TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH

TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH


HỌ ĐẠO CÁI QUAO KÍNH CHÚC QUÝ CHA, QUÝ TU SĨ NAM NỮ VÀ ANH CHỊ EM GIÁO DÂN ...MỘT MÙA GIÁNG SINH TRÀN ĐẦY TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA CHÚA!

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Làm Dấu


Làm Dấu



LỄ CHÚA BA NGÔI

Thiếu nhi trong Giáo xứ Kim ngọc chúng tôi thuộc lòng ca khúc “Làm Dấu”, ngày Chúa Nhật nào các em cũng hát trước khi học giáo lý.

1.
Con đặt tay lên trán tôn vinh Chúa Cha toàn năng.
Con đưa tay xuống ngực chúc tụng Chúa Con tình yêu.
Đưa tay sang trái phải, vinh danh Chúa Thánh Thần nguồn ơn thánh thiên hồng phúc đời con.

Mỗi lần làm dấu thánh xin ngự đến trong tâm hồn con, mỗi khi con cầu nguyện xin hãy biến đổi tâm hồn con, xin cho con giống Ngài trong lời nói việc làm, ước mong đời con nên dấu chỉ yêu thương của Ngài giữa đời.

ĐK: Con làm dấu hằng ngày. Con làm dấu một đời, khắc ghi tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong trái tim con. Ôi dấu thánh nhiệm mầu, dấu ấn tình yêu nhắc nhở con luôn hướng lòng lên Chúa.

Con làm dấu hằng ngày. Con làm dấu một đời, khắc ghi tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong trái tim con. Ôi dấu thánh nhiệm mầu, dấu ấn tình yêu Chúa mãi ở trong con con ở trong Chúa.

2.
Bao lần con quên Chúa khi vô ý hay khi thờ ơ.
Bao phen con ngại ngần lúc làm dấu tuyên xưng niềm tin.

Đã có lúc yếu hèn, không làm dấu giữa đời, Ngài ơi giúp con bừng cháy niềm tin.
Giữa hiểm nguy khốn khó con làm dấu xin ơn bình an, trong an vui ngập tràn con làm dấu hân hoan tạ ơn. Khi cô đơn thất vọng, khi mệt mỏi chán chường, Chúa ơi ở bên con nhé vì con đây luôn cần tới Ngài.

Làm dấu Thánh Giá là lời tuyên xưng đức tin, tôn vinh Chúa Ba Ngôi của người Kitô hữu, là dấu chỉ phân biệt những người môn đệ của Chúa Giêsu và những người theo đạo khác.

Mùa Phục Sinh kết thúc với đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Giáo hội nhìn lại chương trình cứu độ được Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử nhân loại và nhận ra rằng: nguồn ơn cứu độ chính là Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Vì thế, chúng ta hiểu tại sao ngày Chúa nhật mùa Thường niên tiếp ngay sau lễ Hiện Xuống, luôn luôn được Giáo hội mừng kính và suy niệm về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.

Giáo Hội là công trình của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi. Từ Ngài, Giáo Hội sinh ra; nhờ Ngài, Giáo Hội hoạt động; và hướng tới Ngài, Giáo Hội dấn bước. Chỉ một mình Thiên Chúa mới nắn đúc nên Giáo Hội theo lòng Ngài mong ước. (Thư Chung 2011, Số 19).

Giáo hội được Chúa Cha tập hợp chung quanh Chúa Giêsu dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Là dân tộc lữ hành, Giáo hội phát xuất từ Chúa Cha, sẽ trở về với Chúa Cha, nhờ trung gian của Chúa Kitô, dưới hơi thở của Chúa Thánh Thần. Chính từ mầu nhiệm Ba Ngôi mà Giáo hội được sinh ra và cũng từ Thiên Chúa mà Giáo hội lãnh nhận sứ mạng để tất cả nhân loại làm thành một Dân Thiên Chúa, tập họp thành Thân Thể Chúa Kitôđược xây dựng thành Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Giáo hội như là hình ảnh của mầu nhiệm hiệp thông giữa Ba Ngôi Thần Linh và Giáo hội là dấu chỉ của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại (x.GH1; GLCG số 772). Ba Ngôi là cội nguồn và là cùng đích của Giáo hội. Giáo hội là công trình của Ba Ngôi. Giáo hội nuôi sống con cái mình bằng thần lương Ba Ngôi ban tặng qua các bí tích.

1.      Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo.
Đây là một mầu nhiệm thâm sâu nhất, cao cả nhất mà lý trí con người, ngay cả óc tưởng tượng của con người, cũng không thể nào thấu hiểu hay hình dung được. Bởi vì Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một vấn đề, càng không phải là một vấn đề toán học. Mầu nhiệm không phải là vấn đề hay bài toán : 3 là 3; 1 là 1. Không tính với bài toán nào mà 1 là 3 hay 3 thành 1 được. Thiên Chúa không phải là những con số. Không thể làm trò ảo thuật hay lý luận đưa ngón tay ba đốt hay hình tam giác mà ví von được.

Vậy ai đã cho chúng ta biết mầu nhiệm này? Chính Chúa Giêsu Kitô. Nếu Chúa không dạy bảo thì loài người không thể nào biết được. Cho tới trước khi Chúa Kitô đến, loài người không có một ý niệm nào. Dân Do thái, dân riêng của Chúa, cũng không biết gì về mầu nhiệm Ba Ngôi. Cựu Ước chỉ nói tới một Thiên Chúa duy nhất, tạo dựng và làm chủ vũ trụ. Chính Chúa Giêsu, trong đời sống công khai giảng dạy đã mạc khải dần dần. Ngài đã từng bước vén lên bức màn của mầu nhiệm Ba Ngôi.

Ngài cho biết : Chúa Cha là Thiên Chúa, còn Ngài là Con Một của Chúa Cha. Ngài và Chúa Cha là một. Ngài ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Ngài, cùng bản tính với Chúa Cha. Ngài cũng là Thiên Chúa. Ngài với Chúa Cha là một Thiên Chúa.
Ngài cũng cho biết : Chúa Thánh Thần là Đấng mà Chúa Cha sai đến, cũng là Thiên Chúa. Như vậy, chỉ là một Thiên Chúa duy nhất nhưng có Ba Ngôi riêng biệt nhau chứ không phải là ba Chúa.

2.       Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm Tình Yêu.
Tại sao Chúa Giêsu lại mạc khải cho chúng ta một mầu nhiệm quá cao siêu như thế? Chắc chắn không phải là để thử thách thiện chí của con người, hoặc để xây lên bức tường chặn đứng suy luận và óc tưởng tượng của con người. Nhưng vì Chúa muốn chúng ta hiểu biết đời sống nội tại của Thiên Chúa, đó là tình yêu. Thiên Chúa là Tình yêu. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi nói lên điều đó.

Thiên Chúa là Tình yêu. Thiên Chúa yêu thương con người. Đó là một công thức khác để nói về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Vì tình yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, ban cho con người được hạnh phúc như Chúa. Nhưng con người đã phạm tội phản nghịch đánh mất hạnh phúc. Thiên Chúa không từ bỏ con người. Ngài đã quyết định ban Con Một yêu dấu để cứu chuộc. Và vì yêu thương con người, Đức Kitô đã vâng lời Chúa Cha đến trần gian thực hiện sứ mệnh yêu thương đó. Và khi hoàn tất, Ngài về trời. Chúa Thánh Thần đến để tiếp tục công việc của Ngài, công việc yêu thương. Nhờ Chúa Thánh Thần, tình yêu của Thiên Chúa tiếp tục được bày tỏ mãi cho tới chúng ta hôm nay và mãi về sau nữa.

Vì thế, khi mừng kính mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội không chỉ nhắc nhở chúng ta xác tín lại tín điều quan trọng này, nhưng còn mời gọi chúng ta hãy sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, là sống yêu thương và hiệp nhất. Như tình yêu thương giữa Ba Ngôi Thiên Chúa đã trào tràn trên mọi thụ tạo, thì tình yêu thương của người Kitô hữu cũng vậy, phải mở ra cho hết mọi người. Sống yêu thương là cách diễn tả đúng và đầy đủ ý nghĩa cuộc sống làm người và làm con Chúa; đồng thời cũng diễn tả cuộc sống của Chúa Ba Ngôi : yêu thương và hiệp nhất.

3.      Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm gần gũi nhất trong đời sống đạo.       
Trước khi dùng cơm, phần lớn trong chúng ta đều làm dấu thánh giá và đọc nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Khi đọc kinh trong nhà thờ hay tại nhà, chúng ta đều bắt đầu bằng nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Có những người có thói quen tốt là trước khi làm bất cứ việc gì, họ đều làm dấu thánh giá. Qua đài truyền hình, thỉnh thoảng chúng ta thấy, có những cầu thủ bóng đá quốc tế làm dấu thánh giá sau khi đá lọt lưới đối phương, hoặc trước khi đá phạt đền.

Làm dấu trên trán, chúng ta tuyên xưng Chúa Cha là Đấng tạo dựng trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình. Làm dấu trên ngực, chúng ta tuyên Chúa Con là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đã từ trời xuống thế nhập thể trong lòng trinh nữ Maria và đã làm người. Làm dấu trên hai vai chúng ta tuyên xưng Chúa Thánh Thần là Chúa và Đấng ban sự sống, Người bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra, Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con. Dấu chữ thập mà chúng ta làm chỉ thánh giá của Chúa Giêsu, nơi mạc khải trọn vẹn tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đối với nhân loại.

Dấu thánh giá là lời tuyên xưng đức tin vắn tắt nhất của người Kitô hữu, là dấu chỉ phân biệt những người môn đệ của Chúa Giêsu và những người theo đạo khác. Lời kinh nhân danh Cha và Con và Thánh Thần tóm tắt đức tin mà chúng ta đã nhận lãnh khi chịu phép rửa tội, mà nội dung là ba điều khoản lớn của đức tin công giáo, điều khoản thứ nhất tuyên xưng Chúa Cha, điều khoản thứ hai tuyên xưng Chúa Con, điều khoản thứ ba tuyên xưng Chúa Thánh Thần và Hội thánh. Như vậy cách thực tế và đơn giản nhất để tôn vinh Chúa Ba Ngôi là chúng ta hãy làm dấu thánh giá cách sốt sắng và ý thức, với tất cả lòng yêu mến và kính trọng.

Đi sâu hơn chút nữa, chúng ta càng thấy mầu nhiệm Ba Ngôi thật gần gũi và thật là cao cả. Thánh Augustinô đã nói: “Nếu bạn thấy tình yêu, bạn sẽ thấy Chúa Ba Ngôi”.
Chúng ta có thấy tình yêu không, và thấy như thế nào? Tình yêu được nhìn thấy qua những hành vi yêu thương.

Yêu thương là ban tặng: khi yêu người ta trái tim của mình cho người yêu. Yêu thương sâu đậm là cho đi điều quý báu nhất cho người mình yêu, như trường hợp của Chúa Cha mà Chúa Giêsu nói tới trong Tin mừng Gioan: “ Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian” ( Ga 3, 16 ). Hay chính trường hợp của Chúa Giêsu: “ Không có tình thương nào lớn hơn tình thương của người dám thí mạng sống vì bạn hữu” ( Ga 15, 13 ). Yêu thương là cho đi chính mình, là tự hiến chính mình. Vợ chồng yêu thương nhau, dâng hiến bản thân cho nhau, kể cả thân xác mà không chút e dè, trái lại còn hạnh phúc nữa. Cha mẹ và con cái yêu thương nhau có thể hy sinh mạng sống mình cho nhau.

Yêu thương là chia sẻ: yêu nhiều, người ta chia sẻ cho nhau nhiều, yêu nhau hết mức thì người ta chia sẻ cho nhau tất cả. Vợ chồng yêu nhau chia sẻ cho nhau tất cả, từ của cải vật chất đến gia sản tinh thần, đến cả tình gia đình. Ông bà cha mẹ của chồng trở thành ông bà cha mẹ của vợ và ngược lại. Trong Thiên Chúa cũng thế, Ba Ngôi Thiên Chúa chia sẻ cùng một sự sống thần linh. Và chính sự sống thần linh duy nhất làm cho Ba Ngôi là một. Chúa Cha đã sai Chúa Con mang sự sống thần linh ấy xuống trần gian chia sẻ cho nhân loại. Sự sống ấy là Bánh bởi trời mà chúng ta nhận lãnh trong bí tích Thánh Thể.

Yêu nhau là đón nhận nhau. Đón nhận tình yêu và ý muốn của người mình yêu, đón nhận tất cả, đón nhận chính bản thân của người yêu. Người được yêu có vị trí quan trọng trong trái tim của người yêu. Suy nghĩ về tình yêu giữa Chúa Con và Chúa Cha, chúng ta sẽ thấy ở trần gian này, không có sự đón nhận nào trọn vẹn như thế. Chúa Con đón nhận tất cả từ Chúa Cha: giáo lý, ý muốn, lời nói, hành động. Chúa Con đón nhận chính bản thân Chúa Cha làm bản thân của mình, vì vậy mà đồng bản thể với Chúa Cha.

Yêu nhau còn là gắn bó với nhau. Càng yêu nhau càng gắn bó mật thiết đến nỗi là một với nhau. Hai vợ chồng yêu nhau ở mức độ cao nhất thì trở nên một: một xương thịt, một thân mình. Bấy giờ tình yêu vợ chồng không những là dấu chỉ hữu hình của tình yêu Chúa Giêsu đối với Giáo Hội, mà còn là dấu chỉ của tình yêu Ba Ngôi. Ba Ngôi gắn bó với nhau đến nỗi là Một với nhau. Và chỉ có một Thiên Chúa mà thôi, Thiên Chúa là Tình Yêu nguồn suối, mẫu mực cho mọi tình yêu của con người (ĐGM Bùi Văn Đọc).
Hôm nay chúng ta mừng mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Gọi là mầu nhiệm vì đó là điều vượt quá trí hiểu của loài người. Tuy chúng ta không thể hiểu thấu mầu nhiệm đó, nhưng may thay qua Chúa Giêsu, chúng ta thấy được biểu hiện của mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm của tình yêu.
Chúng ta được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu. Đời sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi biết yêu thương. Chúng ta chỉ được hạnh phúc khi tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng tội lỗi làm cho chúng ta xa lìa tình yêu của Chúa. Sự ghen ghét hận thù làm cho khuôn mặt chúng ta lem luốc méo mó, không còn giống khuôn mặt Thiên Chúa.

Hôm nay ta hãy biết sống theo khuôn mẫu của Chúa Ba Ngôi. Biết sống hiệp nhất với nhau. Biết dâng hiến bản thân mình, biết cho đi, biết chia sẻ, biết sống chan hoà tình bác ái. Để thực hiện những điều ấy, ta phải biết bỏ mình, bỏ sở thích riêng, bỏ của cải và nhất là phải biết bỏ ý riêng, hoàn toàn sống theo thánh ý Thiên Chúa. Khi biết bỏ mình như thế, ta sẽ nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Khi hoàn toàn quên mình để sống cho tình yêu ta sẽ được kết hiệp với tình yêu của Thiên Chúa. Đó chính là hạnh phúc thiên đàng. Đó chính là đích điểm của đời chúng ta.

Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, xin cho chúng con ngày càng trở nên giống hình ảnh của Chúa. Amen.


Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

SUY NIỆM LỄ HIỆN XUỐNG



Khi nói về Chúa Thánh Thần, ta thường nghĩ đến bảy ơn Người ban qua bí tích Thêm Sức. Ta như người lãnh nhận một cách thụ động. Và những ơn Người ban chẳng ảnh hưởng gì đến đời sống ta. Đó thực là một quan niệm sai lầm tai hại. Thực ra, Đức Chúa Thánh Thần là nguồn sự sống mãnh liệt, là sự trẻ trung của Giáo Hội, là năng lực đổi mới thế giới. Hãy đọc lại bài đọc I, ta sẽ thấy sức mạnh đổi mới của Người mãnh liệt như thế nào. Người như luồng gió cường tráng. Người như ngọn lửa bừng bừng. Luồng gió và ngọn lửa ấy đã khơi dậy nguồn năng lực tiềm ẩn nơi những bác thuyền chài thất học, biến họ thành những con người thay đổi thế giới. Nhận lãnh ơn Đức Chúa Thánh Thần là nhận lãnh sứ mạng hành động. Hôm nay, Chúa Giêsu tóm tắt sứ mạng hành động đó qua 2 nhiệm vụ: Ra đi và Tha thứ.

Nhiệm vụ thứ nhất mà Đức Giêsu trao cho các môn đệ khi ban Thánh Thần cho các ông, đó là RA ĐI: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nhận lãnh Chúa Thánh Thần là được sai đi. Chúa Thánh Thần là sức mạnh hành động. Người không thể bị giam hãm trong những căn phòng đóng kín cửa. Người không ưa thích những tâm hồn khép kín trong ủ rũ điêu tàn. Người đến đâu là mở tung cửa nhà ra đến đấy. Mở ra để đón lấy những luồn gió mới tươi mát. Mở ra để đón nhận mọi người đến với mình. Và nhất là mở ra để mình đến với mọi người. Một cuộc sống không giao tiếp sẽ trở nên nghèo nàn, tàn lụi. Một tâm hồn chỉ quy hướng về bản thân sẽ chẳng khác một vũng ao tù, ô nhiễm. Ra đi sẽ giúp ta nên phong phú, mạnh mẽ. Ra đi không phải là lang thang không mục đích, nhưng là đi đến những địa chỉ Thánh Thần muốn gửi ta đến. Những địa chỉ Thánh Thần muốn ta đến đó là “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa” (Lc 4,18-19). Chúa Thánh Thần sẽ mở tung cánh cửa ích kỷ. Người sẽ phá tan cánh cửa hẹp hòi. Người sẽ củng cố những tâm hồn nhút nhát. Người sẽ quét sạch mọi lớp bụi bặm rêu phong. Người sẽ đổ tràn vào hồn ta nguồn nhựa sống mới giúp ta hăng hái lên đường.

Nhiệm vụ thứ hai mà Đức Giêsu trao cho các môn đệ khi ban Thánh Thần cho các ông, đó là THA THỨ: “Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha”. Tha thứ, hoà giải luôn là một vấn đề lớn của thế giới. Trên thế giới, những cuộc chiến tranh, chia rẽ, xung khắc xảy ra hầu như hằng ngày. Con người là bất toàn, nên sống chung là có bất đồng, xung khắc. Nếu cứ mỗi lần có xung khắc, ta loại trừ đi một người bạn, thì có lẽ cuối cùng ta sẽ chẳng còn người bạn nào. Người ta không thể sống một mình. Mỗi người đều cần đến người khác. Sống chung với nhau là một nhu cầu. Vì thế, việc tha thứ, hoà giải là vô cùng cần thiết. Hoà giải hệ tại ở hai động tác: xin lỗi và tha lỗi. Hai việc đều khó làm. Vì con người đầy tự ái. Dù biết mình lỡ lầm, nhưng ít có ai đủ can đảm nhận lỗi và xin lỗi. Xin lỗi đã khó, tha lỗi còn khó hơn. Chính vì thế, việc hoà giải cần rất nhiều ơn Chúa Thánh Thần, ở đây, ta phải nhìn vào Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô như tấm gương sáng chói. Người là tấm gương sáng về sự ra đi. Cuộc đời Người là một cuộc ra đi không biết mệt mỏi. Dù tuổi cao sức yếu, nhưng Người vẫn lên đường đi đến với mọi dân tộc, mọi đất nước. Người tiếp xúc với tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo, chính kiến, mầu da, chủng tộc, ngôn ngữ. Người đi đến với cả những kẻ chống đối, bất hoà và thù nghịch với Người. Để chuẩn bị đón mừng Năm Thánh, Người đã làm một cử chỉ ngoạn mục chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội. Đó là Người công khai nhìn nhận những lỗi lầm của Giáo Hội để xin mọi người tha thứ. Đây quả là một hoạt động của Chúa Thánh Thần để thanh tẩy Giáo Hội. Đức Thánh Cha đã được ơn Chúa Thánh Thần nên đã ra đi làm hoà với mọi người. Chính cử chỉ khiêm nhường ấy đã giúp đổi mới Giáo Hội, đem đến cho Giáo Hội một khuôn mặt mới trẻ trung hơn, một sức sống mới dồi dào hơn, một phong cách hiện diện mới dễ thương dễ mến hơn.

Ta hãy biết noi gương Đức Thánh Cha. Hãy biết ra đi, không chỉ là đi hành hương viếng nhà thờ để lãnh ơn toàn xá, nhưng còn là ra đi đến với những người bé nhỏ, nghèo hèn, những người bị bỏ rơi, những người kém may mắn ở đời, những người ta không ưa thích, những người chống đối ta, cả những người làm hại ta nữa. Nhất là hãy gieo rắc sự tha thứ. Tha thứ cho anh em để anh em cũng tha thứ cho ta, để chúng ta xứng đáng trở thành con Thiên Chúa. Đức Chúa Thánh Thần muốn đổi mới Giáo Hội. Nhưng việc đổi mới phải bắt đầu từ mỗi tâm hồn. Đức Chúa Thánh Thần sẽ canh tân bộ mặt thế giới, nhưng việc canh tân phải khởi đi từ mỗi con người. Ta hãy mở rộng tâm hồn đón nhân ơn Chúa Thánh Thần và hăng hái cộng tác với chương trình của Người.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đổi mới tâm hồn con.

Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

Chúc Mừng Vĩnh Khấn

         Sáng nay, tại Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn. Nữ tu Anna Phạm Thị Hiểu, người con của Họ Đạo Tú San chính thức trở thành thành viên của Hội dòng sau một thời gian dài theo Chúa …cùng với Dì còn có 8 chị em khác nữa và 24 chị em Tiên Khấn. Cám ơn Chúa vì hồng ân lớn lao này.
        Xin Chúa tiếp tục hướng dẫn các nữ tu và đặc biệt xin bà con cầu nguyện cho Dì Anna. Sáng thứ ba ngày 29.5 lúc 09 giờ sẽ có thánh lễ Tạ Ơn tại Nhà Thờ Tú San.

Một số hình ảnh của ngày Khấn trọn 25.5


Quang cảnh Thánh Lễ


Các nữ tu trình diện với ĐGM



Nữ tu Anna Phạm Thị Hiểu



ĐGM đọc lời nguyện Thánh Hiến


Suy Tôn Thánh Giá


Các chị dâng hoa chúc mừng




Dì Chung


Dì Maria M. Linh và chị dự tu Huỳnh Như 



Dì Anna Bích Trâm (Bãi Xan) Tiên Khấn 


Cha Pet. Thọ và Dì Tẹrêsa Lộc (Khấn Trọn)



Cha Giacôbê, Mẹ và Dì Yến (An Điền)

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

Lễ An Táng Đức Cha Antôn Thiện

Hình Ảnh Lễ An Táng ở Vĩnh Long Và Pháp

 

Thánh Lễ An Táng Đức Cha Antôn

HIỆP DÂNG THÁNH LỄ AN TANG ĐỨC CHA ANTÔN
TẠI NHÀ THỜ CHỦNG VIỆN


Trong tâm tình con thảo, để hiệp thông trong Thánh lễ An Táng Đức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện sẽ được cử hành lúc 10 giờ Paris (tức 15g giờ Việt Nam), thứ sáu, ngày 18- 05-2012, tại Nhà thờ Chánh Tòa Giáo phận Nice (Cathédrale Sainte Marie - Sainte Réparate). Thánh lễ đồng tế do Đức Cha Louis SANKALÉ, Giám Mục Giáo phận Nice chủ sự.
Vào lúc 5h 15 sáng nay, Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long với hơn 30 linh mục trong Hạt Vĩnh Long đã hiệp dâng thánh lễ An Táng Cầu nguyện cho Đức Cha Antôn vị Giám Mục thân yêu của giáo phận tại nhà thờ Chủng Viện Vĩnh Long.
Cùng tham dự thánh lễ còn có các tu sĩ dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn, dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum, dòng Bác Aí Vinh Sơn, Anh em dự tu giáo phận Vĩnh Long... và bà con giáo dân trong Hạt Vĩnh Long.
          Mặc dầu mọi người đều biết bệnh tình của Đức cha đã kéo dài từ lâu, và vì lý do này lý do khác ngài đã phải sống cách xa Giáo Phận hơn 50 năm. Nhưng với tâm tình Chủ Chăn không giây phút nào không nhớ đến Giáo Phận Vĩnh Long thân yêu. Tuy phải dưỡng bệnh nơi đất khách, Ngài vẫn chăm lo cho Giáo Phận không chỉ quá lời cầu nguyện, sự thăm hỏi mà ngài còn giúp cho Giáo Phận về vật chất xây dựng nhà thờ họ đạo nghèo khó khăn. Đặc biệt, khi nghe tin hai giáo điểm Giáo Mẹo và Trà Kiết đã có nhà thờ khang trang và đã trở thành họ đạo ngài rất là vui mừng và tạ ơn Chúa.
Vào ngày 13. 05. 2012, nghe tin Đức cố Giám Mục Antôn được Chúa rước về, những người con trong giáo phận ai cũng cảm thấy ngậm ngùi thương nhớ một vị cha chung, với bề dầy lịch sử: 51 năm  trong chức vụ giám mục, hơn 7 năm là giám mục chính toà Vĩnh Long. Ngài là vị giám mục thứ hai của giáo phận Vĩnh Long, sau Đức cha Phêrô Martinô Ngô Đình Thục. Ngài đã lặn lội đến từng họ đạo của vùng sông nước Cửu Long với bạt ngàn kênh rạch lớn nhỏ ngay từ khi còn là giám mục Chánh Toà và nhất là trong những giai đoạn khó khăn. Ngài đã sống với khẩu hiệu đã chọn "Opere et Veritate(Thực Hành và Chân Lý)". Đặc biệt ngài cho khởi công xây dựng nhà thờ Chánh Toà Vĩnh Long, một công trình to lớn, khang trang để làm nơi thờ phượng Chúa trong Giáo Phận. Và cho đến hôm nay, nhà thờ Chánh Toà Vĩnh Long vẫn là một trong những nhà thờ nổi tiếng và có sức chứa lớn nhất nhì ở Việt Nam.
Đức Cha Antôn sẽ được an nghỉ tại Đất Thánh Nice, khu vực dành riêng cho các Kinh Sĩ Danh Dự của Nhà Thờ Chánh Tòa Nice. Ước mong cuộc chia ly của Đức Cha Antôn hôm nay là bức thông điệp nhắn gửi mỗi người đang bước đi trên con đường hạt lúa, ý thức về tính bất toàn và giới hạn của thân phận con người. Đó là con đường của âm thầm từ bỏ và khiêm tốn, của kiên trì và lòng hi vọng. Bởi cái chết vốn là thành phần tất yếu của cuộc sống. Nhưng với niềm xác tín vào Đức Kitô Phục sinh, tất cả mọi vất vả nhọc nhằn đau khổ trong cuộc sống rồi sẽ thăng hoa. Bởi một khi chấm dứt mọi sự trong tình yêu và sự trung tín với Đức Giêsu Kitô là một kết thúc rực rỡ vinh quang. Đúng với khẩu hiệu "Opere et Veritate"



Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG


SỨ ĐIỆP CỦA
ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI



NHÂN NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI LẦN THỨ 46
( Lễ Chúa Thăng Thiên, Chúa Nhật ngày 20 tháng 5 năm 2012 )

Chủ đề: “Thinh lặng và Lời nói: Con đường Phúc âm hóa”

Anh chị em thân mến, Gần đến Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội năm 2012, tôi muốn chia sẻ với anh chị em vài suy tư về một khía cạnh của tiến trình giao tiếp giữa con người; khía cạnh ấy quan trọng nhưng đôi khi lại bị coi thường. Đó là mối tương quan giữa thinh lặng và lời nói, mà tính cách quan trọng của nó ngày nay cần được đặc biệt nhấn mạnh. Thinh lặng và nói là hai khía cạnh của truyền thông cần được giữ cân bằng, tiếp nối nhau và bổ túc cho nhau, để có được một cuộc đối thoại đích thực, và tạo sự gần gũi sâu xa giữa người với người. Khi lời nói và sự thinh lặng loại trừ nhau, truyền thông sẽ thất bại, vì nó gây ra tình trạng hoang mang nào đó hoặc, trái lại, một bầu khí lạnh nhạt; còn nếu chúng bổ túc cho nhau một cách hài hòa, việc truyền thông sẽ đạt được giá trị và ý nghĩa. Thinh lặng là thành phần của truyền thông, mà nếu không có thì không thể có được những lời mang đậm ý nghĩa. Trong thinh lặng, chúng ta lắng nghe và hiểu rõ mình hơn; trong thinh lặng, tư tưởng được nảy sinh và có chiều sâu; chúng ta hiểu rõ hơn điều chúng ta muốn nói và điều chúng ta mong đợi nơi người khác, chúng ta chọn cách thức diễn đạt. Thinh lặng khiến cho người khác được nói, được bày tỏ, và để ta đừng khư khư quyết giữ lời nói, ý tưởng của mình mà không đối chiếu một cách thích đáng. Như thế, sẽ mở ra một không gian để lắng nghe nhau và một mối tương quan sâu sắc hơn giữa người với người. Chẳng hạn, trong thinh lặng sẽ có được những khoảnh khắc truyền thông xác thực nhất giữa những người yêu nhau: cử chỉ, nét mặt và thân xác là những dấu hiệu biểu lộ con người. Trong thinh lặng, niềm vui, nỗi lo, đau khổ cất tiếng nói và tìm được cách diễn tả thật đậm nét. Như thế, thinh lặng đem lại hiệu quả tích cực hơn cho truyền thông, vốn đòi hỏi sự nhạy cảm và một khả năng lắng nghe – vẫn thường cho thấy mức độ và bản chất các mối tương quan. Sứ điệp và thông tin càng nhiều, lại càng cần đến thinh lặng để phân định điều quan trọng với những điều vô bổ hoặc thứ yếu. Biết suy xét kỹ lưỡng, sẽ giúp chúng ta khám phá những mối tương quan giữa các biến cố, mà thoạt nhìn có vẻ như không liên hệ gì với nhau để đánh giá, phân tích các sứ điệp; điều này giúp chúng ta có thể chia sẻ những ý kiến chín chắn và thích đáng để xây dựng nền tri thức chung đích thực. Do đó, cần xây dựng một bầu khí thuận lợi, một loại ‘hệ thống môi sinh’ có thể tạo thế cân bằng giữa thinh lặng, lời nói, hình ảnh và âm thanh. Phần lớn hoạt động hiện nay của truyền thông được định hướng bởi những câu hỏi cần có lời giải đáp. Các bộ máy tìm kiếm và các mạng xã hội là nơi đầu tiên nhiều người tìm đến khi cần lời khuyên, ý tưởng, thông tin và những lời giải đáp. Vào thời của chúng ta, hơn bao giờ hết internet đang trở thành nơi hỏi và trả lời – hơn nữa, con người ngày nay thường bị dội bom bằng những câu trả lời cho các thắc mắc mà họ chưa bao giờ đặt ra và các nhu cầu mà họ chưa cảm thấy. Sự thinh lặng thật là quý giá để giúp chúng ta dễ dàng phân định chính xác, hầu nhận ra và chú tâm vào những vấn đề thực sự quan trọng giữa biết bao yêu cầu và lời giải đáp mà chúng ta nhận được. Tuy nhiên, trong thế giới truyền thông phức tạp và đa dạng này, có nhiều người quan tâm đến những vấn đề tối hậu của đời sống con người: Tôi là ai? Tôi biết được điều gì? Tôi phải làm gì? Tôi có thể hy vọng điều gì? Điều quan trọng là phải đón nhận những người đặt ra những câu hỏi này, bằng cách mở ra một cuộc đối thoại sâu sắc, bằng lời nói và sự trao đổi, và cả việc mời gọi suy nghĩ trong thinh lặng. Đôi khi sự thinh lặng còn nói nhiều hơn một câu trả lời vội vã ,và giúp cho những người đặt câu hỏi đi sâu vào chính cuộc đời họ, và mở lòng ra cho con đường dẫn đến câu trả lời mà Thiên Chúa đã ghi khắc trong trái tim con người. Thực ra, dòng câu hỏi tuôn chảy không ngừng ấy chứng tỏ con người luôn thao thức tìm kiếm những chân lý, quan trọng ít hay nhiều, vốn đem lại cho cuộc sống một ý nghĩa và niềm hy vọng. Con người không thể hài lòng với một sự trao đổi hời hợt và vô căn cứ về những ý kiến hoài nghi và những kinh nghiệm cuộc đời: tất cả chúng ta là những người đang tìm kiếm chân lý và chia sẻ khát vọng sâu thẳm ấy, nhất là vào thời của chúng ta, khi mà “trao đổi thông tin là chia sẻ chính mình, thế giới quan của mình, niềm hy vọng và lý tưởng của mình” (Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm 2011). Phải chú ý đến nhiều loại trang web, các ứng dụng và mạng xã hội khác nhau có thể giúp con người ngày nay biết sống suy tư và đặt những câu hỏi đích thực, nhưng cũng giúp họ tìm được những không gian thinh lặng, các dịp để cầu nguyện, suy niệm hay chia sẻ Lời Chúa. Với tính chất của những tin nhắn ngắn gọn, thường không dài hơn một câu Thánh Kinh, người ta có thể diễn tả những tư tưởng sâu sắc, miễn là đừng bỏ bê việc chăm sóc đời sống nội tâm mình. Chẳng ngạc nhiên gì khi thấy rằng trong các truyền thống tôn giáo khác nhau, việc sống cô tịch và thinh lặng là những khoảng không gian dành riêng để giúp con người không chỉ gặp lại chính mình nhưng còn gặp được Chân Lý, là điều mang lại ý nghĩa cho tất cả mọi sự. Thiên Chúa của mặc khải trong Thánh Kinh cũng nói bằng ngôn ngữ không lời: “Như Thánh giá của Đức Kitô cho thấy, Thiên Chúa cũng nói bằng sự thinh lặng của Người. Sự thinh lặng của Thiên Chúa, kinh nghiệm về sự xa cách của Chúa Cha toàn năng là một một giai đoạn quyết định trong cuộc hành trình trần thế của Con Thiên Chúa, Ngôi Lời nhập thể (...) Sự thinh lặng của Thiên Chúa kéo dài những lời Người nói trước đó. Trong những lúc tối tăm, Người nói qua mầu nhiệm của sự thinh lặng của Người” (Tông huấn hậu Thượng Hội đồng giám mục Verbum Domini, 21). Tình yêu cao cả đến độ hiến ban chính mình của Thiên Chúa đã lên tiếng hùng hồn qua sự thinh lặng của Thánh giá. Sau khi Đức Kitô chết, trái đất rơi vào thinh lặng, và ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, khi “Vị Vua đang ngủ và Thiên Chúa ngủ trong xác phàm và cho những người đã ngủ từ bao đời được trỗi dậy (x. Phụng vụ Giờ Kinh Sách, thứ Bảy Tuần Thánh), tiếng nói của Thiên Chúa vang lên, đầy yêu thương đối với nhân loại. Nếu Thiên Chúa nói với c on người ngay cả trong thinh lặng thì trong thinh lặng con người cũng khám phá ra khả năng nói với Chúa và nói về Chúa. “ Chúng t a cần đến sự thinh lặng ấy, s ự thinh lặng trở thành chiêm niệm và đưa chúng t a vào trong cõi thinh lặng của Thiên Chúa , và đưa chúng ta đến chỗ mà Lời cứu chuộc sinh ra ” (Bài giảng trong Thánh Lễ với các thành viên Ủy ban Thần học quốc tế, ngày 6 t háng 10 năm 2006). Để nói về sự cao cả của Thiên Chúa, ngôn ngữ của chúng t a chẳng bao giờ đủ , và phải nhường chỗ cho sự chiêm ngắm trong thinh lặng . Việc chiêm niệm ấy có sức mạnh làm nảy sinh tính cấp bách của việc truyền giáo, là nghĩa vụ “thông truyền điều chúng tôi đã thấy và đã nghe” để mọi người được hiệp thông với Thiên Chúa (1 Ga 1,3). Việc chiêm niệm trong thinh lặng ấy dìm chúng ta vào nguồn mạch Tình Yêu, một Tình yêu hướng chúng ta đến với người lân cận để cảm thông nỗi đau khổ của họ, và đem đến cho họ ánh sáng của Chúa Kitô, sứ điệp sự sống của Người và ân sủng tình yêu viên mãn sẽ cứu thoát họ. Và rồi, trong thinh lặng chiêm niệm, Ngôi Lời vĩnh cửu – nhờ Người mà thế gian đã được tạo thành, đã tự tỏ mình ra còn mạnh mẽ hơn nữa, và chúng ta hiểu được kế hoạch cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện bằng lời nói và việc làm trong suốt lịch sử loài người. Như Công đồng Vatican II nhắc nhở, mặc khải của Thiên Chúa “được thực hiện bằng các việc làm và lời nói có liên hệ mật thiết với nhau, theo nghĩa là các việc Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu độ biểu lộ và củng cố cả giáo huấn lẫn những thực tại được diễn tả bởi các lời; còn các lời thì công bố các việc làm và làm sáng tỏ mầu nhiệm được chứa đựng trong đó” (Dei Verbum, 2). Kế hoạch cứu độ này đạt đến tột đỉnh trong con người Chúa Giêsu Nazareth, là Trung Gian và sự viên mãn của tất cả mặc khải. Người đã cho chúng ta nhận biết dung nhan thật của Thiên Chúa Cha và bằng Thánh Giá và sự Phục Sinh của Người, Người đã đưa chúng ta ra khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết để đến sự tự do của con cái Thiên Chúa. Câu hỏi cơ bản về ý nghĩa của con người tìm được câu trả lời nơi mầu nhiệm của Đức Kitô, một câu trả lời có khả năng xoa dịu nỗi khắc khoải của tâm hồn con người. Chính từ Mầu nhiệm ấy đã sinh ra sứ vụ của Hội Thánh; và Mầu nhiệm ấy thúc đẩy các Kitô hữu trở thành sứ giả của niềm hy vọng và ơn cứu độ, chứng nhân của một Tình Yêu làm thăng tiến phẩm giá con người và xây dựng công lý và hòa bình. Thinh lặng và Lời nói. Học truyền thông là học lắng nghe và chiêm ngắm hơn là học nói; điều này đặc biệt quan trọng đối với những người tham gia vào sứ vụ truyền giáo: thinh lặng và lời nói là những yếu tố thiết yếu, gắn liền với công việc truyền thông của Hội Thánh để đổi mới việc loan báo Đức Kitô trong thế giới ngày nay. Tôi xin phó thác tất cả công cuộc rao giảng Tin Mừng cho Đức Maria, Đấng đã thinh lặng “lắng nghe Lời Chúa và làm cho Lời ấy đơm hoa” (Kinh nguyện trong Cuộc gặp gỡ Giới trẻ tại Loretto, ngày 1-2 tháng Chín 2007), công cuộc rao giảng mà Hội Thánh đang thực thi bằng các phương tiện truyền thông xã hội.
Vatican, ngày 24 tháng Giêng 2012, Lễ Thánh Phanxicô Salêsiô
Bênêđictô XVI, Giáo hoàng
(Đức Thành chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp của Libreria Editrice Vaticana)
Nguồn: WHĐ

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

ĐÔI ĐIỀU VỀ ĐỨC CHA ANTÔN


Qua bài giảng của Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân trong thánh lễ mừng ngày Lễ kỷ niệm 50 năm tấn phong Giám Mục của Đức Cha Antôn … Chúng ta biết thêm về Đức Cha … Xin được đăng lại để chúng ta cùng xem và noi gương tốt lành của Đức Cha.

Anh chị em thân mến
Năm 2006, chúng ta vui mừng vơí biến cố Đức Cha Antôn tròn 100 tuổi. Hôm nay chúng ta lại tụ họp nhau đây để mừng lễ kỷ niệm Đức Cha được tròn 50 năm ngày tấn phong Giám Mục. Con số 100 và 50 là những con số lớn, có thể nói được là hồng cao quý Chúa ban cho Đức Cha Antôn cách riêng và cho Giáo Phận Vĩnh Long nói chung. Chúng ta cùng nhau tạ ơn Chúa với Đức Cha trong dịp kỷ niệm trọng đại và hiếm có này.
Thưa anh chị em, nói tới Đức Cha Antôn, những người lớn tuổi thì biết ngay, còn những người trẻ thì đặt dấu hỏi: Người là ai? Vì thời gian Ngài làm Giám Mục tại Giáo phận Vĩnh Long xem ra quá ngắn và thời gian xa cách Địa phận đã lâu, làm cho ít người biết đến.
Toà Giám Mục Vĩnh Long năm 2010, đã cải tạo lại hệ thống thoát nước để chống tình trạng nước ngập sân. Khi đào sân lên thì thấy rằng sân có nhiều những hệ thống thoát nước đã có từ xưa và được xây dựng rất chắc chắn. Tôi muốn mượn hình ảnh đó để nói về quá trình xây dựng Địa phận Vĩnh Long, cũng như nhớ về những công việc Đức Cha Antôn đã làm cho Địa phận trong dịp mừng lễ hôm nay.
Địa phận Vĩnh Long được hình thành từ năm 1938, do Đức Cha Phêrô Ngô Đình Thục làm Giám Mục. Giai đoạn này được coi là giai đoạn khai phá để xây dựng. Đức Cha Ngô đã nghĩ đến việc xây dựng cơ sở và đào tạo nhân sự. Ngài đã lập Tiểu Chủng Viện để nuôi dưỡng ơn gọi. Người còn mong muốn thiết lập Đại Chủng Viện để đào tạo Linh Mục nhưng chưa lập được.
Năm 1961 là giai đoạn phát triển khi Đức Cha Antôn trong cương vị là Bề Trên tại Cần Thơ được tấn phong Giám Mục để coi sóc Giáo Phận Vĩnh Long. Ưu tư lớn nhất của Đức Cha lúc bấy giờ là thiết trung tâm truyền giáo tại Cầu Vòng, sau này giao lại cho Đức Cha Raphael Diệp coi sóc. Thấy rằng không thể truyền giáo nếu không có nhân sự, Ngài đã bạo dạn thiết lập Đại Chủng Viện để đào tạo nhân sự cho Giáo Phận.
Song song đó, Ngài còn xây dựng mới hoàn toàn ngôi nhà thờ Chánh toà hiện nay và hình thành trung tâm hành hương Fatima để sùng kính Đức Mẹ. Những chuyện này chưa ai dám nghĩ sẽ có thì Ngài trong cương vị một Người Mục Tử đã bạo dạn thực hiệân và làm cho nó được hình thành.
Biến cố "Mậu thân" năm 1968, cũng là lúc Đức Cha Antôn từ nhiệm vì đôi mắt mù loà. Ngài rời khỏi Giáo Phận Vĩnh Long trong ưu buồn vì lực bất tòng tâm.
Có thể nói, cuộc đời của Ngài là một cuộc đời đầy thăng trầm và thử thách, trong đó thăng thì ít mà trầm thì nhiều, nhiều những thử thách tưởng chừng không thể vượt qua. Vậy mà Ngài đã vượt qua tất cả để vui sống.
Dù không còn hiện diện tại Địa Phận trong cương vị Người Mục Tử vì bệnh tật, nhưng chưa bao giờ Ngài thôi làm Người Mục Tử của Giáo Phận. Dù sống ở nơi xa, dù sống trong bóng tối vì mù loà, nhưng ánh mắt và trái tim Ngài luôn hướng về Giáo Phận, mong muốn cho Giáo Phận được củng cố và phát triển. Ngài đã gởi những khoản tiền mình có được để xây dựng Giáo Phận, đặc biệt là Ngài xây dựng Giáo phận bằng lời cầu nguyện của mình hằng ngày.
Chúng ta tự hỏi làm sao Ngài lại sống được như thế ngay trong những thử thách cam go như vậy? Thưa rằng sức sống đó Ngài đã kín múc được từ nơi Thánh Thể Chúa Kitô và từ lòng sùng kính Mẹ Maria. Hành trang sống của Ngài là Thánh Lễ và Tràng hạt mân côi.
Trên tay không bao giờ rời xa tràng hạt, và hằng ngày không bao giờ Ngài bỏ một Thánh Lễ nào dù là đang mang trong mình đôi mắt mù loà. Có một lần vào ngày Chúa nhật Ngài mặc áo lễ xong, chờ đợi người ta đẩy xe lăn ra để làm lễ đồng tế, nhưng người ta quên Ngài. Hôm đó Ngài rất đau khổ vì thiếu vắng Thánh Thể Chúa.
Chính hai yếu tố: Thánh Thể và Tràng Hạt Mân Côi, tạo nên cho Ngài sức mạnh vượt qua những gian nan thử thách và làm cho đôi mắt, trái tim Ngài không ngừng hướng về Giáo Phận. Như vậy, dù không gần vơí Giáo Phận xét theo khía cạnh địa lý, nhưng xét về khía cạnh tinh thần, Ngài luôn gần gũi, Ngài vẫn đang sống trong và giữa lòng Giáo Phận Vĩnh Long.
Hôm nay, một ngày thật trọng đại đối với Ngài và đối với Giáo Phận: 50 năm tấn phong Giám Mục, ngày Hồng Ân. Chúng ta vui mừng tạ ơn Chúa với Đức Cha. Chúng ta cầu nguyện xin Chúa ban muôn ơn lành và gìn giữ Đức Cha luôn sống trong tình yêu của Chúa Ba Ngôi.
Cầu nguyện cho Đức Cha Antôn, chúng ta không quên cầu nguyện cho chính chúng ta biết nhìn vào gương sống của Ngài mà nỗ lực bắt chước sống gắn bó đời mình với Thánh Thể Chúa Kitô với Mẹ Maria qua việc lần Hạt mân Côi.

Ngày và giờ Lễ An Táng Đức Cha Antôn


Vĩnh Long, ngày 15 tháng 05 năm 2012

THÔNG BÁO

( V/v: Ngày và giờ  Lễ An Táng  
Đức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện)


Kính gởi: Quý Cha,
     Quý Bề Trên các Dòng Tu, 
     Quý Tu Sĩ Nam Nữ
     và Anh Chị Em Giáo dân 
     Giáo phận Vĩnh Long,

Theo tin từ Tòa Giám Mục Nice, Pháp: Thánh lễ An Táng Đức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện sẽ được cử hành lúc 10 giờ Paris (tức 15g giờ Việt Nam), thứ sáu, ngày 18- 05-2012, tại Nhà thờ Chánh Tòa Giáo phận Nice (Cathédrale Sainte Marie - Sainte Réparate). Thánh lễ đồng tế do Đức Cha Louis SANKALÉ, Giám Mục Giáo phận Nice chủ sự.
Nơi an nghỉ của Đức Cha Antôn tại Đất Thánh Nice, khu vực dành riêng cho các Kinh Sĩ Danh Dự của Nhà Thờ Chánh Tòa Nice.
Vì vậy, cùng Hiệp thông cầu nguyện cho Đức Cha Antôn, xin tất cả Quý Cha trong Giáo phận Dâng Lễ tại Nhà thờ các Họ Đạo (theo giờ lễ của Họ Đạo) trong ngày thứ sáu.
Riêng vùng Vĩnh Long, Đức Cha Tôma sẽ dâng lễ cầu nguyện tại Nhà Thờ Chủng Viện vào lúc 05g15 sáng thứ sáu. Quý Cha có thể sắp xếp đến đồng tế với Đức Cha Tôma trong Thánh Lễ này.
Văn phòng TGM xin thông báo đến Quý Cha, Quý Tu Sĩ Nam Nữ và Anh Chị Em giáo dân trong các Họ Đạo, để hiệp thông với nhau trong lời cầu nguyện cho Đức Cha Antôn và cho Giáo Phận.
Thân ái trong Chúa Kitô.

                                                                           VP TÒA GIÁM MỤC

Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

Cáo Phó củaTòa Giám Mục Vĩnh Long


“Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25)


CÁO PHÓ

Tòa Giám Mục Vĩnh Long 
 trân trọng báo tin:

 ĐỨC CHA ANTÔN NGUYỄN VĂN THIỆN
 ĐÃ ĐƯỢC GỌI VỀ NHÀ CHA

Tiểu sử Ðức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện.
- Sinh ngày 13.03.1906 tại họ đạo Ba Trinh, Cái Côn, Sóc Trăng.
- Thụ phong linh mục ngày 20.02.1932 tại Nam Vang.
- 1932 Giáo Sư nhà giảng Banam, Cam Bốt.
- 1936 Phó xứ Họ Ðạo Hoa Lang.
- 1941 Cha Sở Họ Ðạo Cù Lao Tây.
- 1955 Cha Sở Họ Ðạo Năng Gù, Long Xuyên.
- 1955 Cha Sở nhà thờ Chính Tòa Cần Thơ.
- 1956 Cha chính địa phận Cần Thơ.
- 24.11.1960 Ðược bổ nhiệm làm giám mục Giáo Phận Vĩnh Long.
- 22.01.1961 Thụ phong giám mục trước Vương Cung Thánh Ðường Sàigòn với khẩu hiệu " Opere et Veritate (Thực Hành và Chân Lý)".
- 03.04.1961 Chính thức nhận Giáo Phận Vĩnh Long.
- 12.07.1968  Đức Cha Antôn được chấp thuận từ nhiệm vì lý do sức khỏe, trở thành Giám Mục Hiệu Tòa Spello, sau đó đi chữa bệnh mắt tại Pháp và Nhật nhưng không khỏi. Năm 1975 không thể trở về quê hương, Ngài nghỉ hưu tại Nice/Pháp.
Đã được gọi về Nhà Cha 

lúc 10g (giờ Paris) tức 15g giờ Việt Nam
Chúa Nhật, ngày 13 tháng 05 năm 2012
Hưởng thọ 106 tuổi

Thánh lễ An Táng sẽ được cử hành thứ bảy ngày 19.05.2012, tại Pháp 
Xin hiệp ý cầu nguyện cho Linh hồn Đức Cha Antôn.
R.I.P

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

Suy Niệm Chúa nhật 6 PS






(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Ngày 10.10.1982, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong Cha Maximilien Kolbe lên bậc hiển thánh, vì Cha đã thực hiện từng chữ lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em”. Trong thánh lễ phong thánh, Đức Thánh Cha đã nói: “Như anh chị em đã biết, giữa những thử thách bi đát nhất, vốn làm cho thời đại chúng ta chìm trong vũng máu, Thánh M. Kolbe đã tự nguyện biến mình chịu chết để cứu một người anh em mà chính ngài không thân thuộc, đó là ông Francis Gajouniseck. Ông là một người vô tội bị kết án tử hình để trả thù cho một ngươi tù đã vượt ngục. Vị tử đạo anh hùng đã bị kết án chết đói ngày 14.8.1941 tại trại tập trung Đức Quốc Xã ở Auschwitz, Ba lan. Linh hồn tốt lành của ngài đã về cùng Chúa sau khi đã nâng đỡ ủi an các bạn tù cùng số phận khốn khổ như ngài… chính tình yêu cao cả đã giúp ngài vượt qua cơn thử thách rùng rợn khủng khiếp và đã để lại chứng tích lạ lùng của tình yêu thương anh em, của lòng tha thứ cho kẻ giết hại mình. Ước gì gương sáng và sự hộ giúp của Thánh Maximilien Kolbe hướng dẫn chúng ta biết yêu thương chân thành, yêu thương vô vị lợi, xứng đáng là người Kitô hữu, đối với tất cả các anh chị em trong một thế giới mà hận thù không ngừng giày xéo cuộc sống con người…”

Khi chia tay với các tông đồ để ra đi nộp mình chịu chết, Chúa Giêsu đã không để lại một tài sản có thể liệt kê, cũng chẳng để lại một kho tàng có thể hoá giá, mà chỉ để lại một tâm sự gởi gắm được coi như bí mật cuối cùng và quí giá nhất của tâm hồn Ngài. Đó là lệnh truyền: “Anh em hãy yêu thương nhau”. Trước đây, Ngài đã đề cập nhiều đến giới luật yêu thương này rồi, nhưng chỉ trong giời phút chia tay này mới thấy đó là mối bận tâm lớn nhất của Ngài. Yêu thương nhau là dấu hiệu rõ nhất để nhận ra ai là kẻ thuộc về Ngài: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con yêu thương nhau”.

Chúa Giêsu muốn thấy các môn đệ mình yêu thương nhau và Ngài muốn cảnh giác mối nguy cơ chính yếu luôn rình rập các môn đệ, đó là sự thiếu lòng yêu thương nhau. Vì vậy, đây là một trăn trở lớn nhất cần được nói ra một lần thay cho tất cả. Và Chúa Giêsu đã nói: “Đây là giới răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau”. Thế là lời trăn trở một mình đã biến nên lời trăn trối cho các môn đệ trong phút biệt ly. Như một tâm sự sau cùng cần phải ghi nhớ, như một di chúc thiêng liêng tuyệt đối không bao giờ được đặt lại vấn đề và một lệnh truyền nhất thiết phải thể hiện bằng được trong cuộc sống. Nên “yêu thương nhau” đã là một bổn phận chi phối toàn bộ đời người môn đệ Chúa Giêsu và làm nên căn cước của họ “Ai yêu thương thì bởi Thiên Chúa mà ra”.

Nhưng, thưa anh chị em, lệnh truyền yêu thương nhau không phải muốn thực hiện thế nào cũng được, mà phải quy chiếu khít khao và chính tình yêu của Chúa Giêsu- một tình yêu vốn đã quy chiếu vào tình yêu Chúa Cha – bây giờ trở nên kiểu mẫu và cội nguồn tình yêu cho nhưng kẻ thuộc về Ngài: Yêu như Chúa yêu. “Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em”. Đó là một tình yêu mở ra cho hết mọi người không giới hạn cũng chẳng trừ ai (x. Bài đọc 1), một tình yêu san bằng mọi hố sâu ngăn cách, dẹp bỏ mọi hàng rào cản trở để người người gần gũi nhau hơn. Tình yêu đó chủ động đi bước trước (x. Bài đọc 2), cho tôi tớ trở thành bạn hữu, cho xa lạ trở thành thân quen, cho mỗi niềm riêng tư trở thành tâm sự muốn chia sẻ,và cho môn đệ được trở thành những người cộng sự với đầy đủ hành trang lên đường sứ mạng. Để nếu cần, tình yêu đó sẵn sàng mạo hiểm đến liều mạng sống: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống mình vì bạn hữu”. Thật ra, Chúa Giêsu đã yêu những kẻ thuộc về Ngài bằng chính tình yêu lớn nhất đó trong suốt cả đời công khai của Ngài, nhưng qua cuộc tử nạn Phục Sinh, chúng ta nhận ra tình yêu lớn nhất khi Ngài để lại bí tích Thánh Thể làm bảo chứng và chết trên Thánh Giá làm hy lễ cứu độ, để rồi bước vào Phục Sinh, mở ra sự sống và niềm hy vọng cho hết mọi loài.

Tình yêu đáp lại tình yêu. Nhận ra mình là kẻ được Chúa yêu, chúng ta phải biết đáp trả bằng một tình yêu trung tín đối với Chúa và tình yêu chân thành đối với mọi người anh em: Phải biết “yêu như Chúa yêu” và “yêu người như yêu Chúa”.