mà con cứ xênh xang thôi...

Chặng 11:
Chúa bị đóng đinh ghim vào thánh giá...
Ngày xưa như thế và ngày nay cũng thế.
Và chính con là người thi hành án, đóng đinh anh em mình là hình ảnh Chúa...

GHIM.
Trời nắng chang chang, tiếng hò la,
Chát chúa đóng đinh, tiếng khóc oà...
Con có mặt trong đội hành quyết
Lăm lăm chiếc búa 'thiếu vị tha'!

Chặng 12:
Chúa tắt thở trên thập giá.
Nhưng sự sống thật sự đã lên ngôi...
Ơn cứu độ đã hoàn tất và có giá trị miên viễn.

TỬ.
Vũ trụ kinh hoàng khủng khiếp thôi,
Hoàng Tử Tình Yêu đã chết rồi?
Hơn ba chục năm nay 'hoàn tất'.
Để sự sống con được sinh sôi...

Chặng 13:
Xác Chúa được tháo xuống khỏi thánh giá...
Nỗi khổ đau lặng lẽ của Mẹ và những người 'có lương tri' không biết phải mô tả thế nào, khi nhìn thấy Chúa của mình còn tệ hại hơn cả một tử thi...

THÁO.
Lặng lẽ niềm đau vút thinh không
Hài Nhi thuở ấy Mẹ ẵm bồng...
Nay một tử thi bê bết máu!
Tâm hồn như lịm chết đêm đông.

Chặng 14:
Chúa được an táng trong thạch mộ.
Dường như cái cứng cỏi và lạnh giá của đá đã theo Ngài từ khi sinh ra trong hang đá cho đến lúc an táng trong huyệt đá...

TÁNG.
Giàu sang, nghèo khó, khác gì đâu?
Đến chết vẫn không chỗ tựa đầu!
Thế thái nhân tình lạnh như đá...
Làm thân lúa miến phải vùi sâu.

NGUYỆN.
Chúa muốn cùng con sống giữa đời...
Thương buồn cay đắng quá Chúa ơi!
Xin trợ giúp con thêm mạnh sức,
Bước theo chân Chúa mãi không thôi.

VUI.
Thánh giá đời con quá tuyệt vời.
Vác đi theo Chúa mãi không thôi.
Từng chặng sướng vui, con đếm bước...
Tay trong tay Chúa mãn nguyện rồi!

CHUYỆN GÌ XÃY RA TRONG NGÀY THỨ SÁU TUẦN THÁNH

Chuyện gì còn lại trong ngày hôm nay?

PHÚT CUỐI: Truyện dài ngắn nhất. Chuyện có thật, chia làm 9 tập, mỗi tập 1 phút. Hãy chia sẻ với Chúa những đau khổ mà Ngài đã chịu trên đường thánh giá năm xưa.

HOÀN TẤT !

Matthêu 27,38-66 - Marcô 15,25-47 - Luca 23,25-36 - Gioan 19,28-42

Cùng bị đóng đinh với Người, có hai tên cướp, một tên bên phải, một tên bên trái.

39 Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu40 vừa nói: "Mi là kẻ phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào! "41 Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người mà nói:42 "Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là Vua Ít-ra-en! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền!43 Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! Vì hắn đã nói: "Ta là Con Thiên Chúa! "44 Cả những tên cướp cùng bị đóng đinh với Người cũng sỉ vả Người như thế.

45 Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín.46 Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: "Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni", nghĩa là "Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con? "47 Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói: "Hắn ta gọi ông Ê-li-a! "48 Lập tức, một người trong bọn chạy đi lấy miếng bọt biển, thấm đầy giấm, buộc vào đầu cây sậy và đưa lên cho Người uống.49 Còn những người khác lại bảo: "Khoan đã, để xem ông Ê-li-a có đến cứu hắn không! "50 Đức Giê-su lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn.

51 Ngay lúc đó, bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Đất rung đá vỡ.52 Mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy.53 Sau khi Chúa trỗi dậy, các ngài ra khỏi mồ, vào thành thánh, và hiện ra với nhiều người.54 Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Đức Giê-su đều rất đỗi sợ hãi và nói: "Quả thật ông này là Con Thiên Chúa."

55 Ở đó, cũng có nhiều người phụ nữ đứng nhìn từ đàng xa. Các bà này đã theo Đức Giê-su từ Ga-li-lê để giúp đỡ Người.56 Trong số đó, có bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Ma-ri-a mẹ các ông Gia-cô-bê và Giô-xếp, và bà mẹ các con ông Dê-bê-đê.

Mai táng Đức Giê-su (Mc 15: 42 -47; Lc 23: 50 -55; Ga 19: 38 -42 )

57 Chiều đến, có một người giàu sang tới. Ông này là người thành A-ri-ma-thê, tên là Giô-xếp, và cũng là môn đệ Đức Giê-su.58 Ông đến gặp ông Phi-la-tô để xin thi hài Đức Giê-su. Bấy giờ tổng trấn Phi-la-tô ra lệnh trao trả thi hài cho ông.59 Khi đã nhận thi hài, ông Giô-xếp lấy tấm vải gai sạch mà liệm,60 và đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá, dành cho ông. Ông lăn tảng đá to lấp cửa mồ, rồi ra về.61 Còn bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a ở lại đó, quay mặt vào mồ.

Lính canh mồ

62 Hôm sau, tức là khi ngày áp lễ đã qua, các thượng tế và những người Pha-ri-sêu kéo nhau đến ông Phi-la-tô,63 và nói: "Thưa ngài, chúng tôi nhớ tên bịp bợm ấy khi còn sống có nói: "Sau ba ngày, Ta sẽ trỗi dậy."64 Vậy xin quan lớn truyền canh mộ kỹ càng cho đến ngày thứ ba, kẻo môn đệ hắn đến lấy trộm xác rồi phao trong dân là hắn đã từ cõi chết trỗi dậy. Và như thế, chuyện bịp cuối cùng này sẽ còn tệ hại hơn chuyện trước."65 Ông Phi-la-tô bảo họ: "Thì có sẵn lính đó, các ngươi hãy đi mà canh giữ theo cách các ngươi biết! "66 Thế là họ ra đi canh giữ mồ, niêm phong tảng đá và cắt lính canh mồ.







Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

TUNG HÔ THÁI TỬ KITÔ



CHÚA NHẬT LỄ LÁ.
Hai Tê Miệt Vườn 

TUNG HÔ THÁI TỬ KITÔ

Toàn dân phấn khởi Tung hô,
Chúc mừng Thái Tử, Kitô vào thành.
Và Ngài hiến trọn bản thân,
Chết trên thập giá, cứu dân tội tình.

Sẵn sàng chịu mọi cực hình,
Để cho người thế hưởng tình của Cha.
Ngài đêm vui sống trong nhà,
Hưởng bầu Thần Khí thật là thân quen.

Cõi lòng sạch hết ghét ghen,
Chẳng còn quyền lực , bao phen giận hờn.
Mọi người nhận được muôn ơn,
Từ Cha nhân hậu cội nguồn tình yêu.

Cành nho nhựa sống phong nhiêu,
Hằng luôn xanh tốt sinh nhiều quả hoa.
Loài người cất tiếng hoan ca,
Với muôn Thần Thánh dâng Cha chữ Tình.

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT LỄ LÁ – C


“LỜI CHÚA LÀ NGỌN ĐÈN SOI CHO CON BƯỚC, 
LÀ ÁNH SÁNG CHỈ ĐƯỜNG CON ĐI”. (Thánh vịnh 119, câu 105).
SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT LỄ LÁ – C
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.(Lc 19, 28 – 40)

Khi ấy, Chúa Giêsu đi trước lên Giêrusalem. Và xảy ra là khi Người đến gần Bếtphaghê và Bêtania, giáp núi gọi là núi Cây Dầu, Người sai hai môn đệ đi và bảo rằng: "Các con hãy đến làng trước mặt kia, vừa vào làng, các con sẽ gặp con lừa con cột sẵn đó chưa ai cỡi bao giờ; các con hãy mở dây mà dẫn về. Và nếu có ai hỏi các con "Tại sao các ông mở dây?", thì hãy nói thế này: "Vì Chúa cần dùng đến nó". Hai người được sai ra đi, và gặp lừa con đứng đó như Chúa đã bảo. Hai ông đang mở dây lừa con, thì chủ nó hỏi rằng: "Sao các ông mở dây lừa con?" Hai ông đáp: "Vì Chúa cần đến nó". Hai ông dắt lừa về cho Chúa Giêsu, trải áo lên mình lừa và đặt Chúa lên trên. Dọc đàng, người ta trải áo trên lối đi. Khi Người đến gần triền núi Cây Dầu, tất cả đoàn môn đệ hân hoan lớn tiếng ca ngợi Chúa về mọi phép lạ họ đã thấy mà rằng: "Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời". Một vài người biệt phái trong đám đông nói cùng Người rằng: "Thưa Thầy, xin hãy mắng các môn đệ Ngài đi". Chúa Giêsu nói: "Tôi bảo cho các ông biết: nếu họ làm thinh, thì những viên đá sẽ la lên". 

Đó là lời Chúa. 
CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU
HÔM XƯA VÀ HÔM NAY
Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Qua bài thương khó năm nay, thánh Luca thuật lại cho chúng ta vô vàn đau khổ mà Đức Giê-su Ki-tô phải chịu vì tội lỗi chúng ta. Người ta đua nhau lên án Chúa Giê-su, xô đẩy Người vào chỗ chết.
Trước hết, “các thượng tế và kinh sư tìm cách thủ tiêu Chúa Giê-su” (Lc 22,2).

Biết trước những khổ đau hết sức khủng khiếp sắp giáng xuống trên mình, Chúa Giê-su “lâm cơn xao xuyến bồi hồi”, Người cầu nguyện khẩn thiết với Chúa Cha. Người kinh hoàng đến nỗi “mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22,44).

Dù vậy, cả ba môn đệ thân tín được Chúa Giê-su đem theo Người vào vườn Dầu vẫn say ngủ li bì, không màng gì đến nỗi thống khổ Thầy mình đang chịu (Lc 22,45).
Kế đó, Giu-đa dẫn đầu một đám đông mang gươm giáo gậy gộc đến bắt Chúa Giê-su như bắt một tên gian ác (Lc 22,47). Các môn đệ còn lại bỏ trốn. Sau đó, Phê-rô theo Người xa xa nhưng rồi cũng đã chối bỏ Chúa đến ba lần. (Lc 22, 57. 58. 59). “Những kẻ canh giữ Đức Giê-su thì nhạo báng đánh đập Người” (Lc 22, 63). Còn “các thượng tế và kinh sư thì tố cáo Người dữ dội” (Lc 23, 10). “Cả vua Hê-rô-đê cũng như thị vệ đều khinh dể Người ra mặt nên khoác cho Người một chiếc áo rực rỡ mà chế giễu” (Lc 23, 11).

Về phần mình, Phi-la-tô muốn tha cho Chúa Giê-su, nhưng dân chúng lại đòi: “Giết nó đi, thả Ba-ra-ba cho chúng tôi!” 
Khi Phi-la-tô tỏ ý muốn tha Chúa Giê-su lần thứ hai, thì dân chúng cứ một mực la lớn: "Đóng đinh! Đóng đinh nó vào thập giá!". Lần thứ ba, ông Phi-la-tô biện minh rằng Chúa Giê-su không làm gì nên tội đáng phải chết, thì họ cứ la to hơn, nhất định đòi phải đóng đinh Người. Và tiếng la càng thêm dữ dội (Lc 23, 20-23).
Thế là rốt cuộc, ông Phi-la-tô phải trao Chúa Giê-su cho họ. Họ bắt Người vác thập giá đến pháp trường.

Rồi khi đến nơi gọi là "Đồi Sọ", họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái (Lc 23, 33)
Các thủ lãnh, cả lính tráng cũng cười nhạo Người. Ngay cả một trong hai tên gian phi cùng chịu án thập giá với Chúa Giê-su cũng nhục mạ Người dù Người đang bị treo thân trên thập giá. (Lc 23,39)

Hôm nay, Chúa Giê-su vẫn còn tiếp tục chịu khổ hình
Trước muôn vàn đau thương Chúa Giê-su phải chịu; trước bao lăng nhục, nhạo cười, phỉ nhổ trút lên Chúa Giê-su, những người con cái Chúa có đem lại cho Người một chút an ủi nào chăng hay đang đồng lõa với đám dân vô ơn để lăng nhục Người?
Biết bao lần con cái Chúa đã vô tình hùa theo quân nhạo báng để phỉ nhổ Chúa Giê-su khi gây ra những điều tai tiếng khiến cho khuôn mặt của Giáo Hội và Chúa Giê-su bị lem luốc thảm hại.
Biết bao lần con cái Chúa đã quất những lằn roi xé thịt vào thân mình Chúa khi họ gây ra đau khổ hay thương tích cho người khác.
Biết bao lần con cái Chúa đã thọc sâu lưỡi đòng vào tim Chúa khi chạy theo xa hoa, lạc thú mà bỏ rơi bao người cùng khổ quanh mình. 

Lạy Chúa Giê-su,
Khổ nạn Chúa chịu hôm xưa chắc chắn ít nhức nhối đau thương như khổ nạn mà Chúa đang chịu hiện nay.
Nỗi đau của Chúa càng tăng thêm vạn lần hơn khi chính con cái trong nhà lại trở thành những tên đao phủ, những người hành hình Chúa cách tàn bạo bằng vô vàn tội lỗi dưới mọi hình thức của mình. Biết đến bao giờ chúng con mới cảm thương những đớn đau Chúa chịu do tội chúng con gây ra và biết rằng đã đến lúc phải dừng tay lại, đừng tiếp tục hành hình Chúa nữa?

Lm. Inhaxiô Trần Ngà 



Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

Thánh lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của ĐGH Phanxicô

Thánh lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của ĐGH Phanxicô: 
bảo vệ người nghèo và môi trường
Lm Gioan Trần Công Nghị 3/19/2013

Đức Thánh Cha Phanxicô khai mạc sứ vụ Phêrô và triều đại giáo hoàng của ngài hôm nay thứ ba 19.3 lễ kính thánh Giuse với thánh lễ trọng thể với sự hiện diện của hằng trăm ngàn người cùng với các vị đại diện các tôn giáo và các nhà lãnh đạo các quốc gia tại Quảng trường Thánh Phêrô. 



Thánh Lễ chính thức khai mạc sứ vụ Phêrô của Đức Giáo hoàng Phanxicô là giám mục Roma và là người lãnh đạo mới của Giáo hội Công giáo với 1,2 tỷ người trên toàn thế giới.



Thánh lễ bắt đầu với Thánh giá nến cao đi đầu và cuộc rước từ trong đền thờ thánh Phêrô tiến ra bàn thờ đặt trên các cấp tiền đường vương cung thánh đường. Đoàn rước tiến đi trong khi ca đoàn hát kính cầu Các Thánh, trong đó có tên các Thánh giáo hoàng tiền nhiệm.



130 phái đoàn đoàn đại biểu các quốc gia và tôn giáo có mặt hôm nay, trong đó có 6 quốc vường, tổng thống, đặc biệt có Tổng thống Argentina là Cristina Fernandez và Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, các nhà lãnh đạo khác cũng như người đứng đầu nhiều quốc gia và nhiều tín ngưỡng.



Đức Thượng phụ Đại kết Bartholomew từ Istanbul, nhà lãnh đạo tinh thần của Chính Thống Giáo lần đầu tiên tham dự Thánh Lễ khai mạc của một vị giáo hoàng Roma kể từ có cuộc ly khai giữa Kitô giáo Tây phương và Đông phương vào năm 1054.



Trong bài giảng, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng: "Nhiệm vụ của Giáo Hội có nghĩa là tôn trọng mỗi tạo vật của Thiên Chúa và tôn trọng các môi trường chúng ta đang sống. Nó có nghĩa là bảo vệ người, thể hiện mối quan tâm yêu thương người mỗi, đặc biệt là trẻ em, người già, những người có nhu cầu, mà thường là những người cuối cùng mà chúng ta nghĩ tới họ".



Ngài nói rằng bất cứ khi nào con người không thể chăm sóc cho môi trường và cho nhau thì “con đường được mở tới hủy diệt và trái tim trở thành sơ cứng. Thật là bi kịch trong mỗi giai đoạn lịch sử luôn có ‘những người như Herođê’ mưu toan sự chết, tàn phá và hủy diệt bộ mặt người nam và người nữ."



ĐTC Phanxicô, cựu Hồng Y Jorge Bergoglio của Argentina, khi được bầu làm Giáo hoàng lấy tên mới là Phanxicô theo tên của Thánh Phanxicô thành Assisi, một biểu tượng của sự khó nghèo, từ thiện, đơn giản và tình yêu thiên nhiên. Từ ngày được bầu làm Giáo hoàng cho đến nay, ĐTC Phanxicô tiếp tục lên tiếng rằng sứ mệnh của Giáo Hội là để bảo vệ những người nghèo và có hoàn cảnh khó khăn.



ĐTC Phanxicô, giáo hoàng đầu tiên thuộc Dòng Tên, mang niềm hy vọng cho sự thay đổi và canh tân trong một Giáo Hội đang bị vây quanh bởi một cuộc khủng hoảng toàn cầu sâu.



Trong bài giảng, Đức Thánh Cha kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hãy trở thành “những người bảo vệ lẫn nhau và bảo vệ môi trường... Chúng ta đừng quên rằng hận thù, ghen tị và niềm tự hào làm ô uế cuộc sống của chúng ta. Là những người bảo vệ, cũng có nghĩa là để mắt canh giữ trên các cảm xúc và trái tim của chúng ta."



Trước Thánh lễ, Đức Thánh Cha lưu diễn quanh quảng trường Thánh Phêrô trong một chiếc xe jeep màu trắng. Dân chúng đứng đông nghẹt quảng trường. Họ từ khắp nơi đến đây. Tay vẫy cờ hân hoàn chào đón Đức Thánh cha Phanxicô trong ngày trọng đại hôm nay. ĐTC Phanxicô dừng lại thường xuyên để chúc lành cho họ, hôn trẻ sơ sinh và khi nhận ra trong một người tàn tật, Ngài liền ban phép lành cho người này.



Trước Thánh lễ, ĐTC Phanxicô nhận chiếc nhẫn ngư phủ và dây pallium lông cừu, tượng trưng quyền Giáo hoàng, đã được đặt qua đêm trên ngôi mộ của Thánh Phêrô dưới bàn thờ của vương cung thánh đường.



Nhiều người trong đám đông nói rằng họ đã có hy vọng rất cao về một triều đại giáo hoàng Phanxicô, một người được tiếng là đơn sơ, khiêm nhường và luôn quan tâm tới người nghèo và những người thấp hèn.



Buổi lễ khai mạc sứ vụ Phêrô được tiến hành trên cấp bậc tiền sảnh trước thánh đường thánh Phêrô, kéo dài khoảng 2 giờ. 



Sau thánh lễ ĐTC Phanxicô đến chào hỏi và bắt tay các nhà lãnh đạo các quốc gia trong vương cung thánh đường thánh Phêrô.



Huy hiệu mới Đức thánh cha Phanxicô lấy lại huy hiệu cũ của Ngài khi còn làm Hồng Y Jorge Mario Bergoglio có thêm vào phía sau mũ giáo hoàng và chìa khóa thánh Phêrô. Huy hiệu cũ gồm ba biểu tượng được bố trí thành ba đỉnh của một tam giác cân. Đỉnh phía trên cùng của tam giác này là ánh mặt trời với chữ IHS ở giữa là biểu tượng của danh thánh Chúa Giêsu theo tiếng Hy Lạp IHSOUS (ΙΗΣΟΥΣ). 



Ở phía dưới bên trái là một ngôi sao năm cánh, cùng với nền màu xanh, tượng trưng cho Đức Trinh Nữ Maria. Ở phía bên tay phải, là một chùm nho tượng trưng cho Chúa Giêsu như người gieo trồng Đức Tin.



Bên dưới là khẩu hiệu của ngài “Miserando atque Eligendo” bằng tiếng Latin có nghĩa là "Thấp hèn nhưng lại được chọn", đề cập đến một đoạn trong Thánh Kinh trong đó tường thuật việc Chúa chọn người thu thuế Matthêu.

















THÁNH CẢ GIUSE, BỔN MẠNG CỦA HỌ ĐẠO

Xin Thánh Cả Giuse cầu bàu cùng Chúa cho các Gia Đình trong Họ Đạo chúng con mỗi ngày thêm lòng tin và lòng kính mến Chúa. Amen



VỊ GIA TRƯỞNG GƯƠNG MẪU



V gia trưng gương mu


Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
Gia đình truyền thống của Việt Nam bao gồm ông bà, cha mẹ và con cái cùng chung sống. Trong nếp sống này, ông bà nhận được sự kính trọng và hiếu thảo từ nơi con cháu; vợ chồng yêu thương nhau; cha mẹ là chỗ dựa vững chắc về vật chất và tinh thần cho con cái; còn con cái là tương lai và niềm hy vọng của gia đình và xã hội.


Thế nhưng các giá trị quý báu đó đang bị mai một dần, mái ấm gia đình có nguy cơ biến thành nhà trọ, để vợ chồng và con cái nghỉ chân mỗi khi đêm về. Là Kitô hữu và nhất là với tư cách gia trưởng trong gia đình, bạn nghĩ gì về thực trạng này?


Sẽ có nhiều lý do để biện minh, nhưng dù sao đi chăng nữa, người gia trưởng là người có trách nhiệm lớn nhất trong gia đình.
Nhân ngày đại lễ kính thánh Giuse, bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta cùng nhau học hỏi về đời sống gương mẫu của vị gia trưởng. Ta thấy, thánh nhân là người Do thái đạo đức, giữ luật một cách nhiệm nhặt. Ngài cũng là người chồng, người cha mẫu mực. Nhưng trên hết mọi sự, thánh Giuse đã biết kết hiệp mật thiết với Chúa cả trong đời sống cầu nguyện cũng như đời sống lao động.


1. Thánh Giuse, một mẫu gương cầu nguyện
Cả đời thánh nhân là một lời cầu nguyện liên lỉ. Ngài luôn kết hiệp mật thiết với Chúa, nhờ đó ngài luôn nhận ra thánh ý Chúa và mau mắn thực hành. Phúc Âm kể:
·        Khi Đức Mẹ mang thai trước khi về chung sống, chắc chắn lòng Giuse lúc đó rối như tơ vò. Nhưng khi đã nhận ra thánh ý Chúa và biết được Đức Mẹ chịu thai bởi Chúa Thánh Thần, ngay lập tức, Giuse đón nhận Maria về sum họp.
·        Khi được thiên thần báo cho biết vua Hêrôđê tìm giết Hài Nhi Giêsu, tức thì thánh nhân đưa Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập.
·        Rồi khi thiên thần bảo đem Hài Nhi về, ngài liền thi hành ngay.


Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Giusecũng đều chạy đến với Chúa để đón nhận thánh ý của Người. Bầu khí cầu nguyện bao trùm lên cuộc sống của ông và tiếp cho ông một sinh khí: thánh ý Chúa trở nên lương thực của thánh nhân.


2. Thánh Giuse, một mẫu gương lao động
Phúc Âm cho chúng ta biết thánh Giuse làm nghề thợ mộc. Ngài đã chọn nghề này làm kế sinh nhai và để nuôi sống gia đình Nazareth. Vẫn biết rằng nghề thợ mộc chẳng nhàn hạ chút nào, càng không thể làm giầu được, thế nhưng thánh nhân vẫn làm nghề này với tất cả lòng yêu mến trong suốt thời gian dài (ít là khoảng thời gian Chúa Giêsu sống ẩn dật tại gia đình Nazareth).


Lao động không đơn thuần vì mưu sinh, cao hơn thế, thánh Giuse dùng đó làm phương tiện để nên thánh. Ngài đã thánh hoá công việc, biến lao động thành lời cầu nguyện, biến xưởng mộc thành nguyện đường. Ngài đã khoác cho lao động một ý nghĩa: lao động là để cộng tác với Chúa trong công trình sáng tạo và là phương thế để nên thánh. Với mẫu gương này, thánh Giuse đã được Giáo Hội tôn làm quan thầy giới lao động.


Lao động và cầu nguyện là hai thứ không thể tách rời và không thể thiếu trong đời sống Kitô hữu. Nếu lao động nuôi sống thân xác, thì cầu nguyện giúp ta gặp gỡ Chúa và nhận ra thánh ý của Người. Thế nhưng việc cầu nguyện và lao động của chúng ta còn mang tính vụ lợi.
·        Xưa thánh Giuse cầu nguyện để nhận ra thánh ý Chúa và đón nhận cách mau mắn, thì nay chúng ta cầu nguyện thường để bắt Chúa làm theo ý ta.
·        Xưa thánh Giuse lao động với tất cả lòng yêu mến và dùng nó để nên thánh, thì nay chúng ta lao động một cách chẳng đặng đừng: lao động chỉ vì đồng tiền bát gạo.


3. Bài học áp dụng
3.1 Vậy ngay từ hôm nay, khi bắt tay vào bất cứ công việc gì bạn hãy thử làm với tất cả lòng yêu mến và ý thức đó là phương tiện giúp bạn phục vụ Chúa và tha nhân.


3.2 Và mỗi khi đứng trước một biến cố trong cuộc đời, bạn thử tìm đến Chúa và xin Người chỉ bảo, xem kết quả ra sao?

3.3 Đồng thời bạn hãy tin rẵng xưa kia thánh Giuse đã dùng tài trí, sức lực, lòng dũng cảm và can đảm để bảo vệ gia đình Thánh Gia qua mọi cơn thử thách, thì nay làm sao ngài có thể làm ngơ không cầu bầu trước mặt Chúa cho chúng ta, mỗi khi chúng ta gặp thử thách?



Vâng, ngài thật gần gũi với mọi gia đình của chúng ta, thật xứng đáng là quan thầy mọi gia đình. Vậy mỗi khi gia đình chúng ta gặp thử thách, hãy đến với thánh Giuse.

Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng





Công bố huy hiệu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô


VATICAN. Hôm 18-3-2013, Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố huy hiệu của ĐGH Phanxicô.
Nòng cốt huy hiệu này giống huy hiệu Tổng Giám Mục của ngài.
Huy hiệu gồm có mũ Giám Mục có 3 nấc, với hai giải mầu đỏ, cùng với hai chìa khóa: một vàng một trắng được nối với nhau bằng một giây màu đó. Ở giữa là phần huy hiệu GM cũ của ĐTC gồm một thuẫn nền xanh da trời, ở giữa là hình mặt trời chiếu sáng ở trung tâm có hình thánh giá với 3 chữ viết tắt IHS, nghĩa là Chúa Giêsu Đấng Cứu Nhân. Đây cũng là biểu hiệu dòng Tên, xuất xứ của ĐTC. Dưới 3 chữ đó là 3 cái đinh màu đen. Bên dưới có hình ngôi sao và một bông hoa hương cam tùng (nardo). Ngôi sao tượng trưng Đức Mẹ Maria Mẹ Chúa Kitô và Giáo Hội; bông hoa hương cam tùng chỉ thánh Giuse bổn mạng Giáo Hội hoàn vũ, vì theo truyền thống hình ảnh Tây Ban Nha, thánh Giuse được tượng trưng bằng một nhành cây hoa hương cam tùng. Qua các biểu hiệu này, ĐTC muốn biểu lộ lòng sùng mộ đặc biệt đối với Mẹ Maria và Thánh Giuse.
Khẩu hiệu
Dưới các biểu hiệu đó là khẩu hiệu của ĐTC cũng là khẩu hiệu GM của ngài: Miserando atque Eligendo (Cảm thương và chọn), rút từ bài giảng của thánh Bêđa, chú giải sự tích Phúc Âm Chúa nhìn thấy Mathêu người biệt phái, ngài cảm thương và gọi ông theo Ngài. Thánh nhân viên. Câu đó là: ”Vidit ergo Jesus publicanum et quia miserando atque eligendo vidit, ait illi Sequere me” (Chúa Giêsu thấy một người thu thuế và ngài nhìn ông với tâm tình yêu thương và chọn ông, Ngài nói: Hãy theo Ta”.
Bài giảng này là một lời ca ngợi lòng từ bi Chúa và được diễn lại trong Phụng vụ các giờ kinh lễ thánh Mathêu. Bài giảng ấy có một ý nghĩa đặc biệt trong cuộc đời và hành trình thiêng liêng của ĐGH. Thực vậy vào lễ thánh Mathêu năm 1953, thanh niên Jorge Bergoglio, 17 tuổi, đặc biệt cảm thấy sự hiện diện của Chúa trong đời mình. Sau khi xưng tội, anh cảm thấy con tim được đánh động và cảm thấy lòng từ bi Chúa xuống trên anh, với cái nhìn yêu thương dịu hiền, Ngài gọi anh đi vào đời sống tu trì, theo gương thánh Ignatio Loyola.
Sau khi được chọn làm Giám Mục, Đức Cha Bergoglio nhớ lại biến cố ấy đã đánh dấu khởi sự cuộc tận hiến cho Chúa trong Giáo Hội, nên đã quyết định chọn câu nói của thánh Bêđa ”miserando atque eligendo”, như khẩu hiệu và chương trình sống của mình, và ĐTC muốn diễn tả lại cả trong huy hiệu Giáo Hoàng của Người. (SD 18-3-2013)
G. Trần Đức Anh OP
Theo R. Vatican