TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH

TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH


HỌ ĐẠO CÁI QUAO KÍNH CHÚC QUÝ CHA, QUÝ TU SĨ NAM NỮ VÀ ANH CHỊ EM GIÁO DÂN ...MỘT MÙA GIÁNG SINH TRÀN ĐẦY TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA CHÚA!

Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

SUY NIỆM LỄ LÁ


Tại một ngôi nhà thờ nọ ở Tây Ban Nha có một cây thập giá được rất nhiều người tôn sùng. Đó là tượng chịu nạn tha tội: Chúa Giêsu bị đóng đinh tay trái, còn tay phải của Ngài thì thõng xuống.
Truyền thuyết kể lại: Có một người tội lỗi tìm đến với cha xứ. Tuy ông đã xưng thú mọi tội lỗi với lòng sám hối, nhưng cha xứ lưỡng lự không biết có nên tha cho ông hay không, vì thấy ông phạm quá nhiều tội. Sau cùng, cha nghiêm giọng nói:
- Tôi ban bí tích Giải tội cho ông, nhưng trong tương lai ông phải cố gắng sửa mình.
Ông hứa với cha xứ, nhưng vì yếu đuối ông lại sa ngã và một thời gian sau lại tìm đến tòa cáo giải. Lần này thì cha xứ nói với ông bằng một giọng nghiêm khắc:
- Tôi ban bí tích Giải tội cho ông lần này là lần cuối cùng đấy. Ông đã nghe thấy chưa.
Vài tháng trôi qua và ông lại đến quỳ dưới chân cha xứ và năn nỉ:
- Con thực lòng ăn năn, xin cha tha tội cho con một lần nữa.
Cha xứ đáp:
- Đừng đùa giỡn với Chúa. Tôi không ban bí tích Giải tội cho ông nữa đâu.
Khi nói thế, cha bỗng nghe thấy có tiếng nấc nghẹn ngào. Rồi từ trên thập giá, cánh tay phải của Chúa từ từ hạ xuống và ban phép giải tội cho người tín hữu thành tâm sám hối. Và Ngài nói với vị linh mục:
- Chính Ta đổ máu ra để cứu chuộc ông ấy chứ không phải là con.
Và cũng từ ngày đó, cánh tay phải của Chúa thõng xuống trong tư thế ban phép tha tội.
Chính Ta đã đổ máu ra để cứu chuộc con. Lời ấy chính Chúa Giêsu muốn nói với mỗi người chúng ta trong tuần thánh này. Thực vậy, Chúa Giêsu đã tự đồng hóa mình với người tôi tớ đau khổ của Đức Giavê. Thập giá trước mắt người đời là dấu chỉ của tủi nhục và thất bại, là hình phạt được dành cho bọn nô lệ và phản loạn. Thế nhưng, Thiên Chúa đã biến đổi nó thành dấu chỉ của tình thương, của ơn cứu độ và của sự tha thứ. Khi tuyệt đối trung thành với thánh ý Chúa Cha bằng cách chấp nhận thập giá, như lời thánh Phaolô đã viết:
- Đức Kitô đã vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá.
Ngài đã dạy cho chúng ta biết ý nghĩa và giá trị cứu độ của đau khổ. Con đường Đức Kitô đã đi qua là con đường của đau khổ, của thập giá, của khiêm nhu, của thất bại, con đường ấy không đưa chúng ta vào ngõ cụt, nhưng dẫn chúng ta tới vinh quang phục sinh.
Là người môn đệ của Chúa, chúng ta cũng không có một con đường nào khác ngoài con đường thập giá, tức là chấp nhận những khổ đau trong cuộc sống như lời Ngài đã phán:
- Ai muốn theo Ta phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta.
Mỗi khổ đau, mỗi hy sinh chúng ta vui lòng chịu vì lòng yêu mến Chúa sẽ là một góp phần nhỏ bé vào thập giá Đức Kitô để đền bù tội lỗi, cũng như để thu tích công nghiệp cho chính bản thân của mình. Và như thế, đau thương là đường lên ánh sáng, gian khổ là đường về vinh quang và thập giá là đường dẫn tới vinh quang phục sinh.

(Trích trong ‘Manna’)
Suy Niệm
Từ trước tới nay, chưa một lần nào Đức Giêsu tìm cho mình chút vinh quang trần thế. Còn bây giờ, khi cái chết đã gần kề, Ngài chấp nhận sự tán tụng của đám đông, và chính Ngài cũng muốn ngồi trên lưng một con lừa để khiêm tốn tiến vào thành thánh.
Nhiều người trải áo hay chặt cành cây rải trên lối đi. Tiếng hò reo vang dậy. Người ta tung hô Ngài là Đấng Mêsia, là Con vua Đavít.
Quả thật Ngài là Vua Mêsia, nhưng rồi đây người ta sẽ biết cách làm vua của Ngài: qua đau khổ và cái chết ô nhục trên thập giá.
Lễ Lá là một lễ vui, nhưng lại đượm buồn. Ta được nghe bài thương khó trong thánh lễ.
Tuần thánh đã bắt đầu. Đức Giêsu bước vào những ngày cuối đời.
Rước lá đi theo Ngài trong vài giờ là điều dễ. Theo Ngài giữa lúc Ngài được tung hô, chẳng khó gì.
Nhưng tiếp tục theo Ngài và ở lại khi Ngài bị mọi người bỏ rơi, điều đó khó hơn nhiều.
Chúng ta thường cảm thấy mệt khi nghe đọc bài Thương Khó.
Nếu chúng ta dành thì giờ để suy niệm về cuộc khổ nạn, ta sẽ thấy lời nói và thái độ của Đức Giêsu có sức nâng đỡ và biến đổi ta, giúp ta đón nhận mọi gai góc của cuộc sống.
Cần cảm nghiệm những đau noun trên thân xác Chúa, nhưng đừng quên những nỗi đau sâu kín của trái tim Ngài, và nhất là đừng quên nhận ra một Tình Yêu, Tình Yêu vô cùng lớn đối với Cha và nhân loại. Chỉ Tình Yêu mới làm cho khổ đau sinh trái.
Con Thiên Chúa không xa lạ với khổ đau của phận người. Ngài biết thế nào là bị vu khống, bất công, phản bội, thế nào là bị nhục nhã, sợ hãi, cô đơn và giết chết.
Ngài không phân tích mầu nhiệm đau khổ, nhưng Ngài đón lấy đau khổ với rất nhiều tình yêu, và lập tức nó có ý nghĩa.
Bạn có thể thấy mình giống Giuđa, Phêrô hay Philatô.
Chẳng ai vô tội trước cái chết của Con Thiên Chúa.
Hãy đi với Đức Giêsu qua từng chặng đường, từ Vườn Dầu đến tận Núi Sọ.
Đừng theo Chúa như một người lạ quay video cho đám tang, bởi lẽ mọi sự Ngài chịu là vì bạn và cho bạn.
Sau khi đã thấm nhuần cuộc Khổ Nạn, bạn sẽ thấy mình yêu thánh giá của Chúa hơn, mến thánh giá của mình hơn, và kính trọng thánh giá của người khác hơn.

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Ngôn ngữ không lời


Trong mối tương quan đời thường, ngôn ngữ là phương tiện chuyển tải và diễn đạt ý tưởng của con người. Nhờ ngôn ngữ mà những nhịp cầu huynh đệ cảm thông được kết nối để giúp mọi người đến với nhau.

Ngôn ngữ được định nghĩa là “Hệ thống những từ dùng làm phương tiện giao tiếp” (Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam). Theo định nghĩa này, ngôn ngữ trước hết được hiểu là lời nói. Tuy vậy, có những ngôn ngữ không có âm thanh mà vẫn diễn tả được những thực tại  phong phú, xin được gọi đó là “ngôn ngữ không lời”. Trong nhiều trường hợp, ngôn ngữ không lời xem ra lại tạo ấn tượng mạnh mẽ hơn ngôn ngữ mang âm thanh bằng lời. Chúng ta hãy cùng lắng nghe và học hỏi ngôn ngữ đặc biệt này.

1- Ngôn ngữ không lời nói với chúng ta về Thiên Chúa

“Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa
Không trung loan báo việc tay Người làm
Ngày này nhắc nhở cho ngày khác
Đêm này truyền tụng cho đêm kia.
Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh
Mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu
Và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển”  (Tv 19,2-5).

SUY NIỆM CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY

Từ bỏ.

 

Chỉ còn một tuần nữa là đến Tuần thánh. Vì thế, lời Chúa hôm nay hướng chúng ta dần dần tới cái chết đau thương và sự phục sinh vinh quang của Chúa Giêsu. Cụ thể, trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã dùng một hình ảnh: hạt lúa gieo xuống đất để ám chỉ về cái chết của Ngài. Nhưng hạt lúa gieo xuống đất để làm gì và cái chết của Chúa Giêsu có ý nghĩa thế nào?

Một hạt lúa gieo xuống đất là nó chấp nhận chết đi để mưu ích cho con người, nghĩa là nó trở thành một cây lúa xanh tươi, để rồi sau này sẽ nhân thừa lên và sinh ra trăm ngàn ức triệu hạt lúa khác, một cách vô định hay bất tận. Cho nên, Chúa Giêsu không nói ngoa khi tuyên bố: “Nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”. Như vậy, nếu không chấp nhận chết đi, thì hạt lúa sẽ chấm dứt sức sống một cách ích kỷ nơi chính mình. Trái lại, nếu nó chấp nhận từ bỏ sự sống hạt lúa của nó, thì nó sẽ giữ được sự sống ấy bằng cách chuyển sự sống nó sang cây lúa và sang các bông hạt sau này, nghĩa là sự sống từ bỏ kia sẽ không mất đi nhưng nó sẽ tồn tại mãi mãi.

Chúa Giêsu là một hạt lúa đầu tiên như thế. Ngài đã làm chết đi nơi mình những gì “là Chúa” và “của Chúa” để cứu chuộc chúng ta và ban cho chúng ta sự sống đích thực. Ngài đã từ bỏ mọi cách thức ưu đãi, giàu sang, danh vọng và quyền uy để chọn một cuộc sống tầm thường, âm thầm, đạm bạc suốt ba mươi năm trời, không ai để ý tới, không có một ưu đãi nào dành cho con nhà giàu, nhà sang. Rồi khi hoạt động công khai, Ngài cũng chọn một đời hoạt động bấp bênh. Ngài đi theo con đường của một người không có thế lực, không có bất cứ phương tiện nào sẵn sàng. Ngài vào đời với hai bàn tay trắng, không một lời giới thiệu, gửi gắm của người có uy quyền. Và suốt ba năm, Ngài đã trải qua mọi hoàn cảnh, mọi tình huống của một người tay trắng đó: bị công kích, bị khước từ, bị mạ lỵ, bị chụp mũ, bị nếm mùi: “Bụt nhà không thiêng”.

Cuối cùng, cách thế để đi tới chiến thắng vinh quang cũng lại là cách thế đau thương nhất, khốn cực nhất của trần gian. Con người, ai ai cũng vậy, rất sợ đánh đập, rất sợ tòa án, rất sợ và ghê sợ tử hình. Nhưng Chúa đã đi vào, đã gánh chịu, đã đón nhận tất cả để chứng tỏ Ngài hoàn toàn từ bỏ chính mình. Từ bỏ đến cấp độ kinh hoàng nhất. Tất cả chỉ vì Ngài muốn mình phải chết đi như một hạt lúa để trổ sinh vô số bông lúa và hạt lúa khác. Nếu ông Te-tu-li-a-nô đã nói: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống sinh các tín hữu”, thì máu của Chúa Giêsu còn giá trị hơn biết bao nhiêu.

Nói rõ hơn, Chúa Giêsu chấp nhận chết đi, chôn vùi trong lòng đất để trở nên nguyên nhân cứu độ, phát sinh nhiều Kitô khác. Ngài chịu treo lên thập giá là để trở thành nguồn ơn cứu độ cho chúng ta được nhìn lên Ngài và được sống. Ngài có vẻ như thất bại hoàn toàn khi bị treo lên thập giá, nhưng đó lại chính là lúc Ngài ném được thủ lãnh thế gian ra ngoài và trở thành Đấng phán xét cả nhân loại. Thập giá trở thành ngai Chúa ngự để phán xét và ban sự sống. Ngài chết là để đi vào vinh quang của Chúa Cha và trở thành Đấng ban sự sống cho chúng ta.

Hơn nữa, hạt lúa chấp nhận bị nghiền nát để trở thành cơm bánh nuôi sống con người, thì Chúa Giêsu cũng vậy, Ngài chấp nhận bị nghiền nát trong cuộc thụ nạn để trở thành bánh thánh dâng lên Chúa Cha trên bàn thờ thập giá, đồng thời trở nên lương thực nuôi các tín hữu. Tóm lại, Chúa Giêsu đã chết, nhưng không chết luôn mà đã phục sinh để tồn tại mãi và ban sự sống đời đời cho con người.

Là Kitô hữu, chúng ta chỉ có thể lập công phúc, được cứu rỗi, được sống muôn đời và hữu ích cho người khác… Khi biết từ bỏ sự sống tạm bợ, tức là từ bỏ tất cả những gì mà người đời gọi là “sống”. Có người từ bỏ được tiền của, danh vọng nhưng lại không bỏ được ý riêng mình; có người bỏ được ý riêng của người khác chứ không chịu bỏ ý riêng mình; có người từ bỏ nhiều mà không từ bỏ tất cả; có người bỏ được những cái to lớn nhưng lại không bỏ được những cái nhỏ mọn hay những cái cần phải bỏ; có người bỏ được lúc này nhưng lại không bỏ được lúc khác…

Từ bỏ là một nhân đức của anh hùng. Là một nhân đức được thử luyện mỗi ngày cả ngàn lần, nhưng cũng có cả hơn ngàn lý do để chối bỏ. Vì thế, chúng ta cần đặt lại giá trị của hy sinh từ bỏ mà chúng ta đã bỏ quên hoặc coi thường. Chúng ta hãy suy nghĩ xem: hiện giờ chúng ta có thấy mình cần từ bỏ gì không: một thói quen không tốt, một tật xấu, một tội lỗi hay bất cứ thứ gì không đúng với Tin Mừng, không hợp với tinh thần Kitô, không đúng với cung cách một người con của Chúa.


Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012

Thánh Giuse mẫu gương của vâng phục

Lịch sử là một chuỗi những biến cố xảy ra trong quá khứ. Lịch sử cứu độ là sự can thiệp cách khôn ngoan và lạ lùng của Thiên Chúa trong từng biến cố của dòng đời. Thiên Chúa luôn can thiệp vào những thăng trầm của dòng đời để ghi dấu sự hiện diện của Ngài trong lịch sử. Ngài đã can thiệp vào việc thành hình một dân riêng của Ngài qua việc tuyển chọn Abraham. Ngài đã chọn Mô-sê để giải thoát dân khỏi kiếp nô lệ Ai Cập. Ngài đã tuyển chọn các ngôn sứ để dẫn dắt dân Thiên Chúa đi trong đường lối những huấn lệnh của Ngài. Và đến thời sau hết Ngài đã sai Con Một xuống thế làm người và được sinh ra trong một dòng tộc vua Đavit đó là thánh Giuse.

Tháng ba Giáo hội mời gọi chúng ta hướng về thành Giuse là mẫu gương cho đời sống tận hiến của chúng ta. Một mẫu gương tuyệt hảo về sự vâng phục theo thánh ý Chúa.

Theo thánh kinh, Thánh Giuse đã được chọn để làm cha nuôi của Chúa Giê-su và là bạn trăm năm của Đức trinh nữ Maria. Thánh Giuse đã dấn thân một cách quảng đại và không hề so đo tính toán. Ngài đã hành động dứt khoát và mau lẹ. Bởi vì ngài biết rằng: Thiên Chúa đang cần một người cha để bảo vệ sự sống cho một hài nhi. Thiên Chúa đang cần một người bạn trăm năm để bảo vệ danh tiết cho một người phụ nữ. Ngài không thể chần chờ. Vì nếu chần chờ thì tính mạng của một người mẹ, của một thai nhi sẽ gặp nguy hiểm. Ngài không thể so đo tính toán, bởi vì Thiên Chúa là Chúa của ngài, ngài phải hết lòng phụng sự cho chương trình của Thiên Chúa.

Tìm hiểu tội và xưng tội

Mùa Chay là thời thích hợp
để nói về tội và xưng tội.

Sợ tội

Hiện nay ở Việt Nam chính quyền đang tập trung lập lại trật tự giao thông trên đường. Khác với những chiến dịch lửa rơm quen thuộc, lần này xem ra cảnh sát giao thông rất quyết tâm làm đến nơi đến chốn với những biện pháp xử phạt thật gắt gao. Giáo dục ý thức tôn trọng luật pháp với những chiến dịch ra quân rầm rộ hay với những chương trình về an toàn giao thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng và ở nhà trường xem ra ít có hiệu quả, nhưng kể từ khi người lái xe vi phạm luật, dù nặng dù nhẹ, đều bị phạt và thường phạt nặng bằng tiền, bằng giam xe hoặc tịch thu xe và tịch thu bằng lái, thì người ta mới biết sợ và bắt đầu tôn trọng luật lệ giao thông.

Tôi nghĩ tới câu giáo lý đã học thời còn nhỏ về hai cách ăn năn tội: ăn năn tội cách trọn là vì lòng yêu mến Chúa mà lo buồn chê ghét tội lỗi đã phạm tới Người, còn ăn năn tội cách chẳng trọn là lo buồn chê ghét tội vì tội làm cho mình đáng bị hình phạt hoả ngục. Một đàng vì Chúa, một đàng vì mình. Tuy chưa hoàn hảo, nhưng sợ tội, ghét tội vì sợ hình phạt cũng là một điều tốt, có giá trị giáo dục. Cũng như sợ bị phạt mà tuân hành luật giao thông đã là bước đầu có thể đưa tới việc hình thành một ý thức tôn trọng luật lệ vì công ích (mà chính mình cũng được hưởng). Đây mới là mục tiêu phải nhắm tới, còn nếu chỉ vì sợ phạt thì nay mai một khi không còn cảnh sát kiểm tra gắt gao nữa, tình hình vô trật tự lại tái diễn mà thôi !

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

SUY NIỆM CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY



Khi đi ngang qua các tiệm thuốc tây hay nhà thương, chúng ta thấy vẽ hình một con rắn, quấn quanh cây cột. Đó là biểu tượng của ngành y, một nghề cứu nhân độ thế. Biểu tượng này bắt nguồn từ một biến cố xảy ra cho dân Do thái trên đường về miền đất hứa.

Bấy giờ họ phàn nàn kêu trách Chúa và Môsê vì đã không cho họ bánh ăn và nước uống như hồi ở bên Ai Cập. Họ đã quá chán ngán thứ manna này rồi. Và thế là Chúa đã trừng phạt họ bằng cách cho rắn độc bò ra cắn chết nhiều người.

Tuy nhiên, khi họ biết ăn năn hối cải, Ngài đã ra lệnh cho Maisen đúc một con rắn đồng, treo nó lên một cây cột và hễ ai bị rắn độc cắn, chỉ cần nhìn lên rắn đồng là được bảo đảm an toàn tính mạng.

Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã nhìn thấy nơi con rắn đồng một hình ảnh về bản thân mình. Thực vậy, như con rắn ngày xưa, Ngài cũng bị treo lên để những ai nhìn lên Ngài với ánh mắt tin tưởng và sám hối, thì sẽ được tha thứ và được sống đời đời.

Trong Phúc Âm, thánh Gioan đã nói đến ba lần việc Con Người phải được giương cao, ám chỉ cái chết của Ngài trên thập giá, nhưng đồng thời cũng mang ý nghĩa về sự Phục sinh và lên trời của Ngài. Trong cái nhìn của thánh Gioan, thập giá chính là đỉnh cao trong tiến trình trở về với Chúa Cha. Đây là một tiến trình đi lên, trái ngược với tiến trình đi xuống của Ngôi Lời lúc nhập thể:
-           Khi nào các ngươi giương cao Con Người lên, các ngươi sẽ biết rằng Ta là ai… Khi nào Ta được giương cao lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người đến cùng Ta.
Đức Kitô, Đấng đã chịu treo trên thập giá, đã được Phục sinh và lên trời. Chính Ngài không ngừng cuốn hút vũ trụ này về với Ngài, để dâng lại cho Chúa Cha.

Chúng ta đang ở trong Mùa chay, đây là thời gian thích hợp để chúng ta nhìn lên Đức Kitô trên thập giá. Những người bị rắn độc cắn nơi hoang địa đã nhìn lên rắn đồng như biểu tượng của lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa. Họ nhìn lên với thái độ tin tưởng và đã được thoát chết.

Chúa Giêsu không cứu chúng ta khỏi cái chết phần xác, nhưng Ngài còn làm một điều lớn lao hơn nhiều, đó là cho cả hồn lẫn xác của chúng ta được sống đời đời. Chúng ta quen hiểu sự sống đời đời là sự sống vĩnh cửu vào ngày tận thế. Tuy nhiên, theo thánh Gioan thì sự sống đời đời đã được bắt đầu ngay từ bây giờ, ngay từ lúc chúng ta còn sống trên trần gian.

·          Chỉ cần tin vào Đức Kitô là nguồn mạch ơn cứu độ, là quà tặng cao cả nhất của Thiên Chúa, chúng ta sẽ cảm thấy sự sống của Ngài tràn vào cuộc đời chúng ta.
·          Chỉ cần nhìn lên những dấu đinh và trái tim bị đâm thâu qua của Ngài là chúng ta sẽ nhận ra dấu chỉ của một tình yêu và chúng ta được mời gọi để sống một cuộc đời hoàn toàn khác, như thánh Phaolô đã viết: Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là chính Đức Kitô sống trong tôi. Tôi sống cuộc sống hiện tại của tôi trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương tôi và đã nộp mình chịu chết vì tôi.

Hãy nhìn lên thập giá với tâm tình sám hối, để nhờ đó chúng ta được Chúa tha thứ và được chữa lành khỏi nọc độc của tội lỗi.



Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

THÔNG BÁO CỦA VĂN PHÒNG TOÀ GIÁM MỤC

Vĩnh Long, ngày 25 tháng 02 năm 2012
THÔNG BÁO SỐ 2
( V/v Các tài sản của Giáo Phận Vĩnh Long bị trưng dụng)
Kính gởi:   Quý Cha,
                Quý Bề Trên các Dòng Tu,

                Quý Tu Sĩ Nam Nữ
                và Anh Chị Em Giáo dân

                trong các Họ Đạo Giáo Phận Vĩnh Long,
Ngày 15.01.2012, Văn Phòng Tòa Giám Mục Vĩnh Long đã đưa tin về cơ sở Đại Chủng Viện của Giáo Phận Vĩnh Long, tọa lạc tại 75 Nguyễn Huệ, Phường 2, TP Vĩnh Long đã bị chiếm dụng ngày 07.09.1977; nay được biết Tỉnh Vĩnh Long sẽ đầu tư 60 tỉ đồng để biến cơ sở này thành Trung Tâm Hoạt Động Thanh Thiếu Niên.
Tiếp theo thông báo trên, thiết tưởng nên nhắc lại những cơ sở khác của Giáo Phận, tọa lạc tại Thành Phố Vĩnh Long đã bị chiếm dụng trong thập niên 70, nay đã bị thay hình đổi dạng:
1. Nhà Thờ Chính Toà cũ, hiện nay đã biến thành đường Lê Lai, Phường 1 - TP Vĩnh Long,
2. Khu vực Nhà Xứ và Nhà thờ Chính Tòa cũ bị xóa trắng, hiện nay khu vực này là Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin Pharitech, quán cà phê Cây Mai, shop thời trang Nhóc và cửa hàng H.A.T bán băng đĩa VCD - DVD; tất cả đều do tư nhân kinh doanh và có chung địa chỉ: số 1, đường Tô thị Hùynh, Phường 1- Tp Vĩnh Long,
3. Trường Nguyễn Trường Tộ, Trường Thánh Bảo Lộc, Tu Viện Dòng Thánh Phaolô và Cô Nhi Viện do dòng Thánh Phaolô phụ trách bị biến thành Quảng Trường Thành Phố Vĩnh Long,
4. Thánh Giá Học Viện gồm 04 mẫu đất và nhà cửa tại đường Khưu Văn Ba cũ mà nay là đường Phạm Thái Bường, nay là Trường Trung Học Phổ Thông Vĩnh Long, Phường 4 - Tp Vĩnh Long.
5. Nghĩa trang Công Giáo (tên gọi là Đất Thánh Tây) - đường Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 1 - Tp Vĩnh Long, còn hàng ngàn hài cốt thân nhân giáo dân bị vùi lấp dưới đất, nay đã trở thành Công Viên Thành Phố, điểm hẹn hò trai gái vui chơi,
6. 100 căn phố bắt đầu từ vòng xoay phía sau Ngân Hàng và mặt tiền đường Nguyễn Huệ, Phường 2, TP Vĩnh Long kéo dài cho đến cơ sở Đại Chủng Viện,
7. Trung Tâm Nông Thôn Phaolô VI gồm 02 mẫu đất và nhà cửa, nằm cách thành phố Vĩnh Long 3 cây số, chuyên huấn luyện những người trẻ nghề nghiệp và niềm tin tôn giáo sống đạo để phục vụ đồng bào nông thôn, nay trở thành Trường Cao Đẳng Cộng Đồng Vĩnh Long, Phường 8 -Tp Vĩnh Long
8. Trung Tâm Hướng Nghiệp cho các Thiếu Nữ Hoàn Lương, gồm 02 mẫu đất và nhà cửa, hiện nay là Tỉnh Ủy Tỉnh Vĩnh Long,
9. 62000 m2  đất ruộng thuộc xã Tân Ngãi, trong số này chỉ còn một phần đất là Đất Thánh Tân Ngãi,
10. Tu Viện Kitô Vua - Quốc Lộ 1 - Xã Trường An Vĩnh Long (bên cạnh nhà thờ Fatima), hiện nay bị biến thành Chi Cục Dự Trữ Nhà Nước Vĩnh Long thuộc Cục Dự Trữ Nhà Nước Khu Vực Cửu Long..
11. Cơ sở Dòng Chúa Cứu Thế Vĩnh Long, biến thành xí nghiệp Tôm Đông Lạnh - đường Lưu Văn Liệt, Phường 2 - Tp Vĩnh Long.
12. Từ ngày 7 tháng 9 năm 1977, cơ sở quan trọng là Ðại Chủng Viện Vĩnh Long, số 75 đường Nguyễn Huệ - Phường 2, TP Vĩnh Long, gồm 2,1 mẫu đất và nhà cửa, đã bị cưỡng chiếm mà Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Vĩnh Long đã dùng làm Trung Tâm Hoạt Động Thanh Thiếu Niên, làm nơi vui chơi, giải trí (Nhà Nguyện Đại Chủng Viện bị biến thành sân chơi vũ cầu) và trong tương lai muốn phát triển thêm với 60 tỉ đồng Việt Nam.
Các cơ sở trên không phải là tài sản của riêng ai, nhưng là của chung Giáo Phận do sự hy sinh đóng góp của biết bao thế hệ tiền nhân chúng ta - những Kitô hữu, chỉ nhằm mục đích đào tạo những con người phục vụ cho anh em đồng loại của mình, cổ võ cho những giá trị đạo đức nhân văn, cộng tác để xây dựng xã hội lành mạnh.
Từ năm 1998 đến nay, Giáo Phận Vĩnh Long đã nhiều lần gởi đơn kiến nghị, khiếu nại đến Chính Quyền tỉnh Vĩnh Long cũng như Văn Phòng Trung Ương tại Hà Nội, xin Chính Quyền trao lại quyền sử dụng những mãnh đất đã bị trưng dụng từ năm 1975, nhất là cơ sở căn bản được biết đến với danh gọi là Ðại Chủng Viện Vĩnh Long, số 75 đường Nguyễn Huệ - Phường 2, TP Vĩnh Long, nơi đào tạo những Linh Mục tương lai cho Giáo Phận; nhưng Chính Quyền tỉnh Vĩnh Long đã trả lời với những lý do hết sức mơ hồ, hoặc cố tình làm sai lạc thông tin nhằm mục đích không muốn giải quyết.
Trong khi nhu cầu Mục vụ của Giáo phận ngày càng nhiều, để phục vụ cho gần 200.000 tín hữu Công Giáo, hơn 4000 Quới Chức trong các Họ Đạo, hơn 600 Tu Sĩ và 200 Linh Mục, Giáo Phận cần một Trung Tâm Mục Vụ để sinh hoạt, dạy giáo lý cho các thành phần giáo dân, bồi dưỡng về tinh thần cho Tu Sĩ và Linh Mục; Cơ sở Đại Chủng Viện Vĩnh Long là nơi thích hợp cho công việc mục vụ này.
Giáo Phận Vĩnh Long đã chịu nhiều mất mát về tài sản vật chất. Nhưng điều làm cho chúng ta cảm thấy xót xa nhất là nhận thấy: Đất Thánh, nơi an nghỉ của Ông Bà Tổ Tiên,  bị biến thành điểm hẹn hò trai gái ; Dòng Tu, nơi đào tạo đạo đức, bị biến thành chổ giải trí; Nhà Nguyện Đại Chủng Viện, nơi thánh thiêng, bị biến thành sân chơi vũ cầu.
Hiệp thông với nhau trong nỗi niềm chua xót, chúng ta hãy cầu nguyện nhiều cho nhau, cho Giáo Phận.
Thân ái trong Chúa Kitô.
                                                                                                 VP TÒA GIÁM MỤC

Sống Mùa Chay Với Thánh Giuse

Hàng năm, khi Hội Thánh cử hành mùa Chay, thì cũng là dịp Hội Thánh kính nhớ thánh Giuse, một sự trùng khớp mang nhiều ý nghĩa. Bởi đối với tôi, trong khi sống mùa Chay, tôi thường suy niệm gương nhân đức của thánh Giuse, từ đó rút ra những bài học nhân đức cần thiết, giúp mình sống mùa Chay tích cực hơn.
Bởi thánh Giuse là đối tượng suy niệm trong mùa Chay, vì thế, tôi thấy việc sống mùa Chay của tôi cụ thể hơn, nhờ nhìn ngắm gương sống động nơi một con người hoàn toàn là người như tôi, nhưng lại vô cùng hoàn hảo. Với một tấm gương cụ thể và sống động hoàn hảo như thế, sẽ mang lại trong tôi nhiều biến đổi, tạo cho tôi nhiều hiệu quả tích cực là bình an, hăng say dấn thân, chu toàn nhiệm vụ rao giảng trong vui tươi. Nhất là tôi tự thấy mình giống thánh Giuse hơn.
Hội Thánh thường xuyên đề nghị chúng ta tinh thần ăn chay và sống mùa Chay bằng cầu nguyện, sống bác ái. Để sống những hành động mà Hội Thánh dạy, mùa Chay năm nay, tôi tiếp tục suy niệm gương nhân đức của thánh Giuse. Tôi thấy thánh Giuse rất vui lòng đồng hành với tôi. Người thương tôi, cầu ngyện cho tôi, nâng đỡ tôi và sẵn sàng lôi cuốn tôi đi cùng Người hướng về Chúa. Những nhân đức của thánh Giuse mà tôi suy niệm trong mùa Chay năm nay cũng chỉ là những điều mà Hội Thánh tuyên dương nơi thánh Giuse từ ngàn xưa.
Cùng Hội Thánh, tôi nhìn ngắm thánh Giuse nơi đoạn Tin Mừng kể lại việc thánh Giuse nhận lời truyền tin của thiên thần Chúa: "Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: 'Này ông Giuse, là con cháu Đavid, đừng ngại đón Maria, vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ. Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia, Thiên Chúa phán qua miệng ngôn sứ: "Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà..." (Mt 1, 18-25).
1. Thánh Giuse dạy tôi biết cầu nguyện. 
Kinh nghiệm của Hội Thánh từ xưa tới nay cho thấy, những vị thánh có đời sống thần bí, thường được Chúa mạc khải qua thị kiến, đều là những vị thánh sống đời chiêm niệm, gặp gỡ Chúa hết sức thân mật trong sự cầu nguyện.
Chỉ nguyên việc thánh Giuse được truyền tin và nhiều lần khác được báo mộng, cho phép chúng ta khẳng định rằng, thánh nhân có một đời sống cầu nguyện lớn không thể tả. Thánh nhân có thể đối thoại với Chúa, lãnh hội ý Chúa trong sự chiêm ngắm nội tâm sâu lắng của mình.
Đặc biệt, nhiều lần Tin Mừng còn chứng minh thánh Giuse yêu chuộng sự thinh lặng. Trong lúc thiên thần truyền tin, được giải thích cho biết Đức Maria mang thai là do ý muốn của Thiên Chúa và ơn Chúa Thánh Thần, thánh Giuse đã thinh lặng, đón nhận thánh ý của Thiên Chúa. Thánh Giuse tin tưởng, phó thác và xin vâng để Chúa dẫn dắt mình đi vào quỹ đạo tình yêu và chương trình cứu độ của Chúa, Từ nay, Người đón nhận Mẹ Thiên Chúa làm bạn, Chúa Giêsu làm con của mình. Để có được một nội tâm thinh lặng, hoàn toàn không gợn, thậm chí không một chút ảnh hưởng bởi những làn sóng xuôi ngược của cuộc đời, thánh Giuse phải là con người của sự gặp gỡ Thiên Chúa hết sức thường xuyên, thân mật và trưởng thành. Đó chính là đời sống cầu nguyện của thánh Giuse. Bởi chỉ có những ai ham thích cầu nguyện, và không ngừng cầu nguyện, người đó mới có thể thấy, nhận ra thánh ý Chúa toàn vẹn trong sâu kín của tâm hồn mình.
Sống mùa chay, học lấy tinh thần cầu nguyện của thánh Giuse, chúng ta hãy đi vào thinh lặng để khám phá nội tâm của mình. Có như thế, chúng ta mới có thể gặp Chúa, lắng nghe tiếng Chúa nói. Có như thế, chúng ta mới thực sự nhận chân con người của mình: mình đã sống thế nào? Đã làm hay không làm sự lành hoặc sự xấu nào? Mình đã yêu Chúa, yêu anh em đến mức độ nào? Chỉ có thinh lặng nội tâm, cầu nguyện, gặp gỡ Chúa và khám phá chính mình, chúng ta mới mong thực sự sống mùa Chay bằng sự biến đổi chính mình cách hiệu quả nhất, để được trở nên giống Chúa Kitô, nhờ noi gương thánh Giuse.
2. Thánh Giuse dạy tôi sống bác ái.

Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

BÀN TAY CỦA BÉ

Bức ảnh dưới đây bắt đầu được phổ biến từ tháng 11 vừa qua.Bức ảnh nầy đáng lẽ phải được gọi là” Bức ảnh của năm” hoặc còn có thể gọi  “Bức ảnh của thập niên”
Thật ra,  trừ phi các bạn đã có một bản sao của tài liệu được in ra ở Hoa Kỳ, chắc hẵn các bạn chưa được xem.
Dưới đây là ảnh của bé Samuel Alexandre Armas,được 21 tuần,đang được bác sĩ Joseph Bruner giải phẩu…
Chẩn đoán cho thấy cháu bị dị tật bẩm sinh trầm trọng ở cột sống .
Mẹ cháu, Julie Armas, là  y tá  điều dưỡng ở khoa phụ sản tại Atlanta, bà  biết phương pháp giải phẩu  đặc biệt của bác sĩ Bruner ở Trung Tâm Y Khoa  Đại học  Vanderbilt  ở Nashville.
Ông giải phẩu em bé từ tử cung của bà mẹ : ông lấy tử cung của người mẹ ra khỏi bụng, ông rạch một đường nhỏ  để giải phẩu.
Trong khi bác sĩ Bruner giải phẩu… bé Samuel đưa ngón tay nhỏ xíu của  mình  ra từ chỗ đường rạch, ngón tay đã được phát triển toàn vẹn. Ngón tay bé nắm chặt  ngón tay của bác sĩ.
Bác sĩ Bruner kể lại sự kiện nầy như giây phút xúc động nhứt trong đời ông và ông đã  phải trải qua một giây bất động hoàn toàn.
Người nhiếp  ảnh đã chớp lấy  biến cố đáng ngạc nhiên nầy, anh ta  cố gắng chụp một cách rõ nét, sáng rực.
Các nhà báo đã cho tựa đề ”Bàn tay Hy Vọng”. Bài viết  giải nghĩa bức ảnh , bắt đầu bằng:”Bàn tay nhỏ xíu của thai nhi, 21 tuần của Samuel Alexandre Armas ló ra từ tử cung của người mẹ để nắm lấy ngón tay của bác sĩ Joseph Bruner như tỏ ý muốn cám  ơn vị bác sĩ đã tặng mình  sự sống “…
Mẹ của Samuel Alexandre Armas nói bà đã khóc mấy ngày trời sau khi thấy tấm ảnh.
Sau đó bé Samuel sinh ra khỏe mạnh : Cuộc giải phẩu đã thành công 100%.
Và bây giờ mời các bạn xem bức ảnh : Thật không thể tưởng tượng nỗi và thật xúc động!                        

Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

MỘT VÀI HÌNH ẢNH ĐÁNG SUY NGHĨ





NHÀ TẠM ĐÁNH DẤU (X) VÀ BÀN THỜ TRỞ THÀNH SÂN VŨ CẦU!

Ai cũng hiểu đây là cơ sở Đại Chủng Viện của Giáo Phận Vĩnh Long, tọa lạc tại số 75 Nguyễn Huệ, Phường 2, Thành Phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, nhưng đã bị biến thành nơi vui chơi giải trí của thanh thiếu niên. Thật là đau buồn và hoang mang khi biết bao công sức đóng góp của các bậc tiền nhân, các tín hữu trong Giáo Phận đã bị hủy bỏ một cách vô tội vạ.

Đọc và suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật thứ 3 mùa chay ... Tôi càng thấy thấm thía Lời Chúa! Xin mọi người cầu nguyện cho Giáo Phận, cho chúng ta ... Cầu nguyện cho mọi người tôn trọng đúng mức nơi thờ phượng Chúa.

Thật xót xa cho Nhà Chúa!

Người con của Giáo Phận Vĩnh Long

Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012

LỜI CHỦ CHĂN THÁNG 03.2012

TÒA GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 đường 3/2 Vĩnh Long

Vĩnh Long 28.02.2012
V/v Hội Thánh là Đền Thờ Chúa Thánh Thần
Kính gởi:  Các Linh Mục,
Các Tu Sĩ Nam Nữ               
Anh Chị Em Giáo Dân Địa Phận Vĩnh Long
1. "Do việc được tấn phong (sacra ordinatione) và sứ mạng (missione) đã lãnh nhận từ các giám mục, các Linh Mục được đặc cử để phụng sự Chúa Kitô, là Thầy, là Tư Tế và là Vua; các ngài tham dự vào chức vụ của Người: ngày ngày kiến tạo Hội Thánh ở trần gian thành Dân Chúa, Thân Thể Chúa Kitô và Đền Thờ Chúa Thánh Thần" (Vat II, P.O. 1).
Sau khi đã nói về Hội Thánh là Nhiệm Thể Chúa Kitô, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam  nhắc đến  chân lý quan trọng: Hội Thánh là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần (Thư chung số 13).
2. Xã hội hôm nay, với chủ nghĩa thực dụng đang mơn trớn, gây ảnh hưởng, đặt nghi vấn về Hội Thánh. Phải chăng chính Chúa Kitô muốn có một Hội Thánh? Người chỉ muốn Nước Trời hay một cái gì khác, chứ hoàn toàn không phải Hội Thánh.

Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2012

HỌC BỔNG TÚ SAN

Giống như ở Họ Đạo Cái Quao. Một số em học sinh ở Họ Đạo Tú San cũng sẽ nhận được học bổng trong tương lai không xa.

Một số hình ảnh các em




Chúng con phải cố gắng học tốt để khỏi phụ lòng những ân nhân đã giúp mình nhé!

TIN DUNG TIẾT KIỆM TƯƠNG TRỢ


Chiều ngày 01.3. 2012 vừa rồi. Họ Đạo Tú San thành lập Tín Dụng Tiết Kiệm tương trợ (cho giáo dân và anh chị em trong khu vực).
Hy vọng với số vốn bà con nhận hôm nay sẽ sinh lời trong tương lai … để mọi người có điều kiện khá hơn lo cho gia đình cho mình và cho anh chị em!
Cám ơn Quý Dì BAXH đã hổ trợ.
Sau đây là danh sách nhận Tín Dụng Tiết Kiệm Tương Trợ

 
 
DANH SÁCH NGƯỜI THAM GIA TIN DUNG TIẾT KIỆM TƯƠNG TRỢ

STT
HỌ VÀ TÊN
MỤC ĐÍCH
NGÀY NHẬN TIỀN
SỐ TIỀN
1
Phạm Văn Linh
nuôi heo
01-03-12
6.000.000d
2
Nguyễn Thị Thao
nuôi heo
01-03-12
6.000.000d
3
Phạm Văn Bình
nuôi heo
01-03-12
6.000.000d
4
Phạm Văn Cách
nuôi heo
01-03-12
6.000.000d
5
Nguyễn Văn Đệt
nuôi heo
01-03-12
6.000.000d
6
Võ Minh Thực
nuôi heo
01-03-12
6.000.000d
7
Trần Thị Nành
nuôi heo
01-03-12
6.000.000d
8
Phan Văn Bé
nuôi heo
01-03-12
6.000.000d
9
Phạm Thị Nết
nuôi heo
01-03-12
6.000.000d
10
Phan Thái Hoàng
nuôi heo
01-03-12
6.000.000d
11
Phạm Thị Nghĩa
nuôi heo
01-03-12
6.000.000d
12
Lê Thị Kim Em
nuôi heo
01-03-12
6.000.000d
13
Phan Văn Sang
nuôi heo
01-03-12
6.000.000d
14
Ngô Văn Xuân
nuôi heo
01-03-12
6.000.000d
15
Lê Thị Nhanh
nuôi heo
01-03-12
6.000.000d
16
Nguyễn Văn Chiến
nuôi heo
01-03-12
6.000.000d
17
Nguyễn Thị Thúy
nuôi heo
01-03-12
6.000.000d
18
Võ Minh Thiện
nuôi heo
01-03-12
6.000.000d
19
Nguyễn Thị Em
nuôi heo
01-03-12
6.000.000d
20
Lê Thị Nhíp
nuôi heo
01-03-12
6.000.000d








                        Người phụ trách
                                 Nt Anê Võ Thị Trọn  
Ban điều hành quản lý nhóm     
Nguyễn Văn Đệt  : trưởng nhóm                          
Lên Thị Kim Em : thư ký
Phan Thái Hoàng: thủ quỹ

MỘT SỐ HÌNH ẢNH