TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH

TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH


HỌ ĐẠO CÁI QUAO KÍNH CHÚC QUÝ CHA, QUÝ TU SĨ NAM NỮ VÀ ANH CHỊ EM GIÁO DÂN ...MỘT MÙA GIÁNG SINH TRÀN ĐẦY TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA CHÚA!

Thứ Tư, 7 tháng 11, 2012

KINH TIN KÍNH CỦA CON QUA CUỘC SỐNG



Năm Đức Tin- và Trọn Cuộc Đời

Tin là khi làm dấu thánh giá tuyên xưng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: Cha-Con-Thánh Thần.

Tin là chấp nhận- tuân phục giáo lý Hội Thánh giảng dạy- yêu mến và sống thực hành.

Tin là khôn ngoan- can đảm- dấn thân- hy sinh- phục vụ vô điều kiện.

Tin là bước vào mầu nhiệm mà người tin mới cảm nếm Chúa Thiện Hảo thế nào.

Tin là cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm nhưng không kém phần kỳ thú qua những ân sủng của Chúa thật bất ngờ và vĩ đại.

Tin là khám phá nơi mọi người- mọi vật- sự quan phòng yêu thương qua Chúa Thánh Thần.

Tin là nhận ra tất cả đều là Hồng Ân đến từ Chúa qua thanh luyện hay hạnh phúc.
Tin là sống 24/24 với tâm tình của Chúa trong không gian và thời gian.

Tin là bước đi trong thung lũng tối tăm và nước mắt, nhưng tâm hồn vẫn thấp lên ánh lửa hy vọng và cậy trông.

Tin là nhận ra những thực tại vô hình nơi hữu hình và ngược lại.

Tin là sống tâm tình thờ phượng: yêu mến- hiến dâng- hiệp thông- thanh luyện suốt cuộc đời.

TIN: TÔI TIN- TÔI TIN- TÔI TIN

Tất cả Lời Chúa qua Kinh Thánh- Giáo Hội và chính tôi qua mầu nhiệm trong đau khổ, thử thách nghiệt ngã của cuộc đời.

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh: Cha- Con- Thánh Thần

Con xin tín thác nơi Chúa: Hôm qua- Hôm nay- Tương lai- mãi mãi
Amen

Rosa Minh Thu

Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

Tôi Theo Đạo Chúa



Hoàng Thị Đáo Tiệp

             Tại sao tôi theo đạo? ” là câu hỏi- hết sức sức thiết thân và vô cùng quan trọng về cái gốc đã khơi nguồn cho đức tin của mỗi người- được tòa báo Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ ưu ái đặt ra trong số báo tháng 10/2012 để nhắc nhớ và mời gọi mọi người cùng nhìn lại. Báo số tháng 10/2012 là số báo khởi đầu cho NĂM ĐỨC TIN. Đương kim Đức Giáo Hoàng Biển Đức thứ 16 hôm sáng ngày 17/10/2011 đã cho công bố Tông thư tự sắc “ Porta Fidei” để mở NĂM ĐỨC TIN và năm nầy được “ bắt đầu từ ngày 11 tháng 10 năm 2012,  kỷ niệm 50 năm khai mạc Cộng đồng chung Vatican 2, và sẽ kết thúc vào lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ ngày 24 tháng 10 năm 2013”.
               Là một giáo dân trong cộng đoàn dân Chúa đồng thời cũng là một trợ bút của toà báo, tôi nồng nhiệt hưởng ứng lời mời gọi nầy với sự biết ơn tận đáy lòng. Vì đây là dịp cho tôi tự trở về  tìm lại chính tôi: việc của “ Tôi Theo Đạo Chúa” để thêm cảm tạ biết sao vừa hồng ân Chúa thương ban cho đời mình được diễm phúc làm con cái Ngài. Cũng như giúp tôi thêm quyết tâm phải năng xét mình để thấy đức tin và lòng mến Chúa của mình nếu có được tăng trưởng thêm thì tốt, còn nếu bị trồi sụt, phôi pha, nguôi lạnh hạy thậm chí có đang đi chệch đường so với cái thuở ban đầu thì kịp thời chấn chỉnh lại.  Bởi thuở đó, nguyện ước của tôi hễ được theo đạo Chúa là mình chỉ có muốn đỡ đần và an ủi Chúa, chớ không bao giờ làm điều chi cho Chúa phải khổ thêm…
                Không biết với những người kitô hữu khác thế nào chớ với tôi thì tôi xác tín việc mình được theo đạo Chúa là do hồng ân Chúa thương ban. Chớ Chúa mà không thương ban thì ở vào tình cảnh của tôi không dễ chi biết Chúa, nói gì được theo đạo Chúa! Tôi mạnh dạn xác tín như vậy vì tôi được mở mắt chào đời trong một gia đình mà cả hai bên nội bên ngoại thảy đều không có đạo Chúa. Ngay đến ba má tôi khi ấy lại đang là cán bộ thoát ly. Má thì chưa chớ ba đã là đảng viên của Đảng Cộng Sản Việt Nam và ba má đang vào trong chiến khu Đồng Tháp, nên tôi được sinh ra trong đấy…. Dù hoàn cảnh xuất thân của tôi như vậy đó, nhưng một khi Chúa đã muốn thương ban là Ngài có sẵn cái “plan” để hoạch định cả một chương trình cho việc tôi được biết Chúa, được vào đạo Chúa, được sứ mạng phục vụ Chúa vì không ai được Chúa tạo dựng nên mà không có sứ mạng phục vụ cho Thánh ý yêu thương của Ngài…. Chương trình đó khởi đầu là việc tôi sinh ra cứ bị ốm đau quặt quẹo thừa chết thiếu sống! Thêm đúng lúc phải tập kết ra miền Bắc mà tôi lại mới chỉ vừa qua được căn bệnh kiết lỵ dai dẳng tưởng đã bó tay, nên ba má tôi không dám đem tôi theo sợ tôi bị chết dọc đường. Vì tập kết ra Bắc là phải đi đường thủy cả tháng mới tới. Do đó tôi được trao cho ông bà ngoại đem về Bến Tre nuôi
                Ở làng Hương Mỹ tỉnh Bến Tre quê ngoại tôi không có nhà thờ. Lần đầu tiên tôi bước chân đến nhà thờ là lúc tôi được lên học lớp Đệ Thất ở huyện Mỏ Cày, vì Mỏ Cày mới có nhà thờ. Tôi lên Mỏ Cày ở trọ nhà bà Ba đi học. Bà là chị của bà ngoại kế tôi. Ông ngoại tôi có bà ngoại kế vì bà ngoại ruột tôi mệnh chung lúc má tôi mới được hơn một tháng tuổi. Bà Ba đạo Phật, chồng bà khuất bóng, bà cạo đầu, tu tại gia, tụng kinh sáng tối râm rang. Nhưng dì Sáu con gái bà- lớn tuổi độc thân- thì đạo Chúa nhờ có người chị lấy chồng đạo Chúa nên theo. Tôi đi nhà thờ là theo dì Sáu đi cho biết vậy thôi vì ở Hương Mỹ có chùa nên tôi cũng từng theo người ta đi chùa cho biết, chớ ngoại tôi, dì, cậu tôi không thấy đi chùa bao giờ! Hơn nữa cũng do đám con nít chúng tôi hồi ở Hương Mỹ hay có tụ tập nhau chơi trò “Thiên Đàng Địa Ngục” với câu hát là “ Thiên đàng địa ngục hai bên, ai khôn thì dại ai dại thì khôn. Đêm nằm nhớ Chúa nhớ cha, đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn …” mà nghe nói các câu hát nầy xuất phát từ ngôi nhà thờ cất ở trên đất của ông Hội Đồng Sĩ, ngoài làng Tân Hương. Làng Tân Hương thì giáp ranh với làng Hương Mỹ và ngoại tôi ở chỗ giáp nước. Những lúc theo ngoại đi xuồng ra Tân Hương, tôi có được ngoại chỉ cho biết địa điểm của ngôi nhà thờ dù chỗ ấy hiện đâu còn nhà thờ nữa( chẳng hiểu sao ông lại chỉ tôi thế). Địa điểm ấy, nơi mà bơi xuồng từ xa là đã thấy vút lên ngọn cây trông như cái cột xanh chỉa thằng lên trời. Đó là loại cây hiếm thấy ở đây vì đâu có nhà nào trồng. Nên tôi theo dì Sáu đi nhà thờ cũng để muốn xem cho biết còn những gì hiếm thấy nữa….
               Nhà thờ dì Sáu dẫn tôi đến ở gần bến xe lam và nằm phía bên trái con đường chính đi vô khu bán trái cây trước nhà lồng chợ Mỏ Cày. Vào nhà thờ, hình ảnh đập vô mắt tôi là thấy sao thờ một ông nom “xấu xí” và khốn khổ quá đi thôi( do mắt tôi vốn quen với hình ảnh của tượng ông Phật Thích Ca thờ ở chùa được tạc trong cái thế có da có thịt lại ngồi thiền, nên tuyệt đẹp và tuyệt thanh thản)?! Vì người ông đã ốm nhom ốm nhách, đầy máu tươm mà còn bị phơi ra trần trụi và đóng khố chớ chẳng có quần áo mặc! Ông lại ở trong cái thế bị chết treo trên hai miếng ván chấp thành hình chữ thập nên xác thân cứ như đang oằn oại thảm thương!
              Với trí óc ngây thơ của đứa con gái nhỏ nặng bầu tâm sự (vì thấy người ta có cha có mẹ còn mình thì không! Mà tôi hồi đó ốm nhom ốm nhách xấu xí lắm, nên có người bảo tôi rằng tại tôi ốm nhom ốm nhách xấu xí thấy ghê, ba má tôi chẳng lẽ thả trôi sông, mới tống về cho ngoại nuôi! Chớ anh Hai tôi có da có thịt, má đỏ môi son đẹp trai nên ba má cưng yêu dẫn theo nuôi….), tôi nghĩ ngay rằng “ông nầy” tại do xấu xí ốm nhom ốm nhách nên ba má “ổng” mới không thương, bỏ mặc cho rách rưới tồi tàn ! Ông lại bị ai ức hiếp, đánh đập hành hạ đến đổ máu thế, hay ông tự mình rủi ro vấp té lên miếng ván mà trúng phải chỗ nghiệt làm ông  bị chết, nhưng ba má ông đã bỏ rơi ông nên đâu có hay để cứu chăng?! Vì tôi hồi đó cũng có lần bị té trên khúc cây làm cầu bắc ngang qua mương dừa ở vườn nhà ngoại. Té xuống, tôi  lết được qua bờ nhưng lăn ra chết giấc chẳng biết bao lâu, chừng tỉnh dậy thấy có máu và đau khiếp! Rồi tôi tự đi về nhà, chẳng nói chẳng rằng với ai kể cả với ông ngoại vì sợ bị đòn( sao mà sợ dại thế không biết). Cũng chẳng có thuốc thang chi, may là vẫn khỏi…Cho nên tôi ứa nước mắt thương ông mà cũng thương mình luôn. Và tôi đã có đến trước tượng ông, xúc động thưa thốt những lời xuất tự đáy lòng: “Con thấy con cũng giống ông lắm! Hổng biết ông có thương con không, chớ con thấy ông là con thương liền. Bởi vậy nếu sau nầy hễ con mà được theo đạo của ông thì con hứa: con chỉ có đỡ đần và an ủi ông chớ không bao giờ con làm điều chi cho ông phải khổ thêm nữa đâu”…
                 Bẵng đi 8 năm sau, tôi được rửa tội để vô đạo nhờ lấy ông xã có đạo. Đến lúc nầy tôi mới hiểu suy nghĩ vỡ lòng ấy của mình về Chúa Giêsu bị sai hoàn toàn! Bởi đấy là do Chúa Giêsu vì  quá yêu thương nhân loại tội lỗi, bất tuân được Chúa Cha tạo dựng nên trong đó có tôi,  Ngài mới vâng ý Chúa Cha giáng trần, mặc kiếp phàm nhân, tự nguyện chịu nạn, chịu chết khốn khổ nhục nhã như vậy để cứu chuộc… Nhưng tôi vẫn cám ơn cái sai ấy của mình , vì nhờ thế tôi mới dễ dàng mở lòng mình đón Chúa ngự vào. Ngay đến những lời tôi xúc động hứa với Chúa buổi ấy, tôi vẫn nguyện giữ mãi và quyết phải thực hiện được tới đâu mừng tới đó tùy theo mức hiểu biết của mình về Chúa ngày một tăng.
                Quyết là vậy nhưng cái khó “ngất trời” vẫn là việc thực hiện! Chả vì tôi yêu thương tôi nên tôi luôn muốn tự khẳng định cái tôi của mình mọi nơi mọi dịp! Chớ tôi có ghét bỏ được mình đâu mà đưa thân ra cho mặc ai hiếp đáp, vu khống, chà đạp, lợi dụng…mà cứ phải nhín nhịn và luôn chịu thua, chịu nhường, chịu thiệt như Đức Chúa Giesu của tôi yêu!  Vì Ngài từ trên trời cao xuống nên ở Ngài có cái quãng đại không cùng của trời cao, chớ tôi người trần mắt thịt từ đất thấp sinh ra nên tôi có cái bẩn chật, thấp bé của mình dễ chi giũ bỏ được…
                 Bởi vậy để có thể vượt qua được cái khó “ngất trời” nầy, tôi thấy mình phải dành thời giờ liên lỉ cho việc học hiểu cũng liên lỉ về đạo Chúa của mình theo. Nên tôi đã và đang học ở chính cuộc đời Chúa Giêsu qua những lời Ngài dạy cùng các việc Ngài làm được ghi chép trong các sách Tin Mừng. Tôi học ở gương sống của các vị Thánh vì các ngài vốn cũng người trần mắt thịt như tôi. Tôi học cả ở cách sống, lời giảng dạy cùng việc làm, việc hãm mình nhẫn nại phục vụ mãi không nguôi cho dân Chúa và cho tha nhân nơi quý tu sĩ, nơi các giáo dân hăng say, đạo đức hiện đang cùng sống với mình. Và trên tất cả thì tôi dẫu có vui buồn sướng khổ hay thành bại thế nào cũng mặc: tôi cứ đều đặn chạy đến với Chúa mỗi ngày trong kinh nguyện mà nhất là trong Thánh Lễ là tôi thấy cái khó “ngất trời” nầy được tuột dần, tuột dần mãi xuống … Vì có thể nói cứ mỗi lần tham dự Thánh Lễ, tôi lên rước Mình Thánh, bao người khác cùng đang tham dự Thánh lễ với tôi dẫu có sang cả hơn tôi hay dẫu họ có bị tôi không ưa không thích, thậm chí tôi thù ghét … thì Chúa vẫn ban cho họ được rước Ngài cũng một bánh Thánh đồng hình đồng dạng như bánh Thánh tôi rước. Chính điều nầy làm tôi cứ ngày một, ngày một nguôi ngoai dần mọi sự không ưa không thích người nầy người nọ, nói chi dám giận ghét họ nữa. Đặc biệt hôm nào mà được rước Mình Thánh Chúa bẻ đôi, bẻ tư là tôi hiểu Chúa muốn tôi hôm đó phải sẻ chia nhiều hơn: thì y như rằng hôm đó tôi có việc để sẻ chia và sẻ chia đến…đau đớn nữa kìa (vì như bánh Thánh bị bẻ ra)! Mà hễ tôi chịu sẻ chia thì dẫu mình tuy bị tốn công, nhọc sức, hao hụt tiền bạc… nhưng đêm về ngồi tính sổ với Chúa là tôi được tràn ngập niềm vui. Còn nếu tôi tính toán thiệt hơn nên tiếc rẻ, hoặc hẹp hòi không sẻ chía thì ôi đêm về tôi bị trở trăn thảm khổ lắm! Vì tôi hiểu mình trói lỡ bị lỗi lời mình đã hứa với Chúa nữa rồi, hứa rằng: “ hễ con mà được theo đạo của ông thì con hứa: con chỉ có đỡ đần và an ủi ông chớ không bao giờ con làm điều chi cho ông phải khổ thêm nữa đâu”! Mà Chúa thì muốn tôi được sống vui tươi hạnh phúc nên tôi tự làm cho mình bị trở trăn thảm khổ là tôi gián tiếp làm cho Chúa phải khổ thêm! Và ai đó nếu họ làm cho tôi buồn khổ là họ cũng gián tiếp làm cho Chúa khổ vậy! Thế thì cả tôi với ai đó đều cùng là tội nhân tức đối tượng để Chúa thương yêu đến phải chịu nạn chịu chết cứu chuộc cho…sẽ nỡ lòng nào cư xử nhau thế  sao?! Hoặc cứ ở mãi trong sự hẹp hòi, lầm lạc của mình mà coi được sao nếu như mình biết năng tham dự Thánh Lễ với rước Mình Thánh Chúa mỗi ngày…..
             Một lần nữa con xin chân thành cám ơn Đức Thánh Cha công bố NĂM ĐỨC TIN, cám ơn quý linh mục ở toà báo Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ đã gợi ra chủ đề: Tại Sao Tôi Theo Đạo? Con đã nhận được chủ đề nầy từ hồi đầu năm nên con đã tự lo xét mình với tự mằm mò mài miệt kiếm tìm các biện pháp chấn chỉnh đức tin cùng lòng mến Chúa yêu người ở mình: vì con hiểu con bị vấp váp và bị lỗi phạm nhiều lắm! Báo số tháng 10 nầy con thỏ thẻ ra là việc tất nhiên. Nhưng con cũng đã có…nóng nảy thỏ thẻ ra ờ số báo tháng 9 vừa rồi nữa đấy, qua việc con trích dẫn lời nguyện ngắn con học được nơi trẻ bé nhất là bé Giaxinta- một trong ba trẻ được Đức Mẹ hiện ra ở Fatima-để làm thần dược và là chiếc chìa khóa vàng mở cửa trái tim con: cho dù nghịch cảnh có như thế nào cũng vẫn cứ vui sống luôn. Chớ con mà để con bị buồn là tự con làm lỗi cái lời mình đã hứa với Chúa trong bưổi đầu tiên mình  được biết Chúa, rằng: “ hễ con mà được theo đạo của ông thì con hứa: con chỉ có đỡ đần và an ủi ông chớ không bao giờ con làm điều chi cho ông phải khổ thêm nữa đâu” …
                                         

THÁNH LỄ CẦU CHO CÁC ĐẲNG LINH HỒN


Lần đầu tiên, Họ Đạo tổ chức thánh lễ cầu cho ông bà tổ tiên và các đẳng ở Đất Thánh. Bà con giáo dân có dịp xum vầy bên những ngôi mộ của nhưng người thân yêu và dâng thánh lễ cầu nguyện cho linh hồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ và các đẳng.

Thánh lễ trang nghiêm và nhiều tâm tình. Mong rằng mỗi ngày trong tháng 11 này ...bà con giáo dân vẫn luôn nhớ cầu nguyện cho các linh hồn.

Một vài hình ảnh :




















CÁC EM THIẾU NHI MÚA KÍNH ĐỨC MẸ MÔI KHÔI

Tháng 10 vừa qua, các em thiếu nhi thay lời của Cha Mẹ và bà con giáo dân bằng những bài múa thật nhiều màu sắc. Đó cũng là tâm tình của tất cả con cái Mẹ muốn nói lên lòng yêu mến Mẹ Mội Khôi.

Một Số Hình Ảnh :



















Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

SUY NIỆM CHÚA NHẬT 31 TN B



Giới răn trọng nhất.

Ngày đầu tiên bé vào trường nội trú. Bé đọc bản nội quy của trường và chán ngán. Bé tự hỏi không biết làm sao mình giữ nổi cả cuốn luật lệ đủ thứ, đủ loại này. Nhưng đến chiều, bé gặp bà hiệu trưởng. Bé thấy bà thật hiền hậu, dễ mến. Bà có nụ cười đầy thiện cảm. Bé thấy mến bà và thấy việc giữ những luật lệ của trường cũng chẳng có gì khó khăn lắm. Tình yêu đã làm cho những khó khăn mệt mỏi biến tan.
Trong Do thái giáo có tất cả 613 điều luật. Học thuộc những điều luật này đã là khó, nói chi đến việc cắt nghĩa cho chính xác và tuân thủ vẹn toàn. Vì thế trong đầu óc một tín hữu Do thái giáo luôn thấp thoáng câu hỏi: Luật nào là quan trọng nhất? Nhưng khi câu hỏi đạo đạt lên Chúa Giêsu, Chúa chỉ trả lời một câu thật chính xác và đầy đủ: Giới răn trọng nhất là hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức ngươi. Và giới răn thứ hai cũng giống giới răn thứ nhất là: ngươi hãy yêu người khác như chính mình ngươi. Như vậy Chúa Giêsu đã tóm gọn hơn sáu trăm khoản luật vào một câu vắn tắt: Mến Chúa và yêu người. Hay đúng hơn, Chúa đã tóm vào một chữ YÊU.
Đối với Thượng Đế, các triết gia, các tôn giáo thường diễn tả như một nhân vật đòi buộc người ta tôn thờ, kính sợ và tuân phục. Đối với người Do thái thì vẫn giữ những tâm tình ấy đối với Thiên Chúa, nhưng trước hết phải yêu mến Thiên Chúa. Độc đáo của Cựu Ước là hướng dẫn con người trung thành trong một giao ước tình yêu. Đặc biệt Chúa Giêsu đã đặt mối quan hệ giữa con người với Thiên Chúa trong tình cha con. Chúng ta sống với Thiên Chúa trong bầu khí gia đình thân thương. Tình phụ tử đó Thiên Chúa đã biểu lộ ở mức độ cao nhất và hoàn hảo nhất: Chúa đã yêu ta đến nỗi đã ban Con của Người đến làm lễ vật đền tội chúng ta. Phần chúng ta, cũng phải biểu lộ tình yêu đối với Thiên Chúa bằng hết khả năng của mình, tinh thần cũng như thể xác và cả linh hồn nữa.
Còn đối với anh chị em đồng loại, chúng ta phải yêu thương mọi người. Điều quan trọng là tình yêu đó không xây dựng trên liên hệ máu thịt, không do cảm tính, nhưng dựa trên liên hệ tình yêu với Thiên Chúa. Chúng ta nhận Thiên Chúa là cha và mọi người là anh chị em ruột thịt.
Chúa Giêsu đã đẩy tình yêu anh em lên mức độ tuyệt đỉnh: phải yêu anh em như yêu Chúa. Ai giúp đỡ một người bé mọn nhất là giúp đỡ chính Chúa. Và yêu với mức độ như Chúa đã yêu: Các con hãy yêu nhau như Thầy đã yêu các con, và không có tình yêu nào lớn bằng hiến mạng sống vì bạn hữu.
Chúa bảo mến Chúa và yêu người phải đi đôi với nhau. Thiên Chúa đòi ta yêu mến Ngài như một người cha, nhưng tình yêu này phải được biểu lộ trong tình yêu đối với anh em. Phải yêu mến anh em mới chứng tỏ mình yêu mến Chúa. Vì yêu anh em là chứng thực mình là con Thiên Chúa, và chứng tỏ mình tuân giữ lời Chúa dạy.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn nhận ra tình thương bao la của Chúa đối với chúng con để chúng con có thể yêu mến Chúa trên hết mọi sự và sống tình huynh đệ với mọi người. Xin giúp chúng con chu toàn mọi giới răn Chúa vì yêu mến Người.

Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

NẾU CHỈ CÒN MỘT NGÀY ĐỂ SỐNG



Lá xanh hay lá vàng có thể “rụng” bất kỳ lúc nào, dù gió to hay gió thoảng; trái xanh hay trái chín cũng có thể được (hay “bị”) người ta “hái” bất cứ lúc nào, dù sáng hay chiều.

Không ai muốn nói đến sự chết. Người ta cho đó là “chuyện xui xẻo”. Nhưng “chết” là điều có thật, không ai tránh khỏi. Chết là vấn đề rất thật, thật hơn cả sự thật: “Nếu chỉ còn một ngày để sống…”.

Bạn sẽ phản ứng thế nào và sẽ làm gì? Bạn có bao giờ nghĩ như vậy? Chết lúc nào tốt, lúc nào xấu? Giờ nào thì chết “hên” và lúc nào thì chết “xui”? Ai có thể cưỡng lại Tử thần? Sao biết 9 giờ sáng là giờ hên mà không chết, lại chết vào 6 giờ tối? Xui hay hên là do mình. Chẳng ai biết mình chết lúc nào và chết cách nào. Khi sắp chết mới biết mình… sắp chết. Cũng có thể lúc đó là muộn rồi!

Quả thật, “Nếu chỉ còn một ngày để sống…” là một giả-thuyết-thực-tế, một cái “nếu” rất thật, thật đến nỗi điều đó có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, thậm chí là ngay bây giờ, dù bạn mới vài tuổi, ngoài đôi mươi, tứ tuần, trung niên, thất tuần, bát tuần, hoặc xấp xỉ… trăm tuổi!

Tình cờ nghe ca khúc “Nếu chỉ còn một ngày để sống” của NS Hoài An – nhạc sĩ ngày xưa, đã cao niên, nay ở hải ngoại, trong một chương trình của Paris By Night, tôi thực sự xúc cảm cái “đẹp” (đúng nghĩa ĐẸP) trong ca khúc đó về phương diện tích cực. Vâng, ca từ của ca khúc này đầy tính nhân bản, nguyên văn như sau:

Nếu chỉ còn một ngày để sống, người đưa tôi về đến quê nhà, để tôi thăm làng xưa nguồn cội, cho tôi mơ… mơ tiếng mẹ cha. Nếu chỉ còn một ngày để sống, người cho tôi một khúc kinh cầu, người tôi thương êm ấm môi cười, cho con tôi bước đời yên vui.

Nếu chỉ còn một ngày để sống, làm sao ta trả ơn cuộc đời, làm sao ta đền đáp bao người, nâng ta lên qua bước đời chênh vênh? Nếu chỉ còn một ngày để sống, làm sao ta chuộc hết lỗi lầm, làm sao ta thanh thản tâm hồn, xuôi đôi tay đi giữa hừng đông?

Cho tôi như bóng mây, lang thang qua cõi này, cho tôi được ngắm sao trên trời giữa hương đồng cỏ nội. Cho tôi như khúc ca, bay đi xa rất xa, cho tôi được cám ơn cuộc đời, cám ơn mọi người. Cho tôi được sống trong tim người bằng những lời ca.

Nếu chỉ còn một ngày để sống, muộn màng không lời hối lỗi chân thành? Buồn vì ai, ta làm ai buồn, xin bao dung tha thứ vì nhau. Nếu chỉ còn một ngày để sống, chợt nhận ra cuộc đời quá đẹp, phải chăng ta có lúc vội vàng, nên ra đi chưa được bình an?

Với cảm nhận của riêng tôi, giai điệu đẹp và ca từ cũng đẹp. Có thể NS Hoài An viết theo cảm nhận đời thường, nhưng cái “nếu” của ông rất gần với Công giáo.

Vâng, nếu chỉ còn một ngày để sống. Cách đặt vấn đề quá thực tế. Cái “nếu” này rất ý nghĩa và quan trọng biết bao – dù bạn là ai, ở bất kỳ cương vị nào, dù bạn có hay không có niềm tin tôn giáo! Tôi chợt nhớ tới thánh “nhí” Saviô. Một lần, khi đang giờ chơi, cậu Saviô (thuộc Khánh lễ viện của Thánh Don Bosco) được hỏi: “Nếu chỉ còn 1 giờ nữa con chết, thì con làm gì?”. Cậu bé Saviô đáp ngay: “Con vẫn tiếp tục chơi”.

Câu trả lời thật tuyệt vời, vì đó là thi hành Ý Chúa trong hiện tại. Giờ nào việc nấy. Dù là việc đọc sách thiêng liêng hay đọc kinh, cầu nguyện, thậm chí là đang được Chúa mặc khải, nếu không “đúng lúc” thì cũng vô nghĩa. Điều đó cho thấy “nhiệm vụ hiện tại” rất quan trọng qua cách thể hiện đức tin.

Vậy đó, con người quá yếu đuối, quá nhỏ bé, dù là gì thì cũng không là gì cả! Tôi chỉ nói ra cảm nhận riêng mà tôi khả dĩ chân nhận, tất nhiên không tránh khỏi tính chủ quan. Tôi biết tôi chỉ là con-số-không-to-lớn (a big zero), một “số không” lớn nhất trong những “số không” khác. Đó là một thực-tế-thật, dù rất có thể chính tôi không muốn… chấp nhận!

Theo tôi, dù là ai thì trước tiên vẫn phải là con người, mà là con người thì không chỉ phải giữ luật sống của một con người bình thường mà còn phải “lưu ý’ rằng cuối cùng mình cũng phải… chết! Đó là một thực tế vừa minh nhiên vừa mặc nhiên. Có sợ chết thế nào thì cũng không ai thoát chết!

Người giàu sang, có danh vọng, có địa vị hoặc chức tước, người giàu hay nghèo, người lớn hay nhỏ, nam hay nữ, người giỏi hay dốt, người tài năng hay bình thường, người có niềm tin tôn giáo hay không có niềm tin tôn giáo, người xấu hay đẹp, người cao hay thấp,… cuối cùng rồi ai cũng hoàn toàn giống nhau: “Tay trắng vẫn hoàn trắng tay”. Nhắm mắt xuôi tay là… “chấm hết”. Vua Thánh Louis đã làm gương là “để hai tay ra ngoài chiếc quan tài” cho người ta thấy một thực-tế-thật. Nhưng có lẽ người ta chỉ nghe cho biết, đọc cho vui, thấy để mà… thấy. Thế thôi!

Ai cũng biết vậy, thế mà người ta vẫn cứ tranh giành nhau, chi li từng chút – cả vật chất lẫn tinh thần! Thua một chút là cảm thấy “khó chịu”. Mà thua một chút thì có sao? Hơn nhau một chút thì được lợi gì? Phải chăng đó chỉ là ảo tưởng? Quả thật, “cái Tôi” của chúng ta rất LỚN, do đó mà Pascal xác định: “Cái TÔI là đáng ghét”. Nhưng mấy ai dám ghét mình? Chúa Giêsu nói “từ bỏ mình” theo nghĩa đen chứ chẳng bóng gió chi cả (x. Mt 10:37-39; Lc 14:26-27).

Con người rất dễ ảo tưởng, càng “lớn” càng dễ ảo tưởng, càng dễ độc đoán, càng muốn “chứng tỏ mình”, càng dễ áp chế và bóc lột người khác. Nhưng người ta vẫn cho đó là áp dụng theo Luật Chúa, theo Phúc Âm, là làm nhiệm vụ, là sống khiêm nhường, không ai muốn nhận mình là kiêu ngạo!

R.I.P. Xin Chúa cho các linh hồn được an nghỉ ngàn thu. Và xin Chúa cũng tha thứ mà cho chúng con được an nghỉ trong Lòng Thương Xót của Chúa muôn đời. Amen.